Dự thảo chương trình môn Tiếng Anh: Đề cao kỹ năng giao tiếp
Đường hướng chủ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tiếng Anh là giao tiếp. Vậy với dự thảo chương trình môn học vừa được Bộ GD&ĐT công bố, học sinh Việt Nam sẽ có kỹ năng nghe – nói được bằng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT?
Bước chuyển trong dạy học tiếng Anh
Theo TS Phan Ngọc Thạch – Trường ĐH Đồng Tháp – đường hướng giao tiếp trong giảng dạy tiếng Anh tuy không phải mới nhưng có những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp và các cách tiếp cận khác trong giảng dạy tiếng Anh.
Từ năm 1999, Dự án Đào tạo Giáo viên tiếng Anh (ELTTP) – Trung tâm Giáo giới Anh quốc, Chính phủ Anh tài trợ đã triển khai phương pháp này cho các cấp học THCS và THPT ở Việt Nam và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chương trình môn tiếng Anh lần này được xây dựng lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết.
Chương trình được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp cho mỗi lớp học và gợi ý chủ đề, chủ điểm chính gắn với chuẩn đầu ra của từng cấp học.
“Những điểm mới này chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông.
Tuy nhiên, việc học sinh Việt Nam có nghe nói được bằng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính điều kiện cho việc thực hiện chương trình. Trong đó, then chốt nằm ở đội ngũ giáo viên, cách thức kiểm tra, đánh giá và điều kiện tổ chức dạy học” – TS Phan Ngọc Thạch cho hay.
Video đang HOT
Yêu cầu với giáo viên
Để có thể áp dụng đường hướng giao tiếp trong giảng dạy, theo TS Phan Ngọc Thạch, người giáo viên ngoài việc đạt chuẩn ngôn ngữ theo quy định cần phải được trang bị kiến thức và kỹ năng giảng dạy cần thiết.
Giáo viên phải tạo ra được một môi trường và nhu cầu sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hàng ngày, dành thời gian cho học sinh tham gia hoạt động giao tiếp. Giáo viên cũng phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong quá trình dạy học trên lớp và tạo cơ hội để học sinh sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học.
Muốn vậy, cần phải có lộ trình đào tạo lại giáo viên, giúp họ cập nhật và trau dồi kỹ năng đứng lớp, khả năng sử dụng ngôn ngữ trên lớp. Phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các sở giáo dục và đào tạo và các trường đại học sư phạm. Bộ GD&ĐT nên giao trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên cho các trường đại học sư phạm có năng lực để chuẩn bị cho đội ngũ này.
Điểm mới trong kiểm tra, đánh giá
Một điểm mới đáng lưu ý là việc đánh giá được thực hiện theo hai hình thức: thường xuyên và định kỳ. Nội dung đánh giá được định hướng bám sát mục tiêu dạy học, chú trọng đến các kỹ năng giao tiếp và thay đổi dần theo từng cấp học.
Khẳng định đây là một định hướng rất hay, nhưng TS Phan Ngọc Thạch cũng lưu ý việc triển khai thực tế còn nhiều bấp cập: Đề kiểm tra và thi học kì vẫn chú trọng nhiều đến từ vựng và ngữ pháp; các đề thi học sinh giỏi nặng nề tính hàn lâm. Ngay đề thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT cũng thiếu vắng các kỹ năng giao tiếp.
Do vậy, để đảm bảo mục tiêu giao tiếp như đã đề ra, chương trình cần phải nhất quán mục tiêu, phương pháp và cách thức kiểm tra đánh giá, thật sự chú trọng đến việc sử dụng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho mục đích giao tiếp. Vậy nên Bộ GD&ĐT cần quyết liệt trong việc chỉ đạo và hướng dẫn chặt chẽ cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh ở các trường, các phòng, các sở theo đúng định hướng và mục tiêu của chương trình. Cũng cần đào tạo đội ngũ nòng cốt của các đon vị chuyên về kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Gỡ khó về điều kiện tổ chức dạy học
Dạy tiếng Anh theo đường hướng giao tiếp đòi hỏi một không gian lớp học thuận lợi cho học sinh di chuyển, tương tác với nhau. Số học sinh trong mỗi lớp không quá đông để giáo viên thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giao tiếp.
Cho rằng điều kiện trường lớp hiện nay là rào cản trong việc thực hiện phương pháp mới, theo TS Phan Ngọc Thạch, để thực hiện được mục tiêu giao tiếp, nên có quy định và hướng dẫn rõ ràng về số lượng học sinh tối đa cho mỗi giờ dạy (trong khoảng 24 đến 30 học sinh). Ngoài ra, việc trang bị đầy đủ các giáo cụ trực quan cũng rất cần thiết cho hiệu quả giảng dạy. Thực tế cho thấy, phần lớn giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông phải tự tìm kiếm, tự trang bị giáo cụ trực quan cho chính mình.
Bên cạnh đó, sự tương tác trong phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp còn đòi hỏi người học có sự tham gia bằng lời (verbal participation) và tạo ra sản phẩm ngôn ngữ sau bài học. Các trường cần phải tính toán cấp một khoản kinh phí nhất định cho các lớp trang bị bút lông, bút màu, keo dán, giấy poster để trình bày sản phẩm.
Một trong những yêu cầu của chương trình mới là “sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào việc học tiếng Anh” nhằm trang bị cho học sinh khả năng tự học, giúp các em có khả năng đáp ứng yêu cầu “học tập suốt đời”. Chính vì vậy, TS Phan Ngọc Thạch nhấn mạnh: Việc rà soát lại trang thiết bị CNTT và cơ sở vật chất của các trường là hết sức cần thiết. Ngoài ra, giáo viên tiếng Anh cũng cần được tham gia bồi dưỡng về ứng dụng CNTT trong dạy học để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
“Trường ĐH Đồng Tháp cũng là một trong các đơn vị đã và đang thực hiện rất hiệu quả việc đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo Đề án NNQG 2020. Tin rằng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện, cùng với việc chỉ đạo sâu sát trong triển khai thực hiện chương trình mới theo đường hướng giao tiếp, học sinh tốt nghiệp THPT sẽ hoàn toàn tự tin trong giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT” – TS Phan Ngọc Thạch khẳng định.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
Trường ĐHSP Hà Nội 2 tuyển sinh ngành Sư phạm công nghệ từ 2018
Được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, từ năm 2018, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm công nghệ (Mã ngành: 7140246) với 60 chỉ tiêu.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2
Ngành này xét tuyển các tổ hợp: A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh); A02 (Toán, Vật lí, Sinh học); D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh); D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh).
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Công nghệ là môn học dành cho các học sinh có xu hướng lựa chọn ngành học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên cho môn Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã bổ sung ngành đào tạo Sư phạm công nghệ vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, ban hành theo thông tư 24/2017/TT-BGDĐT, ngày 10 tháng 10 năm 2017.
Theo học ngành sư phạm Công nghệ, sinh viên tốt nghiệp ngoài việc giảng dạy bộ môn Công nghệ ở trường phổ thông, mà còn có khả năng đảm nhiệm các công việc tương tự ở các trường đào tạo nghề, trung cấp, cao đẳng nghề.
Cùng với Toán và Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông - xu hướng giáo dục được coi trọng tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì môn Công nghệ ở trường phổ thông lại càng đóng vai trò quan trọng. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên Công nghệ sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao.
Bá Cường (Trường ĐHSP Hà Nội 2)
Theo giaoducthoidai.vn
Đổi mới phương pháp dạy học thực hiện chương trình mới Thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học nhằm chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa/internet Đây là một nội dụng trong Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2018 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh....