Dùng thuốc cần biết hỏi
Đã trải qua vài năm “nằm vùng” tại các nhà thuốc ở Việt Nam nên tôi hiểu rằng chẳng có hoặc rất hiếm người mua thuốc chịu đặt câu hỏi với dược sĩ.
Sự kiện bệnh thường gặp trên chuyên mục Sức khỏe củaEva sẽ cập nhật đầy đủ những thông tin về các căn bệnh phổ biến trong cuộc sống như bệnh tiểu đường, bệnh đau đầu, bệnh phụ khoa và các bệnh theo mùa… của mẹ và bé.
Khi có nhu cầu sử dụng thuốc, trách nhiệm của bệnh nhân là phải hỏi cho rõ ràng về loại thuốc mà mình sẽ sử dụng.
Chọn mặt gửi… sức khỏe
Thông thường tại các phòng mạch tư nhân ở Việt Nam, bác sĩ kê toa xong rồi thì “tự xử” luôn, vì quá đông bệnh nhân chờ nên bác sĩ không thể giải đáp chi tiết cho bệnh nhân về loại thuốc mà họ sẽ sử dụng. Tuy nhiên, cũng có bác sĩ không màng “kinh doanh”, chỉ ra toa thuốc cho bệnh nhân, còn bệnh nhân tự cầm toa thuốc ra nhà thuốc. Riêng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện thì “sướng” hơn vì không phải chịu cảnh bác sĩ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong những trường hợp này, khi đến nhà thuốc, bệnh nhân có quyền đặt câu hỏi về tất cả loại dược phẩm mà dược sĩ sẽ cung cấp.
Cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và dược sĩ là một cuộc đối thoại hai chiều. Cả hai bên đều phải lắng nghe, đặt câu hỏi qua lại nhằm nắm bắt thông tin. Dược sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những thông tin có liên quan tới thuốc như tiền sử bệnh, nói cho bệnh nhân nghe về dược phẩm mà họ sẽ sử dụng và trả lời những câu hỏi mà bệnh nhân đặt ra. Bệnh nhân cần hỏi dược sĩ những thông tin cần thiết về dược phẩm. Bệnh nhân cũng cần chọn mặt dược sĩ để gửi sức khỏe. Điều này cũng quan trọng không kém việc chọn bác sĩ. Hãy tìm đến một nhà thuốc Tây mà dược sĩ có kiến thức rộng, sẵn sàng lắng nghe và trả lời tất cả câu hỏi về thuốc mà bệnh nhân muốn hỏi.
Khi có nhu cầu sử dụng thuốc, trách nhiệm của bệnh nhân là phải hỏi cho rõ ràng về loại thuốc mà mình sẽ sử dụng. (Ảnh minh họa)
Vì sức khỏe của bản thân, bạn ngại gì mà không hỏi dược sĩ?
Các câu cần hỏi
Để việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần đặt những câu hỏi sau đây với dược sĩ:
1. Thuốc này gọi là gì?
Cần nhớ rằng mỗi loại thuốc bao giờ cũng có hai tên: tên chung hay tên hóa học và tên biệt dược. Tên biệt dược là tên mà hãng dược phẩm đặt ra với quyền bảo hộ mậu dịch. Còn tên chung là tên của chất làm thuốc. Mỗi hãng dược phẩm lấy tên biệt dược khác nhau nhưng tên chung thì chỉ có một. Chẳng hạn, loại thuốc paracetamol là tên chung. Tuy nhiên, hãng GlaxoSmithKline thì lấy tên là Panadol trong khi McNeil Consumer Healthcare (công ty con của Johnson & Johnson) thì lại lấy tên là Tylenol. Cho nên trên hộp thuốc bao giờ cũng ghi rõ hai tên: tên biệt dược và tên chung.
2. Công dụng của thuốc là gì?
Video đang HOT
Một số loại thuốc có tác dụng chữa bệnh. Chẳng hạn các loại thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc khác thì có tác dụng kiểm soát triệu chứng, chẳng hạn các loại thuốc giảm đau. Cần biết rõ công dụng của thuốc để biết rằng thuốc sẽ làm gì cho sức khỏe bệnh nhân.
3. Tôi sẽ dùng thuốc này như thế nào?
Thời điểm nào trong ngày là tốt nhất để sử dụng loại dược phẩm ấy. Có nhiều loại dược phẩm cần phải dùng chính xác cùng thời điểm cho mọi ngày, thí dụ sáng nay uống thuốc 7 giờ thì sáng mai cũng phải uống lúc 7 giờ.
