Đừng để xảy ra những vụ kinh hoàng như ở Hưng Yên mới đau lòng, 10 điều cần làm ngay để con an toàn ở trường
Rất nhiều bậc cha mẹ ngày càng lo lắng với tình trạng bạo hành học đường, mà kẻ bắt nạt con cái mình lại chính là bạn bè xung quanh. Phải làm sao để con có thể tự vệ khi không có ai giúp đỡ?
Đã có khá nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ, và mới đây nhất, vụ 5 học sinh quây đánh lột quần áo 1 nữ sinh ở Hưng Yên lại càng làm các bậc phụ huynh dậy sóng. Ai cũng tin tưởng rằng trường học là môi trường an toàn nhất, tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai của đất nước, nhưng rồi chính các em lại trở thành nạn nhân của bạo lực, bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, đến mức sang chấn tâm lý, khiến người lớn cảm thấy vô cùng đau lòng.
Vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Hưng Yên đang là tâm bão dư luận (ảnh cắt từ clip)
Trước tình trạng các bậc phụ huynh lo lắng với nguy cơ con cái bị bắt nạt ở trường học, nhà báo Hoàng Anh Tú đã lên tiếng hướng dẫn cho cha mẹ 10 điều cần thiết phải làm ngay để con đủ khả năng tự bảo vệ chính mình, tránh việc trở thành nạn nhân bị bạn bè chơi xấu. Và với người lớn, cũng có 10 điều quan trọng cần ghi nhớ để con cái mình không gặp tổn thương.
“CON PHẢI LÀM SAO KHI BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG?
Vụ cô bé lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng lột quần áo không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn cũng sẽ không phải vụ cuối cùng nếu như chúng ta không dạy con kỹ năng phòng và tránh bị bắt nạt trong trường học cũng như chính các trường, các thầy cô không vào cuộc tích cực. Chia sẻ với các cha mẹ và thầy cô một vài điều hy vọng giúp được con cái chúng ta.
[Với các con]
1. Hãy cho trẻ tập thể lực. Không nhất thiết phải là học võ. Cứ là rèn luyện thể lực cho tốt là được. Có sức khỏe ít nhất lũ trẻ có thể… bỏ chạy nhanh hơn khi bị vây đánh. Bớt 1 giờ học tiếng Anh, thêm 1 giờ tập thể dục vì đám bắt nạt không dùng tiếng Anh nói chuyện đâu.
2. Dạy trẻ sinh mạng là trên hết. Đừng nói cái gì như là “đàn ông đàn ang” hay sĩ diện này nọ. Giữ được sinh mạng rồi về ta tính tiếp.
3. Tránh xa những rắc rối và những đứa bạn hay nói chuyện đánh nhau, bạo lực hoặc thích gây sự với các bạn bè khác. Đây cũng là cách để giải trừ bạo lực cho cộng đồng của các con. Những kẻ ưa bạo lực sẽ thấy đó là điều không được ai hoan nghênh. Muốn chơi cùng – hãy trở thành một đứa trẻ văn minh, lịch sự.
Đứa trẻ nào cũng sợ hãi, ám ảnh chuyện bị bắt nạt, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý (ảnh minh họa)
4. Gặp đám côn đồ, đừng tỏ ra sợ hãi, rúm ró, khép nép nhưng cũng đừng tỏ ra ta đây cóc sợ. Hãy bình tĩnh nhất có thể. Giấu nỗi sợ đi. Nói chuyện khiêm tốn, vừa phải và cố gắng dừng lại ở mức này, không thách thức, sẵn sàng nhận thua, xin lỗi và rút lui kịp thời. Mềm mỏng là cách làm nguội cơn giận của người khác. Và trong lúc nói chuyện, hãy để ý xung quanh tìm kiếm con đường thoát thân.
5. Bỏ chạy luôn là cách nhanh nhất để tránh một trận ẩu đả. Một, hai, ba… chạy! Hết tốc lực mà chạy.
6. Hãy nhắm hướng đông người mà chạy. Hãy chạy vào những nơi như nhà hàng, quán cafe, công sở, ngân hàng… nếu không tìm thấy đồn công an.
7. Tuyệt đối không nghe theo lời kẻ đang đe dọa mình mà đi tới nơi vắng vẻ. Kẻ bắt nạt luôn muốn kéo nạn nhân vào nơi vắng vẻ để đánh.
8. Nếu có thể, hãy bấm điện thoại gọi 113 hoặc người thân. Điện thoại luôn đặt chế độ quay số nhanh bằng cách giữ phím.
9. Bị bắt nạt, đe doạ hay bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu có những kẻ muốn đánh mình cần phải nói sớm nhất có thể với cha mẹ hoặc thầy cô. Đừng sợ mà giấu. Kẻ bắt nạt muốn các con không được kể với ai vì chúng sợ con kể với người khác.
