Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020: Làm khó các trường đại học!
Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT đặt ra các điều kiện ngặt nghèo với các trường thi tuyển riêng như trong dự thảo quy chế tuyển sinh phiên bản mới nhất là ‘làm khó nhau’, thay vì mong các trường tổ chức những kỳ thi chất lượng.
Học sinh lớp 12 trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19 – ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Khó tổ chức thi riêng
Gần đây, Bộ GD-ĐT lấy ý kiến các trường để hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020. So với phiên bản đầu tiên Bộ công bố ngày 20.1, phiên bản dự thảo mới đây có một điều chỉnh quan trọng là điều 12 quy định về bảo đảm chất lượng với các kỳ thi do các trường tổ chức riêng.
Nội dung này đưa ra nhiều quy định chi tiết, với các điều kiện ngặt nghèo, dành cho các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực, hoặc hình thức thi khác, hoặc kết hợp một số hình thức thi, mà theo nhiều trường, rất khó có cơ sở đào tạo đạt được.
Năm 2020, nhiều trường ĐH dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh như: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Trong số này nhiều trường đã thực hiện kỳ thi này năm trước đó cũng cho biết khó để thực hiện trong năm nay nếu dự thảo này thực thi. Trong các tiêu chí để thực hiện kỳ thi riêng, yếu tố nhân lực để thực hiện kỳ thi khiến các trường băn khoăn nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, quy chế đưa ra quy định để “siết” chất lượng các kỳ thi riêng là không sai, nhưng để thực hiện thì khó cho nhiều trường. Đặc biệt khó hơn với các trường ĐH không mạnh về đào tạo khối ngành khoa học cơ bản.
Trong khi đó, cũng tổ chức kỳ thi riêng, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng kỳ thi tuyển sinh riêng của trường này sử dụng đề thi TestAS do Viện Khảo thí TestDAF CHLB Đức cung cấp. Đây là đề thi dùng cho việc kiểm tra năng lực của sinh viên nước ngoài muốn dự tuyển vào học các ĐH của Đức.
“Bài thi tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của sinh viên tại các ĐH Đức. Vì vậy, kỳ thi hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu về đảm bảo chất lượng của Bộ như dự thảo đưa ra”, ông Viên cho hay.
Học sinh lớp 12 trở lại trường học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 8 – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vi phạm quyền tự chủ của các trường?
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục, căn cứ vào điều 12 dự thảo Quy chế tuyển sinh nêu trên, các yêu cầu mà Bộ đặt ra với các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng rất giống với các tiêu chuẩn của trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia/độc lập… nên có thể vi phạm quyền tự chủ của các trường, và đi ngược với chủ trương, đường lối tăng cường tự chủ ĐH của luật Giáo dục ĐH mới.
“Điều 12 của dự thảo này là một quy định có ý làm khó các trường. Đặc biệt là trong khoảng thời gian rất ngắn, hầu như các trường sẽ không thể đáp ứng quy định. Vô hình trung, nội dung điều 12 của dự thảo là biện pháp vô hiệu hóa phương án thi riêng của các trường và nguy hiểm hơn, nó đi ngược với chủ trương của luật Giáo dục ĐH mới. Dư luận có quyền hồ nghi, phải chăng Bộ có ý loại các trường ra khỏi “cuộc chơi” bằng hàng rào tiêu chuẩn? Sự nghi ngờ này càng khó giải tỏa khi mà mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo hủy kỳ thi riêng mà họ công bố ngày 30.4″, tiến sĩ Quyên nhận định.
Tiến sĩ Quyên cho rằng nếu để quản lý chất lượng, và đặc biệt đối với việc thi tuyển sinh thì tại sao Bộ không ban hành yêu cầu đối với các trường từ những năm trước? ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM đã triển khai đánh giá năng lực để tuyển sinh, kết quả nhiều trường sử dụng… từ vài năm nay. Tại sao năm nay khi chỉ còn vài tháng đến kỳ thi thì lại đặt ra tiêu chuẩn? Nếu Bộ thực sự muốn kiểm soát được vấn đề đảm bảo chất lượng thi tuyển sinh của các trường thay vì “làm khó nhau” thì nên cắt giảm các yêu cầu về chuẩn hóa, vì yêu cầu về chuẩn hóa là yêu cầu đối với các bài thi diện rộng, kết quả đánh giá có giá trị phổ quát (ví dụ các bài thi IELTS, TOEFL hoặc các bài thi quốc gia).
