Được giao hơn 300 biên chế giáo viên, Cao Bằng gặp khó vì thiếu nguồn tuyển
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, tuyển bổ sung giáo viên… vẫn là bài toán khó với ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng.
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thì Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) và Tin học là môn bắt buộc được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022-2023.
Thiếu giáo viên, địa phương tính cách “dồn” các lớp học
Ông Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, nhiều điểm trường trên địa bàn huyện rất khó khăn trong việc tuyển giáo viên hai bộ môn tiếng Anh và Tin học. Để thực hiện yêu cầu 100% học sinh từ lớp 3 học môn tiếng Anh, phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương “dồn” toàn bộ học sinh các lớp 3, 4, 5 về những điểm trường chính để học tập.
“Do địa bàn là huyện miền núi, nhiều khó khăn trong đi lại, việc này chúng tôi sẽ nỗ lực vận động, tuyên truyền đến các trường, phụ huynh và học sinh để nhận được sự đồng thuận, từ đó mới có thể thực hiện trôi chảy được. Đương nhiên vẫn có một vài trường chưa thể làm được việc này vì điều kiện quá khó khăn, khoảng cách giữa các điểm trường quá xa, có khi phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ, nếu “dồn” như vậy sẽ làm khó các em học sinh.
Trường hợp dùng biện pháp thay thế là để các thầy, cô xuống những điểm trường lẻ để dạy cũng không ổn vì số lượng giáo viên bộ môn vốn đã quá ít.
Với môn Tin học, phương án “dồn” hết các em vào một lớp có thể thực hiện được, dạy được vì đặc thù môn chủ yếu là sử dụng kỹ năng thực hành.
Nhưng tiếng Anh thì khác, nếu “dồn” lớp như môn Tin học thì một buổi, có khi các em phải học liên tục 4, 5 tiết, phải ghi nhớ tới hàng chục từ mới, cấu trúc ngữ pháp một ngày thì không thể hiệu quả được”, ông Hưng băn khoăn khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thiếu giáo viên bộ môn, các trường học của tỉnh Cao Bằng phải “dồn” học sinh từ nhiều lớp để đảm bảo dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC
Việc sắp xếp thời lượng các tiết học cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, để có thể dạy theo tiết như các tỉnh miền xuôi là không khả khi. Các thầy, cô sẽ vất vả hơn trước: phải di chuyển đến các điểm trường khá xa, chưa được hỗ trợ kinh phí đi lại.
Thêm nữa, thực tế ở địa bàn huyện Hà Quảng, giáo viên chuyên ngành Tin học hoàn toàn không có. Sắp tới, để đáp ứng yêu cầu dạy môn này tại tất cả các điểm trường, phòng đã lập một danh sách trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo, cử ra 24 giáo viên tiểu học chuyên ngành môn cơ bản đi tập huấn (khoảng 2-3 tháng) chứng chỉ Tin học.
Về vấn đề cơ sở vật chất, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng cũng cho biết, để phù hợp với điều kiện thực tế, huyện đang tính đến phương án mua máy tính xách tay, thuận tiện hơn trong di chuyển, lưu động thiết bị đến các điểm trường. Dự kiến tới đây, huyện sẽ mua loại máy tính này, song chắc chắn số lượng rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu “mỗi em một máy”.
Video đang HOT
“Trên địa bàn huyện, số trường có phòng Tin học rất ít. Nếu có sắm máy tính bàn thì hiện tại cũng không có phòng để lắp đặt. Thêm nữa, hiện nay chúng tôi thực hiện việc “dồn” nhiều lớp với nhau như vậy, trường có phòng máy đi chăng nữa cũng không thể đáp ứng được yêu cầu mỗi em một máy. Để các em có thể được tiếp cận với môn này, chúng tôi đành tạm khắc phục như vậy thôi.
Các điều kiện cơ sở vật chất khác cũng rất khó khăn. Đơn cử như phòng học tiếng Anh, triển khai xây dựng thêm sẽ khó vì cơ bản các trường đều là dãy nhà cấp 4, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều điểm trường không có sân chơi, bãi tập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới cũng rất hạn hẹp”, ông Hưng nói.
