Đừng tin chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, hãy kiểm tra trực tiếp giáo viên
Với trường tư thục thì chúng tôi không tin vào những chứng chỉ, tất cả giáo viên đều phải qua kiểm tra bằng những bài thi, có như vậy mới là trình độ thực chất.
Phản ánh đến Giáo dục Việt Nam, các thầy cô giáo công tác tại các trường phổ thông công lập ở Đắk Nông cho biết họ nhận được công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương yêu cầu rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Theo đó họ phải bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn thiếu theo yêu cầu trước 31/12/2020, nếu không sẽ bị thu hồi quyết định tuyển dụng.
Nhiều giáo viên cho rằng, các nhà trường cũng như ngành giáo dục và nội vụ địa phương hiện đang áp dụng máy móc, chỉ cần giáo viên nộp đủ chứng chỉ mà chưa thực sự quan tâm chất lượng thật của những tờ chứng chỉ ấy.
Lỗ hổng này chính là cơ hội để một số trường đại học về địa phương liên kết đào tạo cấp chứng chỉ một cách nhanh chóng. Còn giáo viên chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, theo học qua loa là có chứng chỉ mà không hề quan tâm đến chất lượng của những chứng chỉ đó ra sao.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:
“Trong nhiều năm qua tôi nhận thấy công nghệ thông tin và ngoại ngữ là những công cụ rất quan trọng giúp cho giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, cũng như dễ gần gũi hơn với học sinh.
Đó là những kỹ năng quan trọng rất cần thiết của mỗi giáo viên trong quá trình tổ chức triển khai các phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Mỗi năm trường tôi tuyển khoảng 15 giáo viên nhưng có tới hàng trăm giáo viên nộp hồ sơ đến dự tuyển. Tất cả phải qua được vòng thi đầu tiên thì mới được dự tuyển vòng sau.
Đầu tiên là thi kiểm tra trình độ tin học và ngoại ngữ, đây cũng là điều kiện tiên quyết và bài thi những môn này chúng tôi sẽ lấy từ điểm 8 trở lên, thấp hơn chúng tôi không nhận, bất kể đó là giáo viên dạy môn Văn, Toán… hoặc môn Thể dục.
Tiếp đến vòng kiểm tra trình độ hiểu biết chuyên môn, nhận thức và quan điểm giáo dục, có quan tâm đến giáo dục hay chỉ quan tâm dạy kiến thức?
Tất cả những yêu cầu đó tạo ra năng lực cho các giáo viên vươn tới tầm một nhà giáo dục tốt, chứ không đơn thuần là những thợ dạy theo sách giáo khoa.
Phương pháp dạy học cũng được chúng tôi quan tâm và có bài kiểm tra trực tiếp bằng những giờ giảng, xem phong cách, thái độ lời nói và chữ viết ra sao.
Vòng 3 là thử việc, những giáo viên qua được 2 vòng đầu sẽ được nhà trường bồi dưỡng thêm một số buổi về phương pháp dạy học, rồi sau đó sẽ được dạy thử.
Khi dạy thử sẽ có giáo viên kèm và hướng dẫn, rồi sau đó đưa ra những nhận xét xem giáo viên mới có triển vọng phát triển hay không, từ đó ban giám hiệu nhà trường mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Video đang HOT
Khi được nhận vào trường, những giáo viên mới này sẽ được kèm thử việc trong 1 năm, nếu qua được vòng này nữa là giáo viên đã đạt và có tiến bộ rất nhiều, phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Những bước này nhà trường đều chọn lựa và đào tạo rất cẩn thận, tất cả các kỹ năng, chuyên môn… đều phải được thi và kiểm tra thực tế chứ không chỉ nhìn vào bộ hồ sơ.
Việc bồi dưỡng giáo viên chúng tôi vẫn tiến hành hàng năm vào dịp hè, đây là lúc các giáo viên tham dự các khóa học nâng cao kiến thức chuyên môn để từng bước hoàn thiện bản thân, phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục hiện đại”.
