Đưa môn bơi lội vào trường học để hạn chế tai nạn đuối nước
Chỉ một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đặc biệt, nạn nhân chủ yếu là những em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường, không biết bơi lội và không được hướng dẫn các kĩ năng cần thiết khi gặp nạn.
Để hạn chế tai nạn đuối nước, nhà trường đã đưa bơi lội thành môn học.
Nhiều vụ đuối nước thương tâm
Cách đây ít hôm (ngày 14/4), tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của 3 em học sinh.
Theo đó, vào trưa cùng ngày 2 anh em ruột là Nguyễn Anh Khôi (8 tuổi, học sinh lớp 3) và Nguyễn Đăng Khôi (6 tuổi, học sinh lớp 1), cùng học tại Trường Tiểu học Số 1 (thị trấn Phú Túc) và em Hoàng Công Huân (7 tuổi, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành) rủ nhau ra ao cá của gia đình Huân (thị trấn Phú Túc) để tắm. Tuy nhiên, do không biết bơi nên các em bị đuối nước mà không ai hay biết.
Sau đó, một số người dân phát hiện nên đã hô hoán và nhảy xuống đưa các em lên bờ và đưa đến Trung tâm y tế huyện Krông Pa cấp cứu nhưng mọi việc đã quá trễ.
Trong tình cảnh tương tự, em Nguyễn Diệu L. (học sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Diệu, thuộc xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cũng tử vong trong lúc đi chơi hồ với nhóm bạn vào ngày 26/3 vừa qua.
Khi thấy L té xuống nước, các bạn đi cùng đã cố gắng cứu nhưng không được nên nạn nhân đã bị nước nhấn chìm. Tuy nhiên, do lo sợ, cùng nhận thức hạn chế, các em đi cùng nghĩ rằng báo người lớn thì sẽ bị công an bắt nên bàn bạc giấu sự việc, ai hỏi thì nói không biết.
Video đang HOT
Đến ngày 27/3, khi thấy các bạn về mà không thấy con nên gia đình em L gặng hỏi. Sau nhiều lần chối không biết, được các giáo viên động viên, giải thích các em cũng đã kể lại toàn bộ sự việc.
Trước hôm xảy ra vụ việc cướp đi mạng sống của em L một ngày, vào ngày 25/3, một nhóm học sinh thôn Nhơn Tân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cũng rủ nhau ra hồ nước tưới cà phê gần nhà để tắm.
Khoảng 30 phút sau, người dân tá hỏa nghe tiếng la hét kêu cứu. Ngay lập tức, những hộ dân lân cận chạy đến ứng cứu. Lúc này, mọi người nhảy xuống vớt được thi hài của 2 em Trần Minh Vũ (học sinh lớp 6) và em Đặng Ngọc Hải (học sinh lớp 7) lên bờ, đồng thời trình báo lên lực lượng chức năng.
Đưa bơi lội vào trường học
Gia đình tổ chức tang lễ cho 2 em nhỏ bị đuối nước tại thôn Nhơn Tân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vào ngày 25/3 vừa qua.
Khi mùa hè đến gần, cùng với thời tiết nắng nóng thì nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội, đến những nơi có ao, hồ, sông, suối của các em nhỏ tăng cao. Tuy nhiên, nhu cầu cao thì những mối nguy hiểm cũng tăng lên và luôn rình rập sức khỏe, tính mạng trẻ nhỏ.
Những vụ đuối nước thương tâm liên tục xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh và nhà trường. Ngoài việc quan tâm, quản lý con em mình sát sao hơn, gia đình và nhà trường cần tổ chức dạy cho các em những kỹ năng cần thiết để ứng phó trong trường hợp cấp bách, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Để hạn chế tình trạng đuối nước đối với các em học sinh thì Sở Giáo dục – Đào tạo Gia Lai đã phối hợp cùng với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh; UBND các xã, trị trấn đưa môn bơi vào trường học, đặc biệt đối với những điểm trường vùng sâu, vùng sa nơi có nhiều ao hồ, sông, suối.
Nhằm phục vụ lộ trình này, tỉnh Gia Lai đã sử dụng ngân sách để tiến hành xây dựng bể bơi tại các nơi.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Thức – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Pleiku cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3 bể bơi thuộc trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường THCS Trần Phú. Ngay sau khi bể bơi được đưa vào hoạt động thì 8 trường lân cận đã đăng kí cho học sinh của trường mình đến theo học bơi và những kỹ năng cần thiết, tuyên truyền cho các em tránh xa các ao, hồ, sông, suối…
Theo vị Trưởng phòng, hiện nay môn bơi lội đang là môn tự chọn được thay phiên nhau học từ thứ 2 – 7 hàng tuần. Những giáo viên tham gia giảng dạy là giáo viên thể dục và đoàn đội đã được đi tập huấn.
Tuy nhiên, theo ông bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn khi số lượng bể bơi ít, giáo viên chưa đủ về trình độ, kĩ năng nên khó khăn trong quá trình học bơi của các em học sinh.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Gia Lai, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ đuối nước khiến 18 người tử vong, trong đó tỉ lệ học sinh bị đuối nước chiếm cao nhất. Riêng từ ngày 6/3/2019 đến ngày 25/3/2019, theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, trên địa bàn đã xảy ra tổng cộng 8 vụ đuối nước làm chết 13 người, trong đó có 4 vụ đuối nước khiến 8 em nhỏ dưới 11 tuổi bị tử vong.
Trúc Hân
Theo GDTĐ
Tăng cường phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh dịp hè
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, sinh viên (HSSV) dịp hè năm 2019.
Theo đó, thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước (PCTNĐN) học sinh, sinh viên đã được các sở giáo dục và đào tạo, nhà trường và cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Tuy nhiên, tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với HSSV, có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều học sinh bị thương vong, gây tổn thất nặng về tinh thần, vật chất với gia đình, xã hội.
Các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ các quy định về phòng chống tai nạn đuối nước. Ảnh minh họa
Do đó, việc đẩy mạnh công tác PCTNĐN là nhiệm vụ được chú trọng, đặc biệt trong thời gian học sinh, sinh viên chuẩn bị nghỉ hè. Để khắc phục, phòng chống, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng đối với HSSV, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường thực hiện quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng chống tai nạn đuối nước đối với HSSV và cán bộ quản lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của HSSV trong việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động trong đời sống hàng ngày; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước đối với HSSV.
Đối với Sở GD&ĐT, các nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông cần chỉ đạo giáo viên tiếp tục duy trì việc hàng ngày dành 3 - 5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em trên đường từ nhà tới trường, từ trường về nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ công trình,...; khuyến khích các trường tăng cường tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt,... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT, giám đốc các trường ĐH, CĐ sư phạm và trung cấp sư phạm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tai nạn đuối nước HSSV.
Ngọc Anh
Theo baonhandao
Giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ Cùng với nhà trường thì chính trong mỗi gia đình cần giáo dục, quản lý các em với trách nhiệm cao nhất. Ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng người khác được hình thành từ những nền nếp, việc làm rất nhỏ hằng ngày trong các gia đình... (Ảnh minh họa: TTXVN) Những vụ việc như xâm hại tình dục, bạo lực...