Đủ kiểu ứng xử với… khai giảng
Phía sau hình ảnh cờ hoa ngày khai giảng, có nhiều nỗi lòng tâm tư và nhiều cách ứng xử với lễ khai giảng của những người trong cuộc.
Có lẽ không một khái niệm nào có thể giải thích đúng từ khai giảng trong điều kiện thực tế hiện nay. Theo từ điển, “khai giảng” là một động từ nói về sự bắt đầu, mở đầu một năm học, khóa học. Nhưng nhiều năm qua, khái niệm này đã không sát với thực tế vì trước đó vài tuần, học trò đã trở lại trường trong ngày tựu trường.
Cô trò Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương trong lễ khai giảng
Từ điều này đến việc khai giảng ở nhiều nơi còn tổ chức mang tính hình thức, phô trương, không thực sự lấy thầy trò làm trung tâm… dẫn đến nhiều cách ứng xử khác nhau của người trong cuộc đối với lễ khai giảng.
Anh Nguyễn Ngọc Tú ở Hà Nội chia sẻ, nhiều năm nay con anh không đến trường dự khai giảng. Hai năm đầu đi học, khai giảng về cháu nói nắng, mệt, không thích thú, không hào hứng.. và vợ chồng anh chị tôn trọng điều này.
Nhiều năm anh thấy rõ, trước ngày lễ, các cháu phải tập duyệt cho khai giảng đến chai mòn cảm xúc, chỉ còn là thực hiện hiệu lệnh, đứng ngồi cho đẹp đội hình. Cũng không có sự hào hứng được gặp lại bạn bè thầy cô, ngồi để nghe người lớn phát biểu, báo cáo thành tích, khen thưởng…
(Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Anh Tú suy nghĩ, con đến lễ khai giảng là vô nghĩa. Không muốn miễn cưỡng trong cảm xúc, mong muốn của con, không nhất thiết con phải trường hôm đó nên anh đồng ý, con mình không đến trường dự khai giảng.
Cùng đánh giá khai giảng còn nặng hình thức, vì người lớn nhiều hơn vì con trẻ nhưng chị Thanh Phương, có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội lại ứng xử khác.
Trong những tuần đầu đến trường, gần như ngày nào trường con chị cũng phải tập duyệt khai giảng. Con chị phản ứng, khóc nói sao ngày nào cũng khai giảng. Sau nhiều ngày quá đuối vì nắng, nóng, mệt, không vui…, cháu không chịu ra khỏi lớp để tập duyệt khai giảng.
Khi đưa con đi học, chị ở lại trường một lúc, mẹ và cô giáo vừa dọa vừa lôi thằng bé ra tập cho bằng được. Chị quan điểm, con nên làm quen với việc các bạn tập thì đương nhiên con mình cũng nên thực hiện, không có ngoại lệ dù thích hay không.
Lôi con được ra khỏi lớp, đứng vào đội hình, người mẹ quay về mà lòng nặng trĩu, không hiểu sao ngày khai giảng của con lại thành nỗi khổ tâm của mẹ và con, và chắc là cả cô giáo nữa. Nhiều giáo viên cũng “bở hơi tai” cho lễ khai giảng.
Ở không ít nơi, khuôn viên trường quá nhỏ, sĩ số học sinh đông nên học sinh dự khai giảng cũng phải… chọn. Thường các trường ưu tiên học sinh đầu cấp và cuối cấp dự khai giảng, nếu còn chỗ thì mỗi lớp khác sẽ chọn ra những em tiêu biểu.
Cạnh những tiếng thở dài, than nắng, than mệt của học sinh phải đi dự khai giảng thì cũng không ít phụ huynh, học trò tiếc nuối, buồn lòng vì không được dự khai giảng.
Có lãnh đạo một trường học kể, họ phải nhắc nhở giáo viên không bao giờ được ra đề Văn tả lại buổi khai giảng hay tổng kết năm học. Vì nhiều học sinh, gần như không biết khai giảng là gì khi trường không đủ chỗ.
Bà Phạm Thị Chinh, hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương cho biết, sân trường mình rất hẹp, học sinh lại đông. Tuy nhiên, xác định khai giảng là ngày của các em, có chật chội thế nào thì trường vẫn cố gắng sắp xếp để tất cả học sinh đến dự. Sân trường chật, phải bố trí nhiều lớp ngồi ở hành lang, học sinh đón khai giảng… qua tấm chắn hành lang nhưng dù sao, vẫn là niềm vui trong ngày của các con.
Học trò dự khai giảng với nhiều cảm nhận
Khai giảng giờ là một bức tranh đa dạng với vô vàn cách ứng xử. Nhiều người vẫn tìm thấy những niềm vui để góp nhặt, với nhiều người là sự mệt mỏi hay dù không yêu, không thích thì vẫn đành.
