Đừng lo Thông tư 30, hãy lo giáo viên!
Sau khi thông tin Bộ Giáo dục sẽ sửa Thông tư 30 (TT30) được đăng tải, mọi người có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đồng tình, có người lại thấy hoang mang, lo lắng.
“Mấy hôm nay nghe Bộ Giáo dục đang dạo đầu là sẽ sửa đổi (TT30)! Thì cũng đủ rồi, đến lúc phải thay đổi rồi. Nhưng mà sửa cho nó chạy tốt hơn nhé, đừng có bỏ!” – đây là lời nhắn nhủ của chị Thu Hà, một phụ huynh học sinh.
Dưới đây là bài viết của chị.
Giáo viên chỉ thấy cái họ muốn nhìn
Chấm điểm học sinh tiểu học, thi cử căng thẳng, xếp loại trên dưới, bài tập về nhà nặng nề…, những điều này đang khiến các nền giáo dục tiên tiến nhìn mình với con mắt kỳ cục!
Có khá nhiều người đồng tinh với quyết định đổi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục.
Bạn bè tôi hầu hết đều là giáo viên (GV). Có nhiều bạn kêu rằng TT 30 làm học sinh (HS) học kém đi, lười đi.
Tại sao? Tại đó là cái họ MUỐN NHÌN THẤY!
Bạn tôi có 2 con, học ở 2 trường tiểu học khác nhau.
Một cô ngay buổi họp phụ huynh đầu năm đã phổ biến rằng “TT 30 nhân văn, sự phát triển của trẻ sẽ là cả quá trình, chứ không chỉ có đích đến. GV không chỉ đánh giá kiến thức, kĩ năng mà còn năng lực, phẩm chất của HS, giúp HS so với chính mình, không so sánh với những HS khác.
Không có bài tập về nhà, buổi tối chỉ nên vui chơi với gia đình và làm những việc yêu thích. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm và đã thành công. Phụ huynh cứ toàn toàn tin tưởng vào chúng tôi…”.
Thế là các phụ huynh yên tâm.
Còn bé thứ 2 thì vừa bắt đầu họp phụ huynh là cô giáo đã than thở “TT 30 đẩy lùi chất lượng giáo dục, không chấm điểm làm HS mất động lực, học tập sa sút. Tôi phản đối cái TT này…”
Ngay lập tức các phụ huynh lo lắng, hoang mang.
Video đang HOT
Như bệnh nhân tin bác sỹ thôi, phụ huynh biết tin ai ngoài GV?
Nhớ ngày xưa, khi tôi học lớp 12, gầy yếu nên được khuyên làm giáo viên cho nhàn. Nhận xét nghề giáo nhàn thì tới nay tôi thấy vẫn đúng! Đợt vừa rồi có những tâm thư gửi bộ trưởng giáo dục, rất nổi tiếng, được hàng chục ngàn share và like. Nhưng buồn thay, như bạn Nguyễn Quốc Vương nhận xét: Hầu hết các kiến nghị là nhằm giảm công việc cho giáo viên, chứ không có kiến nghị nào để tăng chất lượng, hiệu quả học tập cho học sinh.
Cứ ẩn mình trong ốc đảo sẽ chết
Điểm danh các kêu ca về TT 30, có những ý kiến chính như sau:
Thứ nhất là TT 30 bị các thầy cô kêu là thay đổi quá đột ngột. Nhưng mà nhiều nghề khác, việc thay đổi là tất-lẽ-dĩ-ngẫu, là việc của mỗi ngày. Thế giới đang vận động nhanh chưa từng thấy trong lịch sử triệu năm, mình cứ đứng yên để hít khói à?
Thứ hai, TT 30 làm các GV rất mệt, có nhiều GV phải thức tới khuya. Nhiều nghề khác việc thức tới khuya là bình thường (như tôi vẫn thường nhận và gửi email lúc 1,2 h sáng thường xuyên cả năm, sáng vẫn phải dậy sớm).
Thứ ba, TT 30 bị kêu phải viết quá nhiều nhận xét!… Thì các nghề khác cũng liên tục phải làm báo cáo mà! Ai đã từng học tiếng Anh với GV nước ngoài sẽ thấy, họ ghi nhận xét siêu cụ thể, siêu chính xác, và siêu nhanh!
Tiết học đầy ắp trò chơi, HS hào hứng, học toát mồ hôi, học cuống quýt. GV nói ít, không kêu gào. Vừa dạy, GV vừa ghi nhận xét, chữ rất xấu, nhưng rất ‘trúng”.
Còn chúng ta, để ý mà xem, nhận xét của thầy cô thường viết rất đẹp, nhưng nhạt nhẽo và chung chung (ví dụ giấy khen “khen từng mặt”). Vì chính GV cũng muốn thế, muốn HS viết chữ đẹp và ý thì chung chung, theo mẫu!
Và thứ tư, TT 30 bị kêu làm khổ các GV. Tôi thì nghĩ cái khổ nhất ở nghề giáo là ít phải dịch chuyển, chỉ lui cui hầu như trong 4 bức tường. Và khách hàng không được phản hồi, không được phép đánh giá!
