Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi còn nhiều bất cập về tính hệ thống
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục cần được chỉnh sửa theo hướng quy định phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Tại đây, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã bày tỏ ý kiến của mình quanh một số vấn đề còn vướng mắc tại dự thảo luật này.
Mở đầu phiên làm việc, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng:
“Qua nghiên cứu luật Giáo dục (sửa đổi) tôi nhận thấy có nhiều vấn đề lớn mang tính bao trùm hệ thống giáo dục, khi luật Giáo dục (gốc) được ra đời sau luật chuyên ngành và luật Giáo dục (sửa đổi). Ở đây, tôi góp ý 2 vấn đề về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) lần này như sau:
Thứ nhất, luật Giáo dục quy định các vấn đề chung của giáo dục, các luật chuyên ngành phải được xây dựng trên cơ sở luật Giáo dục.
Hiện dự án luật Giáo dục (sửa đổi) còn nhiều vướng mắc về luật Giáo dục đại học như mục tiêu giáo dục đại học, hội đồng trường tư thục, hoạt động không vì lợi nhuận…
Qua rà soát tôi nhận thấy Luật Giáo dục có ít nhất 16 nội dung được sửa đổi, bổ sung có liên quan mật thiết đến Luật Giáo dục đại học.
Cụ thể tại các điều: 4, 6, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 51, 52, 53, 54, 59 và 60. Ngoài ra, nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, Luật Giáo dục đại học phải chờ đến khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực mới thực hiện được, nếu không sẽ trái luật. Tôi kiến nghị xem xét lại vấn đề này.
Thứ hai, về hệ thống giáo dục tại Điều 5. Tôi bắt đầu bằng nội dung nêu trong Nghị quyết 29.
Cụ thể nghị quyết nêu: “Đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ giữa các phương thức giáo dục, đào tạo, hội nhập quốc tế”. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật Giáo dục tôi thấy chưa thể chế hóa được nội dung rất quan trọng này”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu ý kiến (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra 3 nội dung. Cụ thể:
Một là chưa hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo. Phân loại giáo dục theo chuẩn quốc tế của UNESCO viết tắt là ISCED 2001 thì các trình độ sơ cấp và trung cấp quy định cho giáo dục nghề nghiệp trong dự thảo Luật Giáo dục là không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của phân loại này.
Ví dụ, đối với trình độ trung cấp, tùy theo trình độ học vấn đầu vào của người học, nếu người học đã tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở thì chỉ đạt cấp độ 2 của phân loại, vì thời gian đào tạo ngắn. Nếu người học đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì đã đạt cấp độ 4 của phân loại.
Video đang HOT
Nhưng theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cả 2 đối tượng nêu trên đều có cùng một trình độ. Ngoài ra, phân loại này cũng quy định trình độ cao đẳng phải thuộc về giáo dục đại học, trong khi dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì cao đẳng không được xem thuộc giáo dục đại học.
Hai là chưa có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thực tế người học không có hướng đi lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần có bằng tốt nghiệp phổ thông.
Do đó, nếu quy định như dự thảo luật sẽ giống như từ trước đến nay, tức là sau trung học cơ sở người học có thể đi vào trung học phổ thông, sau trung học phổ thông người học có xu hướng đi vào đại học.
Vì vậy, đi vào cao đẳng sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học do cấu trúc của 2 trình độ này khác nhau.
Điều này có thể được xem là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ cấu nguồn lực bất hợp lý, đó cũng là một trong những lý do cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất nhiều về việc sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội.
Ba là chưa đảm bảo tính liên thông, tính mở của hệ thống giáo dục. Theo phân loại quốc tế về giáo dục cho thấy hầu hết hệ thống giáo dục của các nước phân thành các cấp độ từ 0 đến 8, tương ứng với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học bậc thấp, trung học bậc cao, trung học, cao đẳng, cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương, tiến sĩ hoặc tương đương.
Từ cấp độ 2 đến cấp độ 4 được coi là cấp độ giáo dục phổ thông, với các trình độ giáo dục được chia làm 2 hướng là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề.
Từ cấp độ 5 đến 8 được gọi là cấp độ giáo dục đại học, với các chương trình giáo dục được chia làm 2 hướng, hàn lâm, hướng nghề nghiệp ứng dụng và hướng chuyên nghiệp.
Quy định như vậy tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình giáo dục này sang chương trình giáo dục khác hoặc chuyển từ chuyên ngành đào tạo này sang chuyên ngành đào tạo khác.
Nói cách khác là tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống. Nhờ vậy người học có thể dễ dàng học được chương trình phù hợp nhất, tùy thuộc vào sở thích, năng lực cá nhân hoặc biến động trong thị trường nhân lực.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang quy định khối giáo dục nghề nghiệp nằm ở vị trí giáo dục trung học, dưới giáo dục đại học, nếu người học muốn dự tuyển vào cao đẳng phải đồng thời vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng trung học phổ thông hoặc đã học và đạt đủ điều kiện khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông trung học phổ thông.
Các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong khối giáo dục nghề nghiệp cũng không có sự liên thông thật sự.
