Đừng sợ phức tạp mà không thực hiện nhiều bộ SGK
Đó là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết ,Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khi được đề nghị bình luận về việc vẫn còn ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại và không nên có nhiều bộ sách giáo khoa khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ về việc nên vận hành nhiều bộ SGK – ẢNH: ĐÌNH TUỆ
Sáng 15.9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đã chia sẻ về đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến việc nên vận hành nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) như thế nào.
“Tôi rất ngạc nhiên!”
Phóng viên Thanh Niên đề nghị ông Nguyễn Minh Thuyết bình luận về việc tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) mới đây, các ý kiến của ủy viên Thường vụ QH vẫn cho rằng cần xem xét lại việc cho phép thực hiện nhiều bộ SGK trong khi chính nghị quyết của QH đã cho phép điều này.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Đầu tiên là tôi rất ngạc nhiên, tại sao Nghị quyết 88 của QH đã ban hành rồi mà còn có ý kiến phân vân như vậy. Tôi nghĩ là về mặt thẩm quyền QH cũng có thể sửa lại Nghị quyết 88 nếu thấy cần thiết. Nhưng quy trình để ban hành một nghị quyết mới là lâu lắm. Nếu định như vậy chắc cũng phải bàn bạc nội bộ đã. Cho nên tôi xin nói điều thứ nhất là tôi thấy ngạc nhiên.
Điều thứ hai, tôi chỉ có thể bình luận là tất cả mọi người trong xã hội ta, từ người lãnh đạo cao nhất tới người dân bình thường đều phải tuân thủ pháp luật, nói và làm đúng pháp luật. Nghị quyết 88 của QH là ngang với luật, đã ban hành rồi. Tất nhiên, không ai bảo là các vị đại biểu QH không thể ra nghị quyết mới, nhưng tôi nghĩ chuyện đó phải trao đổi với Bộ GD-ĐT trước, còn nói thế này nói thật cũng làm cho nhiều anh em trong ngành giáo dục hoang mang”.
Huy động trí lực của xã hội
Video đang HOT
Theo GS Thuyết, nếu chắc chắn định sửa nghị quyết thì một là phải làm đúng quy trình xây dựng nghị quyết mới; hai là phải tính đến xu thế của thế giới. “Giờ mình đổi mới mà thế giới người ta một chương trình nhiều SGK, mình nhất định giữ cái cũ một chương trình một SGK thì không ổn”. Nghị quyết 88 đưa ra một chương trình nhiều SGK là tạo điều kiện cho việc huy động trí lực của xã hội. “Nhiều người giỏi lắm, nhưng có thể người ta không tham gia làm một bộ SGK đó mà làm bộ khác, như thế mình mới huy động được nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục. Và các nhóm tác giả mới cạnh tranh nhau được về mặt chất lượng, người học được lợi”, GS Thuyết khẳng định.
GS Thuyết cho biết thêm, ở Mỹ thậm chí có giáo viên dạy sách do mình tự soạn. Tức là giáo viên có quyền viết sách, SGK chỉ là một tài liệu tham khảo.
Từ thực tế vai trò của SGK ở nước ngoài như vậy, GS Thuyết cho rằng: “Ở nước ta thì cứ ở trên sợ dưới làm không đúng, dưới thì sợ dưới nữa làm không đúng. Nên nhiều khi mình làm cái điều cầm tay chỉ việc, hạn chế sự sáng tạo của nhau. Tôi cho rằng trong xu thế đổi mới như vậy mà mình đổi mới căn bản toàn diện, nghị quyết ra rồi, thì mình sẽ phải làm. Tất nhiên có nhiều bộ SGK sẽ có những vấn đề phức tạp nhưng không phải vì sợ những cái phức tạp đó mà không làm”.
Tạo cạnh tranh lành mạnh khi có nhiều SGK
Nhiều câu hỏi đặt ra với GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ sự lo lắng về việc liệu có thể cạnh tranh lành mạnh khi có nhiều bộ SGK trong khi Bộ và các sở GD-ĐT cũng tham gia viết SGK…, rồi các nhóm tác giả lại có động thái công kích, “nói xấu” nhau bằng nhiều hình thức…
GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ băn khoăn này và cho biết: “Khi chúng ta nói một chương trình nhiều SGK thì sẽ có nhiều nhóm tác giả viết, sẽ có nhiều nhà xuất bản, và rõ ràng mong muốn của chúng ta là các nhóm tác giả cạnh tranh nhau có chất lượng, chứ không phải cạnh tranh bằng cách nói xấu nhau”, nhưng ông cũng phải thừa nhận: “Làm sao tránh được! Cả các trí thức lớn, đại gia còn đi nói xấu nhau thế thì làm sao mà bảo người khác không nói xấu nhau được”.