4. Thuốc này dùng lúc no hay lúc đói?
5. Nếu thuốc dùng đường miệng thì có thể bẻ hay nghiền rồi uống không?
6. Tôi phải làm gì khi quên uống một liều thuốc?
7. Làm sao tôi có thể biết thuốc này có tác dụng hay không? Khi nào thuốc sẽ có tác dụng? Và nếu tôi cảm thấy thuốc này không hề có tác dụng thì tôi phải làm gì?
Cần hỏi dược sĩ về loại thuốc mà mình sẽ uống (Ảnh minh họa)
8. Tôi phải dùng thuốc này trong bao lâu?
Có nhiều loại thuốc chỉ dùng được trong một thời gian ngắn, có loại phải dùng suốt đời. Nếu biết thời hạn dùng của loại dược phẩm sẽ giúp bạn chuẩn bị nhằm thay đổi lối sống cần thiết để tiếp nhận thuốc. Có nhiều loại thuốc, như kháng sinh thì phải uống cho hết theo liều lượng bác sĩ cho, không nên ngưng nửa chừng cho dù bệnh nhân cảm thấy khỏe hẳn.
9. Trong lúc dùng thuốc này, tôi phải kiêng cữ thực phẩm, thức uống gì hoặc không được dùng chung với những loại thuốc nào và tôi phải tránh những hoạt động nào?
Rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng bởi thuốc, chẳng hạn lái xe, vận hành máy móc, tập thể dục… có thể bị ảnh hưởng do tác động của thuốc. Đã có một số tai nạn giao thông và tai nạn lao động do dược phẩm gây ra.
10. Tác dụng phụ của thuốc này là gì? Tôi phải làm gì khi tác dụng phụ xảy ra? Tác dụng phụ nào thì cần phải đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời?
11. Thuốc này có an toàn cho thai phụ và phụ nữ cho con bú không?
12.Tôi phải bảo quản dược phẩm này như thế nào?
Theo VNE
'Dài cổ' chờ mua thuốc ở bệnh viện
Gần xế chiều, các nhà thuốc tại các bệnh viện ở TP HCM vẫn đông nghịt bệnh nhân chờ đợi. Nhiều người ở tỉnh xa trót hẹn xe đến đón buộc phải dời lại giờ, số khác ngại mất thời gian đã chấp nhận ra ngoài mua.
Nguyên nhân gây quá tải nhà thuốc là do quá tải tải bệnh viện dẫn đến người mua thuốc nhiều. Trong khi đó mỗi bệnh viện chỉ có một nhà thuốc.
Cảnh bệnh nhân ngồi chờ thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Thiên Chương
Nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dù không phải là ngày đầu tuần, lượng bệnh nhân đến khám không quá đông, nhưng đến gần 11h vẫn ngập người ngồi đợi.
Khu vực cấp thuốc bảo hiểm y tế, có khoảng 100 người ngồi chờ đến lượt. Khu bán thuốc cạnh đó cũng đông người chờ. Cảnh chờ đợi mua thuốc kéo dài gần đến xế chiều mới ngơi dần
Chị Nguyễn Thúy Hoa, nhà ở phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết mỗi lần chị đến khám và mua thuốc, nhanh mấy cũng phải mất khoảng nửa giờ đồng hồ.
"Nhân viên nhà thuốc của bệnh viện phục vụ liên tay, nhưng do bệnh viện chỉ có một nhà thuốc nên đành phải chịu. Tôi đã tránh các ngày đầu tuần vị sợ mất thời gian nhưng rồi cũng phải đợi", chị Hoa nói.
Trưa 27/7, cảnh tượng cũng xảy tương tự tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Đông nhất là 9h sáng, bệnh nhân sau khi được bác sĩ khám kê toa liền đổ đến "vây" lấy nhà thuốc trong viện.
Để ổn định trật tự, nhóm bảo vệ phân công hẳn một người đứng hướng dẫn bệnh nhân mua thuốc ngay trước quầy. Các khâu còn lại từ nhận toa, nhập số liệu, lấy thuốc, giao thuốc đều được thực hiện khá lưu loát, nhưng những người đến sau đành phải chịu cảnh chờ.
