Dùng dằng chuyển đổi tên ngành
Từ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi mã ngành đào tạo theo thông tư 14 về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH, CĐ (gọi tắt là thông tư 14).
Trong đó, ngành đào tạo bậc ĐH bắt đầu bằng ký tự D, bậc CĐ ký tự C và theo sau là sáu chữ số.
Theo đó, tất cả các ngành giống nhau sẽ có chung tên ngành và mã ngành thống nhất trên toàn quốc dù ngành đó ở trường nào. Ví dụ mã ngành quản trị kinh doanh bậc ĐH của tất cả các trường đều là D340101, mã ngành tiếng Anh hệ CĐ là C220201… Quy định là thế nhưng hiện nay nhiều trường vẫn loay hoay xin mã ngành.
Mười năm vẫn chưa có mã ngành
Thông tư 14 được ban hành từ tháng 4/2010 nhưng hiện nay khá nhiều trường vẫn mắc kẹt khi chưa có được mã ngành. Một trường ĐH tại TP.HCM năm nay thông báo tuyển 26 ngành bậc ĐH nhưng có đến hai ngành ghi mã ngành giống nhau là quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh du lịch (D340101). Tuy nhiên theo thông tư 14, hoàn toàn không có tên lẫn mã ngành của ngành quản trị kinh doanh du lịch!
Trong khi đó, ngành quan hệ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được Bộ GD-ĐT ký quyết định mở ngành và tuyển sinh từ năm 2008. Tuy nhiên đến nay trường vẫn phải chờ mã ngành. Đại diện nhà trường cho biết: “Hội đồng tuyển sinh của trường đã liên hệ với Bộ GD-ĐT để xin cấp mã ngành nhưng được trả lời “hiện nay chưa có, có thể ngành này sẽ được đưa vào ngành quản trị – quản lý”. Ngoài ra, ngành Trung – Anh của trường này cũng bị vướng và phải đổi thành ngành ngôn ngữ Trung Quốc. Trong khi đó, một số trường khác như ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Tài chính marketing, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM khi chuyển sang thông tư 14 cũng có ngành không có tên và buộc phải “nhét” vào nhóm ngành khác.
Video đang HOT
Đáng nói nhất là nhiều trường ĐH thành viên trong ĐHQG TP.HCM cũng bị rối do nhiều ngành đào tạo chưa có mã ngành. Trong đó bị vướng nhiều nhất là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khi có nhiều ngành gồm: đô thị học, song ngữ Nga – Anh, du lịch… Các trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế – luật, ĐH Khoa học tự nhiên cũng có một số ngành chưa có tên trong danh mục ngành nghề. Trong đó đáng chú ý là các ngành song ngữ Nga – Anh, toán – tin có thâm niên đào tạo đến hàng chục năm nhưng trong danh mục ngành nghề của Bộ GD-ĐT cũng không có tên…
Nhiều trường mong muốn có được mã ngành đầy đủ và cụ thể để thí sinh biết, tham gia dự tuyển
Bình mới rượu cũ
Thực tế cho thấy các trường đều đồng tình với quy định này của Bộ GD-ĐT nhằm tránh tình trạng lộn xộn về tên gọi, ngành nghề đào tạo sau một thời gian dài thả nổi. Tuy nhiên, xung quanh chuyện chuẩn hóa này cũng khiến nhiều trường bị rối.
Phát biểu tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2012 của ĐHQG TP.HCM, TS Lê Hữu Phước, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Trường đồng ý với chủ trương chung của Bộ GD-ĐT để thống nhất tên gọi và mã ngành đào tạo. Song khi thực hiện theo chủ trương này trường sẽ rất khó tuyển sinh, khó thu hút người học ở một số ngành”. Dẫn chứng về điều này, TS Lê Hữu Phước cho biết: “Trường lấy tên gọi ngành song ngữ Nga – Anh cố gắng lắm cũng chỉ tuyển được 40-50 sinh viên vào học. Nếu đổi sang ngành tiếng Nga thì không ai học cả. Tương tự ngành đô thị học giờ đổi thành ngành quản lý đô thị thì không ai nghĩ vào Trường ĐH KHXH&NV để học ngành này”.
TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Áp dụng theo thông tư 14, trường có hai ngành phải thay tên gọi là ngành toán – tin, hải dương học – khí tượng – thủy văn thành ngành toán và hải dương học. Dù đổi tên nhưng thực tế là chương trình cũ, vẫn là bình cũ rượu mới mà thôi”.