Tuyển sinh được đối tượng phù hợp hay không là trách nhiệm của các trường, và họ phải gánh chịu hậu quả nếu có. Chính vì vậy, tuyển sinh mới đặt nằm trong phạm vi được tự chủ cao theo luật Giáo dục ĐH. “Chính bài thi tốt nghiệp THPT mới là bài thi cần phải chuẩn hóa? Không biết Bộ có chuẩn hóa các đề thi của kỳ thi này như yêu cầu của điều 12?”, tiến sĩ Quyên đặt vấn đề.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, theo luật hiện hành nhà nước đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Theo đó, mỗi trường có thể thực hiện tuyển sinh theo những cách khác nhau và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra.
“Nhà nước có vai trò đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục. Muốn vậy, nhà nước có thể đặt ra các quy định thực hiện thanh tra ngay trong quá trình thi cử hoặc sau đó, không nhất thiết phải đưa ra các quy định quá chi tiết yêu cầu các trường thực hiện theo”, bà Phương Anh nhận định.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết có quy định chung về việc tổ chức thi để đảm bảo chất lượng là cần thiết, nhưng đó chỉ nên là những quy định khung với những nét cơ bản và đầy đủ các bước trong quy trình, không nên quá cụ thể về mặt thực hiện bởi các trường đã có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ có quyền và cần kiểm tra công tác tổ chức thi tại các trường.
Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, việc đưa vào quy chế những quy định ngặt nghèo này thực chất là cách siết việc tổ chức kỳ thi riêng của các trường khi mà kỳ thi riêng đã được các trường tự tổ chức trước đó. “Phải chăng đây là cách “làm khó” các trường, mục đích là không nhiều trường tổ chức thi riêng và phải sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển?”, lãnh đạo này băn khoăn.
Có phạm luật?
Một thành viên tổ tư vấn cho Bộ GD-ĐT trong việc soạn thảo dự thảo Quy chế tuyển sinh, cho biết nội dung điều 12 của dự thảo này không được tổ tư vấn tán thành, vì không khả thi. Ví dụ, yêu cầu về văn bằng của cán bộ phụ trách công tác thi của các trường, thử hỏi có mấy trường đạt được yêu cầu này? Việc đặt ra các quy định với trường tổ chức thi riêng vào dự thảo như vừa rồi là một động thái thiếu công bằng, có tính chất “chơi xấu” với những trường đã công bố phương án thi. Yêu cầu như thế khác nào nói là cấm tổ chức thi riêng, mà cấm thi thì lại phạm luật.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, chia sẻ khi đọc điều 12 dự thảo Quy chế tuyển sinh, ông thực sự không hiểu Bộ muốn gì ở các trường! Bộ vẫn đặt yêu cầu tự chủ với các trường ĐH, thể hiện sự khích lệ các trường có phương án tuyển sinh riêng phù hợp với ngành nghề đào tạo của từng trường. Nhưng mặt khác Bộ lại liên tục tung ra những thông tin không chính thức có tính chất làm nhụt ý chí tự chủ tuyển sinh của các trường.
Tiến sĩ Tùng đặt vấn đề: “Nếu giờ các trường muốn “lách luật”, không gọi là thi tuyển, mà gọi là sơ tuyển, có được không? Hằng năm, các trường khối công an, quân đội vẫn được sơ tuyển mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào”.
Phương thức xét tuyển nào ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT?
Hôm nay 6.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề 'Phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT'. Chương trình được phát sóng tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Tham gia buổi trực tuyến, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin chi tiết những điều chỉnh trong phương án tuyển sinh của các trường. Đặc biệt là những phương thức xét tuyển riêng như: xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi năng lực...
