Đừng thi môn toán theo cách… ăn may!
Mục đích xa hơn của toán học là phát triển giá trị nhân cách, giá trị nhân văn của người học. Việc thi môn toán bằng trắc nghiệm khiến môn học không thể đạt được mục đích đó
“Chúng ta đã tổ chức thi THPT quốc gia môn toán bằng hình thức trắc nghiệm nhiều năm, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá tác động xã hội, hiệu quả đào tạo, nguồn nhân lực từ thi trắc nghiệm trước khi quyết định áp dụng chương trình phổ thông mới” – GS Đỗ Đức Thái, Trưởng Khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên môn toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới – nhìn nhận.
“Giết” sức sáng tạo
GS Đỗ Đức Thái cho rằng hình thức thi trắc nghiệm (chọn một đáp án đúng trong 4-5 đáp án – multiple choice) không đánh giá được những năng lực mà toán học đòi hỏi. Trong giải quyết vấn đề thì khó nhất là nhìn thấy bản chất và tạo ra kết quả tích cực. Đó là giá trị sáng tạo lớn nhất của con người, cũng là cái khó nhất. Bây giờ ngành giáo dục lựa chọn thi toán bằng hình thức trắc nghiệm. Chúng ta đang thử thách học sinh rằng toán học, tìm tính đúng của một bài toán là rất “ăn may”.
Môn toán cần được đổi mới về hình thức thi – Ảnh: TẤN THẠNH
Trong trắc nghiệm có rất nhiều loại khác nhau, chúng ta không được đánh giá giáo dục đồng nhất bằng thi trắc nghiệm và bằng trắc nghiệm, nếu đồng nhất tất cả thì sẽ “chết”. Mỗi hình thức trắc nghiệm sẽ phù hợp từng bộ môn khác nhau. Như thi IELTS bằng trắc nghiệm, cũng chọn đáp án đúng trong 4-5 đáp án, nhưng nó là tổ hợp đánh giá, học sinh vẫn phải nghe, nói, đọc, viết.
GS Đỗ Đức Thái đồng ý trong dạy toán học phải dạy học sinh có cảm giác toán, trực giác toán để biết được tính đúng sai, nhưng đấy chỉ là một phần của toán học, mà không phải là phần cơ bản. Phần cơ bản để đào tạo ra được người lao động là người lao động phải biết chịu trách nhiệm đến cùng sản phẩm của mình. Nói cái gì phải có căn cứ, phải đúng, chứ không phải chỉ cảm giác.
Hình thức thi trắc nghiệm đã hướng học sinh đến cảm giác ăn may trong toán học, nhận biết vấn đề bản chất thông qua dấu hiệu bên ngoài, cái đấy là “giết” học trò và giết chết toàn bộ sức sáng tạo của con người. Không có con người nào sáng tạo được từ những kiến thức nhìn nhận qua vài ba dấu hiệu bên ngoài. “Đánh giá kết quả năng lực toán bằng thi trắc nghiệm không đo được năng lực tư duy và lập luận, không đo được năng lực giải quyết vấn đề, không đo được năng lực giao tiếp. Nó chỉ khuyến khích học sinh nhận biết bản chất thông qua dấu hiệu bên ngoài, đó là vô cùng tai hại. Muốn thi trắc nghiệm thì chúng ta phải thay đổi hình thức thi trắc nghiệm” – GS Đỗ Đức Thái phân tích.
TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG TP HCM, khẳng định kỳ thi THPT quốc gia áp dụng hình thức trắc nghiệm với môn toán là không ổn, trắc nghiệm hoàn toàn là không nên, cần thêm phần tự luận hoặc những hình thức khác.
Sinh viên không biết trình bày lời giải toán
Video đang HOT
Theo TS Phan Hoàng Chơn, Trưởng Khoa Toán – Ứng dụng Trường ĐH Sài Gòn, đứng trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên sẽ có tâm lý chung là dạy theo ba-rem của những năm trước đó. Nếu là thi trắc nghiệm thì giáo viên chỉ dạy học sinh cách ra đáp án nhanh nhất có thể. Thực tế, sinh viên trong 2 năm gần đây rất yếu kỹ năng trình bày một lời giải. Sinh viên học sư phạm toán mà không biết trình bày một lời giải, trong khi đó, lời giải là cốt lõi của bài toán nên sinh viên “tắc tịt”, bắt buộc giảng viên ĐH phải dạy lại từ đầu như một giáo viên cấp III.
