Đưa thí sinh thi THPT ra khỏi vùng dịch
Bộ GD&ĐT chốt phương án thi THPT quốc gia 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh có thí sinh dự thi ở cả hai đợt.
Theo phương án tổ chức thi của Bộ GD&ĐT, thí sinh (TS) ở TP Tam Kỳ và các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Núi Thành là các địa phương không thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được tổ chức thi vào đợt 1.
Các địa phương còn lại gồm huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An là các địa phương sẽ tổ chức thi THPT đợt 2 vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, các TS thuộc diện F0, F1, F2 ở các địa phương tổ chức thi đợt 1 sẽ được chuyển sang dự thi vào đợt 2.
Quyết định “cân não” của Quảng Nam
Đến sáng 7-8, hầu hết các địa phương tại Quảng Nam tổ chức thi THPT quốc gia đợt 1 đều hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng đón TS dự thi.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi thành công, an toàn, sở đã tổ chức họp trực tuyến với tất cả điểm thi (kể cả điểm thi ở sáu huyện đang cách ly xã hội). Qua đó, các điểm thi báo cáo công tác triển khai phòng, chống dịch COVID-19, công tác chuyên môn cho kỳ thi cơ bản đã đầy đủ, đảm bảo.
“Đặc biệt là những huyện miền núi, lãnh đạo các huyện quan tâm cùng với Sở GD&ĐT lo chuẩn bị xe chuyên dụng dùng để chở, thu bài thi. Đồng thời, các huyện tạo điều kiện hỗ trợ cho TS, thầy cô, lực lượng làm nhiệm vụ chỗ ăn ở, đi lại tươm tất, chu đáo” – ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, Quảng Nam có sáu địa phương đang thực hiện cách ly xã hội. Do đó, công tác điều cán bộ làm nhiệm vụ có sự thay đổi so với dự kiến. “Sở GD&ĐT đã điều giáo viên coi thi trong nội hạt hoặc giữa các huyện lân cận, tuyệt đối không điều giáo viên từ các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội để kỳ thi đảm bảo tính khách quan, trung thực và an toàn” – ông Quốc chia sẻ.
Đáng chú ý, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam (đóng tại TP Hội An) – điểm thi có 158 TS của bảy huyện miền núi. Trong khi TP Hội An là một trong sáu địa phương của Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội nên việc tổ chức điểm thi này cùng với TS cả nước là bất khả thi.
Điểm riêng của học sinh ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam là các em sinh hoạt ngay tại trường. Từ đầu tháng 5, tất cả 158 em đã tập trung ôn thi tại trường, việc giữ các em quá lâu sẽ dễ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe. Do đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam xin Bộ GD&ĐT chuyển các em đến huyện Nam Giang, dự thi cùng đợt với TS cả nước.
Phun hóa chất khử khuẩn tại Trường THPT Nguyễn Dục, Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT
Lý giải cho quyết định có phần đặc biệt, ông Quốc cho hay ngoài lý do sức khỏe, kiến thức của các em cũng rất đáng quan tâm. Nếu cho các em về nhà trong thời điểm này thì “không biết bao giờ các em mới được thi”. Bởi hoàn cảnh của các TS là con em đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết đều khó khăn, khi về nhà các em sẽ lên rẫy phụ giúp gia đình, ảnh hưởng đến kiến thức dẫn đến thiếu tự tin, các em sẽ không đến dự kỳ thi vào đợt 2.
“Tôi xem đây là một “trận đánh” thật sự, phân tích cái nào được, cái nào không. Chúng tôi đã họp lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn, tôi hiểu vấn đề các em ở một trạng thái sức khỏe tốt, không tương tác với người bên ngoài. Tôi cũng hiểu trách nhiệm thuộc về mình, nếu có sai sót thì tôi là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ” – ông Quốc khẳng định.
Video đang HOT
Bốn phòng thi đặc biệt tại điểm thi
Sáng 7-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP.HCM năm 2020, đã dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tại bốn điểm thi trên địa bàn gồm Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1).
Làm việc với đoàn kiểm tra, cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, trưởng điểm thi Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết điểm thi có số lượng TS hơn 800 em, trong đó hơn 300 em là TS tự do.
Ngoài 36 phòng thi, điểm thi còn có bốn phòng đặc biệt gồm một phòng chờ dành cho các TS tự do chờ vào thi, một phòng theo dõi sức khỏe nam, một phòng theo dõi sức khỏe nữ và một phòng dự phòng. Trường còn trang bị cả khu vực nghỉ trưa riêng cho TS nam, nữ cũng như phòng nghỉ trưa cho giáo viên. Đặc biệt trường cũng đã chuẩn bị sẵn 12 máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn để cho TS và cán bộ coi thi sử dụng.