Mặc dù vậy, GS Thuyết cũng cho rằng, không phải lần đổi mới sắp tới chúng ta mới làm quen với việc có nhiều SGK mà VN đã thực hiện điều này từ thời trước. Khoảng thời gian trước năm 1956 khi giải phóng thủ đô thì có rất nhiều SGK. Cụ Nguyễn Lân từng viết SGK và ghi tác giả Nguyễn Lân, vẫn được xuất bản, được dùng rộng rãi trong các trường phổ thông… Từ khoảng năm 1970 mới không còn SGK tư nhân nữa nhưng vẫn có nhiều SGK. Còn ở miền Nam thì từ trước cho đến năm 1975 dùng nhiều bộ SGK và cũng chẳng có vấn đề gì. “Tôi nghĩ là phải tạo ra được không khí lành mạnh”, GS Thuyết nói.
Chọn SGK là việc của các nhà trường
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo ông Thuyết để có được “không khí lành mạnh” như vậy thì phải có quy định về pháp luật. Nghị quyết 88 phê cơ sở giáo dục phổ thông được quyền lựa chọn SGK dựa trên ý kiến giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thực hiện đúng nghị quyết của QH, việc này là của nhà trường, không phải việc của sở, của UBND, và khi chọn dựa trên ý kiến của tổ chuyên môn chứ không phải là hiệu trưởng. “Nếu thực hiện đúng như thế là tốt. Và chúng tôi mong báo chí giúp cho QH, giúp cho Chính phủ, giúp cho Bộ GD-ĐT giám sát việc này”, ông Thuyết đề nghị.
Theo thanhnien.vn
Từ nay đến 2024, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thế nào?
Với dự kiến tháng 4-2018 sẽ ban hành chương trình môn học phổ thông mới, công tác biên soạn SGK cũng như thời điểm triển khai chương trình này được xác định khá cụ thể.
Sẽ có nhiều bộ SGK chương trình phổ thông mới được biên soạn để nhà trường lựa chọn
Ngày 19-1, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình môn học mới với thời hạn 2 tháng để lấy ý kiến đóng góp. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới dự kiến tháng 4-2018 có thể ban hành.
Mặc dù việc xây dựng chương trình mới đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT thừa nhận tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành CT GDPT mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến.
Bộ GD&ĐT cũng đã công bố lộ trình thực hiện chương trình mới từ nay đến năm 2024. Theo đó, thời gian này sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến góp ý thông qua đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, tổ chức các hội thảo và gửi xin ý kiến chuyên gia; tổ chức thực nghiệm; tập huấn cho người tham gia thẩm định các chương trình môn học; tổ chức thẩm định, chỉnh sửa và ban hành chính thức.
Công tác biên soạn SGK mới sẽ được thực hiện sau khi Chương trình môn học được ban hành. Bộ GD&ĐT xây dựng và triển khai kế hoạch chỉ đạo tổ chức biên soạn, thực nghiệm một bộ SGK đầy đủ các môn học ở các lớp học, cấp học theo chương trình mới.
Căn cứ chương trình mới do Bộ GD&ĐT ban hành, các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tổ chức biên soạn các SGK.
Các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định các SGK (gồm một bộ SGK do Bộ tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); Bộ phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.
Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương để đưa vào chương trình mới, báo cáo để Bộ phê duyệt.
Bộ GD&ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022, cụ thể:
- Năm học 2019 - 2020: lớp 1;
- Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6;
- Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
- Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
- Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới được thuận lợi.
Theo ANTĐ
Nhiều bộ sách giáo khoa là đòi hỏi từ thực tiễn: Có bình đẳng khi Bộ GD-ĐT cũng biên soạn sách giáo khoa? Trong chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu rõ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa. Thực hiện một chương trình, nhiều SGK thì Bộ GD-ĐT cũng được tổ chức biên soạn SGK - ẢNH: NGỌC DƯƠNG Quy định này khiến cho nhiều người lo ngại...