Cảnh chờ mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Thiên Chương
Mang chân băng bó ngồi đợi thuốc, anh Hải nhà ở Đồng Nai cho biết, đây là lần thứ hai anh đến bệnh viện này và lần nào cũng phải đợi mua thuốc. "Lần trước tôi chờ đến gần một tiếng đồng hồ mới đến lượt", anh Hải nói.
Theo các nhân viên bảo vệ của bệnh viện, dù có hai nhà thuốc, một phục vụ ngoại trú, một cho bệnh nhân bảo hiểm và nội trú nhưng cảnh chờ đợi không còn lạ.
Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cũng thế, hai nhà thuốc hoạt động cật lực vẫn không giải quyết được tình trạng chờ. Điều này dễ hiểu bởi lượng bệnh nhân đến khám tại đây lên đến vài nghìn người mỗi ngày. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dù qui trình bán thuốc đã được số hóa nhưng người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu vào giờ cao điểm.
"Tôi thấy các nhân viên của bệnh viện đã làm việc hết công sức. Nhưng tại bệnh nhân quá đông nên đành phải chờ. Lần khám trước tôi đợi lâu nên ra ngoài mua thì thuốc thì bị đắt tiền hơn cả trăm nghìn một toa, nên lần này cố đợi", anh Thắng nhà ở Vĩnh Long nói.
Vất vả hơn cả là tại các bệnh viện nhi, nơi mà bệnh nhân vốn nhỏ tuổi và phụ huynh phải vừa bế con vừa chờ đợi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh chờ thường xảy ra nhất từ 9h sáng đến giữa trưa. Những ngày đầu tuần, cảnh chen nhau có khi kéo dài đến xế chiều.
Quá tải nhà thuốc khiến nhân viên làm việc tại khâu này phải chịu vất vả hơn so với các đồng nghiệp. Cụ thể tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chuyện dược sĩ, dược trung phải làm việc đến 19h không còn lạ. "Làm sao về được khi bệnh nhân vẫn còn chờ thuốc", một dược sĩ cho biết.
Quá tải nhà thuốc là một phần của quá tải bệnh viện. Ảnh: Thiên Chương
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các giám đốc bệnh viện lớn, vốn có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đến khám đều thừa nhận chuyện quá tải bệnh viện dẫn đến quá tải ở nhà thuốc đã tồn tại từ nhiều năm nay. Cách duy nhất là mở thêm nhà thuốc, tuy nhiên việc làm này hiện rất khó.
Muốn mở thêm nhà thuốc, theo thông tư của Bộ Y tế ban hành năm 2011, nhà thuốc mới phải đạt chuẩn thực hành nhà thuốc tốt và do một dược sĩ khác nhà thuốc trước đó đứng tên. Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng bệnh viện công không phải là doanh nghiệp nên việc xin giấy đăng ký kinh doanh là không thể.
Để giảm cảnh chờ đợi, một số bệnh viện đã nghĩ ra cách mở thêm "vệ tinh" cho nhà thuốc chính ở trong khuôn viên. Cách làm này giúp bệnh nhân bớt chờ đợi, tuy nhiên mới đây, việc này bị cơ quan quản lý dược cho là phạm luật bởi một dược sĩ chỉ được phép đứng tên cho một nhà thuốc, nhà thuốc được đặt tại một vị trí và dược dĩ phải có mặt tại nhà thuốc để tư vấn cho người mua.
Ngay cả khi Sở Kế hoạch đầu tư chịu cấp giấy phép kinh doanh cho bệnh viện, thì chuyện tìm dược sĩ trực chiến tại nhà thuốc cũng là bài toán nan giải.
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nhưng rất ít dược sĩ trẻ chịu về bệnh viện. Hầu hết họ đến các doanh nghiệp dược vì thu nhập cao hơn, chính vì thế bệnh viện nào cũng khan hiếm dược sĩ. Để dược sĩ có mặt tại nhà thuốc trong thực trạng thiếu nhân sự là một chuyện khó đối với bệnh viện", tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.
Theo VNE
Dùng thuốc thu hẹp âm đạo, coi chừng vô sinh Các thuốc được quảng cáo thu hẹp âm đạo không có trong danh mục thuốc dùng cho sản phụ khoa, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm định về chất lượng. Sản phẩm (SP) được quảng cáo có tác dụng "se khít âm đạo" hiện bán tràn lan trên thị trường. Tại một điểm bán dụng cụ hỗ trợ trên đường Cao...