Đừng làm 6 điều cấm kỵ khi sạc smartphone này, trừ khi bạn muốn sớm chia tay để… lên đời máy mới
Nếu không định làm mỏng thêm độ dày của ví dành cho việc đổi máy mới dù chưa dùng lâu dài thì hãy nhớ những mẹo sạc pin smartphone này nhé.
Tất cả mọi đồ dùng đều có tuổi thọ riêng, trong đó pin smartphone cũng không phải ngoại lệ. Tuổi thọ pin là yếu tố quyết định cho việc bạn và chiếc smartphone sẽ gắn bó với nhau bao lâu, cũng là một cách để tiết kiệm túi tiền dành cho nhu cầu nâng cấp hàng năm. Vậy cần làm gì để có thể tạo cho mình thói quen bảo vệ hết mức chiếc “dế cưng” của mình, đồng thời không lo một ngày nào đó số hiển thị phần trăm pin sẽ thất thường như trời trở gió?
1. Coi thường sạc smartphone mặc định của nhà sản xuất
Bộ sạc riêng của nhà sản xuất đi kèm theo hộp đã được thử nghiệm và công nhận đủ tiêu chuẩn phù hợp nhất với smartphone. Nếu vẫn cố tình hoặc bất đắc dĩ phải sử dụng một bộ sạc khác, một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu suất pin, dung lượng lưu trữ và tuổi thọ pin vì điện áp cung cấp không tương thích hoặc thậm chí độ bền không được đảm bảo 100%. Ít nhất, hãy kiểm tra một cách chủ động xem các thông số đó có giống y hệt với bộ sạc ban đầu hoặc được khuyến cáo bởi nhà sản xuất gốc hay không.
2. Dùng sạc không rõ nguồn gốc, rẻ tiền hoặc vô danh
Các thiết bị sạc rẻ tiền một cách bất ngờ và đầy cám dỗ mỗi lần bạn làm mất hoặc quên mang sạc gốc chính là những mối nguy hiểm tiềm tàng. Chúng có thể không sở hữu bất kỳ cơ chế an toàn nào để bảo vệ chống lại sự biến đổi hay quá tải điện áp khi không tương thích. Chỉ cần một vài lỗi chập điện hay hỏng hóc xảy ra, không chỉ pin mà ngay cả toàn bộ hệ thống phần cứng trong smartphone cũng sẽ dễ dàng “đi đời” như chơi mà không kịp trở tay.
3. Ốp lưng kín mít mọi lúc mọi nơi
Về lý thuyết, ốp lưng bảo vệ điện thoại không có tư thù cá nhân gì với các bộ sạc đi kèm cả. Tuy nhiên, chúng lại liên quan đến một yếu tố tiêu cực: Nhiệt độ. Mức độ tỏa nhiệt phát sinh trong quá trình sạc sẽ là không đáng kể hay ảnh hưởng đến chất lượng pin nếu nhanh chóng được phân tán ra môi trường, nhưng chính những chiếc ốp lưng sặc sỡ, dày cộp hay đóng mác cao su silicon chính là mối đe dọa chẳng ai ngờ tới đó!
4. Hết pin là phải sạc nhanh cho chóng đầy
Video đang HOT
Xét về độ tiện lợi, sạc nhanh là một vị cứu tinh cho những ai bận rộn và muốn tiết kiệm thời gian. Tuy vậy, về lâu về dài, hành động này được khuyến cáo là không nên áp dụng liên tục quá nhiều, nguyên nhân là vì tốc độ sạc cao cũng đồng nghĩa với việc một lượng điện tải lớn hơn chuẩn thông thường sẽ được truyền vào pin smartphone, sau cùng sẽ dẫn đến việc tăng nhiệt độ sinh ra, hoàn toàn không tốt cho tuổi thọ của pin.