Trong khi đó, theo nhiều trường bị vướng mã ngành, để thí sinh an tâm đăng ký dự thi không còn cách nào khác là trường cố gắng xin Bộ GD-ĐT cấp mã ngành mới. Nếu căng quá đành ghép vào nhóm ngành nào đó. Tuy nhiên, điều khiến các trường băn khoăn hơn nữa là khi cấp bằng. Bởi lẽ, theo quy định mới, trên bằng chỉ được ghi ngành đào tạo, không ghi tên chuyên ngành. Ví dụ như ngành quan hệ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng nếu ghép vào ngành quản trị – quản lý, nhiều khả năng sẽ được cấp bằng quản trị – quản lý. Từ thực tế này, viễn cảnh các trường đối diện với việc sinh viên khiếu nại về học một đằng cấp bằng một nẻo là khó tránh khỏi.
Theo TS Nguyễn Kim Quang, Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện hơn trong việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ ngành nghề đào tạo để đưa ra bộ mã ngành bao phủ hết chương trình đào tạo hiện nay. Đồng thời phải có được bộ mã ngành dự trữ cho những ngành đặc thù, những ngành trong tương lai, nghiên cứu những ngành nghề của quốc tế… Khi đó, Bộ GD-ĐT sẽ có được bộ mã ngành hoàn chỉnh và các trường cũng hết băn khoăn, chờ đợi khi chuẩn hóa tên gọi cho ngành đào tạo.
Kiến nghị xem xét lại quy định tuyển thẳng
Xung quanh vấn đề xem xét tuyển thẳng học sinh THPT ở 62 huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ, nhiều trường chưa thống nhất vì hiện chưa có phương án, kế hoạch đào tạo bổ sung kiến thức trong một năm trước khi vào học chương trình chính thức. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐHQG TP.HCM sẽ kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có phương án cụ thể hơn, nếu để các trường gánh thêm chương trình đào tạo bổ sung (dự bị) thì rất khó. Ngoài vấn đề nói trên, TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết sẽ trao đổi thêm với Bộ
GD-ĐT về quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012. Bởi lẽ quy định này sẽ thiệt thòi cho những học sinh lớp 12 đã đoạt giải năm 2011.
Trước đó, trong phiên họp bàn về các phương án tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng thống nhất năm 2012 không áp dụng hình thức nguyện vọng (NV) 1C mà chỉ áp dụng NV1B. Theo đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào ngành đã đăng ký nếu có NV sẽ được chuyển vào những ngành khác (có cùng khối thi) trong tất cả các trường, khoa thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM.
Thời gian xét tuyển NV1B tính từ ngày 16/8 và công bố điểm vào ngày 25/8. Các trường thành viên cũng thống nhất nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 từ ngày 25/8 đến 10/9 và không nhận giấy báo điểm photocopy. Ngoài ra, thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 5 đến 10/9.
Theo TTO
Tuyển sinh ĐH - CĐ 2011: "Sốt vó" vì đổi tên ngành
Gần một tuần nữa, các sĩ tử đến hạn đặt bút chọn ngành thích hợp cho kỳ tuyển sinh ĐH- CĐ năm nay.
Thế nhưng trước đó, nhiều ngành truyền thống bỗng dưng đổi tên ngành học theo danh mục ngành nghề đã ban hành, khiến nhiều thí sinh (TS) và cả nhà trường lo lắng.
Nhiều ngành... "biến mất"
Bạn Thanh Hiền (email: hienqb@...) cho biết, em muốn thi vào ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Tuy nhiên, theo thông tin trên một số trang điện tử, ngành Điều khiển tàu biển mà em muốn thi vào, nay chỉ còn là một chuyên ngành của ngành Khoa học hàng hải. Vậy nếu thi vào ngành này, em phải đăng kí với mã ngành nào? Khi tốt nghiệp, văn bằng sẽ được ghi ra sao?
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, không chỉ ngành Điều khiển tàu biển mà nhiều ngành học có truyền thống từ 30 năm nay của trường nhưng do không có trong danh mục mã ngành mới ban hành nên phải đổi tên. Chẳng hạn, ngành Khai thác máy tàu thủy, cũng phải chuyển đổi thành các chuyên ngành thuộc ngành Khoa học hàng hải. Ngành đóng tàu và công trình nổi (thiết kế thân tàu thủy) cũng trở thành chuyên ngành trong ngành Kỹ thuật tàu thủy.
Mùa tuyển sinh năm nay, các ngành đào tạo của Trường ĐH Luật TP HCM trước đây gồm Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Quốc tế, nay trở thành chuyên ngành của ngành Luật. Riêng ngành Quản trị luật, trước đây đã được Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp cho phép đào tạo với thời gian 5 năm. Nhưng năm nay, do không có trong danh mục nên phải đổi thành Quản trị kinh doanh với khung đào tạo 4 năm. Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc đổi tên thì phải thiết kế lại chương trình. Riêng ngành Quản trị kinh doanh phải điều chỉnh dung lượng các môn về luật còn 18 tín chỉ.
