Đủ kiểu làm trẻ “loạn chữ” trước khi vào lớp 1
Chuẩn bị cho con vào lớp lớp 1, nhiều phụ huynh lại tất tả cho học học chữ bất chấp hệ luỵ việc dạy chữ chưa đúng cách hay những cảnh báo không nên cho con học chữ trước.
“Thầy” nào cũng… xong
Liên tục hai tuần nay, tuần 3 buổi, đón con từ trường về, chị Hà Thị Lan (ngụ ở Q. Bình Thạnh, TPHCM) lại gửi cháu sang nhà một cô giáo đã về hưu ở cùng tổ dân phố để học chữ. Cùng với con chị Lan, có 3 cháu bé khác trong khu vực này cũng đang theo học tại đây với mức phí 200.000 đồng/12 buổi.
Các em được xếp ngồi giữa nhà, kê tập lên chiếc bàn thấp, rồi oàm người, cúi đầu để viết. Có lúc, học sinh ở đây còn kê tập ngay trên chiếc ghế nhựa ngồi đồ chữ, tập tô theo hướng dẫn của người dạy. Thậm chí những lúc mỏi lưng, có em còn nằm bẹp hẳn giữa nền nhà cứ vậy rồi viết trong mà chẳng ai chỉnh cho đúng tư thế.
Thời điểm này, nhiều trẻ chuẩn bị vào lớp 1 lại được bố mẹ tìm chỗ để học chữ trước. (Ảnh minh hoạ).
Theo chị Lan, cô giáo này không mở lớp mời gọi người đến học mà do trong phố quen biết nhau, phụ huynh gửi nên cô kèm cặp giùm. “Nếu đến trung tâm chi phí cao hơn nhiều mà đưa rước cũng phức tạp nên tôi gửi cháu học gần nhà cho tiện, hôm nào không học thì nghỉ. Học chữ ban đầu đơn giản, tôi chỉ cần con biết đọc, biết viết trước để khi vào lớp 1 không bị chậm là ổn”, người mẹ cho hay.
Thời điểm này nhiều phụ huynh có con đang theo học lớp lá (lớp 5 tuổi) ở TPHCM lại tìm đủ cách xoay xở để con học chữ trước khi vào lớp 1 như chị Lan. Chú trọng đến việc con mình phải biết chữ trước khi đi học nhưng lại nhiều người lại tỏ ra quá chủ quan, dễ dãi với những dòng chữ đầu đời của con nên ai cũng có thể thành thầy của trẻ.
Không chỉ đưa trẻ đến các trung tâm, cơ sở luyện chữ, phụ huynh lại tin rằng với trẻ học mầm non, ai cũng có thể dạy chữ. Có phụ huynh tự “trổ tài” hay tìm gia sư đến tại nhà để dạy con học viết, học đọc mà không cần biết họ có chuyên môn dạy chữ hay không. Gia sư này có thể là những sinh viên đi dạy thêm, hay bất kỳ người nào đó phụ huynh nhờ vả được…
Mới đây, chị Nga, có con học mầm non ở Q.12 nhờ nữ sinh học trung cấp dược đang thuê trọ ở nhà mình dạy chữ cho con ở ngay phòng trọ. Lấy chiếc ghế làm bàn, chiều tối hai cô cháu lại “ê a” đọc viết. Chị Nga nghĩ đơn giản rằng, sinh viên được học hành đàng hoàng thì làm gì mà không dạy nổi chữ được cho trẻ chưa biết đọc biết viết.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.3 cho biết, rất nhiều lần phụ huynh còn đề nghị cô giáo ở lớp lá dạy thêm chữ cho con mình ở trường để trẻ phải đi học ngoài. Trường từ chối và kể cả phân tích cho phụ huynh hiểu, dạy chữ không phải là chuyên môn của các cô mầm non nhưng họ vẫn tìm cách nì nèo vì nghĩ rằng ai cũng dạy chữ được.
Học sai: Cực kỳ nguy hiểm
Video đang HOT
Các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo, không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Học chữ trước có thể làm trẻ căng thăng, về sau mất hứng thú với việc học thì học chữ sai cách làm khổ trẻ hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – phó Trưởng Phòng Giáo dục Q.3, TPHCM cho hay, tuy không có tình trạng học sinh lớp Lá nghỉ học nhưng ở nhà, nhiều phụ huynh vẫn tìm đủ cách cho con học mà không biết rõ người dạy có khả năng hay không.
“Trẻ học chữ sai cách rất tội nghiệp cho các cháu vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ do tư thế ngồi, kích cỡ bàn không đúng có thể gây vẹo cột sống, cân thị… Độ tuổi này chưa phải để học chữ, học chữ sai trẻ càng sợ. Khi đã học sai trẻ rất khó để làm quen lại, các em dễ bị căng thẳng, chán nản, vào lớp 1 giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều để chỉnh cho các em”, bà Nguyệt nói.