Vì thế, hãy luôn để ý smartphone trong khi sạc nhanh, nếu có dấu hiệu sinh nhiệt một cách bất thường và quá tải, hãy rút sạc và theo dõi đánh giá thêm trước khi đi đến một phương án giải quyết tiếp theo.
5. Vừa sạc vừa ngủ qua đêm dài liên tục
Sạc qua đêm không phải điều cấm kỵ, khi mà thế hệ pin lithium-ion ngày nay đã cho phép tự động ngắt sạc khi đầy pin, tối thiểu hóa khả năng chai pin như những trường hợp phổ biến của thời kỳ trước.
Tuy nhiên, việc để smartphone tiếp xúc liên tục với nguồn điện tải chắc chắn sẽ – như đã đề cập – làm sinh nhiệt dù nhiều hay ít. Vì vậy phương án tốt nhất là tự quản lý chu kỳ sạc của chính mình, hạn chế thói quen sạc qua đêm, chỉ nên dùng khi rơi vào cảnh không còn đường lui, trong khi sáng mai chẳng có thời gian mà chờ sạc để sử dụng.
6. Không áp dụng tỷ lệ vàng 20-80
Dù smartphone của bạn có đắt tiền đến đâu, khi sử dụng chúng vẫn có một điều cần ghi nhớ hơn cả: Không để pin cạn dưới 20%, và cũng không cần thiết phải luôn luôn sạc lên 100%, thay vào đó chỉ cần 80% là đủ.
Pin lithium-ion ngày nay được thiết kế để sử dụng một cách tối ưu nhất nếu như bạn có thói quen sạc ngắn, ngắt quãng. Vì thế, mỗi người chúng ta có thể thoải mái cắm sạc thường xuyên nhiều lần trong ngày tùy thích, mỗi lần chỉ cần sạc 40-50% cũng không vấn đề gì. Kiểu cách truyền thống sạc pin từ 0-100% ngày xưa đã quá cổ lỗ, thậm chí nó còn gây tác dụng ngược cho công nghệ pin hiện tại, vì thời gian sạc quá dài.
Vì thế, tránh để pin giảm xuống dưới 20%, khi đó rất nhiều người sẽ trở nên sốt ruột và muốn sạc lên càng đầy càng tốt. Nếu bạn luôn sạc cách quãng và giữ được pin trên 20%, việc gấp rút sạc lên 100% cũng chẳng cần thiết, cho nên 80% là mức tối ưu để giữ độ ổn định cho tuổi thọ của pin.
Theo Dan Tri
Công nghệ pin mới hấp thụ CO2 để làm nhiên liệu cho chính nó
Nghiên cứu này không chỉ giúp giải quyết được vấn đề phát thải CO2, mà còn có thể biến nó thành một điều gì đó hữu ích hơn cho con người.
Mọi người đều biết thế giới đang gặp vấn đề nghiêm trọng về Carbon Dioxide (CO2), nhưng hóa ra công nghệ pin lại có thể là cách thức tài tình và có thể hiệu quả về chi phí nhất đối với lượng CO2 gia tăng trên hành tinh của chúng ta.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tìm kiếm các cách thức khác nhau để thu thập carbon và lưu trữ nó dưới lòng đất hoặc thậm chí trong lòng đại dương. Theo các nhà nghiên cứu tại MIT, vấn đề đối với các hệ thống thu thập và cô lập carbon (CCS: Carbon capture and Sequestration) thông thường là chúng đòi hỏi phải có nhiều năng lượng để hoạt động.
Một nghiên cứu năm 2014 ước tính CCS sử dụng đến 30% điện năng tạo ra từ các nhà máy điện, và cuối cùng, nhiều hệ thống chỉ có thể lưu trữ CO2 dưới dạng rắn, nhưng không thực sự chuyển đổi mục đích sử dụng được nó.
Nhưng một nhánh khoa học riêng biệt về CO2 đang nỗ lực tìm cách chuyển hóa chất này thành các loại vật liệu khác nhau, có khả năng sử dụng như một nguồn nhiên liệu có thể sử dụng được. Nhiều nhà khoa học tin rằng đây là chiến lược được ưa thích hơn, khi nó còn mang lại các lợi ích khác ngoài việc giảm lượng CO2.