Trong khi đó, tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn có khoảng 600 TS dự thi tại 25 phòng. Điểm thi bố trí hai phòng dự phòng. Mỗi phòng dự phòng được bố trí chín bàn, đảm bảo khoảng cách an toàn. Trường còn bố trí thêm một phòng cách ly. Sau khi kiểm tra, ông Dương Anh Đức bày tỏ: “Trường đã làm rất tốt các khâu, phòng cách ly cũng thoáng. Nhưng tôi cũng như các thầy cô tham gia kỳ thi hy vọng không ai sử dụng và vào phòng thi này”.
Tại điểm thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, mọi công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất. Điểm thi có 670 TS dự thi với 28 phòng thi. Nhà trường bố trí bốn phòng dự phòng, một phòng chờ (hội trường lớn) dành cho TS tự do và hai phòng cách ly.
Kết luận buổi làm việc, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Chúng tôi thấy rất yên tâm với sự chuẩn bị của các điểm thi. Các điểm đảm bảo về giãn cách, về việc tổ chức các phòng thi dự phòng cũng như có ý thức và thực hiện rất tốt các biện pháp để phòng tránh dịch COVID-19. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ có một kỳ thi an toàn và mọi việc được thực hiện theo đúng quy chế” – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
93 học sinh thuộc diện F1, F2
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết tính đến 6 giờ sáng 7-8 , Bộ GD&ĐT đã nhận được báo cáo của ba tỉnh, TP gồm Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Lạng Sơn có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau. “Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các TS” – vị này nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục của tất cả địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng dịch với tinh thần “an toàn mới thi, bảo vệ cả TS, thầy cô và phụ huynh”.
Các "điểm nóng" gấp rút chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT
Quảng Nam và Đắk Lắk là hai tỉnh có thí sinh thi cả đợt 1 và đợt 2 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến ngày 6-8, hai tỉnh này cũng đã gấp rút chuẩn bị để đảm bảo kỳ thi an toàn.
Thí sinh ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi - Ảnh: Đức Tài
Theo đó, ở Quảng Nam, thí sinh TP Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Núi Thành sẽ thi đợt 1 do không thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ở Đắk Lắk, ngoài thí sinh TP Buôn Ma Thuột thi đợt 2, còn lại sẽ thi đợt 1.
Bố trí chỗ ăn nghỉ cho thí sinh xã biên giới
Ngày 6-8, tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), thầy Phan Văn Chương - hiệu trưởng - cho biết đến nay mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất cho một kỳ thi an toàn. Thầy Chương cho biết tại trường có 10 thí sinh ở khu ký túc xá nhưng có quê ở 6 địa phương có dịch đang thực hiện cách ly xã hội. Theo quy định, các em sẽ làm giấy cam kết trong thời kỳ cách ly xã hội không về quê để đảm bảo an toàn cho các thí sinh khác.
Tại điểm thi 51 - Trường THPT Tây Giang (huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam) mấy ngày nay lực lượng y tế đã phun thuốc khử trùng, bố trí nơi ăn chốn ở cho thí sinh ở những xã biên giới về ở tại trường dự thi. Nhà trường cũng triển khai đo thân thiệt thường xuyên cho học sinh. Một cán bộ của trường cho biết dù là huyện miền núi, chưa có ca dương tính với COVID-19 nhưng nhà trường phải chuẩn bị kỹ càng mọi mặt để tổ chức kỳ thi an toàn cho thí sinh.
Trước khi bước vào kỳ thi, nhiều thí sinh cho biết cũng thấy lo lắng trong tình hình dịch. Tuy nhiên, các em đã được nhà trường, phụ huynh động viên. Em Nguyễn Thị Giang - học sinh lớp 12/1 Trường THPT Phan Châu Trinh - cho biết: "Em cũng thấy lo lắng vì dịch bùng phát. Bởi kỳ thi diễn ra với số lượng thí sinh tham dự rất đông, tập trung tại một điểm thi. Phần lớn kiến thức là tụi em tự ôn tập, những vấn đề thắc mắc thì sẽ liên hệ với các giáo viên bộ môn để giải quyết. Dù sao đây là kỳ thi quan trọng của cuộc đời, em sẽ chuẩn bị tốt nhất" - Giang chia sẻ.
Dù sao đây là kỳ thi quan trọng của cuộc đời, em sẽ chuẩn bị tốt nhất.
Thí sinh Nguyễn Thị Giang (học sinh lớp 12/1 Trường THPT Phan Châu Trinh, Quảng Nam)
Tiếp tục khai báo y tế
Chiều 6-8, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án phòng chống dịch để sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT năm 2020 suôn sẻ, an toàn. Đợt 1 có 23 điểm thi của 14 huyện, thị xã với hơn 14.000 thí sinh sẽ thi theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho biết sở tiếp tục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện rà soát, liên hệ tất cả thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đang học lớp 12 và thí sinh tự do) để khai báo y tế tình hình sức khỏe hằng ngày. Theo ghi nhận, 23 điểm thi ở các huyện, thị xã đã phun thuốc khử khuẩn.