Học chữ khi chưa đảm bảo về tâm sinh lý, lại học sai cách rất nguy hiểm cho việc học sau này của trẻ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, nguyên trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM phụ huynh lầm tưởng con biết chữ trước sẽ vào học thuận lợi. Nhưng ít ai biết rằng, việc học chữ từ những người không đúng chuyên môn là một nguy hại. Rất nhiều trẻ được dạy chữ bằng cách được đưa cho cuốn tập, cây viết cùng mẫu chữ rồi nằm bò lăn lê như tô màu, đồ chữ chứ không ngồi ngay ngắn đúng tư thế.
“Thực tế cách đây vài năm, rộ phong trào cho con đi học chữ từ lúc mẫu giáo, khi vào lớp 1 chữ các em rất xấu. Viết chữ là một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý, nhất là cơ tay nhỏ. Không đảm bảo các yếu tố này mà học viết chữ trước, chữ sẽ bị hư và rất khó chỉnh sửa”, bà Mai khẳng định.
Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học cho hay đối với khối lớp 1, khi phân giáo viên phụ trách phải cân nhắc rất kỹ, không phải ai cũng kham nổi. Có những người dạy khối 4, khối 5 rất giỏi nhưng không thể dạy lớp 1. Đòi hỏi giáo viên phải tâm lý để hỗ trợ trẻ thích nghi môi trường từ vui chơi sang học tập và còn đòi hỏi chuyên môn, phải được tập huấn để làm tốt công việc dạy và giúp trẻ hứng thú với những nét chữ đầu tiên.
Ở lớp 5 tuổi, các em sẽ được chuẩn bị cần thiết về tâm sinh lý, là bước đệm quan trọng để vào lớp 1 nên ngành giáo dục nhiều năm gần đây quyết liệt thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn tìm đủ cách con “chạy” trước chương trình, làm khổ con vì ngộ nhận rằng biết chữ trước sẽ thuận lợi hơn khi đi học.
Theo dân trí
Hậu quả khi học trò yêu liều
Yêu liều nhưng không được trang bị các kiến thức về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản nên học trò dễ gánh hậu quả từ việc quan hệ tình dục sớm. Và cũng vì thiếu kiến thức, các em giải quyết "hậu quả" đó cũng rất dễ dàng...
Nữ sinh làm mẹ bất đắc dĩ
Liên tục gần đây, có nhiều cuộc gọi đến một trung tâm tư vấn tâm lý cộng đồng ở TPHCM xuất phát từ những thân chủ là các em nữ sinh đang học trung học hay đại học đang rơi vào tình thế... làm mẹ bất đắc dĩ.
Có em mất kinh nguyệt hai tháng, có em đến tháng thứ 6, thứ 7 mới biết mình mang bầu. Đó có thể là kết quả của những mối tình vụng dại, vội vàng hay có những đôi yêu nhau sâu đậm nhưng có điểm chung là liều lĩnh dâng hiến, thiếu kỹ năng bảo vệ cho dù chưa ai sẵn sàng làm bố làm mẹ.
Tìm đến trung tâm tư vấn nhưng hầu hết điều các em cần không phải là sự chia sẻ, phân tích hay hỗ trợ từ các chuyên gia mà các em muốn được "chỉ đường" để tìm chỗ bỏ thai kín đáo chứ rất ít trường hợp cân nhắc bây giờ nên làm thế nào thế nào thì tốt nhất.
Một ca tư vấn tại một phòng khám "chui". (Ảnh: P.Thanh).
Bà Vũ Cẩm Vân, chuyên viên tâm lý Hội quán Các bà mẹ cho hay gần đây bà tiếp rất nhiều cuộc gọi của các bạn nữ, các em học sinh còn đi học nhờ tư vấn nơi... phá thai kín đáo. Khi biết mình có bầu, phần lớn các em chỉ mong tìm một nơi giải quyết thật nhanh, thật kín để không ai hay biết. Rất hiếm trường hợp cân nhắc giữ hay để và cũng ít người nghĩ đến hậu quả việc phá thai.
Chính vì thế, việc tiếp cận, tư vấn cho các em không dễ dàng, đôi khi chính các chuyên viên tâm lý phải đầu hàng. "Tôi rơi nước mắt khi một nữ sinh đang học lớp 12 gọi điện đến để tìm chỗ... phá thai nhưng sau khi trò chuyện, em quyết tâm giữ lại. Em vẫn còn đủ thời gian để thi tốt nghiệp, thi đại học rồi sẽ tạm nghỉ sinh con. Rồi tôi không khỏi băn khoăn con đường trước mắt của em sẽ thế nào khi làm mẹ ở độ tuổi này ", bà Vân chia sẻ.
BS Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM) cho hay, trong 95.067 ca phá thai năm 2011 ở TPHCM thì có đến 3.867 trường hợp tuổi vị thành niên, chiếm 4,1%. So với năm 2010, tỉ lệ này là 2,29% trong 89.009 ca phá thai.
