Đừng để ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục chỉ là câu khẩu hiệu
Thực tế thì đa phần các nhà trường chưa tận dụng được tối đa lợi thế của công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị mình.
Hiện nay, các Sở, Phòng Giáo dục và phần lớn các trường học phổ thông đều đã có website riêng nhưng đa phần các đơn vị chưa tận dụng tối đa về lợi thế các trang web của mình trong quản lý và điều hành.
Cách quản lý vẫn nặng sổ sách hành chính, những tiêu cực trong giáo dục vẫn xảy ra thường xuyên. Nếu như biết phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin thì ngành giáo dục sẽ giảm được rất nhiều áp lực cho đội ngũ giáo viên và ngay cả với lãnh đạo quản lý.
Đặc biệt, nhà trường, phụ huynh cũng có thể tạo ra được một kênh thông tin cần thiết và có thể giám sát được những tiêu cực, giảm được những lời thị phi không đáng có.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục năm 2019 – (Ảnh: moet.gov.vn)
Chúng tôi thấy rằng các trường phổ thông hiện nay gần như trường nào cũng có website riêng, các trường học đều sử dụng phần mềm điểm điện tử trong xếp loại, đánh giá học sinh.
Thế nhưng, chủ yếu website của trường chỉ tồn tại hình thức, rất ít khi cập nhật những hoạt động thường xuyên của trường. Phần mềm điểm điện tử vẫn là một dịch vụ mà hàng năm phụ huynh phải trả tiền với giá cao.
Trên các website của các trường hiện có rất nhiều trang, mục khác nhau nhưng nhiều trang lại…trống vì chẳng thấy nhà trường cập nhật thông tin gì. Tại sao các nhà trường lại không tận dụng trang web của mình để quản lý và điều hành các hoạt động giáo dục trong nhà trường nhỉ?
Chỉ cần yêu cầu các tổ chuyên môn, các thầy cô giáo đưa các kế hoạch hoạt động năm, tháng, tuần của mình lên trang web của trường, lúc nào cần kiểm tra thì cứ vào trang web mà kiểm tra. Việc gì phải yêu cầu giáo viên in ấn, lưu hồ sơ giấy làm gì cho khổ mà tốn kém?
Chẳng hạn hoạt động quan trọng nhất của tổ chuyên môn hàng năm là thực hiện các chuyên đề thao giảng chuyên môn.
Video đang HOT
Vì thế, các tổ trưởng đưa kế hoạch của năm, kế hoạch tổ chức thực hiện lên website thì nhà trường sẽ biết tổ đó thực hiện như thế nào. Thậm chí có thể đưa các video thực hiện lên, vậy là xong.
Đối với giáo án của giáo viên thì nén lại rồi đưa lên các trang web. Phần cứng thì giáo viên đã soạn cụ thể, những cái mới trong tập huấn hàng năm thì yêu cầu giáo viên cập nhật, bổ sung và tô màu là ổn.
Nó vừa tốn giấy, tốn công người duyệt phải ngồi lần đọc từng trang giáo án của giáo viên.Việc gì năm nào cũng yêu cầu giáo viên soạn mới, in mới mà thực tế nhiều bài giảng chỉ sửa lại ngày, tháng, năm còn nội dung thì vẫn như cũ.
Việc hội họp trong nhà trường hiện nay cũng đang quá tải đối với giáo viên và cán bộ quản lý.
Vì thế, thay vì phải họp thường xuyên thì những kế hoạch hoạt động chuyên môn, hoạt động phong trào, nhà trường đưa lên website cũng giảm đi những cuộc họp không cần thiết.
Việc vận động xã hội hóa giáo dục hiện nay đang là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, thường để lại rất nhiều thị phi cho dư luận.
Vì thế, nếu nhà trường ở khu vực đô thị khi cần vận động phụ huynh, cần xã hội hóa giáo dục thì đưa kế hoạch cụ thể lên website, đưa số tài khoản lên đó, nếu phụ huynh nào họ cảm thấy có khả năng tài trợ thì cứ chuyển tiền vào tài khoản của nhà trường.
Sau mỗi đợt vận động, nhà trường công khai minh bạch số tiền phụ huynh đóng góp, tài trợ, số tiền chi cho từng hạng mục mà nhà trường đã vận động.
Làm được như vậy, chắc chắn phụ huynh không than phiền mà ít nhất là các hiệu trưởng đỡ mang tiếng là lạm thu, tư túi. Cứ như hiện nay, cho dù hiệu trưởng có trong sáng như thế nào thì cũng khó tránh được những lời thị phi bởi vì mọi khoản thu chi không minh bạch với phụ huynh.
Việc vào điểm của giáo viên thì đã có phần mềm, chỉ cần mỗi kỳ yêu cầu giáo viên vào điểm đúng quy định theo thời gian. Đến thời điểm kiểm tra chỉ cần click chuột vài cái là kiểm tra giáo viên nào vào điểm, giáo viên nào chưa vào điểm.
Khi quy định như vậy thì giáo viên vào cột điểm nào, Ban giám hiệu khóa cột điểm đó, nếu giáo viên có sửa, bổ sung điểm thì bắt buộc phải giải trình để tránh tiêu cực và “cấy, sửa” điểm học sinh khi vào dịp cuối năm học.