Hôm qua, sau lễ khai giảng, có người mẹ hỏi con cảm nhận thế nào. Đứa con trả lời, con nóng đến độ sắp thành vịt nướng luôn rồi. Có đứa trẻ khác lại nói, thầy hiệu trưởng đọc dài quá, con ngồi dưới buồn ngủ. Và cũng có những đứa trẻ khoe, tụi con được vui chơi, cười té ghế luôn.
Cảm xúc, ấn tượng thiêng liêng dành cho việc học, cho khát khao tiếp nhận tri thức trong khởi đầu mới bị mai một đi không hề ít. Nhưng đọng lại niềm vui trong học trò hay không trong dịp khai giảng phụ thuộc rất nhiều vào tấm lòng của người quản lý.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Mơ một ngày khai giảng!
Mơ một ngày khai giảng, chứ không phải mơ một ngày tựu trường!
Ảnh minh họa
Và tại sao phải mơ? Vì tự khi nào ngành giáo dục có hai khái niệm khác nhau: "ngày tựu trường" và "ngày khai giảng", dù ngữ nghĩa trong từ điển hai khái niệm này như nhau! Và mơ là muốn cả nước có chung một ngày khai giảng, để ngày khai trường có ý nghĩa thiêng liêng, như một dấu ấn tuyệt vời trong lòng mỗi học sinh...
Ví dụ cụ thể, như ở TP HCM, "ngày tựu trường" là 19-8, "ngày khai giảng" là 5-9 đồng loạt trên cả nước. "Ngày tựu trường" ở TP HCM là ngày hơn 1 triệu học sinh đến trường và bắt đầu học chính khóa. Ngày 5-9 là "ngày khai giảng", bắt đầu lần thứ hai năm học mới!
Từ nhiều năm qua, đã có nhiều ý kiến không đồng tình cùng khai giảng với hai hoạt động như vậy. Đa số đều mong muốn có duy nhất một ngày khai trường chung trên cả nước.
Hôm 28-8, khi thăm thầy trò vùng lũ huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ hỏi học sinh: "Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?". Khi nghe học sinh trả lời: "Con muốn khai giảng rồi mới đi học", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ tính toán để thực hiện được mong muốn này trong thời gian tới, hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh học trước rồi mới tổ chức khai giảng như hiện nay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng hiện nay đang trong giai đoạn "quá độ" giữa việc thực hiện chương trình cũ và chương trình mới nên cũng phải chấp nhận việc tựu trường trước ngày khai giảng.
Thực tế cũng cho thấy việc tựu trường trước ngày khai giảng đã có từ nhiều năm qua. Lý do chính các trường muốn tựu trường trước là để ổn định tổ chức lớp, trường học nhưng để làm những công việc đó mà phải tựu trường trước cả nửa tháng là điều khó thuyết phục dư luận. Thực chất thì sau ngày tựu trường, các trường đều tổ chức học luôn chính khóa. Do học sớm nên kéo theo những hệ lụy khác như nghỉ Tết nhiều ngày, còn nghỉ hè thì gần như cuối tháng 4 (nhất là bậc tiểu học) đã dạy và học xong chương trình, khi đó các em đến trường chơi là chính!
Vậy có nên tựu trường, học sớm? Câu trả lời của số đông hẳn sẽ là không nên. Thực tế, với việc ổn định lớp học, các thầy cô chủ nhiệm chỉ cần tập trung các em một vài buổi là xong và đủ để chuẩn bị tốt cho ngày khai giảng. Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có ý khen TP Đà Nẵng đã giữ được ý nghĩa của ngày khai giảng khi không cho học sinh tựu trường trước ngày 5-9.
Ngày khai giảng năm học mới cũng được nhà nước chọn là "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường" chứ không phải là "ngày tựu trường". Sẽ phù hợp hoàn cảnh và tâm tư, tình cảm của phụ huynh, học sinh, của gia đình và xã hội khi cả nước có chung một ngày khai giảng. Hy vọng ngành giáo dục sẽ làm được việc này trong thời gian tới, thống nhất áp dụng trên cả nước. Để khi tiếng trống khai trường vang lên báo hiệu giờ khắc khai giảng năm học mới, trong lòng tất cả học sinh ngân lên những cảm xúc đẹp từ ký ức buổi tựu trường như trong truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh.
LƯU NHI DŨ
Theo nguoilaodong
Chỉ cần Bộ trưởng nói một tiếng, khai giảng hết diễn ngay Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng. Trò chuyện với học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá) ngày 28/8/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi: "Các con muốn khai giảng...