Thiếu giáo viên nhưng tuyển bổ sung lại không dễ dàng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Văn Dương – Giám đốc cho hay, trừ các trường học ở thành phố Cao Bằng thì hầu hết các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều nằm trong tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các thầy, cô giảng dạy môn Tin học và tiếng Anh
Ông Vũ Văn Dương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.
Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn đến các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển 27.850 biên chế giáo viên cho năm học mới, trong đó ưu tiên giáo viên các môn học mới. Riêng tỉnh Cao Bằng được giao hơn 300 biên chế giáo viên.
Ông Dương thông tin, Sở cũng đã có chủ trương cử giáo viên đi tập huấn theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Không chỉ do cấp tiểu học, trung học phổ thông xuất hiện những môn mới, mà trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay số lượng giáo viên vẫn thiếu ở nhiều nơi.
Chúng tôi cùng các trường sẽ sớm có những giải pháp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức những lớp tập huấn để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các thầy, cô. Nhưng đây là việc mới bắt tay vào thực hiện, cần phải sau 1 năm, chúng tôi mới có thể đưa ra những giải pháp pháp, kiến nghị để cải thiện một cách triệt để hơn”, ông Dương cho hay
Điều đáng nói là ở chỗ, địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình giáo dục phổ thông mới, được giao bổ sung biên chế, nhưng việc tuyển bổ sung lại gặp khó.
Theo vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, việc bổ sung hơn 300 biên chế giáo viên không dễ vì tỉnh đang thiếu nguồn tuyển.
Nghịch lý biên chế giáo viên theo định mức, học sinh lớp 10 tự do chọn tổ hợp
Những học sinh chuẩn bị vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022- 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đến lớp 12 vào năm học 2024-2025.
Điều đặc biệt là nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương), cùng với hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Vậy, những học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022 - 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Chúng tôi cho rằng không trường nào dám cho học sinh tự lựa chọn bởi nếu làm như vậy thì trường lấy đâu ra nhân lực để dạy những môn mà học sinh chọn nhiều và những môn mà học sinh chọn ít thì giáo viên sẽ bố trí làm việc gì khi dạy thiếu định mức quy định?
Nhiều trường trung học phổ thông đã định hướng cụ thể nhóm tổ hợp(Ảnh: Lê Văn Minh)
Trên giao theo định mức giáo viên cho nhà trường thì trường làm sao dám cho học sinh lựa chọn tự do
Tại khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp trung học phổ thông được hướng dẫn như sau:
Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp. Như vậy, định mức giáo viên phổ thông/lớp đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Và, thực tế thì trong những năm qua, các địa phương đã giao biên chế cho các nhà trường rất chặt chẽ theo số lượng lớp học nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở cấp trung học phổ thông ít xảy ra hơn các cấp học còn lại.
Không chỉ giao định mức biên chế giáo viên và các trường cũng được khoán kinh phí từng năm nên các hiệu trưởng nhà trường phải cân đối nhân sự phù hợp để hạn chế phát sinh về kinh phí phải chi trả.
Chính vì thế, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mà nếu phải tuyển thêm thì các địa phương, các trường cũng chỉ có thể tuyển giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật là những môn học hoàn toàn mới.
Các môn học còn lại phải tận dụng nguồn lực hiện có để sắp xếp, bố trí cho phù hợp với thực tế. Việc tuyển mới có lẽ chỉ khi trong trường có giáo viên về hưu hoặc nghỉ việc.
Vậy nên, những ý kiến của dư luận trong thời gian gần đây lo lắng khi thực hiện chương trình mới ở lớp 10 tới đây ở cấp trung học phổ thông sẽ có hiện tượng một số môn học sẽ có nhiều học sinh lựa chọn trong nhóm tổ hợp và ở chiều ngược lại thì sẽ có những môn học có ít học sinh lựa chọn.
