Đừng “đánh cắp” mùa hè của trẻ
Nghỉ hè là khoảng thời gian được rất nhiều trẻ em mong đợi, nhưng nhiều bậc cha mẹ, hoặc do quá bận bịu…
Nghỉ hè là dịp để trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí
Ảnh: Thu Hiền
Nghỉ hè là khoảng thời gian được rất nhiều trẻ em mong đợi, nhưng nhiều bậc cha mẹ, hoặc do quá bận bịu, hoặc do quá kỳ vọng vào con, đã ép con vào một lịch học sát sao, tước đi quyền được nghỉ hè của trẻ.
Video đang HOT
Tranh thủ “nhồi”
Mấy ngày nay, bé Bảo Ngân (9 tuổi, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) thường “chất vấn” mẹ: “Sao nghỉ hè con không được chơi, được đọc truyện tranh như các bạn hàng xóm?”, “Sao nghỉ hè con phải dậy từ 7h chuẩn bị đi học?”, “Sao nghỉ hè mà buổi trưa được ngủ ít hơn hồi ở lớp?”.
Nghỉ hè năm nay, Bảo Ngân được mẹ “cho vào khuôn khổ” bằng một lịch học kín mít: Tuần hai buổi tập bơi; hai buổi học tiếng Anh; bốn buổi ôn văn toán với gia sư; một buổi học vẽ, một buổi học đàn, một buổi học võ. Trước thắc mắc của con, chị Thảo, mẹ bé Ngân phân bua: “Mẹ đảm bảo mỗi ngày con chỉ học hai ca, như vậy là “nhẹ” hơn trong năm học, vừa học hai ca ở lớp vừa học thêm buổi tối và các ngày cuối tuần. Sang năm con lên lớp 4 rồi, chương trình lớp 4 khó nhất trong bậc tiểu học, nên tranh thủ dịp hè để con củng cố kiến thức”.
Cũng với tâm lý “tranh thủ củng cố kiến thức cho con”, chị Hải Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lên thời khóa biểu dịp hè kín hai buổi sáng – chiều cho cậu con trai vừa lên lớp 8, nào là học vẽ, học bơi, học võ, học tiếng Anh, học toán, học cờ… “Cu cậu cũng kêu ghê lắm, bảo chỉ thích học đánh cờ với bơi thôi chứ không thích võ, vẽ với các môn sách vở dịp hè. Nhưng nếu không cho học kín lịch, cu cậu lại chúi vào tivi với điện tử, vừa hại mắt, vừa hại não. Nên dù cu cậu không thích, cứ ép vào thì không “bổ ngang cũng bổ dọc”, chị Minh giải thích. Tuy nhiên, bé Nam Hải, con chị Hải Minh vẫn lý sự: “Cô giáo nói nghỉ hè là được nghỉ ngơi, sao mẹ bắt con làm bài tập nhiều vậy?”.
Không đủ tài chính để cho con “chạy” theo các kiểu lớp bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu dịp hè, chị Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) chọn giải pháp gửi con ở nhà cô giáo cũ từ lớp 1. “Cô nhận trông con cả ngày, cho ăn bữa trưa, rồi ra các bài tập phù hợp trình độ cho con làm, rèn chữ cho con, mỗi tháng chỉ hết hơn 1 triệu. Vừa đỡ tốn kém, vừa yên tâm, vừa thêm kiến thức cho con”, chị Hương nói. Bé Việt, con chị Hương thắc mắc: “Sao nghỉ hè mà vẫn như đi học vậy trời?”.
Hãy tôn trọng quyền nghỉ hè của trẻ
Theo TS. Nguyễn Văn Toản, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, dù phụ huynh muốn con có kiến thức vững chắc trước khi bước vào năm học mới, cấp học mới, không muốn con bị tụt lại sau các bạn… nhưng việc ép trẻ học quá nhiều trong dịp hè khiến trẻ cảm thấy khổ sở, bực tức. “Học sinh tiểu học còn nhỏ sẽ ít có phản ứng thái quá, nhưng các em lớn hơn có thể ức chế tâm lý, phản kháng tiêu cực”, ông Toản nói.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý khoa học giáo dục Hà Nội, vào mùa hè, nên để trẻ được vui chơi thoải mái sau suốt cả một năm học tập. Cha mẹ vẫn có thể cho con củng cố, ôn tập kiến thức bằng một vài buổi học, nhưng không nên nhồi nhét và tuyệt đối không học trước chương trình. Bởi nếu học trước, trẻ sẽ chán, chủ quan, không tập trung khi bước vào năm học mới. Hơn nữa, khi học hè, nếu giáo viên dạy không theo chuẩn thì khi vào năm học mới, trẻ phải học theo một hướng khác, càng khó tiếp thu kiến thức.
“Tùy điều kiện và hoàn cảnh từng gia đình mà có kế hoạch nghỉ hè cho con. Nhưng điều quan trọng là phải tạo cho trẻ một giai đoạn thú vị, bổ ích, chứ không thể bắt ép, giết thời gian hay “tiện quản lý” con cho bố mẹ. Một đứa trẻ cần nhiều thứ hơn kiến thức sách vở”, ông Lâm nói.
Theo ông Nguyễn Văn Toản, dù cha mẹ chọn đi du lịch, cho con về quê, cho con học kiến thức, kỹ năng sống hay nghệ thuật nào, thì cũng nên hỏi ý kiến con. Khi trẻ được tôn trọng, sẽ thêm háo hức với kế hoạch được vạch sẵn. “Nghỉ hè là dịp để trẻ nhỏ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… mà không phải lo học hành. Hãy để các em có kỳ nghỉ vui vẻ, nạp “năng lượng” để có tinh thần phấn khởi khi vào năm học mới”, ông Toản cho hay.
Hè này, em thích làm gì?
Em Trần Phúc Thành, lớp 4A, trường Tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội): “Nghỉ hè em cũng không thích đi biển vì em chưa biết bơi, mà em cũng không đi du lịch bằng máy bay đâu vì máy bay hay bị rơi. Em chỉ thích ở nhà chơi game, đi học đánh cờ và học võ ở nhà văn hóa thôi”.
Em Vũ Thanh Trúc, lớp 7A2 trường THCS Chu Văn An (Hà Nội): “Em thích nghỉ hè được về quê với bà, xem tivi, đọc truyện, đi bơi. Về quê, em được bà ngoại hướng dẫn trồng rau, cho gà ăn, quét sân, giặt quần áo và rửa rau, vo gạo…
Em cũng học tiếng Anh hàng tuần vì đây là môn học em yêu thích nhất”. Em Nguyễn Anh Thư, lớp 3A5, trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội): “Nghỉ hè em thích được bố mẹ cho đi biển 1-2 chuyến, được đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình và thoải mái ngủ dậy thật trễ. Em cũng mong hè này bố mẹ tiếp tục cho đi học bơi, học thêm cờ tướng và không phải làm một bài tập nào cả”.
Theo Baogiaothong