Video đang HOT
10. Luôn có những người bạn, nhóm bạn thân để nếu bất cứ ai trong nhóm bị tấn công, những người còn lại sẽ đi báo thầy cô, cha mẹ, công an một cách nhanh nhất.
Hãy dạy con hòa đồng, thân thiện với bạn bè để luôn được giúp đỡ (Ảnh minh họa)
[Với cha mẹ - thầy cô]
1. Luôn tin vào những gì lũ trẻ nói. Đừng xua đuổi chúng. Đừng nghi ngờ chúng và cũng đừng coi nhẹ những lời chúng nói.
2. Luôn để mắt tới lũ trẻ. Những đứa trẻ nào dễ bị bắt nạt thì càng phải để ý tới chúng nhiều hơn. Coi trọng những dấu hiệu cho thấy con cái mình, học trò mình đang bị uy hiếp, bắt nạt như trẻ sống thu hẹp mình, hay sợ hãi, tâm trạng phấp phỏng, lo âu… (Cha mẹ thầy cô nên được học kỹ về các dấu hiệu – Google đi, đừng lười. Hoặc mua cuốn “30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống bạo hành” của tôi).
3. Dạy trẻ những kỹ năng về phòng tránh bạo lực học đường.
4. Cho trẻ biết chúng luôn được cha mẹ thầy cô bảo vệ.
5. Tạo cho con cái – học trò tâm lý thoải mái để chúng có thể chia sẻ bất cứ câu chuyện gì với chúng ta.
6. Để mắt đến cả những hành vi nếu con em mình thích bạo lực, hay sử dụng bạo lực.
(Ảnh minh họa)
7. Kết nối với bạn bè của con cái mình, học trò mình. Chúng sẽ là tai mắt hữu hiệu của mình.
8. Làm sạch môi trường quanh con cái bạn – học trò của bạn bằng việc nói không với bạo lực – bắt nạt – nói xấu. Trừng phạt mạnh tay với những hành vi này ngay khi nó mới manh nha bắt đầu.
9. Cho con cái thấy, cho học trò thấy chúng ta sẽ làm gì nếu con cái chúng ta, học trò của chúng ta bị bắt nạt. Trẻ sẽ yên tâm hơn khi biết cha mẹ, thầy cô chúng luôn có sẵn những giải pháp bảo vệ chúng.
10. Share bài viết này hoặc đọc nó cho con của bạn, học trò của bạn để cùng chúng trao đổi nhiều hơn nữa về bạo lực học đường”.
Những đứa trẻ bị bắt nạt hay những đứa trẻ đi bắt nạt bạn khác, chúng đều cần được dạy dỗ quan tâm đúng cách để không biến mình thành kẻ mạnh ăn hiếp yếu hoặc kẻ yếu không biết tự bảo vệ mình. Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất, bởi những chuyện đáng tiếc thường hay xảy ra bởi chính sự thờ ơ, coi nhẹ của đám đông xung quanh. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng, xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi thì còn cứu vãn được gì đây?
Theo Helino
Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá
Nếu còn giáo viên chủ nhiệm vô cảm như giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A trường Trung học cơ sở Phù Ủng chắc chắn sẽ là đất dung dưỡng cho cái ác trong trường học
Việc nữ sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên bị 5 học sinh khác đánh tàn bạo lan truyền trên mạng tối 29/3 gây bức xúc dư luận.
Theo hình ảnh trong clip, nữ sinh này bị bạn lột hết quần áo, đạp đầu, giật tóc ngay tại lớp trước sự chứng kiến của các bạn học khác nhưng không ai can ngăn.
Sự việc xảy ra vào ngày 22/3 nhưng một tuần sau mới bị lộ. Hiện nữ sinh này đang nằm viện điều trị vì hoảng loạn tinh thần.
Dư luận rất bất bình và yêu cầu xử lý nghiêm những học sinh đánh bạn (ảnh nguồn vov).
Là một phụ nữ, là một người mẹ, xem vài giây clip thôi mà tôi đã không cầm được nước mắt và thực sự sốc.
Tôi tự hỏi, nếu đứa trẻ trong clip là con tôi thì những lời giải thích của lãnh đạo nhà trường tôi có thể kìm lại được không?
Và tôi tự hỏi, không hiểu sao từ đâu lại nảy nòi những đứa trẻ mới là học sinh cấp hai mà sự tàn ác, vô cảm lại kinh khủng như vậy.
Rồi đọc thông tin trên báo chí, tôi phần nào tự mình lý giải được "nguồn nuôi" bạo lực học đường, cái ác trong trường học có thể từ chính những người đang hàng ngày gần các em nhất đó là thầy cô, là giáo viên chủ nhiệm.
Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Phù Ủng trả lời trên Truyền hình Thông tấn:
Ngày 29/3, thông tin từ Trường Trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) xác nhận, ngày 22/3 tại nhà trường đã xảy ra sự việc đáng tiếc khi có một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đã tham gia đánh một bạn nữ lớp 9A ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị.
