Đừng để điểm số lấy mất tuổi thơ con
Mỗi thời có những quan điểm về điểm số không giống nhau, nhưng những người ‘lạc đường vào điểm số’ thì giống nhau, đó là bằng mọi giá để có điểm thật cao, để đứng tốp đầu của lớp, của trường, để được nhận giải thưởng này, lời có cánh nọ…
Học vì điểm số con chưa hẳn giỏi kiến thức thực sự, nhưng chắc chắn dễ bị đánh mất tuổi thơ, tuổi học trò. Thời học sinh của tôi đã qua hơn 20 năm, ngày đó điểm số cũng rất quan trọng nhưng chúng tôi không phải học nhồi nhét. Học chỉ một buổi, không đi học thêm. Chỉ các bạn học giỏi thì có thêm những buổi ôn thi và những bạn học yếu cũng được bồi dưỡng thêm.
Bên cạnh việc học, chúng tôi còn biết làm đủ thứ việc trong gia đình và ngoài xã hội. Ngày ấy tôi vừa học vừa bươn chải kiếm tiền, làm đủ thứ việc nhưng lực học vẫn tốt. Thỉnh thoảng tôi có kể cho các con và học sinh nghe về việc học ngày xưa của mình. Nhiều năm liền tôi luôn đứng vị trí nhất lớp, top 3 lớp nhưng tôi không bị áp lực từ gia đình hay thầy cô. Tôi chủ động trong việc học và học khá nhẹ nhàng.
Tôi kể nhưng không phải để so sánh. Nếu tôi đem thành tích điểm số của mình để dạy học sinh và con mình thì chẳng khác nào tôi đang lạc vào điểm số, gây áp lực cho con, cho trò, đi ngược lại với sự tiến bộ, nhân văn. Chính vì thế tôi dạy một cách nhẹ nhàng, thiết thực để việc học hành của các con thoát lối học “gạo”, thoát điểm số.
Những đợt kiểm tra học giữa kỳ, học kỳ cũng chẳng có gì áp lực. Nếu buổi chiều thi, buổi sáng con ở nhà xem qua vài lần, con vẫn có thời gian giải trí, vận động chân tay (đọc sách báo, xem truyền hình, làm việc nhà, chơi thể thao).
Những ngày trước, trong và sau các đợt kiểm tra, con vẫn học và ôn một cách nhẹ nhàng. Riêng những bài (hoặc phần) kiểm tra học thuộc lòng, tôi dạy nắm kiến thức cơ bản, trả lời theo cách hiểu của mình dù điểm không cao, không cần phải “tròn chữ” như sách giáo khoa, như mẫu của giáo viên để lấy điểm 9, 10.
Video đang HOT
Thời nay, học sinh học mụ cả người vì điểm số. Học quá nhiều nên dư kiến thức sách vở mà thiếu vốn sống thực tế. Cha mẹ chính là người đầu tiên, quan trọng nhất ép con học vì điểm số.
Người lớn chúng ta (nhất là các bậc phụ huynh) đang đánh cắp tuổi thơ, đánh cắp tuổi học trò của con em mình, khiến con em “lạc vào điểm số”. Những đứa trẻ sẽ trải qua nhiều năm ám ảnh, hoặc thậm chí ám ảnh tới khi đã trưởng thành.
Và một điều đáng buồn hơn, một số phụ huynh trước đây từng bị áp lực này, khi có con, thay vì “giải thoát” cho con thì họ lại rơi vào vòng xoáy điểm số, con họ lại “trở về tuổi thơ” của cha mẹ.
Học hành phải thoải mái
Bạn tôi đang dạy tại một trường phổ thông ở Q.1 (TP.HCM) chia sẻ những ngày này, các phụ huynh rất căng. Tôi tò mò thì bạn cho biết việc thi cử của con không biết từ bao giờ đã trở thành áp lực của phụ huynh.
Bạn giải thích sở dĩ có hiện tượng đó vì phụ huynh cũng bị áp lực về thành tích của con mình với người ngoài (như đồng nghiệp, bà con, chòm xóm…). Đa số phụ huynh bây giờ có 1-2 con nên đầu tư cho con rất nhiều. Việc đầu tư chuyện học cho con là cần thiết, nhưng điều đáng nói là sau đó ai cũng mong con mình giỏi, tài năng… mà không hề biết mỗi đứa trẻ đều có giới hạn, ưu – khuyết riêng. Vấn đề là làm sao cho con mình tốt nhất có thể đã bị đẩy qua chuyện làm cho con mình giỏi nhất.
Thậm chí có những phụ huynh biết rõ sức học con mình ở mức trung bình nhưng vẫn muốn con khá, giỏi nên… không ngừng làm phiền thầy cô để xin “giúp đỡ”. Tất nhiên, giáo dục trên nền tảng chân – thiện – mỹ không bao giờ cho phép điều đó.
Lẽ ra mùa thi của con, phụ huynh chỉ cần động viên con học tốt, thi tốt trong khả năng; chăm sóc sức khỏe cho con đảm bảo đủ tinh thần thoải mái bước vào phòng thi thì lại làm cho con thêm nặng nề.
Riêng mỗi bạn trẻ khi cắp sách đến trường, trước mỗi kỳ thi đã luôn có áp lực rồi mà còn thêm áp lực vô hình từ ba mẹ, những răn đe “phải đạt được” khiến các bạn thêm mệt mỏi. Từ đó cũng ít nhiều có tác dụng ngược, giảm khả năng tư duy, làm bài của người học.
