Du lịch qua ảnh: Một ngày về mảnh đất vùng biên xinh đẹp
Trước cơn sóng dịch thứ tư ập vào Việt Nam, một ngày ngẫu hứng, tôi và người bạn hợp cạ hẹn nhau làm một chuyến Tây Ninh nhanh gọn, sáng đi chiều về bằng xe máy.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến với vùng đất biên giới Tây Ninh nắng gió và hoang hoải. Trong những hành trình nhỏ lẻ, chúng tôi đã từng đi chùa Bà trên núi Bà Đen, ghé thăm rừng cao su mướt mát dọc đường, từng xuyên rừng Lò Gò – Xa Mát, tham quan hồ Dầu Tiếng, Tòa thánh Tây Ninh,… Trong chuyến đi ngắn lần này, chúng tôi chọn những địa danh cả hai cùng chưa từng ghé qua để làm chốn dừng chân, tham quan dọc đường.
Tây Ninh chỉ cách TP.HCM khoảng 90km. Khoảng 6h thì chúng tôi hẹn nhau xuất phát, theo đường Cộng Hòa, rồi quốc lộ 22, chúng tôi thẳng tiến về hướng thành phố Tây Ninh. Vì cả hai cùng ăn chay trường, khi tới địa phận Hóc Môn, chúng tôi đã ghé vào một quán chay bình dân gặp trên đường và giải quyết nhanh gọn chiếc bụng đói.
Hôm đó là một buổi sáng tươi đẹp với những cụm mây trắng giăng đầy trên bầu trời. Trời không nắng nóng lắm nên hành trình khá suôn sẻ, rất nhanh, chúng tôi đã đến được thành phố Tây Ninh mà không quá mất sức vì chạy xe máy.
Khi đã đến Tây Ninh, chúng tôi ghé quầy hàng dọc đường mua một ít bánh tráng – đặc sản Tây Ninh, cả một ít nhãn tiêu vì đang vào mùa nhãn. Ngoài nhãn, đất Tây Ninh còn nổi tiếng với mãng cầu rất ngon.
Theo bản đồ của Google, chúng tôi tiếp tục chạy xe về hướng núi Bà Đen, nhưng không phải lên núi Bà, mà vòng ra con đường phía sau chân núi.
Đến đây, chúng tôi cùng ồ lên hứng khởi vì được nhìn thấy vài cây thốt nốt dọc đường, loài cây tưởng như chỉ ở An Giang – thủ phủ thốt nốt của Việt Nam mới có.
Tôi phải chạy xe thật cẩn thận dọc con đường ruộng nhỏ và sình lầy để đến được điểm dừng chân đầu tiên…
… Đó chính là thốt nốt Tình Yêu Kvan. Đây là một điểm “check-in” khá mới mẻ ở Tây Ninh, gồm hai cây thốt nốt cong cong đứng bên nhau không rời. Ở đây có một căn chòi nhỏ nơi dân địa phương dựng lên làm điểm gửi xe, bán quán nước, nơi nghỉ chân của những vị khách có nhu cầu chụp ảnh cùng thốt nốt Tình Yêu.
Một điều đáng tiếc là điểm “check-in” này gần đây đã bị mưa gió quật ngã, bật gốc một cây thốt nốt. Tuy sau đó được người dân dựng lại, nhưng không chắc là sau khi phục hồi, cảnh quan còn giữ được như lúc ban đầu.
Từ thốt nốt Tình Yêu, chúng tôi men theo con đường ruộng đi bộ tới một cái cây chơ vơ giữa cánh đồng gần đó. Chúng tôi tạm gọi đây là điểm “check-in” cây cô đơn của Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân.
Sau khi chụp ảnh chán chê với cánh đồng, cây cối, thốt nốt Tình Yêu, và dừng uống nước, đung đưa võng nghỉ ngơi bên chiếc chòi nghỉ, chúng tôi quay trở ngược về hướng thành phố Tây Ninh.
Quá trưa, chúng tôi tấp vào một quán bánh canh chay ở gần Tòa thánh Tây Ninh để làm đầy chiếc dạ dày trống rỗng. Quán ăn ở đây phục vụ kèm muối ớt, thiệt thú vị!
Tiếp tục hành trình, chúng tôi rẽ về hướng huyện Hòa Thành để tham quan chùa Thiền Lâm (với tên dân dã là chùa Gò Kén) nằm ở địa phận ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, cách thành phố Tây Ninh chừng 6km. Từ con đường quê vắng vẻ đã có thể thấy tượng Phật Quan Âm lộ thiên của chùa hiện ra sau cánh đồng xanh mơ màng.
