Đừng để học sinh loạn thần vì ‘học bạ đẹp như mơ’
Cách tổ chức thi cử chuyển cấp hiện nay đang gây áp lực lớn về điểm số, thành tích cho học sinh từ tiểu học đến THCS, THPT.
Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học, các em cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) đang căng như dây đàn đối phó lịch thi cuối năm với mong muốn có một học bạ “đẹp như mơ” để được hưởng mức điểm xét tuyển cao nhất.
Tuy nhiên, với danh hiệu học sinh giỏi bậc THCS để được xét tốt nghiệp loại giỏi, được cộng điểm tuyệt đối trong xét tuyển kết hợp thi tuyển lớp 10 THPT là điều khó xảy ra nếu các em không giỏi thực sự.
Áp lực đến từ môn… thể dục
Dù không tính điểm, môn Thể dục vẫn là mối đe dọa với nhiều học sinh THCS bởi nỗi lo không đạt học sinh giỏi. Chỉ cần bị đánh giá không đạt môn học này, dù tổng kết các môn khác có đạt giỏi vẫn có thể kéo xếp loại học lực của học sinh xuống trung bình. Với nhiều em có thể lực yếu, đây là rào cản lớn để trở thành học sinh giỏi toàn diện.
Video đang HOT
Đây mới chỉ là một trong số 13 môn hiện hành ở bậc THCS. Ngoài áp lực từ các môn thi chính thức là Ngữ văn và Toán, học sinh còn “lo ngay ngáy” các môn học phụ khác, bởi không thi nhưng có thể quyết định kết quả học tập cả học kỳ, cả năm.
Học sinh chỉ cần một môn không đạt 6,5 điểm trung bình cũng không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Với tổng điểm trung bình các môn 8,0 trở lên, học sinh phải tranh thủ ở tất cả các môn học để “gồng gánh” nhau.
Trước đây, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật được coi là các môn gỡ điểm để nâng tổng điểm trung bình, thì bây giờ chỉ được xếp loại đạt hay không đạt. Các môn còn lại nếu không đạt 8,0 có nghĩa là các môn kia phải đạt trên 8,0, thậm chí 9,0 để hỗ trợ những môn điểm thấp.
Cứ như vậy, học sinh phải nỗ lực cả 4 năm học để mong được cộng điểm tuyệt đối trong kỳ tuyển sinh lớp 10 sắp tới của Hà Nội. “Học sinh cạnh tranh từng nửa điểm để vào được trường công lập tốt. Nếu mất một năm học lực giỏi là mất nửa điểm, trong khi để đạt điểm tối đa 2 môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi này là điều bất khả thi”, cô Nguyễn Minh Tâm, giáo viên trường THCS Alpha phân tích. Điều này không chỉ khiến học sinh căng thẳng mà cả giáo viên, phụ huynh cũng lo lắng.
Học sinh căng thẳng với việc ôn luyện thi dù đã sắp kết thúc năm học . Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Thi thử liên miên
Nếu như học sinh lớp 5 cũng căng thẳng về điểm số với yêu cầu 10 điểm Văn, Toán để đạt điều kiện tối thiểu khi xét tuyển vào lớp 6 các trường chất lượng cao, áp lực với học sinh lớp 9, lớp 12 càng lớn hơn với các kỳ thi chuyển cấp sắp tới.
“Kết quả thi thử của con lúc 41 điểm, khi 49 điểm. Chênh lệch quá lớn khiến cả mẹ lẫn con đều bối rối, không biết chọn trường nào phù hợp năng lực của con”, chị Nguyễn Khánh Linh, phụ huynh học sinh trường THCS Thực nghiệm chia sẻ.
Có thể thấy, càng thi thử, nhiều học sinh càng lo sợ vì kết quả không như ý muốn. “Con tôi vừa đóng tiền học thêm chỉ hai môn Văn, Toán để tập trung ôn thi cho tới ngày 5/6, tức là sát ngày thi để học sinh, phụ huynh yên tâm đối phó với kỳ thi tuyển sinh lớp 10″, chị Mai Hương, phụ huynh trường THCS Giảng Võ cho biết.
Còn với học sinh THPT, ngoài kỳ thi thử nghiệm do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, các trường đều tự tổ chức thi thử cho học sinh để nắm tình hình. Không những thế, học sinh còn tự đăng ký thi thử miễn phí trên mạng.
Tình trạng học, thi liên miên khiến các chuyên gia tâm lý phải lên tiếng cảnh báo, nếu học sinh có những dấu hiệu bất thường như thường xuyên đau đầu, mất ngủ, sợ học, nôn ói, ngất xỉu, rơi vào trạng thái hoảng loạn hay có những biểu hiện loạn thần như khóc cười vô cớ, không kiểm soát được lời nói, hoang tưởng thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa các em thăm khám ở chuyên khoa tâm thần để có hướng điều trị thích hợp.
Được biết, Bộ GD&ĐT cũng vừa thông báo, giữa tháng 5 tới, bộ sẽ công bố 5 bài thi thử nghiệm lần thứ ba để học sinh làm quen với định dạng đề thi, phương thức thi theo bài.
Lý do bộ chọn thời điểm giữa tháng 5 công bố đề thi thử nghiệm lần cuối là bởi thời điểm này, học sinh lớp 12 đã học xong chương trình phổ thông, các em gần như có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức để trải nghiệm đề thi hiệu quả nhất. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã 2 lần công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017: Lần thứ nhất vào tháng 10/2016 và lần thứ hai vào tháng 1/2017.
Theo Zing