Đủ kiểu giành giật thí sinh
Trong khi các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) đang thực hiện xét tuyển, thí sinh trong thời gian đắn đo điều chỉnh nguyện vọng thì lại nhận được rất nhiều giấy báo trúng tuyển của nhiều trường ĐH-CĐ dù không hề đăng ký xét tuyển vào những trường này.
Chưa đậu phổ thông đã trúng tuyển ĐH-CĐ
Thí sinh Trần Anh Kh. (Khánh Hòa) cho biết em thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào ngành Marketing của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (TPHCM). Thế nhưng, vừa rồi em lại nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Marketing thương mại của Trường CĐ Kinh tế công nghệ TPHCM và mời em đến nhập học tại trường từ ngày 15 đến 31-7 tại địa chỉ 113 Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM). Lệ phí nhập học là 300.000 đồng, giảm 10% học phí…
Điều đáng nói là giấy báo trúng tuyển này được ký, đóng dấu ngày 26-6-2019, tức là khi thí sinh Kh. chưa thi xong THPT (thi THPT từ ngày 25 đến 27-6). Ngoài giấy báo trúng tuyển trên, thí sinh này còn nhận được 5 giấy báo trúng tuyển của các trường ĐH khác tại TPHCM.
Giấy báo trúng tuyển gửi cho thí sinh từ ngày 26-6
Một trường hợp khác là thí sinh Nguyễn Hữu Thành (sinh ngày 5-8-2001, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), khi lên trường THPT nhận giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia thì được nhà trường gửi kèm giấy báo trúng tuyển của Trường CĐ Quốc tế TPHCM (ký ngày 10-7) vào hàng loạt ngành. Theo Thành, với kết quả thi của mình (Toán 6,4 điểm, Ngữ văn 5, Ngoại ngữ 7), em đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nhưng không hiểu sao em lại nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường CĐ Quốc tế TPHCM.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ và làm thủ tục nhập học vào các trường ĐH công lập như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Mở TPHCM… nhưng vẫn liên tục nhận được email, điện thoại thông báo trúng tuyển và mời nhập học vào các trường ĐH tư thục khác.
Trong khi đó, hiện nay xuất hiện thêm thông tin mua bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019. Nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM cho biết, có một thông tin từ địa chỉ dltsthpt2019.2@gmail.com gửi vào địa chỉ email tuyển sinh của trường với thông tin: “Kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc và có kết quả. Hiện nay chúng tôi đang có dữ liệu điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 của một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Dữ liệu này rất hữu ích, bao gồm đầy đủ họ tên, số điện thoại, địa chỉ, điểm thi các môn của học sinh và đặc biệt là thông tin chính xác 100% từ sở giáo dục gửi về. Cam kết: bí mật, uy tín và thông tin chính xác. Nếu quý nhà trường có quan tâm, có thể phản hồi lại cho chúng tôi biết”.
Video đang HOT
Phải tuân thủ quy định tuyển sinh
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, dữ liệu điểm thi THPT quốc gia là bí mật và chỉ Bộ GD-ĐT sở hữu, không cung cấp cho các tổ chức, đơn vị nào khác. Ngoài ra, năm 2019, khi cung cấp dữ liệu cho các cơ quan truyền thông để công bố kết quả điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông phải cam kết không được cung cấp dữ liệu cho các đơn vị khác. Do đó, việc rao bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019 và thông tin của thí sinh là vi phạm pháp luật.
Thông tin chào bán dữ liệu thi THPT quốc gia 2019
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TPHCM băn khoăn: “Không hiểu sao các trường có đầy đủ thông tin, địa chỉ, họ tên của thí sinh mà gửi giấy báo trúng tuyển và mời nhập học. Việc làm này gây cho thí sinh hoang mang, mất định hướng và thậm chí chẳng khác nào đi “dụ” thí sinh, nhất là thí sinh ở các tỉnh ít thông tin. Mặt khác, cách làm này của các trường khiến cho tình hình tuyển sinh thêm rắc rối. Rất nhiều thí sinh của trường khi đăng ký xét tuyển tại trường (trường chỉ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2019) đã kèm theo hồ sơ rất nhiều giấy báo trúng tuyển của các trường ĐH dù các em không hề đăng ký”.
