Dự thảo thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Không còn cảnh bị phê bình trước toàn trường!
Sau 32 năm áp dụng một thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh với rất nhiều hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mới với rất nhiều điều chỉnh tích cực.
Ảnh minh họa.
Tạo cơ hội cho học sinh thay đổi
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 08 về khen thưởng, kỷ luật học sinh được ban hành từ năm 1988 đã quá lâu và không còn phù hợp với giáo dục hiện nay. Vì thế, việc ban hành dự thảo thông tư mới nhằm thay thế Thông tư 08 là rất cần thiết, trên tinh thần vì sự tiến bộ của học sinh.
Theo đó, dự thảo thông tư mới có hàng loạt điều chỉnh so với Thông tư 08 như bỏ hình thức kỷ luật đuổi học đối với học sinh, không ghi lỗi của học sinh vào học bạ, không phê bình học sinh trước toàn trường, không kỷ luật với học sinh tiểu học… và bổ sung thêm các hình thức khen thưởng học sinh tích cực.
Với thâm niên hàng chục năm đứng lớp, trong đó có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên trường Trung học phổ thông Trí Đức cho biết việc học sinh phạm lỗi là rất bình thường và là vấn đề muôn thuở của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. “Khi các em mắc lỗi, điều quan trọng là thầy cô phải phân tích để các em nhận ra lỗi sai, tạo cơ hội để các em sửa sai, hoàn thiện bản thân. Việc ghi lỗi vào học bạ có thể sẽ khiến các em bi quan, không tự tin và mất hướng phấn đấu” cô Yến cho hay.
Với quan điểm đó, cô Yến cho biết mình chưa khi nào ghi lỗi của học sinh vào học bạ cho dù Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định này. “Đây cũng là chủ trương của trường Trí Đức và giáo viên chúng tôi cũng rất đồng tình”, cô Yến nói.
Chia sẻ về chủ trương này, thầy Hà Trung Hưng, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trí Đức (Hà Nội) cho rằng việc ghi lỗi của học sinh vào học bạ chẳng khác nào khẳng định phẩm chất học sinh. “Đó là điều tối kỵ. Như vậy, học sinh sẽ bị tổn thương, các em mất niềm tin. Nhưng chúng tôi cũng không bỏ qua lỗi của học sinh mà cử giáo viên tìm hiểu để biết được choàn cảnh, tính chất mức độ, sau đó giảng giải cho học sinh.
Video đang HOT
Trường hợp các em mắc lỗi nặng, nhà trường sẽ cho các em tạm dừng học trên lớp để gia đình phối hợp giáo dục các em” thầy Hưng cho hay.
Ngoài không ghi học bạ, tại trường Trí Đức, học sinh cũng không bị phê bình trước toàn trường, hội đồng kỷ luật cũng chưa bao giờ được thành lập và chưa học sinh nào bị đuổi học.
Không buông học trò
Là một trong những hiệu trưởng được học sinh rất yêu mến, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie đánh giá dự thảo của Bộ đã có nhiều điều chỉnh tích cực, đặc biệt là việc bỏ quy định “đuổi học”.
Theo thầy Khang, hình thức kỷ luật đuổi học một tuần và một năm của Thông tư 08 đã được thay bằng “tạm dừng học tập trên lớp hai tuần” trong dự thảo thông tư mới. “Cần phải chú ý đến hai từ ‘trên lớp’, nghĩa là chỉ tách học sinh ra khỏi không gian học tập ở trường, nhưng các em vẫn sẽ phải học ở không gian học tập khác là gia đình, với sự sát sao của giáo viên.
Nhà trường không buông mà vẫn với tới, giáo dục các em. Đây là điểm khác rất lớn với hình thức đuổi học, vì đuổi học là tách học sinh ra khỏi giáo dục. Hình thức kỷ luật đuổi học, nhất là đuổi học một năm ở quy định hiện hành là quá tài, có thể làm cho cuộc đời học sinh rẽ sang hướng khác”, thầy Khang phân tích.
