Đưa tình yêu Toán đến học sinh trường khiếm thị
Mục đích của chương trình trước hết là làm cho các em học sinh cảm thấy toán học gần gũi hơn. Thứ hai là nâng cao văn hóa đọc của học sinh, khiến cho các em học sinh thích đọc hơn.
Đó là chia sẻ của GS. Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam với các em học sinh của trường PTCS Xã Đàn, một trường chuyên biệt dạy hòa nhập học sinh khiếm thính của Sở GD&ĐT Hà Nội trong trải nghiệm Một ngày với Toán.
Tại sự kiện, học sinh được tham gia nhiều các hoạt động liên quan đến Toán. Sau khi nghe bài giảng của GS. Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học Việt Nam, các em được chia thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm bao gồm cả học sinh khiếm thính và học sinh bình thường), chơi các trò chơi toán học tại các trạm: tổ hợp, logic, hình học, số học, tháp Hà Nội, bốc sỏi, phòng chiếu phim; tên trạm được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến 7.
Trước khi chơi, các em được phát bộ câu đố (gồm 4 câu về tổ hợp, logic, hình học, số học) và một phiếu xác nhận là đã tham gia đủ 4 trạm.
Thầy Phạm Văn Hoan, hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn cho biết Ngày hội Toán học lần này là sự mong chờ của thầy trò nhà trường từ rất lâu. Chính vì vậy mà thầy rất hạnh phúc.
Theo thầy Hoan, học sinh bình thường, tìm hiểu về toán, để yêu toán cũng không phải là nhiều lắm trong bối cảnh hiện nay. Nhưng học sinh khiếm thính, cùng với các em học sinh bình thường, say mê tìm hiểu về toán, háo hức mong chờ ngày hội toán, thì đấy thực sự là một điều xúc động.
Video đang HOT
“Học sinh của chúng tôi từ trước đến nay hầu như được hoạt động trải nghiệm theo lối vận động. Năm 2018, nhà trường kết nối với một em học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cũng thiết kế một hoạt động toán tham gia với hình thức trả lời câu hỏi. Các con cũng rất hứng thú.
Trải nghiệm lần này, các con đặc biệt thích thú. Có một số con có khó khăn, bởi các con nghe không rõ, tiếp nhận thông tin là rất khó. Cũng có những con bỏ cuộc, nhưng bỏ cuộc trong sự tiếc nuối và nói với thầy cô của mình là chúng con sẽ cố gắng hơn để lần sau nếu có ngày hội thế này chúng con tham gia được tích cực hơn. Còn lại hầu hết các con hiểu được vấn đề, tham gia tích cực vào các trò chơi” – Thầy Phạm Văn Hoan nói.
Thầy Hoan cũng chia sẻ, thời của thầy, hầu hết học sinh đều yêu toán. Nhưng xã hội ngày càng có nhiều mối quan tâm, phụ huynh cho con đi sâu về toán hay là tạo ra những niềm vui về toán không còn nhiều. Có một thời gian dài, người ta thấy rằng điểm số rất quan trọng, mà để có một điểm số cao về các môn thì không hẳn phải yêu toán. Do đó tình yêu toán trong cộng đồng ngày càng mai một. Đó là điều đáng tiếc. “Chúng tôi, những người dạy toán, cũng giống như những người làm toán như GS. Phùng Hồ Hải rất mong những kiến thức toán học khô cứng có thể làm mềm hóa để làm say mê các con” – Thầy Hoan cho hay.
GS. Phùng Hồ Hải thì hy vọng sau ngày trải nghiệm, học sinh có lẽ sẽ cảm thấy thích toán hơn một chút, sẽ cảm thấy có một động lực nào đó để muốn tìm đọc những quyển truyện, những quyển tạp chí, những quyển sách về toán.
“Hiện nay chúng ta có rất nhiều cuốn sách ở kia, các em có thể tìm hiểu. Sau này có điều kiện, chúng tôi sẽ tặng nhà trường một tủ sách, để các em có nhiều điều kiện đọc sách hơn khi hàng ngày đến trường” – GS. Phùng Hồ Hải thông tin.
