Dự trữ vàng của Nga đạt mốc cao lịch sử
Theo Ngân hàng trung ương Nga, dự trữ vàng thỏi của nước này đạt gần 190 tỷ USD, một mốc cao mới trong lịch sử.
Dự trữ vàng của Nga đạt gần 190 tỉ USD do nước này tăng mua vào và giá vàng tăng cao.
Đài RT dẫn thông báo của Ngân hàng trung ương Nga cho biết, dự trữ vàng của Nga đã đạt mức cao kỷ lục mới là 188,8 tỷ USD và tỷ trọng vàng thỏi trong dự trữ quốc tế của nước này đã lần đầu tiên vượt quá 30% sau gần 1/4 thế kỷ.
Ngày 6/9, Ngân hàng trung ương Nga báo cáo rằng, giá trị vàng trong dự trữ quốc tế của nước này đã tăng hơn 9 tỷ USD, tương đương 5,1%, chỉ từ đầu tháng 8.
Giá vàng tăng 3,6% trong tháng 8 và kết thúc tháng ở mức 2.513 đô la/oz, có nghĩa là một phần đáng kể trong sự gia tăng giá trị dự trữ của Nga là do hiệu ứng giá.
Đây vẫn là tỷ trọng vàng tiền tệ cao nhất trong tài sản quốc tế của Nga kể từ tháng 1/2000, thời điểm tỷ trọng đạt 31,2%. Mức cao nhất trong lịch sử hiện đại của Nga được ghi nhận vào tháng 1/1993, khi dự trữ vàng chiếm tới 56,9% trong tổng tài sản dự trữ quốc tế của Nga.
Video đang HOT
Theo Ngân hàng trung ương Nga, dự trữ quốc tế của đất nước tiếp tục tăng, đạt 613,7 tỷ USD tính đến ngày 1/9, tăng hơn 11 tỷ USD so với tháng trước.
Dự trữ quốc tế của Nga được định nghĩa chính thức là tài sản nước ngoài có tính thanh khoản cao do Ngân hàng Nga và chính phủ nước này nắm giữ, bao gồm ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt với IMF và vàng tiền tệ (là vàng do các cơ quan có chức năng điều hành chính sách tiền tệ như Ngân hàng trung ương, sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ).
Gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng ở phương Tây vào đầu năm 2022 như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Ngân hàng trung ương Nga chưa cung cấp thông tin chi tiết về những tài sản đã bị đóng băng.
Phần dự trữ của Nga không bị đóng băng bao gồm vàng và ngoại tệ được nắm giữ trong nước, bao gồm cả đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, sự ổn định tài chính của đất nước sẽ không bị ảnh hưởng nếu phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của nước này. Theo bà Nabiullina, Ngân hàng trung ương đã đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình trong nhiều năm và hiện đang tiến hành các hoạt động với các khoản dự trữ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Moskva đã lên án việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga là bất hợp pháp, nói rằng nó đã “làm xói mòn uy tín” của các nước phương Tây. Điện Kremlin đã cảnh báo về sự trả đũa nếu các khoản tiền đó bị tịch thu.
Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn bất đồng về cách xử lý hơn 300 tỷ USD đóng băng của Nga. Mỹ muốn tịch thu số tài sản đóng băng đó, song Đức và nhiều nước khác lo ngại động thái này sẽ gây tổn hại cho chính họ và phương Tây.
Đức đang trở thành một trong những nước phản đối gay gắt nhất trong nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tịch thu số tài sản hơn 330 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng tại phương Tây sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Berlin lo ngại nỗ lực tịch thu tài sản đóng băng như vậy có thể tạo ra tiền lệ, thúc đẩy các nước khác làm theo và chống lại Đức vì những gì đã xảy ra trong Thế chiến II. Đức chỉ ủng hộ sử dụng lợi nhuận từ số tài sản bị đóng băng để chuyển cho Ukraine.
Vào tháng 7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo đã chuyển 1,5 tỷ euro tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine để giúp nước này tái thiết và phòng thủ.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov vào ngày 26/7 cho biết Moskva sẽ cân nhắc kỹ cách phản ứng với động thái của Liên minh châu Âu (EU) chuyển giao 1,5 tỷ euro trị giá tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine.
Ông Peskov từng tuyên bố việc chuyển lợi nhuận từ tài sản của Nga sang các mục đích khác là vi phạm tất cả các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế. Động thái này sẽ kéo theo những vấn đề pháp lý nghiêm trọng đối với những người đưa ra quyết định và những người lợi dụng quyết định này.
Trung Quốc tiếp tục sở hữu dự trữ ngoại hối và vàng lớn nhất thế giới
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 6/2, hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn số liệu của các ngân hàng trung ương cho biết trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục sở hữu dự trữ ngoại hối và vàng lớn nhất thế giới.
Nhân viên kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là năm thứ 17 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này đứng đầu thế giới về dự trữ quốc tế.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2022, dự trữ quốc tế của Trung Quốc đạt 3.310 tỷ USD. Đứng ngay sau Trung Quốc là Nhật Bản, với 1.270 tỷ USD, trong khi Thụy Sĩ đứng thứ ba, với 924 tỷ USD.
Trong năm 2022, Nga đã vượt Ấn Độ, giữ vị trí thứ tư, với 582 tỷ USD, trong khi quốc gia Nam Á tụt xuống vị trí thứ năm, với 563 tỷ USD.
Cũng trong năm 2022, Saudi Arabia đã vươn lên 2 bậc, xếp hàng thứ sáu, với 460 tỷ USD, trong khi Singapore tụt 2 bậc, ra khỏi danh sách Top 10 nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.
Không có sự thay đổi đáng kể nào trong Top 30 nền kinh tế có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Thụy Điển lần đầu tiên gia nhập danh sách này, đánh bật Hà Lan ra khỏi Top 30. Pháp và Italy cũng tăng 2 bậc, đứng ở vị trí thứ 12 và 14.
Nghiên cứu dựa trên số liệu của các ngân hàng trung ương thuộc 100 nền kinh tế trên thế giới, công bố vào đầu tháng 2 vừa qua.
Tại sao các ngân hàng trung ương lại ồ ạt mua vàng? Vàng được xem như tài sản an toàn chống lại lạm phát và có vai trò quan trọng trong chiến lược đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế và giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác tăng cường dự trữ...