Nếu người học muốn từ cao đẳng chuyển lên đại học cũng gặp nhiều khó khăn vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo do hai cơ quan quản lý khác nhau.
Người học đại học, sau đại học không có sự phân biệt rõ bởi trình độ, văn bằng như định hướng đào tạo như các đại biểu đã nêu.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được phân luồng trung học cơ sở trong nhiều năm qua. Việc chưa tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống, làm cho nhiều học sinh thường chọn học lên đại học thay vì con đường khác.
Từ những phân tích nêu trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục cần được chỉnh sửa theo hướng quy định tại khoản 2 Điều 5, cụ thể là về phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm:
a. Giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo,
b. Giáo dục tiểu học.
c. Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần bao gồm 2 luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp
d. Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp.
e. Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân và tương đương, trình độ thạc sĩ và tương đương, trình độ tiến sĩ và tương đương.
“Nếu dự thảo luật được quy định theo hướng như vậy thì sẽ thể chế hóa được Nghị quyết 29, Nghị quyết 19. Tạo ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở, theo đó thể hiện rất rõ ràng sự phân luồng người học sau trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng như tính liên thông mỗi luồng cho tới trình độ cao nhất. …”, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo giaoduc.net.vn
Hệ thống giáo dục mở nên hiểu theo cách của thế giới
Đó là ý kiến của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục về hệ thống giáo dục quốc dân.
Giáo dục mở (open education) là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ.
Hướng tới sự đồng thuận về giáo dục mở
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến- cho rằng: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
"Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương xây dựng hệ thống giáo dục mở đã được đưa thành quan diểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Có điều thế nào là hệ thống giáo dục mở. Hiện nay, mỗi người chúng ta đều có cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Vì vậy cần phải được định nghĩa hướng tới sự đồng thuận" - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nên hiểu theo cách hiểu của thế giới. Theo đó giáo dục mở (open education) là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Vấn đề là định nghĩa này được đưa vào ngay trong Luật hay để quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
"Theo tôi nên để trong Nghị định vì nó còn liên quan đến một nội dung nữa cần bổ sung vào hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là khung trình độ quốc gia" - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.
Liên quan đến Khung trình độ quốc gia(KTĐQG), TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - cho rằng, đây là một công cụ quản lý giáo dục mới được đưa vào giáo dục thế giới khoảng 20 năm nay, gắn liền với xu thế phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng và xây dựng hệ thống giáo dục mở,học tập suốt đời.
Nếu hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD), kể cả hệ thống mô tả theo phân loại ISCED, tập trung vào các yếu tố đầu vào như nội dung chương trình và thời gian học tập thì KTĐQG tập trung vào kết quả học tập đầu ra, bất kể thời gian học, nơi học và cách học.
Vì thế, ngày nay, KTĐQG là công cụ cần thiết và không thể thiếu trong việc hoàn thiện HTGDQD trên phương diện thúc đẩy học tập suốt đời và gắn đào tạo với sử dụng.
"Với quan niệm như vậy, cần bổ sung vào Điều 4 một Khoản 3 như sau: "Chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Khung trình độ quốc gia" - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý.
Cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân gắn liền với hai khái niệm mới là giáo dục mở và KTĐQG, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - phân tích: Luật Giáo dục không có Điều về giải thích từ ngữ nên việc làm rõ và quy định chi tiết về hai khái niệm này cần được thể hiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Điều đó có nghĩa là cuối Điều 4 cần bổ sung Khoản 4 như sau: " Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống giáo dục mở và KTĐQG".
Cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Tuy nhiên, trong phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cần xem xét ngay đến các quy định có liên quan đến văn bằng, giáo dục thường xuyên và quản lý nhà nước về giáo dục.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục
Quy định về văn bằng hiện không còn phù hợp
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - cho biết: Hiện nay Điều 8 về văn bằng quy định như sau: "Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này".
Mà tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo quy định của Luật GD hiện hành nghĩa là học hết chương trình của bậc trình độ đó, có đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp (xem các điều 37 và 43).
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - cho rằng, quy định này hiện không còn phù hợp. Trong quy định hiện nay về KTĐQG cũng đã thay đổi như sau: "Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp bằng của bậc trình độ đó".
Dự thảo 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã sửa đổi lại quy định về văn bằng như sau: "Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng".
"Xét như vậy thì để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật giáo dục, cần sửa lại câu đầu của Điều 8 như sau: "Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của bậc trình độ theo quy định của Luật này". Cùng với việc sửa Điều 8, cần có việc sửa tương ứng các quy định của Điều 37 và 43" - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất .
Theo Giaoducthoidai.vn
Tố cô giáo tát gãy răng học sinh: 'Răng lung lay sẵn' Theo ông Khoa, qua lấy ý kiến ban đầu, cô chủ nhiệm cho biết, hôm đó cô T có tát học sinh bị thương ở miệng. Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ cô giáo bị tố đánh, xúc phạm và đuổi học sinh khỏi lớp, ngày 16/11, trao đổi với báo Đất Việt, ông Đặng Văn Khoái - Phó phòng...