Đừng đổi mới giáo dục kiểu ‘đẽo cày giữa đường’
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không thể đổi mới giáo dục bằng những quyết định chữa cháy vội vàng như “đẽo cày giữa đường”.
Đổi mới sách giáo khoa – không nên vội vàng
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời điểm triển khai sách giáo khoa mới vào năm 2018 là vội vàng. Bởi trước khi tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, lẽ ra cần cải cách hệ thống giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, quyết định đã được phê duyệt, vậy cần đổi mới thế nào cho hợp lý và tiết kiệm. Theo ông, nội dung nào của sách giáo khoa không phù hợp yêu cầu mới thì thay thế. Nội dung nào còn sử dụng được để dùng (với phương pháp dạy học mới) và thay thế dần.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trăn trở về chương trình đổi mới sách giáo khoa. Ảnh: Mạnh Thắng.
Video đang HOT
Để việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được thực hiện nhanh và tiết kiệm chi phí, giáo sư Thuyết đề xuất: “Đối với các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, chúng ta nên áp dụng chương trình, sách giáo khoa của một nước tiên tiến. Theo đó, Bộ GD&ĐT cho dịch một bộ sách giáo khoa để dùng. Các tổ chức, cá nhân khác có thể biên soạn những bộ sách khác trên cơ sở tham khảo bộ sách nước ngoài này. Với các môn khoa học xã hội, chúng ta có thể tham khảo chương trình nước ngoài để biên soạn của mình. Đây là cách mà Hàn Quốc làm trước đây”.
Thời điểm 2018 áp dụng “đại trà” bộ SGK được giáo sư đánh giá vội vàng. Đó là vấn đề các nhóm tác giả chỉ dạy thử nghiệm những nội dung mới, trong khi đây là sự thay đổi rất căn bản và toàn diện. Tập thể tác giả tự đánh giá kết quả dạy thử nghiệm bộ SGK của mình liệu có đáng tin? Bên cạnh đó, việc phân tổng chủ biên của từng môn học, cấp học và toàn bộ chương trình SGK phổ thông trong thời hạn gấp “dễ trở thành vị trí hình thức”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mà nên giao cho các đơn vị trực thuộc, ví dụ NXB Giáo dục. Điều này giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức, cá nhân.
Những quyết định không hợp lý
Bên cạnh câu chuyện đổi mới sách giáo khoa, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng quan tâm hàng loạt vấn đề khác như cấm thi tuyển vào lớp 6, tuyển sinh cao đẳng, đại học…
Ông chia sẻ: “Bộ GD&ĐT nên giải quyết các vấn đề như dạy, học thêm tràn lan, trường chuyên lớp chọn biến tướng bằng cách thanh tra và xử lý, chứ không nên cấm thi tuyển vào lớp 6. Cấm thi mà không chỉ cho các trường phải làm thế nào là đánh đố. Quyết định này cũng mâu thuẫn với thông tư 30 về việc không chấm điểm học sinh tiểu học. Nếu không chấm điểm học sinh tiểu học, trong vở các em chỉ có “mặt mếu”, “mặt cười” và trong hồ sơ chỉ có những lời phê định tính chung chung, làm sao có thể xét tuyển vào lớp 6?”.
Việc cấm thi vào lớp 6 sẽ tạo điều kiện nảy nở những hành vi tiêu cực như chạy trường, chạy lớp hoặc sẽ làm khổ phụ huynh học sinh. Họ phải thức khuya, dậy sớm để xếp hàng cho con và xô đổ cổng trường mà con chưa chắc đã được vào học.
Về kỳ thi THPT quốc gia, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, gộp hai kỳ thi làm một sẽ tạo nên tình trạng “nửa dơi, nửa chuột”: “Mức điểm tốt nghiệp chắc sẽ thấp, vì đề thi có cả phần phân hóa để phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều đó sẽ tạo nên bức tranh ảm đạm của nền giáo dục phổ thông”.
Theo ông Thuyết, tốt nhất Bộ GD&ĐT nên trao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, sở GD&ĐT làm nòng cốt. Với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nên giao quyền tự quyết cho các trường: Tùy tình hình, có trường tổ chức thi tuyển, trường chỉ xét tuyển.
“Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý cấp trung ương, công việc chính là xây dựng chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ không nên tự biến mình thành ban giám hiệu của tất cả các trường từ mầm non đến đại học trong cả nước”.
“Chửa trâu nhưng đẻ rơi”
Trước hàng loạt vấn đề giáo dục còn ngổn ngang, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đưa ra khuyến nghị: “Bộ GD&ĐT nên xem xét lại cách ra quyết định của mình”.
Ông nhắc lại ý kiến của một cán bộ giáo dục lão thành, nguyên Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT. Vị cựu quan chức này nói tại một hội nghị: “Bộ ta thường chửa trâu nhưng lại đẻ rơi”. Ý của ông là những dự án của Bộ GD&ĐT thường được thai nghén rất lâu, nhưng vẫn không được nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, rồi đùng một cái, ban hành vội vã.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không thể đổi mới giáo dục bằng những quyết định chữa cháy vụn vặt và vội vàng, mà phải có tư duy chiến lược. Điều này giúp chúng ta tránh được những quyết định chạy theo dư luận, theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.
Bên cạnh đó, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lưu ý, cần chú trọng đổi mới giáo dục đại học và nghề nghiệp thay vì chỉ tập trung giáo dục phổ thông như tất cả các cuộc cải cách trước. Bởi giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp mới là những khâu cuối cùng quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là chỗ yếu nhất của giáo dục nước ta hiện nay.
“Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào sự đổi mới giáo dục, chỉ nên hi vọng tạo được bước chuyển ban đầu, nhất là khi nước ta đang trọng phát triển số lượng. Nhiều người cứ bảo chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống.
Tôi khẳng định, những học sinh, sinh viên giỏi bây giờ giỏi hơn lứa chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Nhưng chất lượng chung thì kém xưa thật. Bởi vì ngày xưa, người ta đào tạo theo kiểu hình chóp; những ai lên được cấp ba hay đại học đều là những học sinh giỏi thật sự. Bây giờ, các em ùn ùn lên lớp, chẳng ai đúp, ai trượt, cả làng kéo nhau lên đại học, tiến sĩ cả thì lấy đâu ra chất lượng cao?” – giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định.
Theo Zing