Đừng bắt giáo viên và học sinh thu tiền trường!
Hiệu trưởng các cơ sở trường học, cần bỏ ngay quy định giao giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh thu tiền trường.
LTS: Thầy giáo Trần Vũ phản ánh những bất cập trong việc một số trường học giao cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh thu tiền trường.
Qua đó, thầy bày tỏ ý kiến cho rằng các nhà trường nên giao cho bộ phận tài vụ của trường thực hiện công tác này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo Thông tư số: 16/2017/TT/BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước đó là Thông tư liên tịch số: 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, các cơ sở trường học trong cả nước đều có chức danh Thủ quỹ, làm nhiệm vụ thu các khoản tiền của học sinh theo quy định.
Còn Thông tư liên tịch số: 14-LB/TT ngày 4/9/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về Hướng dẫn thực hiện thu, chi học phí giáo dục phổ thông, có quy định: “Bộ phận kế toán, tài vụ của các trường chịu trách nhiệm trực tiếp thu và quản lý quỹ học phí.”
Thông tư này cũng quy định: “Chi 5% cho công tác tổ chức thu và quản lý quỹ học phí (3% chi thù lao cho cơ quan trực tiếp thu học phí và 2% chi cho việc quản lý quỹ học phí của ngành giáo dục)”, trong số tiền học phí nhà trường thu được.
Theo quy định này, các cơ sở trường học hàng năm đều có xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, theo đó: “Khoản 3% được chi cho người trực tiếp thu và ghi biên lai thu”; nghĩa là ở nhiều trường phổ thông Thủ quỹ cùng với Hiệu trưởng và Kế toán được hưởng khoản thù lao này.
Hiệu trưởng các cơ sở trường học, cần bỏ ngay quy định giao giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh thu tiền trường. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Mặt khác Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, cùng với Thông tư số: 41/2010/TT- BGDĐT ban hành Điều lệ trường trườngTiểu học: không có điều nào quy định nhiệm vụ của giáo viên thu tiền của học sinh.
Vậy, vì sao Hiệu trưởng không để Thủ quỹ trực tiếp thu mà lại giao cho giáo viên, rồi giáo viên giao học sinh thu tiền trường?
Video đang HOT
Có thể Hiệu trưởng đã lạm quyền; muốn hoàn thành việc thu học phí ngay trong những tuần đầu của năm học, nên làm trái với các văn bản chỉ đạo của Nhà nước và của Ngành; điều đáng nói là việc giao trách nhiệm thu tiền như thế, nhưng trong nhiều năm nay ở nhiều trường phổ thông không có giáo viên nào phản biện lại.
Việc giáo viên chủ nhiệm thu tiền ở các cơ sở trường học không còn là hiện tượng cá biệt; bởi lẽ trong các năm học trước, một số Sở Giáo dục và Đào tạo như: Đồng Tháp, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… trong hướng dẫn chuẩn bị năm học mới đã yêu cầu:
“Tất cả các trường không được để giáo viên thu tiền trực tiếp từ học sinh” và “khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh qua bộ phận tài vụ của trường, tuyệt đối không giao cho giáo viên thu – chi các khoản tiền”.
1. Giáo viên thu tiền học sinh tới thời điểm nộp cho thủ quỹ, nhưng trong lớp còn vài em chưa đóng, để không bị mất điểm thi đua, phải lấy tiền cá nhân nộp đủ cho nhà trường, cuối học kỳ, cuối năm trong số đó có học sinh bỏ học, thế là giáo viên lãnh đủ; cũng có giáo viên thu xong cất giữ …để trừ dần vào tiền lương hàng tháng.Chuyện xảy ra ở một trường trung học phổ thông chưa lâu, nhắc lại ở đây có thể không thừa trong công tác quản lý tài chính của Hiệu trưởng:
2. Học sinh ( Thủ quỹ lớp) được giáo viên chủ nhiệm giao thu tiền, gồm: học phí, phí bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm thân thể, hội phí Hội phụ huynh, sổ liên lạc điện tử, quỹ lớp; học phí tăng tiết …khi thu đủ mới nộp cho Thủ quỹ nhà trường.
Do quy định như thế nên có Thủ quỹ lớp bị mất tiền trong giờ ra chơi và giáo viên chủ nhiệm phải dành một tiết học để kiểm tra cặp của học sinh, nhưng không thấy gì, nên cô trò đành… góp lại để nộp đủ cho nhà trường; thế là lớp học ngoài việc mất tiết, còn nghi ngờ lẫn nhau.
Do vậy, thiết nghĩ, Hiệu trưởng các cơ sở trường học, cần bỏ ngay quy định giao giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh thu tiền trường, do đã được hưởng 3% quản lý quỹ học phí; mặt khác Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngoài thanh, kiểm tra việc lạm thu trong nhà trường vào đầu năm học, cần hướng dẫn các cơ sở trường học:
“Khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh qua bộ phận tài vụ của trường; tuyệt đối không giao cho giáo viên hoặc học sinh thu các khoản tiền”.
Nếu được như thế, giáo viên sẽ không còn áp lực trong thi đua; mỗi buổi lên lớp không còn làm nhiệm vụ “nhắc” học sinh nộp tiền trường, làm xấu đi hình ảnh mẫu mực của người Thầy.
Còn học sinh không phải lo âu khi được phân công làm nhiệm vụ Thủ quỹ lớp.
Phụ huynh sẽ an tâm khi đóng tiền trường cho con đúng địa chỉ, có biên lai thu đúng theo nguyên tắc tài chính, nhất là việc học con họ không bị phân tâm do phải làm thêm nhiệm vụ do Hiệu trưởng nhà trường quy định không đúng với Thông tư 14 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tài chính.