Thầy Nhữ Mạnh Phong hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Phù Ủng cho biết, nữ sinh nạn nhân là học sinh hiền lành, ít nói và chậm chạp.
Các học sinh khác cho biết, đây không phải lần đầu nạn nhân bị bắt nạt, việc này xảy ra rất nhiều lần.
Sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh trong lớp xóa ngay các clip đã quay và không được thông tin cho bất cứ ai. (1)
Trong khi đó, ngày 30/3 trả lời trên báo Người Lao động, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
Ngay sau khi nắm được sự việc, sáng ngày thứ Bảy tuần trước (ngày 23/3), nhà trường đã yêu cầu 5 em học sinh trong đoạn clip cùng gia đình lên làm tường trình.
Buổi làm việc đó, em Y. và chú của mình cũng có mặt (do hoàn cảnh gia đình nên cha mẹ em không tham gia buổi làm việc này).
"Tại buổi làm việc, em Y. và gia đình đã đồng ý bỏ qua cho 5 em học sinh kia. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng kỷ luật nhà trường, tôi đã đề nghị đình chỉ 5 em học sinh này đến hết năm, nhưng sau đó các gia đình xin chỉ đình chỉ 1 tuần vì các em là học sinh cuối cấp.
Gia đình em Y. cũng đồng ý phương án này. Do đó, nhà trường đã đình chỉ học các em này 4,5 ngày, vì 1,5 ngày cuối tuần các em có lịch thi", ông Phong cho hay.
Cũng theo thầy Phong, sau khi làm việc với các bên, nhà trường yêu cầu các em học sinh xóa clip để bảo vệ danh dự cho em Y.
Tuy nhiên, clip này đã bị phát tán và sau đó chú em Y. đã có đơn trình báo với các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm. (2)
Thú thực, sau khi đọc các thông tin trên, tôi lại tin vào thông tin từ các học sinh trên Truyền hình Thông tấn.
Nếu clip không được phát tán, thì thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm có bị "hề hấn" gì không? Và bao giờ chúng ta mới biết đến sự thật này.
Dù ngày 30/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đã thống nhất đình chỉ hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong 15 ngày để xử lý vụ việc, giáo viên chủ nhiệm lớp em Y. cũng điều chuyển.
Nhưng tôi tự hỏi, giáo viên chủ nhiệm bị điều chuyển thì sự vô cảm của người này có thay đổi?
Cái mà những người thầy, người cô, quản lý trong nhà trường cần trước hết là lương tâm và trách nhiệm để nhận thức ra tính nghiêm trọng của vấn đề bạo lực trong học đường chứ không phải theo như cách mà họ làm khi dư luận chưa biết đến.
Đau lòng nhất là các vụ việc tương tự như em Y. không phải lần đầu xảy ra.
Dư luận đã quá nhiều lần bức xúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quá nhiều lần lên tiếng yêu cầu báo cáo, rồi rút kinh nghiệm nhưng ít lâu sau, dư luận lại giật mình vì những vụ việc tương tự như ở trường Trung học cơ sở Phù Ủng.
Đặc biệt, những người liên quan, có trách nhiệm để các vụ việc diễn ra chưa ai bị xử lý nặng nên chưa ai biết sợ cả!
Sau vụ việc này, em Y. liệu có thể đi học lại bình thường không? Và những đứa trẻ đánh Y. rồi sẽ được giáo dục thế nào khi mà người lớn có trách nhiệm nhận thức như trên.
Chúng có để yên cho em được sống, khi mà chúng đang được bao che, dung dưỡng bởi những điều dối trá, sợ trách nhiệm và nhận thức vấn đề lơ mơ như trên.
Đáng sợ hơn, những vụ việc như trên chính là hậu quả của việc bế tắc việc giáo dục nhân văn cho trẻ trong gia đình, trong xã hội và trong chính trường học.
Một vấn đề chúng ta chứng kiến hậu quả rất nhiều, nói nhiều nhưng chưa có hành động nào mang tính khả quan cả.
Tài liệu tham khảo
(1): https://vnews.gov.vn/nu-sinh-hung-yen-nhap-vien-vi-bi-ban-danh-hoi-dong?fbclid=IwAR0H64aGWE-1ncbkKDFliuqR6mWU3tjASSat2QM-SCuhjKayEYxbNX399oE
(2): https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vu-nu-sinh-lop-9-bi-danh-da-man-lot-do-hieu-truong-noi-bi-bat-nat-co-the-do-qua-hien-20190330160334322.htm
Thanh Thủy
Theo giaoduc.net.vn
Vết thương của ngành giáo dục Trong lúc vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình nóng trở lại với kết luận điều tra của các cơ quan hữu trách thì xảy ra vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn học đánh hội đồng, như xát thêm muối vào vết thương chưa lành của ngành giáo dục. Ảnh minh họa Em N.T.H.Y,...