Với hướng đi đó, một nhóm nghiên cứu tại MIT đã đưa ra một hệ thống pin Lithium mới có thể hấp thụ trực tiếp CO2 từ bên trong các nhà máy điện, chuyển hơi nước lãng phí thành một điện cực (với CO2 bên trong) - một trong ba thành phần chính của pin.
Các loại pin Lithium Carbon Dioxide thường yêu cầu phải có chất xúc tác kim loại để hoạt động, bởi vì carbon dioxide khá trơ về mặt hóa học. Từ đó nó lại làm nảy sinh một vấn đề khác - các chất xúc tác thường rất đắt đỏ, và các phản ứng hóa học thường rất khó kiểm soát.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu do kỹ sư cơ khí Betar Gallant dẫn đầu đã tạo ra một bộ chuyển đổi điện hóa Carbon Dioxide mà không cần đến chất xúc tác, mà chỉ sử dụng một điện cực carbon.
Câu trả lời nằm ở việc sử dụng CO2 ở thể rắn, kết hợp nó trong một dung dịch Amin.
" Những điều mới trong giải pháp của chúng tôi là kỹ thuật này kích hoạt Carbon Dioxide để tạo ra dung dịch điện hóa dễ dàng hơn." Gallant cho biết.
" Hai hóa chất này - các amin ngậm nước và các điện cực pin khan (không ngậm nước) - không thường được sử dụng cùng nhau, nhưng chúng ta nhận ra rằng việc kết hợp chúng với nhau mang lại những hành vi mới và đầy thú vị, có thể làm tăng hiệu điện thế dòng xả và cho phép chuyển đổi liên tục Carbon Dioxide."
Cực âm sau khi xả điện, cho thấy các vật liệu carbon có nguồn gốc từ việc phát thải CO2, và bề mặt ban đầu trước khi xả của điện cực.
Cho đến nay, nghiên cứu này vẫn chưa sẵn sàng cho việc thương mại hóa, nhưng các thử nghiệm cho thấy rằng kỹ thuật amin này có thể cạnh tranh với các phương pháp khác dành cho pin Lithium khi, cho dù chúng vẫn còn nhiều khía cạnh cần phải cải thiện.
Đầu tiên, hệ thống pin này hiện tại mới chỉ giới hạn ở 10 chu kỳ sạc xả - một hạn chế to lớn cần phải được cải tiến đáng kể nếu muốn sử dụng hệ thống pin Lithium Carbon này cho bất kỳ mục đích nghiêm túc nào.
" Các thách thức trong tương lai sẽ bao gồm việc phát triển các hệ thống với khả năng quay vòng anim cao hơn để tiếp cận khả năng hoạt động gần như liên tục hoặc có vòng đời dài hơn, và để gia tăng dung lượng có thể đạt được ở cường độ cao hơn." Các tác giả cho biết trong nghiên cứu của mình.
Các tác giả cũng thừa nhận, sẽ cần đến nhiều năm nữa trước khi loại công nghệ pin này có thể sử dụng để cấp điện cho những thứ mà mọi người thực sự cần.
Với mọi rào cản nhỏ chúng ta vượt qua, chúng ta lại tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng - một giải pháp có thể giúp giải quyết một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan quan trọng của môi trường ngày nay, nhưng theo cách hữu ích hơn việc chỉ đơn giản chôn nó xuống đất và để nó nằm im ở đó.
" Pin Lithium Carbon Dioxide vẫn cần nhiều năm phát triển nữa." Gallant giải thích, nhưng ít nhất, nếu chúng ta có thể chuyển CO2 thành một điều gì đó giống như thành phần của pin, đó sẽ là " một cách để cô lập nó thành một sản phẩm hữu ích."
Theo Genk