Thầy Hòa nêu quan điểm: “Tôi thấy hiện nay có một số trường phổ thông công lập yêu cầu các giáo viên phải hoàn thiện, bổ sung chứng chỉ tin học, ngoại ngữ…
Với hàng triệu giáo viên công lập được đánh giá theo bằng cấp, từ đó tạo ra xu hướng đua nhau đi học để lấy chứng chỉ nhưng thực tế là không có chất lượng.
Với trường tư thục thì chúng tôi không tin những chứng chỉ đó, mà chúng tôi kiểm tra bằng những bài thi, có như vậy mới là trình độ thực chất.
Ngay như giáo viên nếu dạy chưa đạt là các em học sinh của trường chúng tôi sẽ đánh giá và phản ứng ngay, chính vì vậy trên tất cả vẫn phải là năng lực thực tế chứ không phải đi mua chứng chỉ cho đẹp hồ sơ”.
Cô Đào Thị Thủy – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Đồng quan điểm trên khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Thủy – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết:
“Việc tuyển giáo viên của chúng tôi trải qua rất nhiều vòng, từ lựa hồ sơ, phỏng vấn xem hình thức, quan sát việc giao tiếp của cô với học sinh…
Tiếp đến phần thi khả năng tin học và ngoại ngữ, đây là phần rất quan trọng, rồi thi viết về kiến thức bộ môn, nếu đạt tiếp sẽ đến phần thi giảng trực tiếp trên lớp.
Ban giám hiệu quan sát phần tương tác của giáo viên với học sinh có thân thiện hay không, có tính chất tất cả vì học sinh hay không…? Đây cũng là phần được đánh giá rất cao.
Sau khi đạt phần giảng thực hành, chúng tôi sẽ phỏng vấn thông qua tiết học mà giáo viên đó vừa thi, và để chính giáo viên đó tự đánh giá nhận xét phần thể hiện của mình?
Cuối cùng, chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường sẽ phỏng vấn lần cuối trước khi giáo viên đó được nhận.
Ngoài việc đào tạo kỹ năng thực tế làm việc trên lớp, chúng tôi tập chung đào tạo về phát triển bản thân của giáo viên.
Trong quá trình làm việc sẽ bộc lộ, phát sinh những tình huống mà giáo viên xử lý chưa được tốt, lúc này ban giám hiệu sẽ hướng dẫn, điều chỉnh sát với thực tế.
Sau 2 tháng được đào tạo, nhà trường sẽ sàng lọc lại xem giáo viên nào phù hợp, đủ điều kiện giảng dạy thì mới phân công giảng dạy.
Hàng tháng ngay tại trường, các giáo viên này vẫn được đào tạo thực tế với nhiều phương pháp giáo dục tích cực.
Hàng năm nhà trường dành cả tháng 6 và 7 để đào tạo giáo viên sau khi đỗ thi tuyển, vì mỗi giáo viên trước khi vào trường đều có xuất phát điểm khác nhau”.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp, Hà Nội chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam:
“Chúng tôi có hội đồng thi tuyển giáo viên riêng biệt nên vào được trường Lômônôxốp là rất khó.
Giáo viên phải trải qua nhiều bước như thi viết, thi chuyên môn, thi giảng dạy trên lớp…và quan trọng nhất là phần phỏng vấn trực tiếp của hiệu trưởng nhà trường.
Ngoài những yêu cầu bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi rất quan tâm đến trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn và phần này được tổ chuyên môn đánh giá.
Ngoài ra chúng tôi quan tâm đến sự tương tác của các thầy cô giáo với học sinh trên lớp, trong giờ ra chơi…và trong các tình huống thực tế.
Các thầy cô có tâm huyết với nghề hay không? Về phần này thì các giáo viên phải qua nhiều lần trò chuyện với ban giám hiệu trước khi có quyết định cuối cùng.
Nếu như 2 giáo viên cùng đạt điểm thi tuyển vào trường như nhau thì chúng tôi ưu tiên chọn thầy cô nào có kỹ năng ngoại ngữ, tin học, những kỹ năng mềm thích hợp với giáo dục.
Việc thi tuyển giáo viên chúng tôi thường làm trước 1 năm vì các giáo viên sau khi trúng tuyển còn phải trải qua một khóa đào tạo thực tế trong vòng 3 tháng tại nhà trường về kỹ năng, nghiệp vụ.
