Đừng vì đậu đại học mà bỏ quên đam mê!
Thí sinh nên cân nhắc kỹ mong muốn của bản thân, đừng vì “vé” đậu ĐH mà chấp nhận học những ngành mình không đam mê để rồi khi vào học lại bỏ ngang, hay khi ra trường không hứng thú với công việc
Trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” – năm 2020, chiều 6-10, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh với chủ đề “Làm gì sau khi biết điểm chuẩn?”. Các chuyên gia cùng nhìn lại mức điểm chuẩn mà các trường ĐH vừa công bố, tư vấn thủ tục đăng ký nguyện vọng (NV) bổ sung, thủ tục nhập học và chia sẻ với các thí sinh về con đường tới thành công mà không nhất thiết phải học ĐH…
Điểm chuẩn tăng cao: Không bất ngờ!
Từ chiều 4 và 5-10, các trường ĐH, học viện công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Bức tranh điểm chuẩn năm nay tăng “ nóng” ở khối ngành kinh tế, y dược, công nghệ thông tin. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng điểm chuẩn năm nay đã được dự báo sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm các môn, phổ điểm các tổ hợp môn.
ThS Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng Phòng Truyền thông – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết điểm chuẩn khối ngành sức khỏe luôn cao, ở những trường tốp đầu, điểm chuẩn càng cao nên không có gì bất ngờ về điểm chuẩn năm nay.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, có 5 lý do cơ bản khiến điểm chuẩn nhiều trường, ngành tăng. Đó là do đề thi không quá khó; những ngành “hot” được nhiều thí sinh đăng ký; chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp của các trường tốp 1 cao nên chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều; những thí sinh có điểm ưu tiên đối tượng, khu vực cũng ảnh hưởng đến điểm chuẩn; những ngành mũi nhọn, đào tạo tiên phong, đầu tư mạnh nhưng chỉ tiêu ít và thậm chí miễn phí học phí nên rất thu hút thí sinh.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên – ĐHQG TP HCM, nhận định năm nay là 1 năm rất đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình THPT được giảm tải và mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp nên độ khó của đề thi không bằng năm trước.
Video đang HOT
Theo TS Trương Tiến Sĩ, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, điểm chuẩn năm nay nằm trong dự báo chung của các chuyên gia trước khi thí sinh tiến hành thay đổi NV nhưng nhiều thí sinh có điểm thi cao vẫn rớt vì có phần chủ quan, đổ dồn NV vào ngành “hot”, trường “hot” mà không đánh giá được mức điểm chuẩn có thể xảy ra. Các em thường tính theo kiểu lấy điểm chuẩn năm 2019 cộng thêm 1 đến 2 điểm rồi đặt NV. Cách này không sai vì bộ không giới hạn số lượng NV nhưng các thí sinh lẽ ra cần thêm những NV mang tính dự phòng để bảo đảm đậu.
Các chuyên gia trao đổi trong buổi tư vấn chiều 6-10 tại hội trường Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH
Cơ hội nào trong đợt xét tuyển bổ sung?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết xét tuyển đợt 1 có 161 trường tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh), có 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50%. Điều này đồng nghĩa việc thí sinh không còn nhiều sự lựa chọn xét tuyển như đợt 1.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thí sinh vẫn có cơ hội ở những trường xét tuyển bổ sung. ThS Nguyễn Bá Anh thông tin những trường ĐH xét tuyển bổ sung thường không nhiều, ngành “hot” cũng không còn nhưng quan trọng là các em chọn ngành phù hợp với bản thân. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sau khi có kết quả nhập học sẽ công bố thông tin có tuyển bổ sung hay không. Ngay từ bây giờ, các em có thể đến trường để tìm hiểu, để được tư vấn xét tuyển. Tất cả nhóm ngành của trường đều có xét tuyển bằng học bạ.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, TS Trần Đình Lý cho biết cơ hội xét tuyển bổ sung chỉ còn ở nhóm ngành lâm nghiệp. Nhưng nếu thí sinh không đậu ở cơ sở chính vẫn còn cơ hội học ở cơ sở phân hiệu của trường tại Gia Lai, Ninh Thuận vì nơi đây còn tuyển bổ sung nhiều ngành.
