Du lịch dịp lễ không còn quá tải
Dịp lễ 30/4 năm nay, nhiều điểm du lịch trên cả nước ghi nhận lượng khách đông nhưng không bùng nổ như dự đoán.
Những trận mưa lớn diễn ra khắp cả nước là một phần lý do tình hình du lịch dịp lễ 30/4 năm nay hạ nhiệt.
“Phú Quốc năm nay đông nhưng không bằng năm ngoái. Thói quen du lịch của người Việt phần nào có sự thay đổi, không đi dồn vào các kỳ nghỉ nữa”, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang giải thích.
Đông nhưng không quá tải
Ngoài Phú Quốc, các điểm nóng du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt dịp lễ năm nay không còn cảnh đông đúc đến mức phải ngủ bờ ngủ bụi do thiếu phòng, chen chúc ken đặc trên bãi tắm… như năm ngoái.
Theo ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt, lượng khách đến thành phố vào dịp lễ này ở mức ổn định. Trong ngày 30/4, lượng khách ở mức 30.000 lượt, giảm gần 10.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân treo biển còn phòng trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Duy Hiệu.
Ông Kiệt cho biết lượng khách giảm nhiệt phần lớn do tình hình thời tiết xấu. Nhiều người hủy phòng giờ chót.
“Khoảng giữa tháng 4, phần lớn điểm lưu trú ở Đà Lạt thông báo gần kín phòng. Tuy nhiên, sang đến ngày 28/4, nhiều chủ khách sạn thông tin khách hủy phòng hàng loạt vì ngại thời tiết xấu dịp lễ”, ông Kiệt nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing, ngày 1/5, hàng loạt khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) treo biển còn phòng.
“Dịp lễ mà khách sạn tôi có 22 phòng trống trên tổng số 30 phòng. Chưa dịp lễ nào ế như vậy”, anh Nghĩa, quản lý một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân (TP Đà Lạt), cho biết.
Video đang HOT
Tương tự Đà Lạt, Vũng Tàu cũng chịu ảnh hưởng từ thời tiết xấu, lượng khách không biến động nhiều trong kỳ nghỉ lễ.
Ông Phạm Khắc Tộ, đại diện Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho biết lượng khách dịp 30/4 tăng so với đợt giỗ Tổ nhưng không đến mức quá tải như năm trước. Trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ, thành phố đón khoảng 89.000 lượt khách.
Trong ngày 1/5, Zing ghi nhận bãi tắm ở Vũng Tàu thông thoáng hơn bình thường, không xảy ra tình trạng đông đúc như các ngày lễ khác.
Dịch vụ cho thuê bàn ghế tại các bãi tắm ở Vũng Tàu còn nhiều chỗ trống trong ngày 1/5. Ảnh: Quỳnh Danh.
Anh Lê Văn Tiền (nhân viên cứu hộ) cho biết biển Vũng Tàu năm nay vắng gần một nửa so với các năm trước. “Có thể do người dân nghe dự báo thời tiết không tốt, có mưa nên họ ngại đi du lịch”, anh Tiền nói.
Cũng do tình hình thời tiết bất lợi, lượng khách đến Nha Trang dịp 30/4 cao hơn so với đợt lễ giỗ Tổ nhưng không bùng nổ như dự đoán trước đó.
Theo khảo sát, trong ngày 30/4, các khách sạn lớn ở Nha Trang đạt khoảng 70% công suất phòng. Một số khách sạn 2 sao, nhà nghỉ ở Nha Trang vẫn treo biển còn phòng. Trong khi đó, các cơ sở lưu trú nhỏ khó cạnh tranh dịp này. Công suất phòng của các cơ sở này chỉ đạt khoảng 20%.
Trong khi đó, không khí du lịch ở Hội An (Quảng Nam) nhộn nhịp trở lại sau 2 năm dài ngủ yên. Ước tính trong ngày 30/4, Hội An đón 10.000 lượt khách. Tuy nhiên, nhiều du khách cho biết không cảm thấy quá ngợp vì đông đúc dù du lịch dịp lễ.
Chị Thùy Dung (Thanh Hóa) chọn Hội An để du lịch trong kỳ nghỉ dài ngày. Chị Dung chia sẻ khu vực phố cổ đông người qua lại nhưng vẫn thông thoáng, các điểm ăn uống cũng tương tự.
“Mình bất ngờ vì không phải xếp hàng ở tiệm nước Mót nổi tiếng trong phố cổ. Đứng 5 phút là có đồ uống liền chứ không phải chờ đợi nửa tiếng như đọc trên báo đợt giỗ Tổ”, chị Dung nói.
Xu hướng du lịch thay đổi
Cảnh tượng dòng người ken đặc cũng không còn thấy ở các điểm du lịch nổi tiếng Phú Quốc giống dịp 30/4 những năm trước. Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, thói quen đi du lịch của người Việt phần nào có sự thay đổi, không chỉ đi chơi dồn vào các ngày lễ.
“Lượng khách có xu hướng tăng nhưng ổn định và dàn đều vào các thời điểm trong năm chứ không tập trung cục bộ vào đợt lễ nữa. Đây là tín hiệu tốt với ngành du lịch. Khi các dịch vụ không quá tải, khách được phục vụ chu đáo hơn”, ông Huy nhận định.
Ngọc Lan tận hưởng chuyến du lịch vắng người ở Phú Quốc trước kỳ nghỉ lễ. Ảnh: NVCC.