Chuyên gia tham dự chương trình có: Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức; Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bạn đọc quan tâm tới chương trình có thể đặt câu hỏi tương tác trực tiếp với khách mời từ các trường.
14:32
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến "Phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT".
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh đã phải nghỉ học kéo dài hơn 3 tháng nên việc học và thi cũng có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc kỳ thi THPT quốc gia hằng năm nay trở thành kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp cũng là để phù hợp với tình hình hiện tại. Trước thay đổi này, các trường đại học đã có những điều chỉnh, thay đổi phương thức tuyển sinh cho phù hợp. Bên cạnh xét tuyển bằng phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học năm nay còn có nhiều phương thức xét tuyển khác.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của học sinh lớp 12 và cả thí sinh tự do, Báo Thanh Niên thực hiện chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến về việc thay đổi tuyển sinh của các trường đại học.
Chương trình chia làm 2 phần. Phần 1 có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TP.HCM
- Thạc sĩ Trương Quang Trị - Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Khách mời tham gia phần 1 chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề 'Phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT' - KHẢ HÒA
14:51
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay do các địa phương chủ trì. 2 bài thi KHTN, KHXH thì thí sinh chỉ chọn 1 bài, thi 4 môn trong 2 ngày. Điều này không giống năm ngoái.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - KHẢ HÒA
Năm nay, tại Trường ĐH Duy Tân giữ nguyên phương thức tuyển sinh như năm ngoái: dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ; Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển với thí sinh có giải thưởng cấp tỉnh, thành phố; Ưu tiên tuyển thẳng với thí sinh tốt nghiệp THPT tương đương từ các nước trên thế giới...
14:54
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sử dụng 5 phương thức xét tuyển: Xét kết quả kỳ thi THPT theo tổ hợp môn; Xét học bạ có 3 cách: điểm trung bình 1 học kỳ lớp 10, 1 học kỳ lớp 11 và một học kỳ lớp 12 đạt 18 điểm trở lên, thí sinh có thể lựa chọn học kỳ nào đạt điểm cao nhất; điểm tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt 18 điểm trở lên, điểm trung bình lớp 12 đạt 6.0 trở lên. Khối ngành sức khỏe có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các em phải xếp loại giỏi và điểm xét tốt nghiệp 8.0 trở lên (ngành bác sĩ đa khoa và dược học); Thi tuyển đầu vào của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển thẳng những thí sinh đạt giải quốc gia và quốc tế.
14:58
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Trường ĐH Mở duy trì các phương thức xét tuyển như năm trước để đảm bảo tính ổn định. Đó là xét điểm thi THPT, xét điểm học bạ (xét 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12). Trong đó các ngành công nghệ sinh học, công tác xã hội, Đông Nam Á, xã hội học nhận mức điểm 18 trở lên, các ngành còn lại từ 20 điểm trở lên.
Trường cũng xét tuyển thẳng học sinh giỏi. Những ngành ngôn ngữ phải có IELTS 6.0 trở lên, các ngành còn lại 5.5.
Trường nhận điểm tú tài quốc tế từ 26 điểm trở lên. Ngày 11.5 trường mở cổng xét tuyển trực tuyến trên trang web để thí sinh đăng ký xét tuyển.
15:04
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Các em cứ yên tâm dự thi tốt nghiệp THPT, để thi cho tốt.
Trường ĐH Duy Tân có tổ chức kỳ thi vẽ, mỹ thuật, nhưng có thể dùng kết quả thi 2 môn này ở các trường khác để nộp vào.
Các em còn 3 tháng nữa để thi tốt nghiệp THPT nên cố gắng học tốt, đừng hoang mang. Nếu các em muốn vào trường nào thì đọc thông tin tuyển sinh trường đó, để nộp hồ sơ đăng ký. Cơ bản thì Bộ vẫn giữ ổn định tuyển sinh, chỉ khác là thi THPT giao cho địa phương chủ trì, chứ các trường không tham gia.
Năm nay các môn thi là toán, văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi KHXH hay KHTN.
