Đủ lý do để dạy thêm, chớ đổ cho sách giáo khoa quá nặng
Việc cấm hay cho dạy thêm hiện nay chúng ta vẫn thấy chưa được các địa phương thực hiện đồng nhất, nơi thì cho dạy, nơi lại cấm dạy.
Nhiều ý kiến cho rằng việc dạy thêm, học thêm hiện nay của học sinh phổ thông là do kiến thức trong sách giáo khoa quá nặng nên trong thời gian trên lớp thì giáo viên dạy không hết bài.
Nói vậy cũng đúng nhưng chưa đủ, bởi kiến thức sách giáo khoa hiện hành nặng thì có nặng nhưng qua nhiều lần giảm tải chương trình, giao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên thì bây giờ nói kiến thức quá nặng nên dạy thêm e rằng chưa thuyết phục.
Việc cấm dạy thêm, học thêm hiện nay chưa được thực hiện đồng nhất (Ảnh minh họa Báo Công lý)
Sau khi sách giáo khoa hiện hành được áp dụng đại trà vào năm 2002 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần hướng dẫn điều chỉnh giảm tải nội dung kiến thức trong sách giáo khoa nhằm tránh tình trạng quá tải trong các trường phổ thông.
Đơn cử như tại Công văn số 5842/BGĐT-VP ban hành ngày 01/9/2011 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký đã nêu rõ:
“Căn cứ kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình, sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông và đề xuất của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi chỉnh sửa qua tiếp thu góp ý của các tập thể và cá nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường.
Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lý thuyết, để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Hướng dẫn này dựa trên sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2011 và được áp dụng từ năm học 2011-2012. Nếu giáo viên và học sinh sử dụng sách giáo khoa của các năm khác thì cần đối chiếu với sách giáo khoa năm 2011 để điều chỉnh, áp dụng cho phù hợp”.
Ngoài Công văn số 5842/BGDĐT-VP còn có một số hướng dẫn khác nữa để các trường học giảm tải kiến thức của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Video đang HOT
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây thì Bộ, các Sở Giáo dục đã hướng tới việc tự chủ trong giảng dạy, không ban hành phân phối chương trình nữa mà giao toàn quyền cho các trường tự làm phân phối chương trình tự chủ.
Điều này cũng đồng nghĩa là quyền đã thuộc về giáo viên và các tổ chuyên môn ở các nhà trường. Các giáo viên trong tổ chuyên môn tự xây dựng phân phối chương trình cho mình. Bài học nào dài có thể thêm tiết, bài nào ngắn có thể cắt bớt.
Như vậy, nếu nói chương trình nặng, thời lượng dạy trên lớp không đủ thời gian e rằng chưa thuyết phục.
Trong khi đó, suốt 12 năm phổ thông chỉ còn lại 2 kỳ thi chung là thi tuyển sinh 10 (Sở chủ trì) và thi trung học phổ thông quốc gia (Bộ chủ trì), thi chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở, thi tốt nghiệp trung học cơ sở, thi tốt nghiệp phổ thông trung học đã bỏ cả.
Kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên thì phần lớn giáo viên tự ra đề kiểm tra, kiểm tra học kỳ thì phòng, sở chỉ ra một số môn được xem là môn chính, chủ yếu là là với những lớp cuối cấp.
Chính vì vậy, việc dạy và đánh giá chất lượng học sinh chủ yếu là giáo viên “tự biên tự diễn”. Thế nhưng, một số nhà trường, giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm, kể cả với học sinh tiểu học ở trường và ở nhà thầy cô giáo.
Muôn vàn lý do để dạy thêm
Việc cấm hay cho dạy thêm hiện nay chúng ta vẫn thấy chưa được các địa phương thực hiện đồng nhất, nơi thì cho dạy, nơi lại cấm dạy. Những khu vực đô thị thì tình trạng dạy thêm diễn ra rất nhiều kể cả trong nhà trường, ở các trung tâm gia sư và ở nhà thầy cô giáo.
Dạy thêm từ khi học sinh chuẩn bị vào lớp 1 cho đến học sinh lớp 12 đối với nhiều môn học.
Như phần trên của bài viết, chúng tôi đã đề cập là hiện nay chỉ có 2 kỳ thi chung là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia thì việc dạy thêm ở cuối cấp đối với một số môn thi cũng là điều cần thiết.
Những lớp còn lại, đặc biệt là tiểu học và những lớp đầu cấp trung học cơ sở thì việc dạy thêm và học thêm thực chất là chưa cần thiết.