Video đang HOT
Chùa Thiền Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tây Ninh, được khởi xây vào đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1904) với vật liệu ban đầu bằng tre lá giản dị. Trong ảnh là cổng chào cổ kính và rêu phong của chùa.
Về cái tên Gò Kén, sở dĩ ban đầu chùa nằm ở vị trí trên một gò đất cao mọc đầy dây kén, chính vì vậy mà dân gian đã quen gọi chùa bằng cái tên là chùa Gò Kén.
Một điều đặc biệt ở chùa Gò Kén nữa, rằng tuy đây là ngôi chùa Phật giáo, nhưng vào năm 1926, nhà chùa đã cho hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mượn không gian chùa một thời gian để làm nơi khai đạo Cao Đài, bởi trong thời gian đó Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh vẫn chưa được xây dựng.
Trời cũng đã về chiều, chúng tôi tạm biệt chùa Gò Kén, tạm biệt xứ Tây Ninh nắng gió và hoang sơ để trở về lại TP.HCM. Hẹn một ngày thật gần, khi dịch bệnh đã được kiểm soát để được quay trở lại đây, cùng khám phá thêm nhiều địa danh hấp dẫn và thú vị của mảnh đất vùng biên xinh đẹp này.
Cẩm nang du lịch Tây Ninh đầu năm
Bên cạnh thăm viếng chùa thiêng trên núi Bà Đen, du khách có thể ghé thăm tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng hay vườn nho rừng.
Thời tiết nắng ráo, gần Sài Gòn, nhiều điểm tham quan hấp dẫn là những lý do du khách chọn vùng đất Đông Nam Bộ này để du xuân ngắn ngày.
THỜI GIAN PHÙ HỢP
Từ tháng 12 đến tháng 4, Tây Ninh vào mùa khô, trời nắng nhưng không quá nóng, thuận lợi cho việc tham quan vì hầu hết điểm đến hấp dẫn ở địa phương nằm ngoài trời.
Xuyên suốt tháng Giêng cũng là thời gian tổ chức hội xuân trên núi Bà Đen, thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm bái cầu may mỗi năm. Lễ hội chính thức diễn ra vào đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng, du khách đi chùa có thể đi trước hoặc sau hai ngày này để tránh quá đông đúc.
Thời tiết đầu năm ở Tây Ninh thuận lợi cho du khách đi lễ chùa.
DI CHUYỂN, LƯU TRÚ THUẬN TIỆN
Tây Ninh cách TP HCM khoảng 100 km, thời gian di chuyển trong 2 - 3 giờ tùy phương tiện. Từ bến xe An Sương hoặc sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), xe khách đến trung tâm TP. Tây Ninh một chiều giá 70.000 - 140.000 đồng. Sau đó, bạn có thể đến các điểm tham quan bằng taxi, hoặc thuê xe máy với giá 100.000 - 180.000 đồng một chiếc. Ôtô, xe máy cá nhân là phương tiện di chuyển linh hoạt nhất.
Các khách sạn, nhà nghỉ ở trung tâm thành phố thuận tiện cho ăn uống, vui chơi. Ngoài ra gần núi Bà Đen cũng có cơ sở lưu trú cho khách tiện đi núi sáng sớm. Giá phòng nghỉ ở Tây Ninh mỗi đêm từ 200.000 đồng đến hơn một triệu đồng.
Núi Bà Đen nhìn từ xa. Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn
ĐIỂM ĐẾN ĐA DẠNG
Tây Ninh nổi bật với nhiều điểm tham quan tâm linh và thiên nhiên, như núi Bà Đen, tòa thánh đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, nhà cổ trăm tuổi, vườn nho rừng...
Núi Bà Đen
Ngọn núi được coi là "nóc nhà Nam Bộ" với độ cao 986 m, còn là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Nam.
Du khách đi cáp treo hay leo bộ đều có thể chạm tay vào chóp tọa độ đỉnh núi Bà Đen.
Nếu chiêm bái đủ các chùa trên núi, du khách sẽ qua chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự), chùa Hang (Linh Sơn Long Châu), chùa Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Linh Sơn Phước Trung, chùa Quan Âm. Trong đó, chùa Bà Đen hơn 300 tuổi được truyền tụng rộng rãi vì linh thiêng, là điểm hành hương đông khách đặc biệt trong dịp đầu năm. Khách hành hương đến chùa, miếu Bà đều được phục vụ cơm chay miễn phí vào dịp lễ tháng Giêng.