15:07
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Kỳ thi riêng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến sau kỳ thi THPT khoảng 2 tuần. Thời gian cụ thể các em có thể theo dõi trên website của trường. Trường nhận hồ sơ học bạ đến ngày 31.5, sau đó trường sẽ công bố kết quả đợt 1 này.
15:08
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Trường ĐH Mở có phương thức xét tuyển học sinh giỏi, yêu cầu học sinh đạt học lực giỏi lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12.
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc - KHẢ HÒA
Ở phương thức xét học bạ, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS hoặc tương đương phải đạt 6.0 (ngành ngôn ngữ) và 5.5 (các ngành còn lại) sẽ được ưu tiên xét tuyển.
15:13
Bạn đọc hỏi: Xét tuyển học bạ với các ngành khoa học sức khỏe như thế nào?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Từ 2019, Trường ĐH Duy Tân có xét tuyển học bạ với ngành điều dưỡng, dược, điều kiện là 19,5 điểm với ngành điều dưỡng, dược là 24, học lực giỏi. Y đa khoa năm ngoái không xét học bạ.
Năm nay, trường tiếp tục xét học bạ với ngành điều dưỡng, dược, thêm ngành y đa khoa, răng hàm mặt. Điểm y đa khoa, răng hàm mặt như thế nào thì chờ Bộ công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào nhưng điểm sẽ cao hơn các ngành khác.
15:25
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không thay đổi tổ hợp môn, nhưng có 3 ngành mới là kinh doanh quốc tế, quan hệ quốc tế, mạng máy tính và truyền thông.
Thạc sĩ Trương Quang Trị - KHẢ HÒA
Năm nay trường dành 50% chỉ tiêu xét học bạ, điểm thi THPT 20%, kỳ thi do trường tổ chức 20%, xét kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và học sinh giỏi... là 10%.
15:26
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Trường ĐH Mở TP.HCM xét chỉ tiêu ở phương thức xét học bạ, xét tuyển thẳng, học sinh giỏi... là 70% (2.800).
Trưởng mở thêm 2 ngành là du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trước đây là 2 chuyên ngành thuộc ngành quản trị kinh doanh. Ngoài ra, trường mở thêm một số lớp như công nghệ thông tin tăng cường tiếng Nhật, lớp chất lượng cao học 100% bằng tiếng Anh ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng...
15:29
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Khủng hoảng mang tính chất ngắn hạn từ dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng du lịch, nhưng 4 năm nữa thì nhân sự du lịch vẫn cần rất nhiều, đòi hỏi chất lượng nhân sự cũng rất cao. Các em đam mê du lịch, lựa chọn du lịch các năm vừa rồi thì cứ yên tâm học và trau dồi, Việt Nam đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, uy tín của Việt Nam được nâng cao sau dịch Covid-19 này.
Năm nay, độ khó của đề thi phục vụ cho tốt nghiệp, nên các trường sẽ phân bổ lại chỉ tiêu xét tuyển. Trường ĐH Duy Tân phân bổ 40% xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, 50% xét học bạ, 10% ưu tiên tuyển thẳng (giải khoa học kỹ thuật cấp thành phố, thi tay nghề quốc tế...).
15:32
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Cơ hội trúng tuyển của mỗi em, phụ thuộc các yếu tố: số lượng chỉ tiêu của từng ngành trong trường, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào ngành, từ đó nhà trường căn cứ mức điểm.
Năm nay các trường đa dạng hoá phương thức xét tuyển. Về mặt nguyên tắc, các phương thức xét tuyển có giá trị độc lập như nhau. Cùng lúc, các em có quyền nộp nhiều phương thức xét tuyển vào 1 trường.
Các em phải lưu ý, các thầy luôn tư vấn, hãy chọn ngành rồi hãy chọn trường. Chọn ngành thì mỗi ngành có chỉ tiêu tuyển sinh riêng, các em hết sức chú ý.
Các em dùng các phương thức xét tuyển vào các trường, hãy chú ý mã ngành. Chuyên ngành nào thuộc ngành nào. Ví dụ, chuyên ngành khách sạn, chuyên ngành nhà hàng thì bây giờ thành "ngành"...