Thực tế cho thấy, trong số các lớp dạy thêm, có những lớp mở vì nhu cầu của phụ huynh nhưng phần nhiều các lớp dạy thêm được mở vì nhu cầu của nhà trường, của thầy cô giáo và chủ các trung tâm gia sư.
Việc tổ chức dạy thêm ở một số nơi không chỉ đối với những môn học chính, những lớp cuối cấp mà còn dạy thêm gần hết các môn học phổ thông, môn nào không thi thì giáo viên tổ chức hướng dẫn soạn bài, trả bài cho học sinh.
Một nghịch lý mà các phụ huynh có con đi học thêm đang thấy là học phí ở trường công đa phần chỉ dao động ở mốc trên dưới 50 ngàn đồng/ tháng, chỉ có những thành phố lớn mới ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/ tháng cho tất cả các môn học.
Nhưng, học thêm mỗi môn, mỗi tháng luôn có giá từ 300 ngàn đồng trở lên/3 buổi học/ tuần. Tiền học thêm đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh bởi mỗi tháng phải trả tiền triệu cho một số môn học thêm.
Tất nhiên, trong số phụ huynh có người muốn gửi con học thêm bởi phụ huynh không có thời gian hoặc không có khả năng kèm con mình học ở nhà. Nhưng, cũng có nhiều phụ huynh không muốn nhưng cũng phải miễn cưỡng cho con đi học thêm vì nhà trường tổ chức dạy thêm cho học sinh toàn trường vào trái buổi.
Nhiều học sinh thấy bạn mình đi học thêm có nhiều “cái lợi” nên cũng xin cha mẹ cho đi học cùng bạn và tất nhiên cha mẹ nào lại chối từ con mình chuyện này. Khó khăn, thiếu thốn cũng ráng cho con bằng bạn, bằng bè.
Tuổi thơ của học trò có còn không?
Học thêm nhiều, tất nhiên học sinh sẽ vất vả, mệt mỏi và phụ huynh phải tốn kém tiền bạc rất nhiều. Chính vì thế, phụ huynh cũng cần tính toán kỹ xem có cần cho con mình đi học thêm ở trường và ở nhà thầy cô hay không?
Con đi học thêm, không chỉ các em vất vả mà cha mẹ cũng vất vả đưa đón, trông ngóng. Nếu chỉ học chính khóa và tự học ở nhà, tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao sẽ giúp cho học sinh phát triển được nhiều mặt.
Những bài tập khó, phụ huynh hãy hướng con mình học online, trên mạng Internet bây giờ có cả lớp miễn phí và nếu đóng phí cũng rất nhẹ nhàng. Bởi, học thêm nhiều, học nhiều ca trong ngày, nhiều kiến thức học đi, học lại không chỉ là gây quá tải cho học trò mà đang làm mất đi tuổi thơ của các em một cách lãng phí.
Nhiều phụ huynh đang tạo áp lực quá lớn cho con em mình, nhiều lý do để dạy thêm đang được thầy cô, nhà trường nêu ra và nhiều học trò đang phải gồng lên quá sức cho chuyện học thêm hàng ngày…
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc
Giảm đáng kể vi phạm dạy thêm, học thêm
Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Với những giải pháp chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt từ Bộ đến cơ sở giáo dục nên thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định giảm đáng kể.
Ảnh minh họa/internet
Đánh giá này được thể hiện trong báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 33/2016/QH14 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 Quốc hội khóa XIV về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo báo cáo, Bộ GD&ĐT cho biết các giải pháp đã thực hiện nhằm giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Trong đó có việc giảm áp lực thi cử; thực hiện tinh giản nội dung dạy học đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức.
- Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên. Bộ GD&ĐT xem đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định.
Phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình, không chỉ riêng Việt Nam mà ơ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là các thành phố lớn, các khu đô thị, do nhiều nguyên nhân, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Giải pháp thực hiện thời gian tới là sẽ rà soát, sửa đổi một số điều tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2015 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố làm tốt công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
Nhiều điểm mới trong sách giáo khoa mới Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều bản sách giáo khoa (SGK) mới có cấu trúc mới, tiếp cận với cách biên soạn của các nước tiên tiến và vẫn phù hợp với điều kiện nhà trường, học sinh tiểu học Việt Nam, đảm bảo tính "mở", linh hoạt. Chất lượng SGK mới đã được nâng lên về...