Để lên núi, đa phần du khách chọn di chuyển bằng cáp treo. Ba ga cáp treo là ga Bà Đen, ga Chùa Hang, ga Vân Sơn, không chỉ là nơi trung chuyển hành khách đến các điểm tham quan trên núi, mà còn là nơi chụp ảnh đẹp thu hút ống kính của nhiều du khách.
Giá vé cáp treo khứ hồi giá 250.000 đồng/ người lớn, 150.000 đồng/ trẻ em (cao 1 - 1,4m). Ngoài ra mỗi khách phải mua thêm vé vào cổng cho người lớn giá 16.000 đồng, 8.000 đồng với trẻ em (cao 1 - 1,4m) và người trên 60 tuổi, người khuyết tật nặng.
Hiện tuyến cáp Vân Sơn lên đỉnh núi hoạt động 7h45 - 16h ngày trong tuần, 7h - 17h thứ bảy và chủ nhật. Còn tuyến cáp từ Chùa Hang lên Chùa Bà hoạt động 7h - 17h trong tuần, 6h - 18h thứ bảy và 6h - 17h chủ nhật.
Tòa thánh Tây Ninh
Tòa thánh cách TP Tây Ninh khoảng 5 km, thu hút không chỉ tín đồ trong đạo mà còn có nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan bởi kiến trúc độc đáo. Vào lúc 0h, 6h, 12h, 18h mỗi ngày, tà áo dài trắng của nam nữ đạo Cao Đài lại phủ kín Tòa thánh. Du khách ngoại đạo được xem buổi lễ từ ngoài cửa. Khách vào tham quan bên trong chính tòa phải để giày dép ngoài cửa, không được đi qua cửa chính, nam đi cửa phải và nữ đi cửa trái.
Trong tháng Giêng, Tòa thánh tổ chức Đại lễ Đức Chí Tôn vào ngày mùng 9. Nếu đến gần ngày này, du khách có cơ hội xem biểu diễn âm nhạc, nhảy múa truyền thống của cộng đồng tín đồ đạo Cao Đài.
Chùa Thiền Lâm
Trong chuyến hành hương, du khách không nên bỏ qua ngôi chùa có tuổi đời hơn 100 năm, nằm ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Chùa Thiền Lâm (còn gọi là chùa Gò Kén), tọa hai pho tượng Phật khổng lồ là tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25 m đứng trên con rồng cao 7 m và tượng Phật nhập niết bàn dài 25 m.
Ngôi chùa có không gian thoáng đãng, xanh mát, thích hợp cho những khách cao tuổi hay những ai ngại đông đúc chiêm bái núi Bà Đen.
Hồ Dầu Tiếng
Nơi check-in quen thuộc của du khách khi đến hồ Dầu Tiếng.
Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, phần hồ thuộc địa phận Tây Ninh cách trung tâm thành phố khoảng 20 km.
Nơi đây là điểm dã ngoại quen thuộc của nhiều du khách, trong ngày hoặc qua đêm, ngắm hoàng hôn, câu cá, chèo SUP nhất là vào mùa khô. Điểm tham quan này không thu phí, du khách cần giữ gìn vệ sinh chung tại đây.
Vườn nho rừng
Nho rừng có vị hơi chát, du khách thường chỉ chụp hình, mua sản phẩm chế biến sẵn chứ không mua để ăn
Gần chân núi Bà Đen, vườn nho tư nhân của ông Nguyễn Văn Thông (xã Phan, huyện Dương Minh Châu) mở cửa cho khách tham quan, thưởng thức trái và nước nho miễn phí. Trái ở đây thuộc giống nho rừng, quả nhỏ, mọc thành chùm sai trĩu bắt mắt. Khách có thể mua rượu nho và mật nho được chế biến tại vườn, giá 100.000 - 150.000 đồng một chai.
Nhà cổ Nguyễn Tâm Kiên
Muốn khám phá nét xưa cũ giữa thành phố, du khách hãy ghé thăm căn nhà cổ hơn trăm tuổi, tọa lạc ở số 39 đường Phan Châu Trinh. Ngôi nhà do ông Nguyễn Văn Kiên, Đốc Phủ sứ thời Pháp thuộc, xây dựng năm 1894 đến giờ vẫn giữ nguyên bản kiến trúc và các đồ vật cổ. Nơi đây cho khách tham quan, chụp hình miễn phí.
Vườn trái cây
Các nhà vườn trái cây ở huyện Gò Dầu như Gò Chùa, Bàu Đồn, Út Phương bắt đầu có nhiều loại trái chín từ khoảng cuối tháng 2 dương lịch. Hầu hết vườn cho khách tham quan miễn phí, tính phí mua trái cây. Du khách có thể dừng nghỉ tại vườn để ăn trưa, tự hái trái cây dùng tại chỗ hoặc mua về.
