Dừa trong ẩm thực Nam Bộ
Có lẽ Nam Bộ là xứ sở đã đưa trái dừa vào ẩm thực một cách đa dạng, phong phú nhất. Dừa đã đi vào thói quen ăn uống con người đồng bằng với rất nhiều hình thức sáng tạo, độc đáo.
Khô trâu Vũng Liêm hấp nước dừa tươi, rất ngon.
Nhớ có lần được ăn món tôm bạc đất hấp dừa, một anh lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bến Tre đã nói một câu vô cùng ấn tượng: “Trong máu tôi chắc có đến 80% là nước cốt dừa. Từ hồi nhỏ bà ngoại, bà nội, rồi tới má tui hầu như ăn món gì cũng có thể ghép với dừa, nên cái thứ nước cốt béo ngậy này nó tẩm ướp cả người tôi”. Một kiểu nói cường điệu nhưng lại rất thực tế với người Nam Bộ xưa.
Ngay cả khi nhà hổng có gì ăn, người ta có thể leo lên cây dừa trước cửa lựa trái lắc nước cứng cạy xuống, xắc cơm dừa thành miếng rồi… kho với tép mỡ vậy là “độ” xong bữa cơm. Còn thì, các thức bánh trái, thức ăn người ta có thể sử dụng từ trái dừa tươi, dừa nạo, nước cốt dừa, cho tới nước dừa kho thịt, kho cá, hấp gà, hấp tôm…
Nhưng cái lần đi xuống Sóc Trăng, sau khi được người bạn dẫn vào tuốt trong sóc ở Thạnh Trị, ghé nhà một A cha, được biếu hũ pra hoc op (mắm bồ hóc) làm từ con cá trê vàng, mang về vườn dừa dứa Tám Phong ở TP Sóc Trăng… mở tiệc mắm; đó là lần đầu tiên tôi biết thưởng thức mầm dừa.
Ông chủ vườn dừa lựa đúng trái dừa non chưa kịp lên lớp cơm dừa, nên sau khi lột vỏ vạt mặt thì phía trên còn rất mềm, lấy phần này ăn với mắm pra hoc cực ngon. Mầm dừa nó giòn sần sật, có hơi chút vị chát dằn với mắm rất bắt, không thua gì ăn với dái mít hay trái bần.
Mới đây, lại được thưởng thức món khô trâu Vũng Liêm hấp bằng trái dừa tươi, mới khám phá thêm một kiểu ăn phô diễn hết cái ngon của miếng khô trâu. Khô trâu xớ to mà nướng thì có khi phần thịt rất cứng, phải nhai lâu nó thiệt là… mỏi miệng. Anh bạn ra vườn hái trái dừa chẻ làm đôi, rồi cho những miếng khô trâu vào và hấp bằng chính nước dừa tươi, đến khi cạn nước thì miếng khô cũng vừa chín.
Chế biến kiểu này miếng khô mềm tơi ra và thấm nước thêm chất ngọt tự nhiên rất hấp dẫn. Chợt nghĩ, cũng đúng vì con trâu là thủy ngưu hợp với nước, chế biến kiểu hấp nước dừa nó ngon và phù hợp với thuyết âm dương của ẩm thực phương Đông lắm.
Điểm sơ một số cách thức mới được trải nghiệm về dừa trong ẩm thực, còn lại người dân đồng bằng thì quá rành rồi, kể về những món ăn chế biến với trái dừa thì xứ Nam Bộ này có kể tới tết cũng chưa xong.
Loạt món ngon từ dừa nổi tiếng Việt Nam
Vì hương vị thơm ngon, nhiều món ăn được chế biến từ dừa trở nên phổ biến ở các tỉnh thành với giá tương đối rẻ.
Dừa là loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong ẩm thực Việt Nam. Dưới bàn tay của các đầu bếp, một quả dừa có thể chế biến thành nhiều món đặc biệt như cơm, chè hay bánh...
Video đang HOT
Chuối đập cốt dừa
Chuối đập chấm cốt dừa là món ăn mang nhiều hoài niệm với người miền Tây. Những người đã ăn thử đều khó lòng quên được hương thơm của chuối quyện lẫn với mùi béo từ cốt dừa.
Món này có hai nguyên liệu chính là chuối và cốt dừa. Chuối được chọn phải là chuối xiêm, chín vừa tới. Người miền Tây hay gọi là chín hường hường. Loại này không cứng hay quá nhão. Do đó, sau khi nướng, chuối sẽ săn lại vừa đủ. Vị chuối chưa chín còn khá chát nên hợp để chấm cốt dừa béo ngậy hơn.
Chuối đập cốt dừa là đặc sản nên thử khi du lịch miền Tây. Ảnh: Hoàng Mai.
Tùy từng nơi, nước dừa có thể được thêm hành hoặc đậu phộng. Tại một số thành phố lớn, người bán không nướng chuối trên bếp than hoa. Họ thường xiên nhiều quả chuối một lúc trên chiếc máy quay tự động. Giá mỗi phần chuối nướng cốt dừa khoảng 20.000 đồng (2 quả chuối lớn).