Mỗi năm học, nhà trường sẽ đưa bảng điểm của học kì lên website của nhà trường. Phụ huynh sẽ lên trang web của trường đọc và nắm được tình hình con mình học tập như thế nào. Khỏi cần phải phát sổ liên lạc mỗi kỳ mấy lần cho mệt nhà trường và giáo viên.
Công bố tiêu chí ưu tiên cụ thể cho từng đối tượng. Ai được tuyển dụng, ai phải điều chuyển, ai được điều chuyển cứ công khai minh bạch cho giáo viên trên địa bàn mình biết.Đối với cấp Sở, Phòng Giáo dục mỗi khi tuyển dụng, thuyên chuyển công tác giáo viên thì công khai rõ số lượng tuyển, số lượng giáo viên còn thiếu, còn thừa của từng nhà trường.
Nếu minh bạch như vậy, giáo viên đọc được, biết mình sẽ phải làm gì. Không dẫn đến tình trạng kiện cáo, khiếu nại như một số địa phương đang xảy ra.
Khi cần thanh tra, kiểm tra chuyên môn thì lãnh đạo Phòng, Sở vào website của các trường kiểm tra các loại kế hoạch trước. Lúc về trường chỉ cần dự một số giờ dạy của giáo viên sẽ đánh giá được công tác quản lý của nhà trường, của các tổ chuyên môn.
Việc gì mà mỗi khi thanh tra, kiểm tra thì cán bộ thanh tra ngồi lật, giở từng trang kế hoạch, từng tờ giáo án để soi, để ghi chép và góp ý cho mệt mỏi.
Trong các kế hoạch năm học Bộ, Sở, Phòng Giáo dục thì bao giờ cũng có câu: “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy” nhưng xem chừng câu này vẫn đang còn là… khẩu hiệu.
Thực tế thì đa phần các nhà trường chưa tận dụng được tối đa lợi thế của công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị mình. Cho dù điều kiện, cơ sở vật chất đã có. Các địa phương đều đã tạo website cho mình và cho các nhà trường.
Nhưng, đọc các trang web của nhà trường thì chúng ta nhìn thấy là đa phần chẳng có gì…để đọc. Thậm chí nhiều nhà trường mới có cái khung, còn chưa hề cập nhật các thông tin vào các trang web của mình.
Vô tình, có trang web mà chẳng để làm gì, quản lý giáo dục vẫn nặng về hồ sơ số sách lưu giữ. Đầu năm thì giáo viên in ấn, đóng cuốn chỉn chu, cuối năm lại đem đi cân bán phế liệu mà thôi!
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; cải cách thủ tục hành chính và công tác thanh tra
Theo đó, toàn ngành đã tích cực triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020".
Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thí điểm áp dụng sách điện tử các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, Tiếng Anh với các trường tiểu học, THCS đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên. Đồng thời phối hợp với Viettel Hà Nội áp dụng hệ thống ViettelStudy vào việc ôn luyện thi trắc nghiệm môn Lịch sử thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả, có 904.589 lượt học sinh tham gia ôn tập trên tổng số 85.000 học sinh dự thi.
Cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2018 cụm trường THPT Thanh Xuân - Cầu Giấy.
Bên cạnh đó, thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học, THCS tại 3 Phòng Giáo dục và Đào tạo, trong đó: Qquận Long Biên 16 trường, quận Thanh Xuân 4 trường và quận Bắc Từ Liêm 14 trường; thí điểm triển khai việc thu phí không dùng tiền mặt đối với các trường học trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện việc triển khai các phần mềm chuyên ngành giáo dục theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống .
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan, cùng với 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của Sở, tiếp tục triển khai 100% các thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xây dựng 40% tổng số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục toàn ngành đạt mức độ 4; tiếp tục triển khai cuộc thi về tìm hiểu tiện ích của dịch vụ công trực tuyến cho học sinh trong các nhà trường phổ thông,
Đồng thời công khai 100% quy trình giải quyết 65 thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa và trên Cổng thông tin điện tử của ngành. Thực hiện đơn giản các thủ tục hành chính theo hướng 3 giảm: Giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ và giảm chi phí cho tổ chức, công dân. Dự kiến trong năm 2019 sẽ thực hiện đơn giản hóa trên 70% số thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp và các vấn đề nóng của ngành; phân biệt rõ thanh tra hảnh chính, thanh tra chuyên ngành. Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan thanh tra tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thanh tra hành chỉnh các đơn vị trường học thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý; chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thanh tra Sở triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ các đơn vị. Đặc biệt xử lý dứt điểm, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng Luật khiếu nại, Luật tố cáo...
T.P
Theo laodongthudo
Giảng viên Mỹ trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Hà Tĩnh Ngày 22/8, đoàn công tác Đại học VinUni phối hợp với Đại học Cornell (Mỹ) đã đến thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Các giảng viên Mỹ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy công nghệ thông tin với giảng viên Đại học Hà Tĩnh Tại buổi làm việc, PGS.TS....