Cũng theo thầy Khang, dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông bỏ hình thức kỷ luật trước lớp và trước toàn trường là hợp lý. “Cảnh cáo trước lớp hay toàn trường đều là bêu trước đông người, những cái đó đều không còn phù hợp. Trong thời đại hiện nay, cảnh cáo trước lớp hay trước toàn trường cũng không khác gì trước cả thế giới, tạo áp lực quá lớn cho học sinh, khiến các em khó lòng vươn lên, tiến bộ,” thầy Khang chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng dự thảo còn có một điểm mới đặc biệt khi quy định các hình thức kỷ luật không được áp dụng với học sinh tiểu học, dù ở mức độ nhẹ nhất là khiển trách. “Bậc tiểu học, học sinh vẫn ở lứa tuổi trẻ em. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật với các em là quá nặng nề. Trẻ em chỉ có khen, khích lệ, động viên, nhẹ nhàng uốn nắn để các em sửa dần. Nhìn chung, tôi thấy những điều chỉnh của dự thảo thông tư mới là rất đáng hoan nghênh”, thầy Khang nói.
Giáo dục "nóng" với những điều chỉnh liên quan trực tiếp đến học sinh
Tuần qua, giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh và Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT với nhiều điểm mới.
Ảnh minh hoạ/ INT
Điều chỉnh quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh
Dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Trong đó, nội dung nhận được nhiều quan tâm là quy định bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường.
Như vậy, sau 30 năm tồn tại, những quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh của Thông tư 08 trước đây sẽ được thay thế. Nội dung điều chỉnh này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nhà giáo, nhiều chuyên gia và dư luận xã hội.
Nếu như nhiều nhà giáo ủng hộ vì nhận thấy những nội dung trong trong thông tư cũ đã bộc lộ nhiều nhược điểm thì Bộ GD&ĐT cho biết, việc bỏ hình thức kỷ luật cũ còn được xem xét trên nguyên tắc nhất quán với các văn bản pháp lý khác.
Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT: Bộ được giao xây dựng quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật vừa được Quốc hội ban hành, Công ước LHQ về quyền trẻ em và Luật trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016.
Với việc xóa bỏ các hình thức xử phạt tiêu cực, dự thảo lần này còn bỏ cả nội dung ghi hình thức kỷ luật vào học bạ. Thay đổi này đặc biệt nhận được sự hoan nghênh từ phía các nhà trường theo đuổi phương pháp kỷ luật tích cực bởi học bạ theo cả đời người, mức kỷ luật dù được khắc phục cũng sẽ trở thành "vết đen" khó mờ.
Thực tế, trong 30 năm qua, dù Thông tư 08 vẫn có hiệu lực nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều trường học sáng tạo, đổi mới cách kỷ luật học sinh theo hướng tích cực. Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ GD&ĐT xây dựng nội dung thông tư lần này.
Học sinh sử dụng điện thoại khi được sự cho phép của giáo viên (Ảnh minh hoạ)
Hiểu đúng nội dung " cho phép HS sử dụng điện thoại trong lớp "
Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Thông tư 32 sẽ thay thế Thông tư số 12 ban hành năm 2011.
Nội dung này ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều của nhiều nhà giáo và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cần hiểu đúng nội dung Thông tư: Thầy cô quyết định thời điểm nào học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp. Việc tạo điều kiện có công cụ truy cập vào bài học, không đồng nghĩa các em được dùng điện thoại không kiểm soát.
Trước đây, Thông tư 12 quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là "Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học", thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là: "Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Như vậy, học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Làm rõ hơn về quy định mới này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, cần phải hiểu đúng quy định này và giáo viên sẽ quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hay không.
"Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học". Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên". - Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).
Chính thức bỏ cảnh cáo ghi học bạ đối với học sinh Từ ngày 1.11.2020 sẽ chính thức bỏ cảnh cáo ghi học bạ đối với học sinh cấp THCS và THPT. Theo quy định cũ, học sinh khi vi phạm phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ bị xử lý bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ, thậm chí ở mức cao là...