Thi toán bằng hình thức trắc nghiệm không phải là không khả thi vì giúp đánh giá kỹ năng phán đoán vấn đề, giải nhanh ra kết quả. Nhưng cần áp dụng phù hợp vào mục đích kỳ thi để đạt được hiệu quả, như sinh viên thi cử nhân toán, sư phạm toán bằng hình thức trắc nghiệm sẽ không đánh giá được năng lực thực tế. “Thi trắc nghiệm như kiểu Việt Nam hiện nay không đánh giá được tính suy luận lô-gic, chặt chẽ, cách trình bày, nếu những ngành nghề đòi hỏi có năng lực toán thì thi tự luận sẽ tốt hơn” – TS Phan Hoàng Chơn chia sẻ thêm.
Hình thức thi trắc nghiệm môn toán như kỳ thi THPT hiện nay chưa đủ đa dạng để giúp cho nhà tuyển dụng có thể đánh giá năng lực trọn vẹn. Ban ra đề thi cũng cố gắng đưa vào đề thi những câu trắc nghiệm mang tính phát hiện và giải quyết vấn đề nhưng nó chưa đủ. Việc bỏ hẳn tự luận đi là không tốt nên cố gắng giữ lại một vài câu tự luận để giáo viên phải dạy cho học sinh cách trình bày lời giải, trình bày bài toán hợp lý.
GS Đỗ Đức Thái cho biết mình không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm, cũng không cổ vũ lối thi toán bằng tự luận khó như thời “3 chung”. Ra hình thức thi như thế nào, cần phải có một nghiên cứu rất cẩn thận. Cần thể hiện minh bạch với xã hội về thực chất của thi trắc nghiệm toán.
TP HCM giữ kiểm tra toán bằng tự luận
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa ra văn bản hướng dẫn thi học kỳ năm học 2019 -2020. Trong đó, đối với môn toán sẽ kiểm tra theo 2 phương án. Thứ nhất, bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan phối hợp chung với tự luận, gồm 2 phần: phần 1, gồm các câu trắc nghiệm khách quan (60% cơ bản và 40% phân hóa, mức độ phân hóa tùy theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường); phần 2 là lời giải của từ 20% đến 25% số câu được quy định trong bài kiểm tra (học sinh trình bày ngắn gọn các công thức sử dụng, giải thích, biện luận, tính toán…). Học sinh làm bài kiểm tra trong 90 phút.
Thứ hai, bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận, gồm 2 phần: phần 1 gồm trắc nghiệm khách quan (60% cơ bản và 40% phân hóa, mức độ phân hóa tùy theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường); phần 2 gồm một số câu hỏi tự luận ngắn độc lập với phần 1. Học sinh làm bài kiểm tra thành 2 giai đoạn riêng biệt: nộp phiếu trả lời trắc nghiệm khi hết thời gian dành cho phần 1 rồi mới nhận đề và làm tiếp phần kiểm tra tự luận.
NGUYỄN THUẬN
Theo nguoilaodong
Về thi trắc nghiệm môn Toán
Vẻ đẹp của Toán học nằm ở "cách giải", cách đi đến lời giải, cách lập luận để đi đến lời giải, bất chấp bài toán được trình bày theo vô vàn cách.
Thi trắc nghiệm kiểu câu hỏi lựa chọn (multi-choice quiz) có tác dụng gì không? Thực ra vẫn có tác dụng. Kiểu kiểm tra đánh giá này, và cùng với nó là xếp hạng thương số trí thông minh (I.Q) đã từng đem lại tác dụng to lớn cho một mục đích cụ thể cách đây hàng trăm năm.
Nó đã hoàn thành sứ mệnh "lịch sử" của nó. Nay nó đã mất "thiêng".
Cơn cuồng trắc nghiệm đã dịu đi ở ngay cả nơi đã khai sinh ra nó, ở nước Pháp, và cả ở nơi nền giáo dục rất đề cao tính hiệu quả, đó là nước Mĩ.
Hiện nay kiểu thi trắc nghiệm vẫn được dùng và vẫn tỏ ra hiệu quả khi được dùng để đánh giá sự thuần thục về "kĩ năng".