Tháp cổ Bình Thạnh
Tháp được phát hiện năm 1886, được xác định có độ tuổi nghìn năm, nằm tại xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng). Đây là một trong những công trình tháp cổ quý hiếm còn tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ.
Rừng cao su thay lá ở Tây Ninh vào cuối tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, cũng là một gợi ý điểm chụp ảnh đẹp cho du khách.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cửa khẩu Mộc Bài là địa chỉ mua sắm hàng miễn thuế, cửa ngõ du lịch Campuchia bằng đường bộ của nhiều khách Việt. Hiện hoạt động du lịch tại đây tạm ngưng.
MÓN NGON DỄ TÌM
Tây Ninh nổi tiếng với bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ, nem vỏ bưởi, muối tôm, ốc xu, mắm chua, thằn lằn núi, các món chay của người đạo Cao Đài.
Bánh canh Trảng Bàng có sợi làm từ bột gạo, ăn cùng thịt heo, chan nước dùng hầm xương heo cùng các loại rau giá.
Trong đó, các quán bánh canh Trảng Bàng hút khách tập trung ở đường Nguyễn Văn Rốp (thị xã Trảng Bàng). Các quán Năm Dung, Út Huệ, Hoàng Minh là một số địa chỉ nổi tiếng để thưởng thức món này.
Đến ấp Lộc Du (thị xã Trảng Bàng), du khách có thể hỏi người dân đến các xưởng làm bánh tráng phơi sương , nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bánh có độ dẻo, vị mặn, có thể sử dụng trực tiếp không cần nhúng nước hay nướng giòn, thường được khách mua về dùng hoặc làm quà.
Muốn thử thịt bò tơ trứ danh vùng đất này, quán Năm Sánh và Nhật Trường ở trung tâm thành phố là địa chỉ nhiều thực khách gợi ý, với giá các món khoảng 50.000 - 200.000 đồng.
Khu chợ Tây Ninh là nơi tập trung bán đa dạng các loại muối tôm , bánh tráng và mắm chua . Bạn có thể mua những đặc sản này về làm quà với giá phải chăng, khoảng 5.000 đồng - 40.000 đồng một món.
Nem bưởi là món ngon độc đáo của địa phương, người ăn chay có thể dùng vì các loại nguyên liệu đều từ thực vật như vỏ bưởi, khế chua, ớt, đu đủ. Muốn mua nem bưởi bạn nên đến huyện Hiệp Thành, nơi có nhiều để mua và chuẩn vị hơn.
Ngoài ra, các món chay của người đạo Cao Đài, ốc xu, thằn lằn núi... du khách có thể tìm ăn ở trung tâm thành phố.
GỢI Ý LỊCH TRÌNH
Vì các điểm tham quan xa nhau, du khách nên đi theo lịch trình cụ thể để tiện di chuyển. Nếu đi xe khách, bạn thuê xe máy tại TP Tây Ninh rồi tiếp tục đến các điểm tham quan. Dưới đây là gợi ý hành trình trong hai ngày khám phá.
Ngày 1: Trong chuyến du xuân, bạn nên đến viếng chùa đầu tiên để cầu an, cầu may cho cả năm mới và chuyến đi. Sau khi tham quan núi, bạn hãy ghé vườn nho rừng thuộc xã Phan (huyện Dương Minh Châu) cách cổng vào chân núi 5 km để nghỉ chân. Buổi chiều, bạn hãy ghé thăm căn nhà cổ trăm tuổi, rồi đi chợ Tây Ninh mua đặc sản mang về.
Ngày 2: Buổi sáng là thời điểm thích hợp để tham quan Tòa thánh, khi trời chưa quá nắng nóng. Các vườn trái cây ở Gò Dầu cách Tòa thánh gần 30km, du khách nên đến đây dừng nghỉ trưa. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, từ vườn trái cây bạn nên đi thẳng đến Trảng Bàng ăn bánh canh, mua bánh tráng, rồi về thẳng TP HCM.
Các chuyến xe từ Tây Ninh về TP HCM thường có chuyến cuối lúc 18h.
Trên đỉnh núi Bà Đen.
Top địa điểm du lịch tâm linh tại Tây Ninh nhất định phải đến Tây Ninh được biết đến là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du ngoạn giữa thiên nhiên và lễ Phật tại phía Nam. Dưới đây là một số gợi ý thú vị cho những tâm hồn mê xê dịch. Với chặng đường 100km từ thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh, bạn có thể lựa chọn phương tiện xe máy, xe...