Từ đó, sẽ có những môn học giáo viên sẽ "thất nghiệp" và cũng sẽ có môn giáo viên sẽ phải dạy thừa theo định mức hiện hành là 17 tiết/ tuần. Song, có lẽ chuyện này sẽ rất khó xảy ra và các trường học sẽ điều tiết theo tình hình thực tế.
Cũng chính vì vậy, ngay thời điểm này thì nhiều trường trung học phổ thông đã gửi kế hoạch tuyển sinh 10 đến các trường trung học cơ sở và họ đã định hướng nhóm tổ hợp cho từng lớp cụ thể để phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Nhìn chung, các trường có sự sắp xếp, bố trí tương đối đồng đều các lớp ở các nhóm tổ hợp để phù hợp với nhân lực hiện có của đơn vị nhằm không phát sinh thừa giờ và đảm bảo định mức giảng dạy cho giáo viên.
Vì thế, theo quan điểm người viết, những nhóm tổ hợp đông học sinh lựa chọn có thể phải tổ chức thi để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho học sinh và tất nhiên là không phải học sinh nào lựa chọn môn mình thích trong tổ hợp là đều được học các môn học đó.
Nhiều trường chưa đưa môn Âm nhạc, Mĩ thuật vào tổ hợp
Tham khảo nhiều kế hoạch tuyển sinh của các trường trung học phổ thông gửi cho các trường trung học cơ sở, chúng tôi thấy đa phần chưa đưa môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật vào tổ hợp cho lớp 10 trong năm học tới đây.
Có lẽ, tình hình chung hiện nay là các địa phương chưa tuyển được giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật cho năm học tới nên họ đã chủ động không đưa 2 môn học này vào nhóm các tổ hợp theo định hướng, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu, trong năm học tới đây không có môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong nhóm tổ hợp thì có lẽ cả cấp trung học phổ thông lứa học sinh này sẽ không được học 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong Nội dung giáo dục địa phương.
Và, những em có ý định lựa chọn các môn học này cho định hướng nghề nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn, gần như là không thể lựa chọn được sau khi đã lên đến lớp 11 và 12.
Một bài toán khó đã đặt ra cho các địa phương mà đặc biệt là các trường trung học phổ thông khi thực hiện chương trình mới bởi năm học mới sẽ được bắt đầu sau 4 tháng nữa và kế hoạch tuyển sinh, xếp lớp tổ hợp thì các trường phải xây dựng ngay từ lúc này.
Chương trình có, môn học có, học sinh yêu thích và muốn lựa chọn các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật cho định hướng nghề nghiệp tương lai của mình có thể không nhiều nhưng chắc chắn sẽ có nhiều em chọn...
Nhưng, cái khó bây giờ đối với các nhà trường là chưa tuyển được giáo viên và tất nhiên là tuyển giáo viên phải gắn liền với định mức biên chế mà Bộ đã hướng dẫn. Làm sao các trường dám tuyển dụng khi những năm qua nhà trường đã đủ định mức biên chế hoặc có thể đã thừa biên chế?
Bài toán về nhân lực, bài toán về tổ hợp ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra cho các nhà trường nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại và có thể phải nhiều năm nữa mới khắc phục được.
Việc lựa chọn tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn của học sinh cũng là một câu chuyện rất dài, không phải cứ thích môn nào là học sinh chọn và học môn đó. Bởi, nếu như vậy thì những môn có thế mạnh lâu nay nhà trường lấy đâu ra giáo viên để giảng dạy.
Vì thế, học sinh có thể lựa chọn môn nhưng phải lựa chọn theo tổ hợp định sẵn của nhà trường và có thể học sinh phải thi - nếu như tổ hợp đó có số lượng học sinh lựa chọn quá sĩ số quy định của nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bổ sung gần 66.000 biên chế GV là tin vui với ngành giáo dục các địa phương Việc được bổ sung biên chế là tin vui đối với ngành giáo dục, đặc biệt khi Chương trình GDPT 2018 triển khai ở lớp 3, 7, 10 trong năm học tới. Mới đây, theo Quyết định số 72-QĐ/TW,, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Để triển khai thực hiện tuyển...