Rau câu trái dừa
Các thành phần cơ bản của món này là dừa tươi, bột rau câu và nước cốt dừa.
Món này có phần rau câu được làm từ chính nước dừa. Những quả được chọn thường là dừa xiêm, có cùi mềm, mỏng. Loại này sẽ có nhiều nước và ngọt hơn. Sau khi chế biến nước dừa thành rau câu, người bán đổ lại phần thạch vào quả.
Mỗi phần rau câu trái dừa thường có giá 30.000 đồng.
Bánh bò dừa
Bánh bò dừa khá nổi tiếng ở khu vực Nam Bộ. Hiện nay, một số nơi như Hà Nội cũng đã xuất hiện những xe bán bánh dừa với giá chỉ 5.000 đồng/chiếc. Món bánh này khá đơn giản, trông như hai cái nắp úp ngược vào nhau với nhân dừa bào sợi.
Bánh bò dừa ngon, rẻ được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: Tasting VietNam.
Vỏ bánh làm từ bột mì, trứng gà. Người bán sẽ đổ bột vào chiếc chảo gang nhỏ và nướng để tạo hình vỏ. Sau đó, họ cho dừa sợi xào vào trong và úp hai đầu lại.
Cơm dừa tôm rang
Món cơm đặc biệt này có nguồn gốc từ Bến Tre. Người dân sử dụng vỏ trái dừa thay cho bát ăn cơm. Món cơm này thơm mùi dừa đặc trưng nhờ công thức nấu cầu kỳ.
Cơm nấu trong quả dừa là một sáng tạo độc đáo của người dân Bến Tre. Ảnh: VTV.
Ban đầu, họ cắt ngang phần đầu và trút sạch nước dừa. Sau đó, họ bỏ gạo, nước vào quả dừa rồi nấu. Phần đầu bị cắt được dùng làm nắp đậy. Sau khi chín, cơm có vị thơm do được nấu bên trong quả dừa. Màu vàng của cơm là do hơi dầu bốc lên.
Để ăn đúng chuẩn Bến Tre, du khách sẽ thưởng thức món này cùng tôm rang.
Chè bà ba
Chè bà ba hay chè thưng là một trong những món chè thập cẩm nổi tiếng của vùng Nam Bộ.
Món này có các thành phần chính gồm sắn, khoai lang, dừa nạo, lá dứa, đậu xanh và đường cát. Sự hòa quyện hoàn hảo của các nguyên liệu đã tạo nên hương vị đặc trưng cho món chè này.
Nhiều người nhận xét nếu muốn thưởng thức trọn vị ngon của chè bà ba, bạn phải ăn ở các quán trong ngõ, hẻm nhỏ.
Dừa dầm Hải Phòng
Từng có thời gian, dừa dầm trở thành từ khóa "hot" nhất mạng xã hội. Trên khắp các con phố, những hàng dừa dầm xuất liên tiếp xuất hiện. Dù độ "hot" của món này đã giảm, dừa dầm vẫn là thứ đồ ăn vặt được nhiều người yêu thích.
Dừa dầm Hải Phòng từng gây "bão" một thời. Ảnh: Dietwmomo.
Một cốc dừa dầm gồm các thành phần như cùi dừa nạo sợi, thạch rau câu dừa, trân châu, sữa dừa. Nhìn chung, đây là một món "ngập dừa". Giữa những ngày nóng nực, dừa dầm là lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, nhiều người không thích món này vì có vị ngọt đậm.
Mức giá phổ biến khoảng 25.000 đồng/cốc.
Bánh lá dừa
Ởcác tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh hay Bến Tre, món này rất phổ biến.
Cách làm khá đơn giản nhưng muốn chiếc bánh đẹp lại đòi hỏi bàn tay khéo léo của người đứng bếp. Phần lá dừa được tỉa thành ống để nén nhân. Gạo nếp vo sạch, trộn cùng cơm dừa tươi, nước cốt dừa hay chuối sứ, đậu xanh. Nhìn chung, cách làm khá giống với bánh chưng hay bánh tét.
Do đó, việc nén nhân bánh rất quan trọng. Nếu làm quá chặt, bánh sẽ bị khô. Ngược lại, bánh dễ bị bung bét.
Bánh gói xong được cho vào nồi, đun bằng bếp củi. Việc nấu chín mất hơn một giờ đồng hồ. Sau khi bánh chín, mùi thơm của lá dừa và nước cốt dừa khiến nhiều người "mê mệt".
Cách làm tôm kho tàu kiểu miền Tây ngon khó cưỡng Cùng tìm hiểu cách làm món tôm kho tàu ngon miệng theo kiểu miền Tây giúp bữa ăn gia đình bạn thêm phong phú và hấp dẫn hơn nhé. Nguyên liệu làm tôm kho tàu - Tôm tươi: 500g (loại tôm càng xanh là tốt nhất) - Chanh tươi: 1 quả - Tỏi: 1 củ to - Ớt: vài trái - Dừa tươi:...