Ví dụ, thi trắc nghiệm được dùng cho sát hạch lấy bằng lái xe. Người ta không cần biết thí sinh lập luận thế nào trước khi quyết định chọn câu trả lời.
Người lái xe chỉ cần luyện tập các kĩ năng sao cho thành các thói quen tự động (automatic) như một bản năng thứ hai, là đủ.
Vẻ đẹp của Toán học nằm ở "cách giải", cách đi đến lời giải, cách lập luận để đi đến lời giải, bất chấp bài toán được trình bày theo vô vàn cách. (Ảnh minh hoạ: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN)
Song, áp dụng vào nhà trường, đặc biệt là trường phổ thông, là điều cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong nghiên cứu và đào tạo sư phạm: hầu như không có nghiên cứu, đào tạo tâm lí học đúng nghĩa và do đó chưa có ai từng nghĩ tới làm các công trình nghiên cứu có tính thực nghiệm về việc áp dụng thi trắc nghiệm trong thời đại ngày nay.
Bản chất của trí thông minh là nó phải biết cách để "tìm ra cách giải" khi bắt gặp một vấn đề mới, một vấn đề nó gặp lần đầu.
Dĩ nhiên, nhà trường phổ thông không yêu cầu học sinh bắt buộc phải "tìm ra cách giải mới".
Bởi lẽ toàn bộ kiến thức toán học trong chương trình được cho là "đã có lời giải" và lời giải duy nhất đúng được đương nhiên thừa nhận là của sách giáo khoa thông qua thầy cô dùng nó để dạy.
Nếu đúng như thế thì chỉ cần yêu cầu học sinh "học thuộc lòng" các cách giải của thầy cô! Và thi trắc nghiệm là công cụ tuyệt vời để phục vụ cho mục đích này!
Học sinh chỉ cần ghi nhớ thuộc lòng, luyện tập thành thạo các "thuật toán" của thầy cô.
Bây giờ hãy thử thay đổi cách "ra đề", tức cùng một thuật toán song được "trình bày" theo một cách khác đi, ta sẽ thấy hầu hết học sinh đều gặp khó khăn, thậm chí ngồi cắn bút, bất lực.
Lấy một ví dụ có lẽ đơn giản nhất: hỏi một em học sinh tiểu học "một cộng không bằng mấy?", em trả lời dễ dàng, "bằng một".
Hỏi tiếp, "mẹ cho em một cái kẹo và không cho em cái kẹo nào nữa, hỏi em có mấy cái kẹo?". Nhiều em trả lời: em không có cái kẹo nào cả.
Học sinh tưởng rằng đây là một "bài toán" mới. Và, như nói ở trên, học sinh không có đủ trí thông minh "sáng tạo" để giải quyết một bài toán mà chúng "gặp lần đầu".
Khoan hãy nói các môn học khác, riêng với môn Toán thôi, thử hỏi những sau này học sinh trưởng thành lên, bước vào cuộc sống lao động, liệu chúng có "được chuẩn bị sẵn sàng" cho việc có một cái đầu biết giải quyết vô vàn bài toán đa dạng. Đây chính là nguồn gốc của việc vô tình tiêu diệt tính "sáng tạo".
Bên ra đề chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình: dễ ra đề, dễ đánh giá, dễ cho điểm, dễ báo cáo thành tích v.v...
Tuồng như họ muốn biết "chắc chắn" học sinh có "thuộc bài" hay không!
Học sinh phổ thông học là học "tư duy", học "phương pháp".
Vẻ đẹp của Toán học không hẳn nằm ở các công thức, các phương trình. Nó nằm ở "cách giải", cách đi đến lời giải, cách lập luận để đi đến lời giải, bất chấp bài toán được trình bày theo vô vàn cách. Ta vẫn nói về CÁCH GIẢI đẹp.
Thạc sĩ Lê Hồng Vân
Theo giaoduc.net
"Cần xem xét lại cách thi trắc nghiệm môn Toán" GS Đỗ Đức Thái nói không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice, nhưng cũng không ủng hộ thi toán bằng tự luận khó như thời "3 chung" trước đây. Tại "ngày hội toán học mở" diễn ra ở TP.HCM ngày 24/11, GS Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán bày tỏ không phản...