Đưa tố cáo vi phạm vào quy chế thi tốt nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong số đó, điểm mới nhất là việc bổ sung khoản 1a, điều 43 về xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi là Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc Thanh tra giáo dục các cấp.
Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.
Nơi tiếp nhận sẽ bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý. Sau đó, cơ quan chức năng phải công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi.
Nơi tiếp nhận cũng có trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.
Video đang HOT
Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp trong vòng 7 ngày (Ảnh minh họa)
Cùng với việc đưa việc tiếp nhận và xử lý thông tin tiêu cực thi cử vào quy chế, dự thảo cũng bổ sung khoản 1, điều 20, quy định về các tài liệu, vật dụng được mang vào phòng thi.
Cụ thể, theo quy chế hiện hành, thí sinh được mang bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình nhưng yêu cầu “các vật dụng không được gắn linh kiện điện, điện tử”. Quy chế dự thảo mới đã bỏ yêu cầu này.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bổ sung các nội dung trên nhằm tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử.
Điều này cũng bắt nguồn từ thực tế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012, một số giáo viên và học sinh đã chủ động quay lại hình ảnh gian lận thi cử tại trường Trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và đưa lên mạng internet. Những hình ảnh này đã làm chấn động dư luận cả nước vì có sự tiếp tay của cả giám thị coi thi. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã kỷ luật trên 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên có liên quan.
Theo Phạm Mai (TTXVN)
Tăng cường giám sát của xã hội với kỳ thi tốt nghiệp THPT
Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng tăng cường sự giám sát của xã hội và các bên liên quan trong tổ chức thi,bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đây là một trong những nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng GD năm học 2012 - 2013 mà Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn các Sở GD-ĐT, các trường TCCN. Cũng liên quan đến kì thi này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với những hạn chế, yếu kém của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục để tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2013 kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tiêu cực trong các khâu tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi.
Sau "sự cố" thi tốt nghiệp THPT ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ GD-ĐT sẽ tạo hành lang cho xã hội cùng tham gia giám sát kì thi này.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ tổ chức tập huấn kỹ nghiệp vụ thi để cán bộ, giáo viên tham gia các khâu tổ chức thi nắm vững và thực hiện đúng quy chế, quy định, nhất là trong công tác coi thi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi từ Trung ương đến địa phương
Ngoài ra cũng chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức trật tự, an toàn tất cả các khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả đồng thời, có các phương án dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.
Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia, thi chọn và tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực năm 2013, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn HSG quốc gia và kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế tiếp tục triển khai thi 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) đối với các môn ngoại ngữ trong kỳ thi chọn HSG quốc gia
Tiếp tục cải tiến công tác tổ chức tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực: tăng thời gian tập huấn tăng số lượng học sinh tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (dự kiến mỗi môn tăng từ 3 - 5 học sinh) để tạo sự cạnh tranh và động lực phấn đấu cho học sinh
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn HSG quốc gia bổ sung chính sách ưu đãi đối với học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, khu vực và học sinh đoạt giải Cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong nước và quốc tế (cuộc thi ISEF-PV).
Cũng trong năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổng kết Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA) và Chương trình quốc tế đánh giá học sinh tiểu học (PASEC) năm 2012 xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức PISA năm 2015 triển khai Chương trình đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9 năm học 2012-2013 ở các môn Toán, Ngữ văn, Sinh học và Tiếng Anh.
Bên cạnh đó, tích cực chuẩn bị tổ chức và tham dự Olympic Hoá học quốc tế năm 2014 tại Việt Nam. Tích cực xúc tiến công tác chuẩn bị tổ chức Olympic Sinh học quốc tế năm 2016 tại Việt Nam.
Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn về công tác KĐCLGD cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp chuyên nghiệp. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác KĐCLGD.
Đẩy mạnh công tác KĐCLGD trường mầm non. Nâng cao chất lượng báo cáo tự đánh giá và mở rộng việc đánh giá ngoài các trường mầm non. Tổ chức tập huấn đánh giá ngoài trường mầm non cho các sở GD-ĐT. Thực hiện tự đánh giá và đánh giá hằng năm đối với các trường mầm non.
Triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài đối với trường tiểu học, trường trung học. Triển khai tự đánh giá và thí điểm đánh giá ngoài trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành lập các tổ chức KĐCLGD để tiến hành đánh giá ngoài và công nhận các trường trung cấp chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
S.H
Theo dân trí
Người tổ chức quay clip tiêu cực xin giảm hình phạt cho 4 giáo viên "Tôi làm gì cũng được, ảnh hưởng đến bản thân, tôi cũng không sợ, miễn là xin giảm nhẹ lỗi cho 4 giáo viên đó", thầy N., người tổ chức quay clip tiêu cực thi cử ở Bắc Giang buồn rầu nói. Ngày 18/6, Sở GD& ĐT Bắc Giang chính thức công bố kết luận vụ sai phạm tại Hội đồng thi Trường...