Các em lưu ý, nếu các em xét tuyển học bạ thì điểm học bạ thì phải cao hơn điểm thi THPT, điểm học bạ xét tuyển ở nhiều trường cũng khác nhau, nếu các em tự tin với học bạ thì cũng hết sức chú ý. Điểm học bạ có trước, điểm thi có sau, tỷ lệ sàng học với điểm thi lớn hơn...
15:34
* Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về việc tuyển sinh của các trường đại học năm nay khi chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chương trình sẽ được tiếp tục trong ít phút nữa. Chúc các bạn có nhiều sức khỏe và may mắn, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và thành công trong kỳ xét tuyển vào các trường đại học.
15:46
Chào mừng các bạn đến với phần 2 chương trình tư vấn trực tuyến "Phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT".
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Phần 2 chương trình, có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức
- Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
Khách mời tham gia phần 2 - KHẢ HÒA
16:07
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Học sinh lớp 12 cần tỉnh táo khi tiếp cận nguồn thông tin về tuyển sinh, nên tìm hiểu qua cổng thông tin của các trường ĐH, nguồn tin chính thống...
Tiến sĩ Hà Thúc Viên - KHẢ HÒA
Năm nay có những thay đổi về kỳ thi THPT, học sinh thi 3 môn bắt buộc, bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội. Kết quả thi THPT vẫn có thể sử dụng để xét tuyển ĐH.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không quá phức tạp do giảm tải nội dung vì ảnh hưởng của dịch bệnh
Các em lưu ý theo dõi kỹ phương án và chỉ tiêu của mỗi phương án để cân nhắc lựa chọn phù hợp. Khi quyết định ngành nghề thì theo dõi tình hình năm trước để xem trường nào có mức độ yêu cầu phù hợp với năng lực của mình...
16:08
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: Đến thời điểm này, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã điều chỉnh 1 phần phương thức xét tuyển học bạ. Bên cạnh việc xét kết quả học tập lớp 12, trưởng bổ sung phương thức sử dụng kết quả 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) các môn theo tổ hợp xét tuyển. Ngoài học bạ, trường còn xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trường không giới hạn các phương thức, thí sinh có quyền đăng ký nhiều phương thức khác nhau.
16:14
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có những điều chỉnh nhưng thí sinh không nên quá lo lắng. Để có thể đạt kết quả tốt, thí sinh cần chủ động học tập, bám sát chương trình, nên làm thử đề thi các năm trước, đề thi mẫu năm nay và tương tác nhiều với thầy cô, bạn bè. Nhưng bên cạnh việc học, thí sinh cần dành thời gian quan tâm đến thông tin các trường ĐH, CĐ muốn đăng ký xét tuyển.
Năm nay Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM sử dụng 4 phương thức xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm học bạ lớp 12 và điểm học bạ 5 học kỳ đầu THPT. Thông tin về cách thức nộp hồ sơ, mẫu đơn trường công bố chi tiết trên website trường.
Hiện nay các trường sử dụng phương thức xét tuyển khác nhau nhưng chương trình học, học phí không khác nhau. Thí sinh có thể trúng tuyển nhiều phương thức nhưng có quyền quyết định chọn phương thức nào để nhập học. Riêng phương thức xét học bạ thí sinh nên nộp hồ sơ sớm để có khả năng trúng tuyển cao hơn.
16:26
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Trường ĐH Việt Đức có các chương trình học bổng như Tài năng, Viện trao đổi Hàn lâm Đức, Hiệp hội Những người bạn... với mức học bổng tùy vào năng lực
Nhà trường có chương trình giảng dạy phù hợp giúp sinh viên đạt yêu cầu ngoại ngữ để có thể tham gia các chương trình song ngữ.
Nhà trường hiện chỉ tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế chứ không tuyển thẳng học sinh giỏi cấp thành phố. Hiện nay trường đang xem xét phương án xét học bạ.
