Đừng nói hướng nghiệp, khi tham gia đóng vai thì trẻ tiểu học ắt hiểu được nghề
Đối với trẻ tiểu học thì cho các em tham gia đóng vai các nghề để từ đó các em hình thành suy nghĩ, biết đến các nghề thay vì nói hướng nghiệp.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học.
Đã lấy ý kiến được một tháng, dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng việc hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học là quá sớm, không cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nên hướng nghiệp càng sớm càng tốt.
Liên quan đến đề xuất này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Đối với trẻ tiểu học thì cho các em tham gia đóng vai các nghề để từ đó các em hình thành suy nghĩ, biết đến các nghề chứ trẻ 6-7 tuổi thì không thể nói hướng nghiệp như nói với học trò bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được”.
Từng có dịp đi nhiều nước, Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ, nước Nga hướng nghiệp theo tinh thần hướng dẫn trẻ con mầm non, tiểu học tham gia vào các trò chơi như đóng vai thầy thuốc – người khám bệnh, người bán hàng – người mua hàng, cảnh sát giao thông – người lái xe….họ nhận thấy rằng, trẻ thích vào vai nào thì sau này khi lớn lên thường có xu hướng chọn nghề đó.
Hoặc trong bài tập đọc có hình ảnh bác thợ rèn thì giáo viên sẽ giới thiệu về nghề này, sản phẩm của bác thợ rèn là gì…. tức là các nghề nghiệp được đan cài trong từng bài học cụ thể rồi lên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì mới có giờ học hướng nghiệp.
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh: Vietnamnet)
Từng dự giờ học hướng nghiệp tại Đức, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có cả sách về hướng nghiệp do đó khi học sinh muốn tìm hiểu sâu về nghề nghiệp nào thì phòng hướng nghiệp sẽ phụ trách giới thiệu sâu thêm.
Video đang HOT
Ví như khi học sinh muốn tìm hiểu về nghề xây dựng thì phòng hướng nghiệp sẽ cho các em xem một thước phim về các công trình xây dựng nổi tiếng thế giới để thấy muốn có công trình đó thì người thợ phải vất vả ra sao khi đánh đu trên các tầng cao. Từ đó giới thiệu cho các em muốn học nghề này thì nên học ở trường nào, ra trường mức thu nhập sẽ ra sao, thậm chí muốn làm nghề này thì cần học chuyên sâu những môn học nào…
Đến khi lên trung học phổ thông thì các em sẽ được học chuyên sâu hơn vì liên quan đến công tác chọn ngành học ở đại học, chính vì vậy “bác sĩ trường học” sẽ có nhiệm vụ ghi chú trong học bạ ở bậc trung học phổ thông nhằm tư vấn học sinh A có thể học rồi ra làm nghề A’, học sinh B có thể học rồi ra làm nghề B’ nào đó, ví như học sinh có bàn chân bẹt thì đừng nên chọn làm vận động viên chạy đua; học sinh tay ra nhiều mồ hôi thì đừng chọn công việc đụng chạm đến vải vóc, tơ lụa; em nào bị đau lưng thì đừng chọn công việc lái xe…
“Có thể nhiều học sinh thích nghề nào đó nhưng bản thân có bệnh gì không phù hợp với nghề đó do đó bác sĩ trường học có nhiệm vụ tư vấn để các em tránh ra, vì nếu cố làm thì sẽ hỏng”, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết.
Chính vì vậy trước đề xuất hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học thì giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn để các nhà trường thực hiện bằng cách cho học sinh tiểu học tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm các nghề thông qua hình thức đóng vai để các cháu ấn tượng về các nghề. Còn khi lên trung học cơ sở, trung học phổ thông thì mới cần giới thiệu nghề này học ở đâu, cần học môn gì tốt thì mới làm nghề đó được…”.
Ví dụ, một em đóng vai cảnh sát, 5 em đóng vai lái xe. Theo đó, cảnh sát chỉ đường, nhìn vào các biển báo để chỉ khi nào được rẽ phải, khi nào được rẽ trái, khi nào được dừng lại, khi nào đi tiếp… còn lái xe thì không được chen ngang, vượt ẩu… Những điều này mặc nhiên sẽ giúp học sinh hiểu cảnh sát có nhiệm vụ gì, người lái xe cần có phẩm chất gì.