Chúng tôi quan tâm đến việc giáo viên sẽ chăm sóc học sinh thế nào, kết nối, gần gũi với các em có tốt không, dạy các em và tổ chức lớp ra sao?
Hiện nay học sinh có xu hướng phát triển cá tính rất mạnh, nhà trường rất tôn trọng sự khác biệt đó, nếu các thầy cô không biết cách tiếp cận, dung hòa học sinh, không biết ngoại ngữ và tin học thì sẽ khó thu hút được các em.
Thực tế như vậy nên giáo viên phải có kỹ năng như tập hợp học sinh, biết lắng nghe, dẫn dắt làm sao để các em cùng theo một định hướng của nhà trường”.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Về việc yêu cầu giáo viên trong nhà trường phải có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội, chia sẻ:
“Từ lâu tôi vẫn luôn nhắc nhở các giáo viên trong trường phải cố gắng tham gia đầy đủ các khóa học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cũng như tự trau dồi khả năng ngoại ngữ, tin học…để phục vụ công tác giảng dạy.
Xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại phải như vậy, chính vì thế mà các giáo viên Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cũng rất ý thức trong việc này.
Hơn nữa các văn bản chỉ đạo từ trên xuống cũng yêu cầu rất rõ nếu giáo viên có trình độ đến đâu thì sẽ được đánh giá và bổ nhiệm ở mức đó.
Nhìn vào yêu cầu đó nếu giáo viên nào chưa đạt sẽ tự nhận thấy mình còn thiếu để từ đó khắc phục bằng cách tham gia các khóa học nâng cao hoàn thiện bản thân.
Hầu hết các giáo viên đã thay đổi nhận thức và có tư duy rất tốt, hiểu được quyền lợi xét đề bạt, tôn vinh… để từ đó nâng cao kiến thức chuyên môn,”
Cô Nhiếp nhấn mạnh: “Điều quan trọng nữa là người quản lý nhà trường cần quan tâm, khuyến khích các giáo viên để họ tự nhận thấy việc hoàn thiện các kỹ năng cho bản thân là rất cần thiết.
Chỉ có như vậy thì việc học tập nâng cao trình độ của giáo viên mới có hiệu quả, còn nếu đua nhau trang bị chứng chỉ để đối phó với quy định thì tôi cho rằng không nên.
Thực tế hiện nay những kỹ năng ngoại ngữ, tin học của các em học sinh đã đạt ngưỡng khá cao theo chuẩn quốc tế, thầy cô mà như vậy thì làm sao dạy được học trò “.
TP.HCM tạm ngưng tất cả các kỳ thi ngoại ngữ, tin học..
Ngày 19-3, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo ngưng tất cả hoạt động tập trung học sinh và ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục.
Học sinh TP.HCM trong một hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: H.HG
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các đơn vị trên địa bàn ngưng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên như các kỳ thi, khảo sát chứng chỉ ngoại ngữ - tin học, các hoạt động giáo dục kỹ năng, ngoại khóa...
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo trên.
Văn bản trên cũng cho biết Sở GD-ĐT TP sẽ tạm ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục như các loại hình trường, trung tâm ngoại ngữ - tin học; dạy thêm - học thêm; giáo dục kỹ năng; tư vấn du học...
Thời gian thực hiện các nội dung trên từ nay đến khi UBND TP.HCM cho phép học sinh, học viên đi học trở lại. Được biết, trước đó UBND TP.HCM đã có quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học đến hết ngày 5-4-2020 để phòng chống dịch COVID-19.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, trong thời gian dịch COVID-19 một số trung tâm ngoại ngữ, tin học dù không hoạt động nhưng vẫn nhận đăng ký và tổ chức thi.
Theo tuoitre.vn
Học sinh được cộng nhiều nhất 4,0 điểm khi xét tốt nghiệp Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh trong công tác xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo thông báo rộng rãi cho thí sinh về các trường hợp được cộng điểm khuyến khích. Ảnh minh họa Cụ thể, nếu học sinh, học viên có giấy...