Dù muộn cũng phải học
Cuộc tọa đàm của tiến sĩ Đào Trọng Tứ, một chuyên gia về thủy điện, giảng viên ĐH Cologne (Đức), giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu và nhà nhiếp ảnh Pham Hoài Thanh trong triển lãm ảnh “Nước – năng lượng – cuộc sống” với giảng viên trẻ và các sinh viên khoa môi trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, khoa xã hội học ĐH Thăng Long, ĐH Tài nguyên và môi trường va ĐH Thủy lợi diễn ra ngay sau khi thông tin về các đợt xả lũ của các đập thủy điện miền Trung ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một số bức ảnh trong triển lãm “Nước – năng lượng – cuộc sống” của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh
Những đau thương, những bức xúc dồn nén của người dân được ống kính truyền hình đặc tả, tràn vào cả nghị trường, nhức nhối trong chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Gần trăm bức ảnh, kết quả của những chuyến thực địa cùng Trung tâm Bảo tồn và phát huy tài nguyên nước của Phạm Hoài Thanh được trình bày theo sáu chủ đề: dong sông kin, nhà trống, cơ chế dày vẫn trống, công việc trống, đâp thuy điên trông, rừng trống. Vẫn những hình ảnh về cuộc sống của người dân vùng lòng hồ và vùng di dân thủy điện, thiếu đủ thứ từ ăn mặc đến học hành, chỉ thừa duy nhất là nước lũ. Nhưng khi nó được trưng bày có hệ thống và tiêu chí để hướng đến một đối tượng quan trọng: sinh viên những ngành nghề trong tương lai sẽ liên quan mật thiết đến việc ra quyết định và xây dựng các công trình thủy điện, thì hiệu quả hình như cũng mạnh hơn.
Một sinh viên tên Mừng, năm 2 khoa thủy văn – tài nguyên nước (ĐH Thủy lợi), nói: “Trước nay tôi chỉ nghĩ thủy điện mang lại nhiều lợi ích cho đất nước: đem lại ánh sáng, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đi xem triển lãm này về mới thấy tác hại ghê gớm của thủy điện đến cuộc sống của người dân trong khu vực dự án”. Một sinh viên khác tên Bảo ở ĐH Tài nguyên môi trường thốt lên: “Tôi bị ấn tượng ghê gớm với cảnh những người dân ở vùng di dân của thủy điện Yaly thiếu nước, nhìn họ gùi nước mà thương”.
Giảng viên trẻ tên Linh của ĐH Tài nguyên môi trường cũng chia sẻ: “Trong các giáo trình cũ, chúng tôi vẫn được dạy và nay đang dạy là thủy điện là năng lượng sạch. Sau triển lãm, với những hình ảnh, con số minh họa thuyết phục thế này, chắc chắn tôi sẽ phải kiến nghị bổ sung: “Thủy điện không chỉ là năng lượng sạch”.
Cuộc tọa đàm xoay sang một chủ đề khác khá bất ngờ từ chia sẻ tâm huyết đó. Một sinh viên ĐH Tài nguyên môi trường chất vấn TS Đào Trọng Tứ: “Nếu bây giờ chúng em hiểu được tính hai mặt của thủy điện, nếu chúng em bây giờ mới được học những kiến thức cơ bản về năng lượng sạch, về tác động của di dân đến môi trường nước và môi trường văn hóa, thì cũng phải 20 năm nữa chúng em mới có quyền quyết định xây hay dừng các dự án thủy điện. Vậy bây giờ mới học có muộn quá không?”.
Câu trả lời của vị chuyên gia còn đau hơn cả câu hỏi: “Hơn 30 năm trước, tôi cũng là một trong những người nhiệt huyết nhất đi làm quy hoạch thủy điện, mong ước mang ánh sáng điện đến cho đồng bào tôi, người dân tôi. Mười năm trước chúng tôi nhận ra việc ồ ạt làm thủy điện là sai, và chúng tôi đã ra sức cảnh tỉnh các cấp quản lý. Nhưng đã quá muộn. Những dòng sông trinh nguyên đã vỡ vụn. Chúng ta đã xây dựng hết 90% tiềm năng thủy điện của 2.372 con sông lớn nhỏ khắp đất nước. Đúng là các em 20 năm nữa chẳng còn cơ hội từ chối xây đập thủy điện nữa đâu”.
Nhưng, vị chuyên gia nói thêm: chẳng có sự học nào là muộn, các em cần học để ứng xử thông minh với những gì còn sót lại. Và như thế vẫn phải học thôi, dù giờ đã quá muộn so với thế giới rồi.
Theo TTO