Lưu ý đối với thí sinh trúng tuyển
TS Lê Thị Thanh Mai khuyến cáo các thí sinh nếu trúng tuyển nên làm thủ tục nhập học đúng thời gian quy định, sau 17 giờ ngày 10-10, nếu thí sinh không đến làm thủ tục nhập học thì xem như không tham gia học. Ngoài ra, các trường ĐH sẽ được quyền chủ động tuyển sinh bổ sung, công bố kết quả vào ngày 15-10, thí sinh vẫn còn cơ hội đậu ĐH nhưng không còn nhiều trường để lựa chọn.
“Các thí sinh nên cân nhắc kỹ mong muốn của bản thân, đừng vì vé đậu ĐH mà chấp nhận học những ngành mình không đam mê để rồi khi vào học lại bỏ ngang, hay khi ra trường không hứng thú với công việc mình lựa chọn. Quan trọng nhất vẫn là đam mê và sở thích của bản thân với ngành nghề nào” – TS Thanh Mai nhấn mạnh.
Thời Covid có nên chọn ngành khách sạn - nhà hàng?
Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến ngành du lịch, quản trị khách sạn. Đặc biệt, các thí sinh quan tâm đến tương lai ngành này khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Một thí sinh băn khoăn: Bản thân em rất thích ngành khách sạn, thích ngay từ lúc nhỏ, mỗi lần đi chơi cứ dòm ngó khách sạn mãi thôi. Nhưng đến khi gia đình hỏi về dự định tương lai cũng như chọn ngành ĐH, em chọn quản trị khách sạn thì lại ngăn cản. Ban đầu, một vài người cản thì em còn vững tâm nhưng sau đó hầu như ai cũng không ủng hộ, chỉ trừ bạn bè.
Em thì chưa trải nghiệm, chỉ có yêu thích chứ cũng chưa hiểu hết về ngành này. Biết dịch Covid-19 vừa rồi khiến ngành này bị thiệt hại rất nhiều nhưng em nghĩ đến khi mình ra trường đã là 4 năm sau thì lúc đó ngành đã phục hồi chưa?
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng thí sinh nên lưu ý khác nhau giữa "hiện tượng" và "bản chất", "ngắn hạn" và "dài hạn".
TS Trần Đình Lý tư vấn cho thí sinh. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước hết, thí sinh nên trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân phù hợp với nhóm nghề nghiệp nào? Rất có thể sự đam mê phản ánh về năng lực thực sự của em. Tuy nhiên, em cần cân nhắc việc mình "thích" nhưng liệu có "hợp" hay không nữa?
Em rà soát lại những tố chất, đặc điểm của mình có những "điểm nổi trội" này không? Tự tin với kỹ năng mềm, thích gặp gỡ, giao thiệp với người khác? Sự tinh ý và tư duy nhanh nhạy, tâm lý trước những cảm xúc, nhu cầu của người khác là tố chất vô cùng quan trọng, giúp em thành công trong ngành dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Chưa nói đến "chất lượng phục vụ" của một người chuyên nghiệp khác với người "tay ngang". Một nhân sự chuyên nghiệp trong ngành "công nghiệp không khói" có thể nhìn thấy trước qua việc quan sát và đáp ứng kịp thời điều khách hàng mong muốn. Nếu em là một người phản ứng chậm, suy nghĩ cứng nhắc, thiếu linh hoạt và ít sự tinh tế thì rất khó tồn tại, chưa nói đến thành công, thành danh... Ngoài ra, em còn phải biết cách kiểm soát cảm xúc, sử dụng ngôn ngữ và ngôn ngữ cơ thể phù hợp với ngữ cảnh để đáp ứng nhu cầu khách hàng với tất cả sự chân thành, thân thiện.
Thí sinh cũng cần lưu ý, ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn rất đề cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích chung, lợi ích của doanh nghiệp lên trên. Dịch Covid-19 chỉ là tạm thời, năng lực sở trường của thí sinh và nhu cầu thị trường lao động mới lâu dài.
Điểm thi THPT không tốt, vẫn còn cơ hội vào đại học Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc. Lúc này, tâm trạng mỗi thí sinh mỗi khác. Người vui vì làm bài tốt. Người buồn vì dự đoán kết quả không được như ý. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn 5 sao - H.T Vậy nếu làm bài chưa tốt thì phải làm sao bây giờ?...