Vì lễ nghĩa tôn sư trọng đạo mà! Nhưng khách hàng càng bị cấm càng ấm ức, cứ xả ra ngoài lớp học, ở nhà, ở bàn nhậu, ở trên mạng.
Làm nghề mà không được dịch chuyển, không được phản hồi, thì chủ thể sẽ càng bị thụt lùi so với xã hội, thụt lùi so với thời đại.
Nghề nào mà càng đào thải mạnh, càng khắc nghiệt, nhiều thất bại, thì người làm nghề sẽ càng trưởng thành.
Ngoài kia, thế giới thay đổi từng phút, lượng thông tin sau vài năm lại tăng lên gấp đôi, mà các GV cứ ẩn mình trong các ốc đảo khu biệt thì chết à!
GV, nhất là GV tiểu học, nên biết một sự thật đáng sợ là: Rất nhiều phụ huynh và HS đang khoanh tay ngồi dưới kia, họ giỏi hơn mình đấy.
Khi mà tội trạng không đổ lên TT30…
Bạn tôi, một trưởng khoa ở trường đại học sư phạm kể những chuyến đi nước ngoài dành cho các vị quản lý giáo dục học hỏi kinh nghiệm không phải ít.
Nhưng các vị quản lý cũng chỉ nhìn thấy những điều họ muốn nhìn thấy thôi, và chỉ học phần ngọn thôi. Mà GV thì thường phải nghe theo quản lý. Ví dụ, nước ngoài họ triển lãm những sản phẩm HS làm khi học theo dự án. Về Việt Nam, GV tự ngồi làm, hoặc thuê làm, rồi trưng bày.
Đẹp hơn, hoành tráng hơn, tươm tất hơn, nhưng sai về bản chất giáo dục mất rồi!
Các nhà kinh tế tại ĐH Columbia và Harvard vừa công bố kết quả nghiên cứu dài hạn và quy mô trên 2,5 triệu học sinh, giảng viên suốt 2 thập kỷ để xem xét sự khác biệt về kết quả học tập của học sinh khi học với những giáo viên có trình độ khác nhau.
Họ kết luận: Một giáo viên tốt sẽ làm tăng thu nhập cả đời của một lớp học lên 1/4 triệu đô la Mỹ so với một giáo viên tồi.
GV giỏi nghề, có tâm, là đất nước có lãi lắm!
Khi nào mà Bộ Giáo dục mình được như Bộ Giáo dục của Israel, kiêu hãnh phát biểu: “Chúng tôi không có tài nguyên gì, chúng tôi chỉ có tài nguyên con người!”, thì khi đó tội trạng mới không đổ lên đầu TT 30!
Theo Thu Hà/Vietnamnet
Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi Thông tư 30
Bộ GD&ĐT khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên, giúp thầy cô tập trung hoạt động chuyên môn.
Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Sau 2 năm triển khai thực hiện quy định này, nhiều phản ứng trái chiều từ phía xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, qua tổng hợp báo cáo mới nhất của 63 Sở GD&ĐT cuối năm học 2015-2016, Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới.
Giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh. Cách đánh giá mới góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học.
Đặc biệt, học sinh biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Bước đầu, cán bộ quản lý đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập; góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.
So sánh tỷ lệ xếp loại năng lực học sinh tiểu học năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016. Ảnh: Vụ giáo dục tiểu học.
Mặc dù vậy, qua lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thực hiện Thông tư 30, đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định.
Đáng tiếc vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ.
Phụ huynh vẫn còn định kiến việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số mới chính xác. Nhiều người chưa thấy sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ hoặc nhận xét không chấm điểm, học sinh sẽ lười học.
Phía đội ngũ giáo viên còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế.
Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh.
Trước tình hình đó, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện đối với giáo dục tiểu học, trong đó sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30; Tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét; giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý; Khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Quá trình thực hiện được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền; Thực hiện theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.
Thông tư 30 nhìn từ giấy khen 'danh hiệu từng mặt': Giấy khen "Đạt danh hiệu học sinh từng mặt" đặt ra những câu hỏi về cách thức thực hiện Thông tư 30. Thông tư này đã thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học.
Trước đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp, tập huấn cho hơn 4.000 hiệu trưởng tiểu học; kiểm tra, hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng hay hiểu chưa đúng về Thông tư 30; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; xây dựng tài liệu hỏi đáp về đánh giá học sinh; đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng nhau rút kinh nghiệm...
Nhiều tỉnh đã chủ động tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và cộng đồng như: Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Điện Biên, Tuyên Quang...
Một số địa phương chủ động tập huấn cho giáo viên như: TP Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Cao Bằng, Lạng Sơn, TP Cần Thơ, Thừa Thiên Huế...
Theo Zing
Thu hồi, sửa sai 150 giấy khen ghi 'danh hiệu khen từng mặt' Trước phản hồi của giáo viên và dư luận, trường tiểu học Tân Phương (Ứng Hoà, Hà Nội) đã thu hồi và viết giấy khen mới, trao tận tay học sinh trong kỳ nghỉ hè. Chia sẻ với Zing.vn sáng 5/6, bà Dương Thị Nụ, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Tân Phương cho biết, ngay sau khi nhận phản hồi từ phía...