Dùng tổ hợp lạ để xét tuyển, đại học sẽ phải giải trình
Trường dùng tổ hợp môn bất thường để xét tuyển sẽ phải giải trình về tính liên quan, hợp lý và cần thiết đối với ngành đào tạo.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Ngọc Thành
Ngày 23/3, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng đã trả lời về việc một số trường đại học sử dung tổ hợp khối C để xét tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế; khối A vào ngành Văn học.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Quy chế cũng cho phép trường được dùng kết quả 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài Toán, Ngữ văn để xét tuyển; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét cho một ngành.
Như vậy, về luật, các trường không sai phạm khi sử dụng tổ hợp khối C để tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế; khối A vào Văn học. Tuy nhiên, “quy chế tuyển sinh quy định, các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Thông thường, ít nhất một hoặc hai môn thi trong đó được coi là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình. Nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào”, bà Phụng nói.
Video đang HOT
Vụ trưởng Giáo dục Đại học nhấn mạnh, với những tổ hợp tuyển sinh quá bất thường, Bộ sẽ yêu cầu trường đại học giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, những trường có dấu hiệu tuyển sinh bằng cách “vơ bèo vạt tép” sẽ bị kiểm tra, thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp… “Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo. Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung” Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Việc dùng tổ hợp môn thi không liên quan để tuyển sinh, theo bà Phụng, các trường đại học sẽ bị “mất nhiều hơn được”. Chưa nói đến việc bị xử lý của Bộ nếu vi phạm, trước hết trường sẽ bị xã hội đánh giá thấp và nghi ngờ chính sách, chất lượng đào tạo. Các thí sinh tốt cũng không chọn vào học trường khi có sự hồ nghi, dẫn đến đại học đó chỉ chọn được thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp. Những điều này khiến uy tín và chất lượng đào tạo của trường đại học bị giảm sút, người sử dụng lao động cũng không muốn nhận sinh viên của trường. Tiếp tục quá trình này, dần dần trường sẽ bị đào thải.
Năm 2018, các đại học được trao quyền tự chủ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ các ngành đào tạo giáo viên). Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phung cho biết, sẽ yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng. Trường cũng phải nhập lên cơ sở dữ liệu thi tuyển sinh để quản lý.
Điều này giúp công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và trường phải giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình. “Tôi vẫn tin đa số các trường sẽ không đánh mất mình chỉ vì muốn nhận số thí sinh có điểm thi quá thấp”, bà Phụng nói.
Theo VNE
Đại học tốp trên xét tuyển nhiều yếu tố
Nhiều trường ĐH tốp trên đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó nhiều trường không chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển
Thí sinh thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH năm 2017 Ảnh: Tấn Thạnh
Năm 2018, ĐHQG Hà Nội tuyển sinh trên 8.500 thí sinh theo học 104 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng bậc ĐH thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội, kinh tế, quản trị kinh doanh, giáo dục, luật học, y - dược.
Dựa trên kết quả kỳ thi SAT
Năm nay, trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia; kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do ĐHQG Hà Nội tổ chức; chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A-Level và cuối cùng là kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ). Đây cũng là năm đầu tiên ĐHQG Hà Nội xét tuyển đối tượng sử dụng kết quả SAT đăng ký vào ĐHQG Hà Nội.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, năm 2018, ĐHQG Hà Nội tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới. Các chương trình đào tạo mới tuyển sinh năm 2018 gồm công nghệ kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật robot, công nghệ hàng không vũ trụ, khoa học thông tin không gian, sư phạm tiếng Đức, quản trị trường học... Bên cạnh đó, nhiều chương trình đào tạo truyền thống cũng được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao. Hầu hết các chương trình đào tạo đều có sử dụng tổ hợp xét tuyển bài thi ngoại ngữ nhằm bảo đảm năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh theo học tốt các chương trình đào tạo đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Theo kết quả thi THPT quốc gia và kết hợp
Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh theo 2 phương thức, bao gồm xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 và xét tuyển kết hợp. Theo đó, phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi so với phương thức xét tuyển của năm 2017.
Năm 2018, các tổ hợp xét tuyển không thay đổi so với năm 2017, dự kiến chênh lệch tổ hợp điểm giữa A00 và các tổ hợp khác là 0,5 điểm/30 điểm (năm 2017 chênh lệch là 1 điểm/30 điểm). Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 là 3.070; trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2.240, tại cơ sở 2 - TP HCM là 980 và cơ sở Quảng Ninh là 150.
Phương thức xét tuyển kết hợp dự kiến triển khai trước khi thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển kết hợp nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018. Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh bao gồm chương trình tiên tiến chuyên ngành kinh tế đối ngoại, chương trình tiên tiến chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, các chương trình chất lượng cao kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng.
Thí sinh tham gia phương thức xét tuyển kết hợp phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 7,5 trở lên; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,5 trở lên, hoặc TOEFL ITP 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ) đạt từ 16 điểm trở lên. Các chương trình đào tạo xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp là các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẽ tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và xét tuyển kết hợp. Về đối tượng xét tuyển kết hợp, trường xét tuyển các thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" trên Đài Truyền hình Việt Nam, tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 theo tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 18 điểm trở lên; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22-6-2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2018 trừ bài thi ngoại ngữ tiếng Anh, đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có môn thi toán; thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia năm 2018, trong đó có môn thi toán và 2 môn thi bất kỳ thuộc các môn trong các tổ hợp xét tuyển của trường (A00, A01, D01, D07, B00), cụ thể là: ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh đạt 27 điểm trở lên (không làm tròn, không tính điểm ưu tiên).
Lãnh đạo nhà trường cho biết trường xét tuyển theo ngành và theo chương trình đào tạo đặc thù, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Với diện xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trường xét từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Với diện xét tuyển kết hợp, trường xét theo hồ sơ dự tuyển.
Theo NLĐ
Nhiều ngành đại học mới năm 2018 Ngay đầu năm 2018, các trường đại học tốp đầu đã nhanh chóng đưa ra phương án tuyển sinh năm học 2018. Thí sinh năm nay có cơ hội được tiếp cận với nhiều ngành đào tạo mới thông qua hình thức tuyển sinh xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia hoặc xét tuyển kết hợp với kết quả học bạ....