‘Đừng bắt trẻ phải ngồi im nghe giảng!’
Quan niệm giáo dục này đang được một cô giáo dạy lớp 2 tích cực áp dụng trong các tiết dạy thú vị của mình.
Một tiết học tiếng Việt của trẻ lớp 2 có lẽ sẽ rất đơn điệu? Liệu có chán nản khi trẻ lên 6, lên 7 phải học về câu và từ? Khi có dịp tham gia những buổi dạy của cô Nguyễn Thanh Nhàn (Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP HCM) bạn sẽ nghĩ khác.
Lớp học sôi động
9h, sau giờ chơi, các bé lớp 2/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản mồ hôi nhễ nhại bước vào lớp. Bài học luyện từ và câu đang chờ đợi, nhưng lớp học vẫn như bầy ong vỡ tổ. “Cô không biết cuối giờ nhóm nào sẽ được tuyên dương nhỉ?”, câu nói khích lệ của cô giáo chủ nhiệm đã khiến các bé ngồi ngay ngắn vào vị trí.
Đến lúc điệu nhạc Bé yêu biển lắm vang lên cùng với yêu cầu của cô: “Lớp mình cùng nghe xem lời bài hát có những từ ngữ nào liên quan đến biển nha!” thì lớp học đã thật sự đi vào nề nếp. Bài hát Bé yêu biển lắm đã tạo tâm thế để cô giáo dẫn dắt trẻ tìm những từ ngữ nói về sông, biển. Cô lần lượt đưa ra những câu hỏi để học sinh mở rộng vốn từ.
Một tiết dạy tiếng Việt thú vị của cô Nguyễn Thanh Nhàn với học sinh lớp 2/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Dưới lớp, học sinh tranh nhau giơ tay phát biểu. Sau khi học sinh trả lời, cô giáo nhận xét, biểu dương và thưởng cho cả lớp trò chơi “Tiếp sức đồng đội” để thực hành bài vừa học. Lớp học lập tức trở thành một sân chơi lớn. Ở mỗi nhóm, học sinh tranh luận, bàn cãi rôm rả, không khí lớp sôi nổi hẳn lên.
Một vài nhóm vẫn còn những học sinh thiếu tập trung, cô giáo tinh ý khuyến khích những học sinh này nhập cuộc. Một loạt các tiếng được cô đưa ra, học sinh bắt đầu sắp xếp các tiếng tạo thành từ đúng. Tàu biển hay biển tàu? Bãi biển hay biển bãi? Biển xanh hay xanh biển? Một rừng cánh tay giơ lên, đến mức cô phải nói: “Ai giơ tay ngoan mới được cô mời nhé!”, lần này những cánh tay bé xinh giơ lên ngay ngắn.
Các bé càng thích thú hơn khi được tự tay tương tác với bảng thông minh. Tiếp đó, màn hình hiện ra một số hình ảnh về sông biển, một lần nữa học sinh được giải thích từ bằng hình ảnh. Qua đó, các bé khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Ý thức yêu quý, bảo vệ môi trường nơi học sinh từ đó sẽ được hình thành một cách tự nhiên.
Phối hợp hoạt động tĩnh và động, bài học chuyển sang phần đặt câu hỏi với cụm từ “Vì sao?”. Trên bảng, cô giáo chiếu câu: “Không được bơi ở đoạn sông này vì có nước xoáy”. Sau khi học sinh hình thành kiến thức, các em vẫn chưa rõ nghĩa từ “nước xoáy”.
Để hiểu nghĩa từ nước xoáy, cô Thanh Nhàn đã cùng học sinh làm một màn “ảo thuật” nhỏ. “Các con có biết nước xoáy là gì không?”, cô vừa nói vừa đưa ra một bình nước, nhỏ một vài giọt mực tím vào để học sinh dễ nhìn, và bắt đầu khuấy nước theo vòng tròn mỗi lúc một mạnh, cho đến lúc xuất hiện xoáy nước hun hút. Các bé học trò 6, 7 tuổi thích thú rất muốn xem, muốn khuấy dòng nước, cô giáo liền bê luôn xuống bàn cho đám trẻ nhìn rõ.
“Con biết rồi, nước xoáy tạo ra khi có một dòng chảy nhanh, mạnh” – Gia Hân nhanh nhảu nói. Cạnh đó, một học trò khác tham gia ý kiến: “Chảy cuộn tròn nữa, nước xoáy còn hút cả người vào đó, nên không được bơi đến đó cô ha?”. Các bé đã tự phát hiện một bài học giáo dục về sự an toàn nơi sông nước.
Một phần quan trọng của bài học là giúp học sinh khi muốn biết nguyên nhân, lý do thì đặt câu hỏi “vì sao, tại sao”. Để củng cố bài, cô giáo bất ngờ yêu cầu học sinh nhìn lên bảng. Trên bảng bỗng hiện ra bài hát: “Khi ta muốn biết tại vì đâu, do tại đâu. Nguyên nhân thế nào mang lại do tại đâu. “Vì sao” í a ta dùng, ta dùng cụm “vì sao”? “Vì sao” í a ta dùng, ta dùng hỏi lý do”. Lời bài hát do cô giáo nghĩ ra, còn nhịp bài hát là một làn điệu dân ca.
Cô giáo bắt nhịp bài hát, tập cho học sinh hát từng câu. Rồi giờ học chuyển sang… trò chơi ô chữ. Cứ thế, giờ học luyện câu và từ về sông biển rộn ràng, vui vẻ như một giờ chơi. Kết thúc giờ học mà nhiều học sinh còn nài nỉ: “Thêm câu hỏi may mắn đi cô!”…
Sáng tạo, nhiệt huyết với từng bài giảng
Cô Thanh Nhàn cho biết để có một tiết dạy thật sự sinh động, khâu quan trọng nhất là ý tưởng. Nhưng những ý tưởng đó phải dựa trên cơ sở nắm được bản chất vấn đề và mục tiêu bài dạy. Với mỗi lớp học và đối tượng học sinh khác nhau, cô Nhàn có cách dẫn dắt bài học khác nhau.
Mỗi ngày lên lớp cô Nhàn đều khắc ghi lời dạy của một người thầy đáng kính: “Đừng bắt trẻ tiểu học phải ngồi im nghe giảng. Nếu giáo viên tổ chức hoạt động khơi gợi được sự hứng thú của học sinh, tự khắc các bé sẽ chú ý bài học”.
Mỗi bài học có thể kết hợp nhiều phương pháp và hình thức học tập như: phương pháp trực quan, trò chơi học tập, đặt và giải quyết vấn đề, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng bảng tương tác trong dạy học, kết hợp các làn điệu dân ca, đóng vai nhân vật…
