Đừng trốn tránh
Cần nhìn nhận, sai phạm của Trường ĐH Đông Đô phải được xem là dịp tốt để Bộ GD-ĐT chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước.
Văn phòng Trường ĐH Đông Đô – Ảnh: Vũ Phương
Sau khi dàn lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị bắt, bị truy nã, vụ việc vỡ lở thì dư luận mới biết hóa ra trường này chưa được phép đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh, trong khi theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT thì trường nào muốn đào tạo bằng ĐH thứ hai phải được phép của Bộ hoặc của các ĐH quốc gia và ĐH vùng (đối với các thành viên hoặc khoa trực thuộc của ĐH quốc gia và ĐH vùng).
Hằng năm, trường phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh cho Bộ GD-ĐT; và sau khi kết thúc mỗi khóa học, trường cũng phải gửi báo cáo danh sách SV được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT và bộ chủ quản để theo dõi. Nhưng điều đáng nói là sai phạm của Trường ĐH Đông Đô diễn ra công khai nhiều năm nhưng đến giờ Bộ GD-ĐT nói “không biết”, rồi viện dẫn các quy định về tự chủ để khẳng định rằng trường phải tự chịu trách nhiệm liệu có thuyết phục?
Khi PV Báo Thanh Niên liên hệ với những người có trách nhiệm liên quan của Bộ GD-ĐT thì đều được đề nghị gửi trước câu hỏi và gửi cho… Trung tâm truyền thông của bộ (mặc dù trước đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cử một thứ trưởng làm người phát ngôn; đồng thời cho phép lãnh đạo các cục, vụ được trực tiếp trao đổi thông tin với báo chí). Gần 2 tuần sau Trung tâm truyền thông của Bộ GD-ĐT mới gửi lại đồng loạt cho các báo một văn bản với các nội dung… chủ yếu viện dẫn các quy định. Sau văn bản trả lời này, Báo Thanh Niên cũng như nhiều báo đã đăng bài trong đó đưa ra nhiều chứng cứ rằng, Bộ GD-ĐT không biết việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo và cấp văn bằng 2 là vô lý… Sau đó, người đứng đầu Bộ GD-ĐT đăng đàn nói “sai đến đâu xử lý đến đó” và “đây là các dịp tốt để chấn chỉnh đào tạo tại các trường”.
Cần nhìn nhận, sai phạm của Trường ĐH Đông Đô phải được xem là dịp tốt để Bộ GD-ĐT chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước; đừng để tình trạng có chế độ “báo cáo” nghiêm ngặt, nhưng khi đụng chuyện lại trả lời… “không biết”.
Theo Thanh niên
Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị: Hé lộ số tiền khủng thu lợi từ học viên
Trung bình, học phí cho khoá đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại đại học Đông Đô là 30 triệu đồng.
Nhưng qua tay các "môi giới" là chính nhân viên trong trường, số tiền các học viên phải nộp lớn hơn nhiều, tuỳ thuộc vào mức độ quan hệ, quen biết.
Theo nguồn tin của báo Người Đưa Tin, từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019, trường Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh cho các học viên mà không cần qua thi cử, học tập.
Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT là người chỉ đạo các đầu mối. Các "mắt xích" khác trong đường dây này là: Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang - Phó viện trưởng Đào tạo, Phó trưởng phòng đào tạo và quản lí sinh viên; Trần Kim Oanh - Viện Viện Phó viện Đào tạo liên tục; Lê Văn Hà - Viện Trưởng viện 4.0; Phạm Vân Thùy - Viện 4.0; Lê Thị Lương - Viện 4.0...
Bị can Trần Ngọc Quang đã nhận và giúp 11 cá nhân (5 trường hợp tại học viện Ngân hàng, 3 trường hợp tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 trường hợp ở các đơn vị khác) có nhu cầu lấy văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh không qua tuyển sinh thi cử.
Số tiền mà Quang đã thu là 40 triệu đồng/người. Sau đó, ông Quang nộp về trường 30 triệu đồng/người và thu lợi 10 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền ông Quang thu lợi của cá nhân là 110 triệu đồng.
Chủ tịch đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng và Hiệu trưởng Dương Văn Hoà bị khởi tố về tội Giả mạo trong công tác.
Sau khi nhận hồ sơ và tiền của các học viên, ông Quang thông báo cho những người này đến cơ sở trường đại học Đông Đô lại số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) để làm bài. Bị can Trần Ngọc Quang đã đưa các cá nhân trên vào phòng thi để tổ chức cho chép bài thi. Chỉ trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày, các học viên đã được cấp bằng.
Bị can Lê Thị Lương, cán bộ Viện 4.0 đã giúp Cao T. N. H. (một giảng viên tại Hà Nội) được cấp văn bằng 2 tiếng Anh với chi phí 37 triệu đồng.
Bà này đã nộp 30 triệu đồng cho trường và giữ lại 7 triệu đồng. Tháng 1/2019, bà Lương hẹn Cao T. N. H. đến trường và phát giấy, đề cương, đáp án cho H. chép hợp thức hơn 20 bài thi. Ngày 5/3 H. được Lương thông báo đã có bằng và đến nhận bằng.
Được biết, trong đường dây này, bà Lương được giao nhiệm vụ quản lí hệ thống bài giảng giáo trình đề cương online, đẩy bài lên hệ thống coi thi theo lịch phân công.
Ngoài ra, bà Lương từ khi về đại học Đông Đô công tác từ tháng 10/2018 đến nay đã cùng thi thoảng được giao nhiệm đi trông thi.
Bị can Phạm Vân Thùy - cán bộ viện Đào tạo liên tục trong thời gian công tác có nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ hồ sơ của các học viên tham gia học văn bằng tiếng anh, học liên thông một số ngành như xây dựng, quản trị.
Cá nhân Thùy đã giúp 3 cá nhân Nguyễn H. P., Nguyễn A. Q., Nguyễn T. T., (Đều công tác tại 1 đơn vị tại hà Nội). Thùy đã nhận tiền (chưa xác định số tiền) của 3 người này nhằm mục đích giúp có bằng không cần thi tuyển. Thùy hợp thức bằng việc cho những người này chép hơn 20 bài thi các môn trong thời gian 3 ngày.
Theo thông tin nắm được, tổng số lượng tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 tiếng anh sai quy định của đại học Đông Đa khoảng 2000 thí sinh; trong đó có khoảng 400 học viên không tuyển sinh đào tạo đúng quy định nhưng vẫn được cấp bằng.
Theo nguoiduatin
Đào tạo văn bằng 2: Cần trách nhiệm thật, bằng thật Đào tạo văn bằng 2 được xem là hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với những người đã và đang đi làm mong muốn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Sai phạm của Trường ĐH Đông Đô là trường hợp cá biệt, không nên vì thế mà dừng loại hình đào tạo ưu việt này. Vấn đề là cần nâng cao...