Đừng đóng khuôn giáo dục đạo đức
Theo nhiều chuyên gia và giáo viên, chương trình môn giáo dục đạo đức – công dân sau năm 2015 nên thiết kế theo hướng mở để bản thân mỗi giáo viên thật sự trở thành kho tư liệu sống.
Hai ngày cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức – công dân trong trường phổ thông.
Hiện nay học sinh bậc THCS chỉ học 1/2 tiết đạo đức/tuần – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ba chữ khô – khó – khổ
Theo các đại biểu, “đặc trưng” của môn giáo dục đạo đức – công dân được gói gọn trong ba chữ K: khô – khó – khổ! Trước hết, nội dung giáo dục đạo đức rất ít. “Càng lên lớp cao hơn, nội dung đạo đức càng giảm. Ở tiểu học các em được học 1 tiết/tuần, ở THCS được học 1/2 tiết/tuần, nhưng lên đến THPT học sinh chỉ được học 15 tiết đạo đức trong suốt 3 năm học và chủ yếu ở lớp 10, còn lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức. Đã vậy việc dạy nặng về lý thuyết nên hiệu quả thấp”, tiến sĩ Đào Đức Doãn, Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét.
Còn PGS-TS Nguyễn Đình Tường, Viện Triết học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, tính toán rằng học sinh THPT chỉ được học 11 tiết đạo đức trong tổng số 105 tiết giáo dục đạo đức – công dân. Còn lại là các nội dung về pháp luật, về các vấn đề chính trị – xã hội. Đã vậy nội dung đang quá tải với hầu hết học sinh cấp THPT, đặc biệt là lớp 10. Mỗi bài học lại quá dài khiến giáo viên chỉ có thể dạy lý thuyết suông, xa rời thực tế. “Đa số ý kiến của học sinh và giáo viên cho rằng phần công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học còn trừu tượng, khó hiểu với học sinh lớp 10 khi mà các em chỉ mới 15 – 16 tuổi. Với thời lượng 1 tiết/tuần thì giáo viên chỉ có thể giới thiệu cho học sinh biết về các vấn đề đó chứ không thể đi sâu tìm hiểu”, PGS-TS Nguyễn Đình Tường cho biết.
Video đang HOT
Theo PGS-TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học giáo dục VN, kiến thức lồng ghép trong môn này quá ôm đồm. Bên cạnh những kiến thức về các lĩnh vực, các mặt giáo dục khác nhau như pháp luật, an toàn giao thông, quốc phòng, giới tính, bảo vệ môi trường, kỹ năng sống…, gần đây Bộ GD-ĐT lại đưa thêm nội dung giáo dục công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tác hại game online có nội dung bạo lực không lành mạnh. “Môn giáo dục đạo đức – công dân như là nơi “gửi gắm” của nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung khác nhau của đời sống xã hội mà quên mất đi chức năng chính của môn học”, PGS-TS Nguyễn Dục Quang nhận xét.
Phải thay đổi từ người dạy
Vấn đề chất lượng đội ngũ cũng là một mảng nội dung lớn được đưa ra bàn bạc trong suốt 2 ngày hội thảo (10 – 11.8).
Theo các thông tin tại hội thảo, hiện nay chất lượng giáo viên dạy giáo dục đạo đức – công dân rất có vấn đề. Trước hết đó là đội ngũ thiếu chuyên nghiệp về giáo dục đạo đức – công dân. “Trình độ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành (ĐH, CĐ) chiếm 43%, còn lại là đào tạo ghép với văn, sử, địa, hoặc môi trường”, tiến sĩ Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD, Bộ GD-ĐT, cho biết.
Nam Định là một trong những địa phương thể hiện rõ nét tình trạng trên. Ông Nguyễn Văn Long, Trường CĐ Sư phạm Nam Định, cho biết: “Cả tỉnh có 765 giáo viên giáo dục đạo đức – công dân cấp THCS thì chỉ có 189 người được đào tạo đúng chuyên môn, còn 576 người chưa qua đào tạo. Thông thường giáo viên được phân công dạy môn này là giáo viên văn hoặc các môn được coi là “phụ”; giáo viên các môn cơ bản không đủ giờ đứng lớp ở môn của mình thì được phân công dạy môn này cho đủ giờ; hoặc giáo viên chủ nhiệm thường được phân luôn dạy giáo dục đạo đức – công dân”. Bà Lê Thị Bích Tơ, Trường THCS Tân Kiều (Tháp Mười, Đồng Tháp), cũng phản ánh ở huyện bà có hơn 50% giáo viên dạy môn trên không đúng chuyên ngành đào tạo. Bà Tơ còn cho biết thêm: “Dạy giáo dục đạo đức – công dân cấp THCS cả huyện có 35/45 người có trình độ ĐH, nhưng chỉ 5 người tốt nghiệp ĐH chính quy, còn lại là từ xa, chuyên tu, hoặc tại chức”.