Đối với trẻ lớp 1, lớp 2 mà nói hướng nghiệp dễ khiến dư luận hiểu nhầm
Theo Tiến sĩ Tùng Lâm giới thiệu nghề nghiệp từ cấp tiểu học là hoàn toàn tốt nhưng cần phân tích sâu để mọi người hiểu chứ nói hướng nghiệp thì nghe to tát quá.
Học sinh từ bậc tiểu học cần được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường như một hoạt động hướng nghiệp từ sớm. Nội dung này được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tại dự thảo thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vừa ban hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 11/11/2020.
Theo dự thảo, công tác hướng nghiệp cho học sinh sẽ bắt đầu từ bậc tiểu học. Cụ thể về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, ở cấp tiểu học sẽ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.
Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân; Kỹ năng xã hội; Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng.
Qua đó, phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet
Các hình thức triển khai sẽ gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp.
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học.
Tổ chức tư vấn, đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Đồng tình với "đề xuất hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học", chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội bày tỏ, chủ đề mà chúng ta hướng tới trong dự thảo này là hướng nghiệp ở các bậc học nhưng cần giải thích rõ để dư luận hiểu rõ ở mỗi bậc học thì mức độ và nội dung sẽ khác nhau như thế nào, chứ không phải cứ nói đến hướng nghiệp là định hướng nghề nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (ảnh: Thùy Linh)
Thầy Lâm nêu ví dụ, đối với trẻ tiểu học thì chỉ giới thiệu để các em biết đến các nghề đang có trong xã hội ví như bố mẹ đang làm nghề gì, công việc đó cần sử dụng thiết bị, công cụ gì... hoặc khi nói về phẩm chất của người lao động thì đề cập đến chăm chỉ, làm đúng kỹ thuật...giúp các em định hướng những phẩm chất trở thành người lao động.
Tất cả những điều đó khi tham gia vào các hoạt động của trường cũng như kết hợp với chương trình học kỹ năng, tư duy, năng lực phát triển sẽ hình thành cách suy nghĩ đơn giản về các nghề nghiệp đối với trẻ tiểu học.
Cuối cùng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: "Giới thiệu nghề nghiệp từ cấp tiểu học là hoàn toàn tốt nhưng cần phân tích sâu thêm để mọi người hiểu chứ nói định hướng thì nghe to tát quá đối với trẻ lớp 1, lớp 2 khiến dư luận dễ hiểu nhầm.
Bởi lẽ bản thân môn Đạo Đức, Tự nhiên xã hội cũng đã có những bài học giới thiệu nghề nghiệp rồi. Như vậy vừa đảm bảo yêu cầu giáo dục, vừa gắn với những năng lực, phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới".
Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, vì tư duy nghề nghiệp không đầy đủ nên đã dẫn đến nhiều sinh viên vào đại học rồi lại bỏ học.
Vị này cho rằng, chính các bậc phụ huynh, thầy cô giáo phải là những người đầu tiên ý thức được câu chuyện hướng nghiệp.
"Hướng nghiệp nghe có vẻ to tát nhưng thực ra không có gì lớn lao nếu trong quá trình dạy, thầy cô có ý thức giới thiệu về nghề nghiệp cho học sinh.
Ví dụ, nói về nghề thợ hàn có thể giới thiệu cần sử dụng công cụ gì hay sản phẩm đầu ra sẽ ra sao. Qua đó, những em có thiên hướng về kỹ thuật có thể nhìn thấy được điều đó là phù hợp với mình", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.
Cũng theo, Tiến sĩ Lê Đông Phương, theo danh mục nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê hiện đang có trên 900 nghề. Nhưng có những nghề phổ biến học sinh vẫn không nghĩ, không biết tới. Do đó, việc bắt đầu giới thiệu về các nghề từ bậc tiểu học cho học sinh là điều cần thiết.
Hướng nghiệp sớm cho học sinh Năm học 2020-2021, điểm chuẩn xét tuyển vào đại học (ĐH) ở một số ngành học tăng cao đột biến khiến nhiều học sinh lớp 12 sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lo lắng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành học được xem là "hot" hiện nay đang bị đóng băng. Làm thế nào giúp học...