Có những tiết học vui vẻ, nhí nhảnh, dí dỏm nhưng cũng có những tiết học kết thúc bằng một nốt trầm và những giọt nước mắt của cả cô lẫn trò. Chẳng hạn như trong một tiết rèn kỹ năng sống, cô Nhàn cho học sinh xem một đoạn clip về lòng hiếu thảo. Thế là cả lớp đều chảy nước mắt sụt sùi, cảm xúc đến với các em một cách tự nhiên, dạy tiếng Việt nhưng cũng chính là dạy trẻ về đạo đức và lòng trắc ẩn, yêu thương gia đình…
Không chỉ trong giờ dạy tiếng Việt mà ngay cả ở những tiết dạy môn toán, môn tự nhiên và xã hội, cô Nhàn cũng tạo được ấn tượng với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường.
Cô Huỳnh Thị Thảo – Phó hiệu trưởng, phụ trách chuyên môn của trường – nhận xét: “Là giáo viên trẻ, chỉ mới bước vào năm thứ ba của nghề dạy học, nhưng cô Nhàn nhanh chóng chủ động trong các phương pháp giảng dạy, trong đó ứng dụng rất tốt phương pháp bàn tay nặn bột, dẫn dắt học sinh tìm tòi, thực nghiệm khoa học, kích thích được trí tò mò, ham hiểu biết ở học sinh…”.
Mỗi ngày, sau khi cho các bé ăn xong, trưa nào cô Nhàn cũng đều ngủ lại với cả lớp, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ ham đọc sách. Cô cùng các trò lập tủ sách lớp, mỗi tháng cô tổng kết thi đua giữa các nhóm, phần quà cho học sinh là những quyển sách cùng với một bức thư động viên. Hình thành văn hóa đọc cho học sinh với quan niệm “Sách là thầy của mọi người thầy” và không cách giáo dục nào hiệu quả hơn là dạy trẻ cách tự đọc, tự học là điều cô Nhàn luôn hướng đến.
Cô giáo đã từng… bỏ học
Sinh năm 1989, cô Nguyễn Thanh Nhàn tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP HCM. Ít ai biết thuở nhỏ cô Nhàn đã có thời gian bỏ học nửa chừng vì hoàn cảnh gia đình.
“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một ước mơ. Tôi đã cố gắng thi đậu vào khoa giáo dục tiểu học như mơ ước”. Hiện cô Nhàn đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ giáo dục tiểu học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Dạy tập làm văn theo hướng giao tiếp!
Cô Nguyễn Thanh Nhàn đang rất tâm đắc với các phương pháp dạy kỹ năng nói theo hình thức hội thoại trong tập làm văn lớp 2. Với quan niệm: nói và viết có mối quan hệ tương hỗ, nói tốt tạo cơ sở cho viết tốt, cô Nhàn cho rằng việc chú trọng dạy kỹ năng nói theo hình thức hội thoại sẽ giúp học sinh luyện phát âm, củng cố vốn từ, diễn đạt phù hợp với ngữ cảnh, luyện tập các kỹ năng sử dụng ngữ điệu, yếu tố phi ngôn ngữ…
Đặc biệt là giai đoạn trẻ bước vào lớp 2, việc dạy như trên lại càng quan trọng, vì khi nói theo hình thức hội thoại, chính học sinh sẽ giữ vai trò chủ động trong việc lựa chọn ngôn từ, cách diễn đạt, đồng thời nhận ra các phản ứng của người nghe để điều chỉnh nội dung và cách nói cho phù hợp. Đây là bước đầu để các em có kỹ năng nói, viết tốt ở các lớp cao hơn.
Nếu được rèn luyện tốt kỹ năng nói theo hình thức hội thoại, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức tập làm văn mà còn được rèn luyện năng lực độc lập suy nghĩ, tích cực động não, có ý thức điều chỉnh lời nói sao cho việc giao tiếp đạt hiệu quả cao. Đề tài “Xây dựng biện pháp rèn kỹ năng nói theo hình thức hội thoại trong dạy tập làm văn lớp 2″ cũng là đề tài luận văn thạc sĩ mà cô Nhàn sẽ bảo vệ vào tháng 12-2015.
Theo Mỹ Dung/Báo Tuổi Trẻ
Cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam
Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến đại học không thể tiếp tục tồn tại như hiện nay. Vậy sự cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà cần được thực hiện như thế nào?
Ba tổ chức gồm Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị về việc cần thiết tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời kiến nghị về một mô hình hệ thống giáo dục quốc dân mới dựa trên những định hướng cơ bản của nghị quyết trung ương 29.
Trước đó, trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới.
GS.TS Trần Hồng Quân. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tại sao cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân? GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT - nhận định: "Có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay theo Luật giáo dục (đặc biệt sau khi đã điều chỉnh theo Luật giáo dục nghề nghiệp) về cơ bản không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia...".
Không thể xây dựng chương trình phổ thông tổng thể
- Việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới có tác động thế nào đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thiện, cũng như một loạt chiến dịch đổi mới về thi cử, đánh giá, thưa ông?
"Ngay cả Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần thừa nhận cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại chưa thật đồng bộ, sự liên thông giữa các cấp học còn hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết là phải định hình, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân làm nền tảng cho những đổi mới khác của giáo dục".