Theo khảo sát của Zing, chỉ có 5% du khách lựa chọn đi du lịch vào dịp lễ. Trong khi đó, đến hơn 70% người chọn ở lại thành phố để tận hưởng kỳ nghỉ.
Ngọc Lan (TP.HCM) chia sẻ vì sợ dịp lễ đông đúc nên đã tranh thủ đi chơi Phú Quốc trước đó vài ngày.
“Trước giờ mình luôn tránh đi chơi dịp lễ vì ngại đông đúc. Dịp 30/4 này lại nghe tin thời tiết xấu nên tranh thủ đi trước tránh mưa. 4 ngày lễ mình dành thời gian về quê ở Đồng Nai thăm gia đình”, Lan nói.
Không chỉ né dịp lễ, xu hướng du lịch của người Việt cũng đang thay đổi kể từ sau đại dịch. Khách nội địa đang chuyển hướng sang các sản phẩm cao cấp. Nhiều người chọn loại hình nghỉ dưỡng, hạn chế tập trung ở các điểm đến đã quá phổ biến.
Trong 3 ngày du lịch Phú Quốc, Ngọc Lan chọn nghỉ dưỡng ở một resort cao cấp tại đảo ngọc. Lan cho biết đi cùng nhóm bạn nên chi phí không quá đắt đỏ, lại được trải nghiệm các dịch vụ tốt.
Tương tự, anh Lê Hoàng (Hà Nội) chia sẻ 2 vợ chồng quan tâm nhiều đến chất lượng phòng nghỉ trong suốt chuyến đi nên đã chọn một khách sạn ở phân khúc cao cấp tại trung tâm Đà Nẵng dịp 30/4 này.
“Đi du lịch là để nghỉ ngơi, thư giãn, nên mình sẵn sàng chi tiền để đổi lại một chỗ nghỉ có dịch vụ tốt, view đẹp. Hơn nữa, đợt lễ cũng mưa nên 2 vợ chồng hạn chế đi ngắm cảnh, chủ yếu đi chơi loanh quanh trong thành phố và nghỉ ngơi tại khách sạn”, anh Nam nói.
Đà Lạt không để cảnh khách ngủ ngoài đường tiếp diễn
Trong đợt Tết Nguyên đán, hình ảnh du khách dựng lều ngủ bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt, Lâm Đồng) với lý do thiếu chỗ ở đã tạo nên hình ảnh không đẹp.
"Sẽ không có cảnh ngủ bụi trong dịp lễ 30/4-1/5 năm nay", ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt, trả lời Zing.
Theo dự đoán từ đơn vị này, Đà Lạt sẽ đón khoảng 180.000 khách trong dịp lễ sắp tới. Trong đó, khoảng 140.000 người là khách lưu trú.
Tính tới 29/4, khoảng 80-85% công suất phòng nghỉ trên toàn thành phố đã được lấp đầy. Trong đó, các khách sạn đạt chuẩn đa số chỉ còn 10-15% phòng. Những nhà nghỉ, biệt thự cũng đã lấp đầy được khoảng 70% phòng.
Đà Lạt không để cảnh du khách ngủ bụi trong dịp lễ sắp tới tái diễn. Ảnh: Ngọc Hiệp.
Với 2.230 cơ sở lưu trú trên địa bàn (trên 29.000 phòng ngủ, 46.600 giường, có thể đón tiếp khoảng 50.000 du khách cùng lúc), ông Kiệt cho biết Đà Lạt vẫn đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách.
"Kể cả có tới 200.000 khách, Đà Lạt vẫn còn đủ phòng. Những du khách không đặt được phòng có thể liên hệ đường dây nóng của thành phố để được hỗ trợ tìm. Trước đó, chúng tôi cũng đã khuyến cáo du khách nên đặt sớm để tránh tình trạng khó tìm phòng khi Đà Lạt du lịch", ông Kiệt nói thêm.
Giá phòng nhà nghỉ, khách sạn dịp 30/4-1/5 tăng từ 30-50% so với ngày thường. Loại phòng cho 2 người có giá từ 500.000-800.000 đồng/đêm. Phòng 4 người có giá trung bình 900.000-1,2 triệu đồng/đêm.
Khảo sát trên các trang web đặt phòng trực tuyến, có thể nhận thấy việc đặt phòng đi Đà Lạt ngay tại thời điểm sáng 29/4 cũng không quá khó khăn. Du khách có nhiều lựa chọn từ bình dân đến cao cấp. Một số nhà nghỉ giá rẻ với đánh giá tới 9,4/10 điểm cũng giữ mức giá phải chăng, khoảng 300.000 đồng/đêm.
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều hình ảnh du khách vạ vật, dựng lều ngủ ngoài đường đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đại diện phòng Văn hóa Thông tin xác nhận việc ngủ ngoài đường không phải do khách không tìm được phòng. Bởi khi được đơn vị cung cấp chỗ ngủ, những người này vẫn từ chối, không chịu rời đi.
Hình ảnh du khách vạ vật ngủ trên đường ảnh hưởng xấu đến cảnh quan của Đà Lạt. Do đó, thành phố kiên quyết không để tình trạng này tái diễn trong dịp lễ.
Những con đường cổ tích vạn người mê tại Đà Lạt Ngoài sở hữu hàng trăm cảnh đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, Đà Lạt còn thu hút du khách bởi những con đường cổ tích tuyệt thế. Mang trong mình vẻ đẹp lẳng lơ và kiều diễm không một nơi nào có thể sánh được, Đà Lạt được ví như tiên cảnh, nét đẹp còn vương lại dưới trần thế khiến du khách đến...