Dùng giấy giới thiệu giả bán hàng trong trường học
Công an Khánh Hòa đang tập trung điều tra xử lý các đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ để bán hàng.
Trung tá Lê Bá Tước – Phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) – cho biết, đang tập trung điều tra xử lý các đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ để bán hàng.
Trước đó, ngày 30/11, Trần Văn Thắng (22 tuổi) và Ngô Xuân Thịnh (23 tuổi, cùng ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đến Trường tiểu học phường Phước Tiến (TP Nha Trang) để tiếp thị, bán hàng.
Hai chiếc máy mà Thắng, Thịnh giới thiệu để bán cho Trường tiểu học phường Phước Tiến (Nha Trang). Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thắng đưa ra một giấy giới thiệu của Phòng GD&ĐT TP Nha Trang, có nội dung yêu cầu ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Nha Trang tạo điều kiện cho nhóm truyền thông của Viện Vật lý Kỹ thuật cùng Công ty CP khoa học kỹ thuật Bách Khoa tại Hà Nội giới thiệu, bán máy khử độc rau quả bằng ozone và máy làm giá đậu – rau mầm đa năng.
Do phát hiện thấy nội dung văn bản mập mờ, chữ ký của Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nha Trang không giống với chữ ký thường thấy nên bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Hiệu trưởng Trường tiểu học phường Phước Tiến – đã báo Công an đến làm việc.
Thắng và Thịnh sau đó được đưa về Công an TP Nha Trang và tại đây cả hai khai nhận tờ giấy giới thiệu trên là giấy giả, do hai đối tượng nhờ một người tên Đức ở Bắc Giang làm, nhằm tạo niềm tin cho các trường học để bán sản phẩm với giá cao.
Trao đổi với phóng viên chiều 4/12, ông Cao Đình Trung – Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Nha Trang, người bị giả mạo chữ ký trong văn bản giả nêu trên – cho biết trước nay phòng không ban hành văn bản nào như thế, phòng cũng cấm tiếp thị và bán sản phẩm trong các trường học.
Video đang HOT
Theo Duy Thanh/Tuổi Trẻ
Đại biểu Quốc hội lập trường nuôi trẻ đặc biệt
Chứng kiến hình ảnh thầy cô nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (xã Nhuận Đức, Củ Chi, TP HCM) mới thấy nghề giáo lắm gian nan.
Những thầy cô đặc biệt
Tôi đứng trước cửa lớp nhìn vào. Bên trong, 8 đứa trẻ chừng 6-7 tuổi, đứa ngồi trên ghế, đứa đi vòng vòng. Ở góc phòng, một thầy và 2 cô giáo trẻ đang gắp thức ăn bỏ vào từng chén cơm trộn lên. Cơm được bưng ra bàn và thầy cô giáo mời từng em ngồi vào ghế. 8 em nhìn về 8 hướng bằng đôi mắt thất thần...
"Ăn đi các em" - cô giáo nhắc. Có em cầm lấy muỗng. Có em ngồi ngơ ngác. Có em gục đầu... Thầy cô giáo ngồi sát bên dỗ dành. Từng cử chỉ, từng lời nói của các thầy cô giáo đến từng em mang theo nhiều yêu thương và cảm thông.
Thầy Đỗ Bảo Uy lựa nhặt ra từng chiếc xương nhỏ trong miếng cá kho.
Vừa đút cơm cho một học sinh, thầy giáo Nguyễn Nghĩa Minh (24 tuổi) chủ nhiệm lớp mầm non 3 bày tỏ, chăm các em ở đây mình phải có tình thương lớn.
"Trước đây, lúc còn học trong trường mình chưa hình dung ra được những khó khăn khi chăm sóc các em nên bước đầu hết sức bỡ ngỡ. Giờ thì quen rồi, mỗi động tác, mỗi ánh mắt của các em mình đã hiểu được" - thầy Minh nói.
Ở lớp kế cận, cô giáo Nguyễn Thị Tiết vừa lo bữa ăn trưa cho các em vừa vui vẻ tâm sự: "Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế. Quê ở Quảng Ngãi nhưng em "bén duyên" với ngôi trường này. Công việc chăm sóc dạy dỗ các em tự kỷ là một công việc mang nét đặc thù. Em đã phải ăn ở, ngủ với các em. Công việc không thể tính bằng giờ mà suốt ngày phải túc trực".
Cô giáo Tiết, thầy giáo Minh và nhiều thầy cô giáo khác ở trung tâm này đa số phải sống xa nhà. Các thầy cô được đào tạo từ khoa Giáo dục đặc biệt của các trường ĐH, CĐ Sư phạm mầm non. Mỗi thầy cô giáo đều ý thức được công việc mình phải làm.