Trần Vũ
Theo giaoduc.net
Quản lí lớp chủ nhiệm qua Facebook: Tại sao không?
Hiện nay đa số học sinh sở hữu tài khoản Facebook. Tuy nhiên, các em sử dụng không thực sự hiệu quả. Từ thực tế trên, tôi quyết định tạo cho các lớp mình chủ nhiệm một trang Facebook để hỗ trợ công tác quản lí.
Thầy Võ Kim Bảo và học sinh trong tiết chủ nhiệm
Có thể thấy, các hoạt động chủ yếu của học sinh là nhắn tin, theo dõi hoạt động trên Facebook của các bạn khác, chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ của mình... Các em mất rất nhiều thời gian khi sử dụng Facebook mà chưa có được một cổng thông tin chính thức để có thể trao đổi, nhắn tin, chia sẻ bài học hay các hoạt động, phong trào ở lớp. Chính vì vậy, việc lập trang Facebook hỗ trợ công tác quản lí lớp học theo tôi là rất hữu ích, hiệu quả và nó cũng được học sinh đón nhận tích cực, phụ huynh ủng hộ.
Lớp phó học tập đăng bài hàng ngày trên trang Facbook của lớp
Thiết lập trang Facebook lớp
Để tạo trang Facebook cho lớp chủ nhiệm, tôi đã sử dụng tính năng tạo nhóm của Facebook. Tính năng này giúp tôi có thể tập hợp, liên kết được với các tài khoản Facebook của học sinh và tạo thành một nhóm hoạt động riêng biệt. Để đảm bảo tính riêng tư của tập thể lớp, tôi đã thiết lập 2 tính năng: Chế độ công khai của nhóm được hạn chế, chỉ những tài khoản là thành viên của nhóm mới có thể xem bài đăng trong nhóm; Chế độ thêm thành viên vào nhóm được giới hạn, chỉ có GVCN và tài khoản của 1 em học sinh (lớp trưởng) được phép thêm thành viên vào nhóm.
Trang Facebook được tạo trước khi nhận lớp chủ nhiệm để có thể giới thiệu cho các em trong buổi sinh hoạt đầu tiên. Lớp trưởng có nhiệm vụ thay tôi thêm thành viên của lớp vào trang, cũng như phê duyệt các tài khoản xin phép tham gia vào trang.
Các hoạt động của GVCN
Tôi đã dùng tài khoản email của mình tạo và quản lí trực tiếp trang Facebook của lớp. Bản thân thường xuyên đăng tải các thông báo, nhắc nhở của trường, lớp. Đăng tải hình ảnh, video hoạt động của lớp. Bên cạnh đó, còn nhắc nhở, gửi đến học sinh lời chúc trước các kì thi quan trọng và đặc biệt, khảo sát, thu thập thông tin, ý kiến từ các em.
Học sinh chia sẻ các hoạt động của lớp trên trang Facebook
Các hoạt động của học sinh
Đối với các em học sinh tham gia trang Facebook của lớp, được phân công như sau: Lớp phó học tập đăng tải báo bài hàng ngày, nhắc nhở các nội dung cần chuẩn bị cho buổi học tiếp theo; Theo dõi và phản hồi các thông báo, nhắc nhở của GVCN; Xem lại hình ảnh, video của lớp.
Các em học sinh tương tác, chia sẻ bài học, giúp nhau giải đáp các khó khăn, thắc mắc trong học tập và cuộc sống. Qua đây giúp GV hiểu học trò, có thể chia sẻ nhiều hơn về những vấn đề các em quan tâm hay còn gặp khó khăn, như về tuổi mới lớn, gia đình, học tập...
Các em học sinh có tài khoản đều có thể phản ánh trực tiếp với GVCN các vấn đề của lớp. Các em có thể nhắn tin riêng, chia sẻ lên trang của lớp để cùng nhau đưa các hoạt động của lớp tốt hơn.
Về hiệu quả quản lí
Qua 2 năm học thiết lập trang Facebook lớp, tôi nhận thấy quản lí lớp bằng Facebook tiết kiệm thời gian, công sức và linh động hơn rất nhiều. Học sinh có được cổng thông tin để cập nhật, chia sẻ. Thông qua kênh này, các em đã sử dụng mạng xã hội Facebook hiệu quả hơn (chia sẻ bài học, cùng nhau giải đáp thắc mắc, nhắc nhở nhau chuẩn bị bài,...), tránh được việc mất nhiều thời gian cho Facebook cũng như các hệ quả tiêu cực khác.
Khi tôi thông tin đến phụ huynh học sinh về việc lập trang Facebook quản lí lớp, cha mẹ các em rất ủng hộ. Cha mẹ học sinh cảm thấy an tâm hơn rất nhiều vì hoạt động trên mạng Internet của con em mình được GVCN trực tiếp theo dõi, quản lí.
Võ Kim Bảo (GV Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM)
Theo GDTĐ
Trường Gateway thay đổi cách liên lạc với phụ huynh sau cái chết thương tâm của bé trai 6 tuổi Trường Tiểu học Gateway thêm một số các cách thức liên lạc mới cho phụ huynh thay vì chỉ thông qua một phần mềm riêng biệt. Thông tin từ một số phụ huynh trường Tiểu học Gateway cho biết, từ ngày 7/8 - một ngày sau khi vụ việc bé trai 6 tuổi thiệt mạng do bị bỏ quên 9 tiếng trên xe...