Đừng quá coi trọng điểm số
Nhiều gia đình giáo dục con bằng tâm lý hơn – thua, chỉ quan tâm điểm số, thành tích, thấy con kém bạn bè là lập tức la mắng trong khi nhà trường cũng không dành sự quan tâm đến tâm lý học trò
TS tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM, đã phân tích như vậy khi bắt đầu buổi trao đổi với chúng tôi về câu chuyện học sinh tự tử vì áp lực học.
Quá nhiều áp lực vô hình
Theo TS Nam, nếu như trước đây một đứa con ngoan phải biết vâng lời, lễ phép với ông bà cha mẹ, kính thầy, yêu bạn, biết nhường nhịn anh em, biết làm việc nhà giúp cha mẹ… thì ngày nay nhiều gia đình quan niệm một đứa con ngoan chỉ cần học giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi.
Video đang HOT
Cũng vì vậy, các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư vật chất tốt nhất, làm thay tất cả mọi việc để con chỉ chú tâm vào mỗi việc duy nhất là học. Càng đầu tư và đặt quá nhiều kỳ vọng về sự thông minh, tài ba của con, họ càng muốn con giỏi hơn các bạn khác.
Các bậc phụ huynh thậm chí không hề tính đến mục tiêu cao đẹp của giáo dục là phát triển nhân cách, tâm hồn, năng lực và sự tiến bộ của con trẻ mà chỉ quan tâm con được bao nhiêu điểm, có hơn bạn này, bạn kia không… Cũng vì thế, khi con có thành tích kém, họ dễ rơi vào thất vọng, trách mắng, chê bai con cái. Thái độ này ảnh hưởng tiêu cực đến chính các con khi phải đối diện với nỗi buồn, sự tự dằn vặt, chán nản trong khi điều trẻ cần lúc đó là sự đồng cảm, chia sẻ, rút kinh nghiệm để tiến bộ. Hệ lụy là không ít em chán sống và sợ hãi khi phải về nhà.
Con trẻ cũng cần một chút thời gian thoát ra khỏi việc học để vui chơi, giải trí, làm những việc mình yêu thích. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong giờ giải lao Ảnh: TẤN THẠNH
“Không thể phủ nhận chương trình học quá nặng cũng gây tâm lý nặng nề, căng thẳng cho học sinh (HS) lẫn phụ huynh nhưng con trẻ cũng cần một chút thời gian thoát ra khỏi việc học để vui chơi, giải trí, làm những việc mình yêu thích. Quá kỳ vọng hoặc lo lắng sẽ chỉ làm cho phụ huynh lẫn con trẻ thêm áp lực” – TS Nam nói.
Cô Huỳnh Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM), nhìn nhận ngày nay HS chịu nhiều áp lực vô hình: cha mẹ, thầy cô luc nào cũng bắt HS hoc và hoc; chương trình quá tải; bạn bè so bì; cha mẹ, thầy cô đối xử không công bằng, hay đem ra so sánh với người khác… Đến một lúc nào đó, như một quả bóng hơi, bơm căng quá thì lập tức sẽ nổ.
Giáo dục phải toàn diện
Theo TS Võ Văn Nam, việc tìm hiểu và biết được nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực của HS không khó, quan trọng là phòng tránh như thế nào, trang bị cho HS những gì để các em có những kỹ năng cần thiết khi gặp tình huống tương tự.
Chuyện giảm tải chương trình đã nói nhiều nhưng không thể một sớm một chiều mà làm ngay được. Quan trọng là phụ huynh không gây áp lực cho con, chỉ khéo léo, tế nhị nhắc nhở để các em không bị tổn thương và có tâm lý lo sợ, bi quan khi không đạt được như kỳ vọng của cha mẹ. Nên nhớ việc giáo dục phải toàn diện về nhân cách, trí tuệ chứ không phải nằm ở điểm số, thành tích. Hôm nay con tiến bộ, trưởng thành hơn hôm qua đã là rất tốt.
“Nhà trường là lực lượng chủ đạo trang bị kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng. Cảm xúc của cha mẹ rất quan trọng cho sự hình thành nhân cách và số phận của trẻ. Vì vậy, gia đình hãy xả bớt van áp lực cho con, cùng con học các kỹ năng xử lý tình huống và những kỹ năng cần thiết khác để giúp con phát triển hài hòa thể lực, trí lực, tình cảm, nhân cách… Hiện nay, vì bận rộn công việc, nhiều phụ huynh có tư tưởng khoán trắng con cho nhà trường mà không biết rằng mỗi bên có vai trò giáo dục khác nhau” – TS Nam nói.
Một chuyên gia giáo dục khác cho rằng dường như hiện nay các biện pháp giáo dục đã lãng quên những lời động viên cần thiết. Xã hội ngày càng thay đổi, tâm lý học sinh cũng bị tác động, thay đổi so với trước đây rất nhiều. Có nhiều biện pháp giáo dục được đưa ra nhưng dù là gì đi nữa, sự động viên, quan tâm cần thiết của gia đình, thầy cô khiến HS cảm thấy được giải tỏa tâm lý rất nhiều.
Theo NLĐ