Tại nhiều buổi tập huấn về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, nhiều y tá, bác sĩ khoa sản chia sẻ không ít học trò đến bệnh viện bỏ thai một cách rất hồn nhiên, chỉ mong được giải quyết nhanh để kịp giờ học, giờ thi. Có em vì bỏ thai sau đó bị băng huyết, có em đang học phổ thông đã bỏ thai 2 - 3 lần...
Tại hội thảo toàn quốc về tình dục và sức khỏe sinh sản do Trường ĐH Y tế Công cộng tổ chức cuối năm 2012, kết quả thăm khám lâm sáng thực tế và khảo sát trên các trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe sinh sản TPHCM do BS Nguyễn Duy Tài - trưởng bộ môn phụ sản (Trường ĐH Y dược TPHCM) cung cấp làm không ít người phải bàng hoàng về độ tuổi quan hệ tình dục của giới trẻ.
Có nhiều trường hợp các quan hệ tình dục tự nguyện từ 10 - 12 tuổi. Khảo sát cũng cho thấy, tuổi quan hệ tình dục lần đầu của các em là 14 tuổi, sớm hơn rất nhiều so với điều tra quốc gia (theo nghiên cứu quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần 1 công bố năm 2005 cho thấy tuổi cho thấy tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở nam nữ thanh niên Việt Nam là hơn 19 tuổi, đến điều tra lần 2 (công bố năm 2010), độ tuổi này hạ xuống còn 18.
Lỗi của người đi trước?
Nhiều chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng từ văn hoá bên ngoài, giới trẻ ồ ạt chạy theo cách sống của phương Tây, các em xem quan hệ tình dục là điều bình thường. Trong khi kiến thức về sức khoẻ giới tính, sức khoẻ sinh sản và các kỹ năng bảo vệ mình lại vô cùng yếu kém nên việc "lãnh hậu quả" là điều khó tránh.
Đây cũng là kết quả của việc các em bị "che chắn" về kiến thức giới tính, sức khoẻ sinh sản. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, đó là chuyện nhạy cảm không thể đưa ra để trao đổi, dạy dỗ và giáo dục giới tính đồng nghĩa với việc "tiếp tay" cho trẻ làm bậy.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM trong buổi tìm hiểu về sức khoẻ giới tính, sinh sản. (Ảnh: Hoài Nam).
ThS, BS Đỗ Quang Minh, ĐH Y dược TPHCM cho hay, việc quan hệ tình dục với học trò phổ thông, sinh viên đại học hiện nay là tương đối phổ biến. Trong các chương trình tư vấn, ông nhận được những câu hỏi về chuyện "người lớn" rất thẳng, rất thật của các em chứ không né tránh, lòng vòng.
"Chúng ta không thể cấm đoán hay hạn chế việc này mà phải nhìn vào thực tế "hươu đang chạy lung tung". Các em cần hiểu rõ về mọi chuyện để có lựa chọn, đi con đường này thì thế nào mà chọn con đường kia thì hậu quả ra sao để biết chịu tránh nhiệm về lựa chọn của mình chứ không phải chờ các em phải thốt lên " Vì tôi lỡ, vì tôi không biết", BS Đỗ Quang Minh chia sẻ.
Theo ông, để giới trẻ phải kêu lên "tôi lỡ, tôi không biết" là lỗi của những người đi trước. Bởi hiện nay, các bạn tiếp nhận rất nhiều kiến thức sức khỏe giới tính, sinh sản qua bạn bè, qua sách báo, qua internet nhưng chưa có hệ thống, không được kiểm chứng nên các em rất dễ đi lệch đường.
BS Đặng Phi Yến nhấn mạnh, việc phá thai ở tuổi học trò để lại nhiều biến chứng như nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh... mà hầu hết các em không biết một cách khoa học nên khi lỡ là bỏ thai một cách rất dễ dàng. Đặc biệt việc bỏ cái thai đầu tiên có nguy cơ vô sinh cao hơn rất nhiều lần so với những cái thai sau đó.
Còn việc làm mẹ ở độ tuổi chưa trưởng thành rất dễ bị đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Các em sẽ dang dở con đường học hành, ảnh hưởng đến tương lai và dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý.
Vậy nên, nếu không được trang bị kiến thức để bảo vệ mình, vẫn yêu liều thì các em sẽ phải đối mặt với hai con đường đều không sáng sủa đó.
Từ thực tế đó, việc giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản một cách nghiêm túc, khoa học, có hệ thống là điều không thể chần chừ. Chỉ khi được trang bị kiến thức, hiểu được hậu quả của việc mình làm, các bạn trẻ mới có thể có trách nhiệm với những quyết định của mình.
Theo Dantri
Cạn nguồn tuyển giáo viên mầm non Trong học kỳ 2 năm học 2012 - 2013, do tiếp tục thiếu giáo viên, nhiều trường mầm non ở TPHCM phải "nâng cấp" để bảo mẫu đứng lớp. Bão mẫu đứng lớp Tình trạng chung hầu hết các quận gặp phải là không tuyển nổi giáo viên (GV), phải hợp đồng với bảo mẫu để thay thế cho lượng GV đang bị...