Đặc biệt, một số ngành của ĐH Sài Gòn còn bị "xóa sổ" do không có trong danh mục tên ngành được công bố. Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Sài Gòn) cho biết, tên ngành Thông tin - Thư viện trước đây đã được điều chỉnh thành ngành Khoa học thư viện; Ngành Âm nhạc nay chuyển sang ngành Thanh nhạc và dừng đào tạo các chuyên ngành Lý luận âm nhạc, Chỉ huy hợp xướng.
Nhà trường và thí sinh đều lo
Việc đổi tên ngành có khi dễ gọi và ngành "xấu" trở nên... đẹp hơn. Thế nhưng về cơ bản, ở nhiều trường, đổi tên ngành sẽ khó khăn cho cả TS và nhà trường. Trở lại bức thư của bạn đọc Thanh Hiền trên đây, nỗi lo lắng không biết bằng tốt nghiệp sẽ ghi thế nào với các ngành mới này hoàn toàn có cơ sở.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, khó khăn ở chỗ, những ngành truyền thống đã từng được các doanh nghiệp biết rất rõ ràng, nay đổi thành chuyên ngành khiến đơn vị tuyển dụng sẽ phải mất công tìm hiểu ngành học của TS. Bởi lẽ, nếu dựa vào tên ngành ghi trên bằng tốt nghiệp thì sẽ rất mông lung, do trong một ngành đôi khi có tới hàng chục chuyên ngành khác nhau được đào tạo. Vì vậy, có thể nhà trường sẽ ghi tên ngành mới chuyển đổi trên bằng tốt nghiệp nhưng có mở ngoặc ghi thêm chuyên ngành hẹp bên cạnh, cung cấp thêm bảng điểm ghi rõ chi tiết chuyên ngành và các môn học để các doanh nghiệp nắm rõ.
Từ ngày 14/3, các thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi theo tuyến của Sở GD&ĐT.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: "Việc quản lý mã ngành hiện nay có mã ngành cấp 3, cấp 4, cấp 5. Cấp 3 là do Thủ tướng Chính phủ quy định, cấp 4 là Bộ GD&ĐT và cấp 5 là các trường triển khai ở phạm vi trường mình. Như vậy về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý những ngành hết sức tổng quát. Ví dụ như Xây dựng, sau đó các trường triển khai cụ thể ra thêm thành Xây dựng dân dụng, Xây dựng cầu đường... Ở các nước khác cũng vậy thôi, người ta quản lý ngành rất rộng để sinh viên sau khi học xong có nhiều cơ hội chuyển đổi ngành nghề cũng như kiếm việc trong cuộc đời. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là Việt Nam có truyền thống quản lý quá sâu vào từng chuyên ngành theo kinh nghiệm của các nước Nga, Pháp trước đây".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, tất nhiên khi chuyển đổi, sẽ có những ngành truyền thống không biết ghép vào đâu. Vì vậy, đối với những trường khó khăn trong việc đổi tên ngành, chủ trương của Bộ GD&ĐT là tiếp tục cho đào tạo mã ngành cũ của họ cho đến khi nào xã hội quen ngành đấy và có thể ghép vào những ngành chung. Lúc đó Bộ sẽ quyết định mã ngành chung.
Đối với nhiều ngành học bị đổi thành chuyên ngành, gây khó khăn cho trường cũng như TS, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Khi xây dựng mã ngành rộng thế này, Bộ GD&ĐT đã hỏi ý kiến các trường. Thế nhưng dường như các trường khi đó chưa quan tâm. Đến khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, bắt đầu triển khai, các trường mới thấy ảnh hưởng đến mình. Để khắc phục khó khăn, đối với những ngành chuyên sâu, chúng tôi đã thống nhất, với những ngành đặc thù, Bộ sẽ cho trường thí điểm đào tạo theo yêu cầu của mình.
Vừa rồi, chúng tôi đã đồng ý cho ĐH Luật Hà Nội được đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế. Có nhiều ngành, nếu chiếu theo mã ngành cấp 3, cấp 4 thì chưa có, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý cho trường đào tạo... Nói vậy để thấy, đối với những trường còn khó khăn trong việc áp dụng mã ngành theo quy định mới thì có thể tiếp tục đào tạo những ngành cũ hoặc thí điểm ngành mới, đến khi nào ổn định thì bổ sung vào hệ thống mã ngành của hệ thống giáo dục quốc dân".
Theo Kênh14
Cách làm hồ sơ ĐKDT chính xác Năm nay, do có nhiều thay đổi trong quy chế về tuyển sinh và mã ngành đăng ký dự thi (ĐKDT) của các trường nên hồ sơ ĐKDT cũng có một số thay đổi. Sau đây là những điều thí sinh (TS) cần lưu ý 1. Số phiếu (TS không ghi mục này) 2. Trường ĐKDT Nếu TS có nguyện vọng (NV) 1...