Thực ra, kinh nghiệm tự thân, tôi thấy việc học hành cũng phải thong dong. Nên nhớ một máy tính mà ổ cứng chứa đầy, lại có thêm virus tấn công thì chạy sao nổi. Bộ não học trò cũng thế, nếu “tứ bề thọ địch” với những áp lực từ nhà trường, gia đình (mang tên bệnh thành tích) thì kỳ thi trở thành khoảng thời gian đau khổ, có thể dẫn tới stress, hậu quả khó lường nếu không đạt như “ước nguyện” của phụ huynh “gửi gắm” trước đó.
Giải thoát cho con
Học giỏi nhưng không bị áp lực, biết làm nhiều việc trong cuộc sống hằng ngày, có kỹ năng là điều đáng khích lệ. Học giỏi nhưng học mụ người, ăn vội ngoài đường, học vội, tranh thủ ngủ thêm sau lưng cha mẹ trên đường đến trường, không biết làm các việc nhỏ trong gia đình… thì liệu cái giỏi ấy có xứng đáng, có nên đánh đổi?! Cha mẹ hãy “giải thoát” điểm số cho con!
Sở GD-ĐT: Có hiện tượng chống phá kỳ khảo sát trực tuyến lần 1
Theo như thông tin của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kỳ khảo sát bằng hình thức trực tuyến diễn ra với quy mô lớn, với hơn 74.000 thí sinh tham gia khảo sát.
Được biết, đây là lần đầu tiên kỳ khảo sát bằng hình thức trực tuyến diễn ra với quy mô lớn, với hơn 74.000 thí sinh tham gia khảo sát, tỷ lệ học sinh nộp bài thành công: môn Toán 97,5%; Vật lý: 98,9%; Hóa học: 99,6%; Sinh học: 99,7%; Lịch sử:99,6%; Đại lý: 99,6%; Giáo dục công dân: 99,8%; Tiếng Anh: 99,6%.
Tuy nhiên, Sở cũng cho biết trong quá trình thực hiện kỳ thi khảo sát đã có một sự cố ngoài mong muốn đã xảy ra ngay khi bài thi môn Toán được tổ chức (ngày 29/5/2020), hệ thống phần mềm đã bị tấn công DDOS từ bên ngoài gây nhiễu và quá tải hệ thống tại thời điểm phát đề cho thí sinh. Cục CNTT đã nhanh chóng kiểm soát, hệ thống đã được khắc phục kịp thời cho thí sinh thực hiện bài khảo sát bình thường. Về cơ bản các lỗi kĩ thuật xảy ra vào buổi khảo sát đầu tiên đã được khắc phục gần như triệt để ở các buổi sau.
Ảnh minh họa.
Trong quá trình tổ chức khảo sát đợt 1, Sở GD-ĐT cũng đã ghi nhận hiện tượng chống phá kỳ khảo sát này như: Tổ chức giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát, viết bài hoặc thông tin không đúng lên mạng xã hội.
Theo đó, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý hiện tượng này trong các đợt khảo sát tiếp theo. Bước đầu, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có Công văn số 1695/SGDĐT-GDPT ngày 02/6/2020 đề nghị Công an Thành phố Hà Nội điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật việc làm của các đối tượng có hành vi chống phá, tấn công vào hệ thống, làm ảnh hưởng đến hệ thống đường truyền, làm sai lệch mục đích của kỳ khảo sát, không mang tính giáo dục, tạo dư luận xấu trong cộng đồng, nhất là đối với các em học sinh trong việc học tập, thi cử. Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Sở GD-ĐT cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp là giáo viên, học sinh cố tình vi phạm các quy định của pháp luật cũng như quy chế của Ngành.
Để đánh giá một cách đầy đủ về khảo sát lần 1 và tổ chức tốt hơn nữa các đợt khảo sát lần 2 và 3, ngày 01/6/2020 Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với Cục CNTT tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX tham gia khảo sát. Tại hội nghị, đa số các ý kiến đều đánh giá tích cực về đợt khảo sát vừa qua. Đặc biệt, đợt khảo sát giúp cho học sinh tự đánh giá thực lực của mình để có thể chủ động bổ khuyết, nâng cao kiến thức của mình. Đồng thời, việc khảo sát trực tuyến giúp cho học sinh làm quen với cách học và thi mới, tự mình đặt ra cho mình các mục tiêu trong học tập.
Ngoài ra, hình thức khảo sát này cũng giúp cho giáo viên, cán bộ quản lý có được thông tin, đánh giá khách quan về học lực của học sinh từng lớp, của cả trường nói chung và từng cá nhân học trò nói riêng. Các đại biểu cũng nhất trí, nếu triển khai hình thức này thay thế cho cách khảo sát cũ, sẽ góp phần giảm thời gian, kinh phí, các nguồn lực khác cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và nhà trường; đặc biệt là không gây áp lực đối với học sinh và giáo viên trong giai đoạn cuối năm học sau thời gian dài nghỉ dịch bệnh Covid-19.
Trên cơ sở kết quả khảo sát lần 1, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Cục CNTT- Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, hướng dẫn, tuyên truyền, hoàn chỉnh thiết bị, tập huấn kỹ năng, chuẩn bị tốt nhất cho đợt khảo sát lần 2 và lần 3 sắp tới.
Bộ GD&ĐT đề xuất thay đổi cách đánh giá học sinh: Rào cản lớn từ năng lực giáo viên và sự thấu hiểu của phụ huynh Mong muốn thay đổi phương pháp đánh giá học sinh cấp THCS và THPT, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến về hình thức đánh giá nhận xét kết hợp điểm số; giảm bớt số lượng bài kiểm tra,... Thế nhưng, thành công của chủ trương này sẽ gặp phải thách thức không nhỏ từ cả nhà trường...