16:30
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: Một trong những e ngại của người học là tiếng Anh, đặc biệt khi học tại trường quốc tế. Nếu các em chưa có chứng chỉ IELTS theo chuẩn đầu vào tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, trường sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra đầu vào hoặc tổ chức dạy tại trường trước khi vào học chương trình chính thức. Trên kết quả kiểm tra tiếng Anh đầu vào, trường sẽ tổ chức lớp tiếng Anh phù hợp để đạt chuẩn đầu ra theo quy định của trường.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư - KHẢ HÒA
Trường có nhiều học bổng dành cho sinh viên. Đây là năm thứ 3 trường áp dụng chương trình học bổng "Chủ tịch SIU" dành cho sinh viên có năng khiếu, kết quả học tập vượt trội. Học bổng này sinh viên không phải đóng học phí, mỗi tháng còn được trợ cấp sinh hoạt phí 2 triệu/tháng. Bên cạnh đó, sinh viên trúng tuyển vào trường còn có cơ hội nhận được học bổng khác, đặc biệt là học bổng 30% học phí năm nhất khi đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường năm nay.
16:37
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có trên 50% chương trình được đào tạo bằng tiếng Anh, đây được xem là ngôn ngữ chính để học tập và giao tiếp tại trường. 100% sinh viên trúng tuyển được kiểm tra trình độ miễn phí, những sinh viên có chương trình hỗ trợ tiếng Anh miễn phí, được giao tiếp với giảng viên nước ngoài, cơ hội tham gia thực tập tại doanh nghiệp có người nước ngoài ngay năm thứ nhất... Ngoài ra, trường còn có chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình liên kết quốc tế, giao lưu quốc tế... Do vậy sinh viên có nhiều cơ hội để phát triển tiếng Anh tại trường.
Trường có nhiều chương trình học bổng trị giá từ 25-100% học phí năm đầu tiên, để duy trì học bổng trong các năm tiếp theo cần đạt kết quả học tập theo quy định. Ngoài ra, năm nay trường có 10 ngành khi trúng tuyển sinh viên có thể được nhận 40% giá trị học bổng suốt toàn khóa học từ doanh nghiệp. Trường còn các chương trình học bổng từ trường đối tác, học bổng tài năng, học bổng đoàn hội... Tuy nhiên sinh viên chỉ được chọn 1 loại học bổng để duy trì trong suốt khóa học.
16:48
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Khi đưa ra các phương án xét tuyển trường đã tính toán mức độ tương đương về năng lực để giúp sinh viên có thể học tập tốt.
Chẳng hạn thông qua Kỳ thi TestAS có khuyến cáo kết quả thế nào để đủ năng lực học tập thì nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả đó. Và chưa bao giờ lấy kết quả dưới 90 và tính thêm các tiêu chí điểm thanh phần. Còn xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ trên xuống dưới và thường điểm 3 môn là 21 điểm...
Tất cả sinh viên phải học tiếng Anh học thuật cho mỗi ngành đào tạo của mình ngay từ năm thứ nhất. Để sau năm 1, ngoài đạt IELTS 6.0 thì tiếng Anh chuyên ngành đều phải đảm bảo để học.
16:51
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Để chọn ngành học trước hết phải xác định phẩm chất cá nhân của bản thân. Nguyên tắc chọn ngành nghề và hướng nghiệp sẽ kéo dài suốt cuộc đời chứ không chỉ hôm nay. Đào tạo ĐH hiện nay đang mang tính liên ngành, ra trường sinh viên có thể làm nhiều việc khác nhau.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - KHẢ HÒA
Hiện nay các trường có nhiều phương thức tuyển sinh, các trường đều thực hiện các khảo sát đánh giá để có những hỗ trợ kịp thời cho người học.
Nếu có chuyên môn vững, ngoại ngữ tin học giỏi và các kỹ năng mềm vượt trội thì sẽ không bao giờ thất bại.
16:51
** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về việc tuyển sinh của các trường đại học năm nay khi chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúc các bạn có nhiều sức khỏe và may mắn, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và thành công trong kỳ xét tuyển vào các trường đại học.
Các trường đại học điều chỉnh phương thức tuyển sinh ra sao? Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật so với thi THPT quốc gia các năm trước đã khiến các trường ĐH có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh. Các thông tin này được chia sẻ chi tiết trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề Thi THPT quốc gia thành tốt...