Được biết, dự án Mang toán và sách toán tới các trường phổ thông của tạp chí Pi nhận được sự hỗ trợ của Viện Toán học và sự tham gia của Tủ sách Sputnik. Đến nay, Pi đã tổ chức 4 sự kiện (theo trình tự thời gian) tại Trường THCS Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội; 2 trường THCS Thị trấn Tiên Lãng, THPT Tiên Lãng đều cùng ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng; Trường THCS Đông La, Hoài Đức, Hà Nội.
Tạp chí do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng. Đây là tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến toán học và các ứng dụng của nó, những người thích toán và cả những người tạm thời chưa thích toán.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Xin hãy lắng nghe!
Phương thức thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT tiếp tục được xới lên tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Ảnh minh họa
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho rằng, thi trắc nghiệm là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...
Không chỉ vậy, trước đó, GS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã công bố một bức thư đầy tâm huyết gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.
GS Hải cho rằng, với những bất cập trong tổ chức thi cử như vừa qua chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử. Vì vậy, nếu cứ tiếp tục áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam thì chắc chắn dẫn tới thất bại.
Riêng đối với môn Toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Hai năm qua, hàng triệu học sinh cùng các thầy, cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo để thi trắc nghiệm nhằm mục đích đạt điểm cao chứ không phải phát triển tư duy logic của Toán học.
Trước những bất cập của việc thi trắc nghiệm Toán và các môn học khác, với tâm huyết, trách nhiệm của mình, GS Hải cũng như nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải xem xét lại cách thi để phát huy được trí lực tư duy của học sinh.
Đặc biệt đối với môn Toán, trên hành trình đi tìm lời giải, luôn có những điều thú vị, với những con đường khác nhau, làm nên tình yêu và niềm say mê môn Toán đối với học trò, chứ không phải mục tiêu để học trò suy đoán rồi khoanh vào đáp án là xong. Việc thi trắc nghiệm sẽ hại nhiều hơn lợi khi kiến thức bị "băm nát" nên người học không có cái nhìn tổng thể.
"Học sinh hiện nay học Toán một cách ngây ngô, nhìn từ ngọn xuống để tìm đáp án nhanh" đã có không ít thầy, cô giáo thốt lên như vậy khi đánh giá việc thi trắc nghiệm hiện nay. Trong khi ở các nước phát triển như Mỹ, Úc... sở dĩ môn Toán được thi trắc nghiệm và mang lại hiệu quả vì họ không đặt nặng vào kết quả của bài thi đó. Việc tuyển sinh không chỉ dựa vào kết quả thi mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Còn tại Việt Nam, kết quả bài thi này được các trường cao đẳng, đại học sử dụng luôn cho việc xét tuyển đầu vào.
Đối với các môn học khác như môn Văn, tiếng Anh, Lịch sử... cũng không nên thi trắc nghiệm hoàn toàn, bởi cần khả năng tư duy, sáng tạo và trình bày logic của học trò. Đặc biệt đối với môn Văn, nếu thi trắc nghiệm, học sinh sẽ mất đi tính sáng tạo, cách sử dụng nghệ thuật ngôn từ trong bài tự luận của mình, mất đi vẻ đẹp, niềm đam mê môn học của học sinh. Bởi vậy, đa số các chuyên gia, giáo viên khi được hỏi đều bày tỏ lo ngại việc thi trắc nghiệm 100% môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia không mang lại kết quả gì trong việc đánh giá học sinh.Ngược lại, sẽ làm hỏng tư duy của cả thế hệ học trò.
Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần tổ chức các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra biện pháp cho năm tới. Đối với những vấn đề liên quan đến thi trắc nghiệm môn Toán, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học, những giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh hàng ngày.
Theo kinhtedothi
Kiến nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Toán kì thi THPT quốc gia: "Lỗi" nằm ở hình thức thi hay ở tư duy dạy và học? Việc GS. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam có bưc thư khẩn thiết đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét lại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn học trong kỳ thi THPT quốc gia đã gây nhiều tranh cãi trái chiều... "Sinh viên không có mấy chữ trong bụng" Mới...