"Phải xem các em như những đứa em ruột của mình dùng tình thương để giáo dục các em mới có kết quả được"- tâm sự của một cô giáo.
"Chúng em mời thầy cô và các bạn ăn cơm ạ", tiếng hô đồng loạt vang lên từ phía bên kia sân trung tâm. Dõi mắt nhìn qua, trong phòng ăn hơn 10 học sinh độ tuổi 12-18 đang quây quần quanh mâm cơm...
Đây là lứa học sinh lớn tuổi nhất tại trung tâm. Tuy lớn tuổi, nhưng khả năng nhận thức của những học sinh này cũng như bao đứa trẻ tự kỷ khác vẫn rất hạn chế. Thầy giáo của nhóm này là Đỗ Bảo Uy, đang phải lần tìm để lấy ra từng mẫu xương nhỏ trong miếng cá kho. "Phải như thế chứ các em không biết lừa xương ngộ nhỡ mắc cổ thì gay lắm" - vừa gỡ xương thầy Uy vừa chia sẻ.
Các thầy cô giáo lớp mầm non 3 chăm các cháu ăn trưa.
Người lập trường là Đại biểu Quốc hội khóa 6
"Con chào chú đi". Đứa bé hơn 10 tuổi được bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phó Giám đốc trung tâm dắt đến bên cạnh tôi khẽ ấp úng. Nó là con tôi đó anh ạ. Tôi có 2 đứa con song thai đều chung căn bệnh tự kỷ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm từng là lãnh tụ sinh viên, đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa 6 và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên...
Vì có 2 con nhỏ mắc chứng tự kỷ, ông đã thành lập Trường Chuyên biệt Khai Trí để có điều kiện chăm sóc con và các cháu cùng hoàn cảnh. Trường này là tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Khai Trí.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm và con trai.
Bác sĩ Mẫm cho biết, bệnh tự kỷ là căn bệnh rối loạn phát triển não bộ suốt đời. Trẻ bị bệnh tự kỷ thường không chơi với ai không có cảm xúc, phản ứng. Về giao tiếp, trẻ bị tự kỷ giao tiếp bằng lời và không lời trong đó 50% trẻ tự kỷ không nói được suốt đời. Tư duy của trẻ tự kỷ thường nhận thức kém nhưng lại có những khả năng đặc biệt. có những trường hợp hôm nay nói nhưng phải đến hôm sau trẻ mới hiểu được.
Trẻ bị tự kỷ cao điểm dẫn tới bùng nổ la hét, đập phá vì bức xúc. Đối với trẻ tự kỷ tuyệt đối không nên đánh đập, la mắng, đặc biệt không nên hứa mà không thực hiện lời hứa...
Hiện nay, theo bác sĩ Mẫm có khoảng 40% cha mẹ của các em bị tự kỷ ly di hoặc ly thân vì cho rằng nguyên nhân phát xuất từ một trong 2 người tạo nên.
Từ những hiểu biết và chính mình là người trong cuộc, bs Mẫm đã lập nên trung tâm này với mục đích muốn giúp các cháu được yêu thương, sẻ chia. Ông cho biết thêm, trong 5 năm qua có hơn 100 em đã được hồi gia.
Điều trăn trở nhất mà chúng tôi nhìn thấy trong lúc này có lẽ là đội ngũ giáo viên. Đa số các giáo viên đều còn trẻ mới ra trường bỏ thành phố về đây suốt ngày với các cháu là cả một hi sinh lớn lao.
Chúng tôi đã có trao đổi ý kiến này với giáo viên Tiết được cô cho biết: "Không sao đâu chú ơi. Cái duyên là do trời định không cần tìm nó cũng tự đến thôi. Chúng cháu không thể bỏ các em được bởi tình cảm gắn bó với nhau. Chú biết không, các em đang ráo riết tập dợt văn nghệ để tham gia mừng ngày nhà giáo 20/11 đó. Tập thể giáo viên chúng cháu vui lắm vì các em tuy đang trong trạng thái tự kỷ nhưng ở một giây phút nào đó còn biết nghĩ đến thầy cô giáo. . .
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet
Cổ tích về một cô giáo tí hon Kiều Thị Ánh Thuyết - "cô giáo tí hon" ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã viết lên câu chuyện cổ tích khi tổ chức một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo trên quê hương mình. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ ba gian, cũng là nơi dạy học hơn 10 năm nay của chị Kiều Thị Ánh Thuyết...