Một giáo viên đến từ một trường THCS ở Hà Nam khẳng định muốn thay đổi môn này trước hết phải thay đổi người dạy. “Giáo viên phải được nâng cao trình độ cũng như được đảm bảo về nhân cách, để mỗi thầy cô giáo phải là một kho tư liệu sống về môn học, từ đó mới tác động được vào tình cảm, nhận thức người học và bài học mới hiệu quả”, giáo viên này phát biểu. Nhiều đại biểu cũng đồng ý với quan điểm mỗi giáo viên môn này phải là kho tư liệu sống, không lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa khi dạy học. “Khi còn là học sinh lớp 9, tôi được học gương sáng vận động viên Nguyễn Thúy Hiền. Khi tốt nghiệp trường sư phạm rồi đi dạy, tôi ngạc nhiên vì người ta vẫn dạy gương sáng Nguyễn Thúy Hiền trong khi thời kỳ đỉnh cao của cô ấy đã qua. Hiện giờ cô ấy đã trở thành huấn luyện viên, học sinh vẫn phải học Nguyễn Thúy Hiền trong khi mỗi năm lại có thêm rất nhiều ngôi sao thể thao đỉnh cao. Theo tôi, chương trình phải thiết kế mở để giáo viên thực sự là kho tư liệu sống”, một giáo viên đề xuất.
Theo Thanhnien
Rập khuôn là... giỏi! - Kỳ 3: Thụ động trước cuộc sống
Thói quen làm theo mẫu từ những bậc học đầu tiên trong đời sẽ khiến học sinh thui chột khả năng sáng tạo, lúng túng trước những tình huống ngoài khuôn mẫu.
Chưa kịp yêu đã chán
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: "Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em".
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong một tiết học môn văn theo hướng không đọc chép, HS tự tổ chức và làm chủ giờ học - Ảnh: Minh Luân
Ông Tiến cho biết, có lần ông dự chuyên đề về tập làm văn ở một trường tiểu học, bài văn tả con đường đến trường. Có học sinh (HS) tả: "Nhà em ở ngay sau trường nên ngày nào em cũng trèo tường đến trường cho nhanh". Cô giáo cho rằng tả như thế là không được. Thế nhưng theo ông Tiến, trước hết phải tôn trọng sự thật và tôn trọng sự trong sáng của học trò. Nhiệm vụ của giáo viên là làm thế nào để HS biết đưa nhiều chi tiết để bài làm chân thực, sinh động hơn. Còn việc có nên trèo tường để vào trường hay không thì giáo viên sẽ nói chuyện với HS đó ở một khía cạnh khác.
PGS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/sai, có những tiêu chí khoa học. Tuy nhiên, theo ông Thống, do dạy văn là dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, không thể dùng văn mẫu để yêu cầu HS cảm thụ đúng hướng... Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích HS đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lý, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.
Nhà giáo Đặng Đình Đại, người có thâm niên mấy chục năm dạy văn ở bậc THPT cho rằng, hậu quả của việc học thuộc lòng theo văn mẫu rất nặng nề. Chấm thi tốt nghiệp THPT, ĐH sẽ thấy rõ nhất điều này. Nhiều bài văn giống nhau dù không ngồi cùng một phòng thi hay một hội đồng thi. Ấy là do các em được học thuộc văn mẫu để đi thi.
Ông Đại cho biết, kết quả của văn mẫu ở cấp học dưới khiến cho nhiều HS lên lớp 10, khi gặp đề đòi hỏi sáng tạo một chút là kêu khó và lúng túng không làm bài được. Làm văn theo mẫu từ khi bắt đầu học tập làm văn đã khiến HS chưa kịp yêu môn văn đã chán môn học này.
Làm hỏng tư duy diễn đạt, thuyết trình
Thói quen làm theo văn mẫu khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo của các em bị mai một dần, thói quen đọc sách cũng không được hình thành vì nó không trở thành nhu cầu tự thân nữa. Ngày nay học văn nhưng HS không cần đọc tác phẩm mà chỉ học theo văn mẫu để làm bài. "Văn hóa đọc của giới trẻ mà chúng ta vẫn lo ngại cũng xuất phát từ điều này" - ông Đại nói.
Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở việc học và dạy môn văn, HS có yêu thích môn này hay không... mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống của HS khi bước ra ngoài cuộc sống. Ông Đại cho biết, nhiều HS ra trường với kết quả học tập có thể rất cao nhưng lại "lơ ngơ" và thụ động trước mọi thứ. Cứ gặp tình huống không nằm trong khuôn mẫu là lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào.
Một cán bộ của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng xin việc, nhiều bạn trẻ không đương đầu nổi với các câu hỏi đòi tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình. Trong khi đó, để tìm cho mình những ứng viên thông minh, có tố chất và khả năng sáng tạo cao trong công việc, nhà tuyển dụng thường phỏng vấn những câu hỏi "kỳ lạ" để kiểm tra phản ứng, triết lý, tư duy riêng của ứng viên.
Mất dần cảm xúc
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng điều đáng lo ngại đặc biệt là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em. Bà Dương Thị Mai Hương, cũng giáo viên trường này so sánh: "Nếu dạy theo kiểu đọc chép thì thầy là "máy dạy" và trò là "máy học". Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột tài năng của người dạy. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái "máy dạy" văn".
Theo nhiều nhà chuyên môn, dạy văn là dạy cho HS biết cách ăn nói, miêu tả, dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa dạy cho HS biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. "Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bày sẵn?", một giáo viên suy tư.
Theo thanh niên
Rập khuôn là... giỏi! Nhiều phụ huynh cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên với văn mẫu vì nếu học sinh làm khác đi sẽ bị điểm kém. Ngay từ bậc tiểu học đến THPT, HS đã phải làm quen với các kiểu văn mẫu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Học tập theo... Bài tập làm văn hiện nay của học sinh (HS) thường phải theo...