GS.TS Trần Hồng Quân
- Cách đây vài tháng, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp tục công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân về bản dự thảo này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc bộ có kế hoạch cố sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa là không phù hợp về bước đi, khó mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện đối với giáo dục, và sẽ phải làm lại, gây nhiều lãng phí tiền bạc, thời gian.
Vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người vừa có văn bản kiến nghị đề cập cách làm bất cập của Bộ GD&ĐT, đồng thời đưa ra kiến nghị về hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho từ sau năm 2015. Đồng thời cũng đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sau khi cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân được khẳng định.
- Tại sao Việt Nam nên thực hiện phân luồng triệt để sau THCS, trong khi nhiều nước phát triển vẫn phân luồng sau THPT để có được lực lượng lao động trình độ cao?
- Tại Việt Nam, hệ quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau THCS trong suốt bao năm qua là chúng ta chỉ có trong tay nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt trình độ công nghệ của đất nước (như ở hệ CĐ nghề) như hiện nay.
Thêm một bất hợp lý dẫn đến lãng phí khi chúng ta không thực hiện được phân luồng là nhiều học sinh học hết THPT rồi lại đi học trung cấp, sơ cấp nghề - trình độ đào tạo mà đáng lẽ các em có thể rút ngắn để thực hiện ngay khi tốt nghiệp THCS từ ba năm trước.
Trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH
- Vậy để thực hiện cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân một cách hiệu quả, đâu là việc cần làm ngay, đâu là việc cần được đầu tư lâu dài, có tính chiến lược, thưa ông?
- Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục ĐH, để cùng với giáo dục ĐH truyền thống hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba (tertiary education), góp phần quan trọng đưa giáo dục ĐH ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó.
Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập nhau. Việc tách trình độ CĐ ra khỏi giáo dục ĐH để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.
Vì vậy, để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế thì trước hết phải triển khai một loạt giải pháp cấp bách: trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH; đổi tên, mục tiêu và chương trình của trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề; chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc thành CĐ thực hành hoặc trung học nghề; hợp nhất một bộ phận các trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.
Ngoài ra, cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng - thực hành. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm. Các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng ứng dụng - thực hành, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương và của ngành.
Về lâu dài phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các ĐH nghiên cứu, từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thật sự cho cơ sở giáo dục ĐH, chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục ĐH công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.
Ngoài ra, rất cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.
Phân luồng diễn ra hoàn toàn trái ngược
Thực tế, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục năm 2005 xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến tiểu học (5 năm), THCS (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, rồi CĐ, ĐH, sau ĐH.
Việc phân luồng này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp trung ương và cấp địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng THPT và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Rõ ràng đối với Việt Nam, định hướng phân luồng từ sau THCS của hệ thống giáo dục đã thể hiện trong nhiều chủ trương, nhưng thực tiễn giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược. Cụ thể, theo thống kê giáo dục năm 2010 - 2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động.
Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH, CĐ (mặc dù tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới), cũng như nhiều rắc rối khác có liên quan tới sự quá tải của các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm.
GS.TS Trần Hồng Quân
Theo Ngọc Hà/Tuổi Trẻ
Thi tốt nghiệp, tuyển sinh không thể '2 trong 1' Bộ GD&ĐT nhập hai kỳ thi quốc gia thành một kỳ thi chung duy nhất với mong muốn giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém. Nhưng rốt cuộc, sau kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo phương án đổi mới, nhiều chuyên gia lại đề xuất tách kỳ thi "hai trong một", tại sao? GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy...