Ông Khoa khẳng định trước ngày học sinh đến đăng ký dự thi (10-8) sẽ tiếp tục phun khử trùng các điểm thi lần nữa để đảm bảo an toàn. "Ngoài ra, các điểm thi cũng đã được yêu cầu phải trang bị cốc hoặc bình đựng nước uống, khăn tay, khẩu trang, nước rửa tay... để phòng dịch bệnh COVID-19, bạch hầu...", ông Khoa nói.
Dời một điểm thi ở Hội An đi nơi khác
Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho biết dự kiến đợt thi lần này toàn tỉnh có 26 điểm thi với khoảng 6.500 thí sinh. Theo ông Quốc, tại Hội An do tình hình dịch diễn biến phức tạp, đang thực hiện cách ly xã hội nên tỉnh Quảng Nam quyết định dời điểm thi tốt nghiệp của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Nam (Hội An) lên điểm thi Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Nam Giang (huyện Nam Giang). Sáng 6-8, 158 thí sinh đã được tỉnh bố trí xe đưa lên điểm thi này. "Tôi đã đến điểm thi kiểm tra trực tiếp, yêu cầu bố trí chỗ ở, ăn uống cho các thí sinh. Các em từ hôm kết thúc năm học đều được trường quản lý chặt, ở khu nội trú, không ra ngoài. Trước khi đưa các em đi, ngành y tế đã kiểm tra y tế chặt chẽ, xe đưa đón cũng được tiêu độc khử trùng" - ông Quốc nói.
Thừa Thiên Huế: 300.000 khẩu trang phục vụ kỳ thi
Lực lượng chức năng phun xịt hóa chất khử khuẩn điểm thi Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 6-8, ông Thân Nguyên Khánh - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết hiện sở đang phối hợp với ngành y tế để triển khai việc phun xịt khử khuẩn toàn bộ các điểm thi trên địa bàn. Ông Khánh cũng cho biết trước đó sở đã nhận hơn 300.000 khẩu trang do một công ty tài trợ và đã phát về các trường, trong đó có 35 trường được chọn làm điểm thi. Hiện nay số khẩu trang này sẽ được các điểm thi sử dụng để phát cho thí sinh, cán bộ phục vụ kỳ thi sắp tới. (NHẬT LINH)
Nghệ An: 300 phòng thi dự phòng
Ngày 6-8, ông Thái Văn Thành, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn thành, đặc biệt là việc chủ động phòng chống dịch COVID-19 cho hơn 31.200 thí sinh tại 61 điểm thi. Ngoài ra, 100% các điểm thi cũng chuẩn bị ít nhất 5 phòng thi dự phòng cho các thí sinh thuộc đối tượng phải giãn cách (toàn tỉnh dự kiến có hơn 300 phòng). Thí sinh nào có dấu hiệu ho, sốt... sẽ được sắp xếp thi riêng tại các phòng thi dự phòng này. (DOÃN HÒA)
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: D.HÒA
Vĩnh Long: chỗ ở miễn phí cho thí sinh khó khăn
Bà Trương Thanh Nhuận - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long - cho biết ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện phòng chống dịch bệnh thì sở và các ban ngành đã vận động xã hội hóa hỗ trợ 4.000 suất cơm và hàng ngàn chai nước miễn phí, chỗ ở miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi.
Cũng theo bà Nhuận, để hạn chế tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, lực lượng sinh viên tình nguyện chia nhỏ đội hình hỗ trợ đưa đón thí sinh, lực lượng nấu ăn tại bếp ăn hỗ trợ thí sinh phải thực hiện đầy đủ các quy trình khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. (THÙY TRANG)
Hậu Giang: chuẩn bị khẩu trang dự phòng
Ngày 6-8, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết thí sinh đến điểm thi làm thủ tục tham gia kỳ thi chiều 8-8 sẽ được đo thân nhiệt.
Trong hai ngày thi chính thức (ngày 9 và 10-8), các điểm thi sẽ không tổ chức đo thân nhiệt để tránh tình trạng thí sinh đến cùng một lượt, gây ùn ứ trước cổng trường. Các điểm thi chỉ đo thân nhiệt với những thí sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở bất thường. Ngoài ra, tại các điểm thi có chuẩn bị sẵn khẩu trang dự phòng cấp cho giáo viên, học sinh quên không đem theo. (LÊ DÂN)
Đồng Tháp: hoàn tất khử trùng phòng thi
Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp - cho biết công tác phun xịt khử trùng cho các điểm thi hoàn tất trong ngày 6-8. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, khảo sát thị trường cho thấy thí sinh sẽ không thiếu khẩu trang để sử dụng trong thời gian diễn ra kỳ thi. Các dung dịch khử trùng, dung dịch sát khuẩn phân phát cho các điểm thi cũng được đảm bảo. (NGỌC TÀI)
Phải bàn kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh lớp 12 năm nay đang chịu áp lực rất lớn do dịch Covid-19 - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT Chiều 2.8, tại phiên...