Tin đang nóng
Tin mới nhất

Còn nhiều băn khoăn về chứng nhận giỏi cấp tỉnh với học sinh điểm IELTS cao

Việc thực hiện chương trình, SGK mới còn nhiều khó khăn

Cấp phép tổ chức thi chứng chỉ HSK trở lại

Banner tìm hiểu ngày 22/12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng in hình lính Mỹ

Nhiều tỉnh cho học sinh nghỉ Tết hơn 10 ngày, Hà Nội lý giải nghỉ 8 ngày

Trường ĐH Kiên Giang dự kiến tuyển hơn 1.600 chỉ tiêu năm 2023

Trường Đại học Hồng Đức nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành giáo dục mầm non

Học sinh Hà Giang nghỉ Tết Quý Mão 12 ngày, từ 27 tháng Chạp

Nhiều tiết dạy sáng tạo tại hội thi giáo viên dạy giỏi Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2023

Tuyển sinh 2023: Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh

Cần cẩn trọng lựa chọn nhân sự, ra đề thi
Có thể bạn quan tâm

Mỹ tuyên bố sẽ không điều quân tới Ukraine
Thế giới
10:01:01 24/02/2025
9 lần nhận tiền từ doanh nghiệp của cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng
Pháp luật
09:52:08 24/02/2025
Trung Quốc khoan sâu hơn 10.000 mét vào vào tâm trái đất
Lạ vui
09:45:43 24/02/2025
Cuối tuần đến Tà Lài cắm trại, ngắm hoàng hôn
Du lịch
09:34:42 24/02/2025
Hé lộ bí mật giữ kín hơn 60 năm của NSND Trà Giang
Tv show
09:33:46 24/02/2025
Thi thể người phụ nữ được bọc giấy bạc trong rẫy cao su Đồng Nai
Tin nổi bật
09:33:33 24/02/2025
Trở lại sau 10 năm dừng đóng phim, Đỗ Thị Hải Yến được chồng và 3 con ủng hộ
Hậu trường phim
09:19:47 24/02/2025
8 bến đỗ tiềm năng cho Pogba
Sao thể thao
09:18:17 24/02/2025
Vì sao 'hoa hậu 6 con' sở hữu 80.000m2 đất phải xin điện nước nhà hàng xóm?
Sao việt
09:16:43 24/02/2025
Sao Hoa ngữ 24/2: Uông Phong tiết lộ lý do ly hôn Chương Tử Di
Sao châu á
08:50:52 24/02/2025