Hiệu trưởng một trường ĐH khác cũng cho biết, nhiều trường ĐH đã “bắt tay” với các sở GD-ĐT và các trường THPT để gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh khi đến nhận giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Do đó mới có tình trạng thí sinh “bỗng dưng” trúng tuyển loạn xạ như vậy. Còn trường hợp gọi điện, gửi email chèo kéo, mời gọi nhập học có thể do ngành GD-ĐT lộ thông tin cho các trường. Những việc làm như thế này, nếu Bộ GD-ĐT không có biện pháp xử phạt sẽ khó chấm dứt.
Trong khi đó, giữa lúc thí sinh đang đắn đo điều chỉnh nguyện vọng (từ ngày 22 đến ngày 31-7), nhiều trường đã công bố điểm sàn (điểm đủ điều kiện xét tuyển) trước ngày 22 lại nâng điểm sàn vào các ngày 24 và 25-7. Điều này không tuân thủ đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Đáng nói là theo quy định, việc điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian này (dù phương thức trực tuyến hay bằng phiếu điều chỉnh), thí sinh chỉ được thực hiện một lần duy nhất. Do đó, việc các trường đã công bố điểm sàn một đằng, nay nâng điểm sàn lên một nẻo, chẳng khác nào… đánh đố thí sinh!
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết theo quy định, việc tuyển sinh phải trên cơ sở đăng ký tự nguyện của thí sinh. Nếu xét tuyển điểm học bạ do trường tự xây dựng kế hoạch xét tuyển thì phải cập nhật kết quả tuyển sinh lên hệ thống 2 tháng/lần. Nếu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì thực hiện theo kế hoạch chung, công bố trúng tuyển đợt 1 phải sau 17 giờ ngày 8-8-2019. Các trường không được gửi giấy báo trúng tuyển sai quy định cho thí sinh, không gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không đăng ký xét tuyển vào trường mình. Trường nào không tuân thủ, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý. Nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm (theo Điều 34 Luật Giáo dục ĐH).
THANH HÙNG
Theo SGGP
Củng cố nguyện vọng xét tuyển
Tính đến 17h ngày 26/7, cả nước đã có 190.375 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khối ngành sư phạm.
Nếu thí sinh gặp vướng mắc trong quá trình điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển có thể liên hệ với hotline 18008000 nhánh số 2, hoặc liên hệ với trường đăng ký xét tuyển để được hỗ trợ.
Năm nay, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức trực tuyến cao gấp nhiều lần thí sinh điều chỉnh trực tiếp.
Chỉ một lần điều chỉnh duy nhất
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), cho biết về cơ bản, hệ thống vận hành và tương tác ổn định. Số thí sinh điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến có 147.553 thí sinh, điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu có 42.822 thí sinh. Như vậy, có thể thấy năm nay, số thí sinh điều chỉnh NV xét tuyển bằng phương thức trực tuyến cũng chiếm áp đảo, cao gấp nhiều lần thí sinh điều chỉnh trực tiếp. Trong đó, có 43 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên và 62 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.
Một số sai sót của thí sinh vẫn gặp phải trong quá trình điều chỉnh là đã thực hiện điều chỉnh online nhưng không biết quy định chỉ được điều chỉnh một lần. Một số khác không có nhu cầu điều chỉnh NV nhưng không biết có phải khẳng định lại NV hay không. Từ những thực tế này, bà Phụng lưu ý với thí sinh nếu có nhu cầu điều chỉnh NV, điều chỉnh chế độ ưu tiên tuyển sinh mới cần tham gia điều chỉnh. Những năm trước, có khoảng 60% thí sinh không điều chỉnh NV. Lý do có thể là do ngay từ đầu công tác tư vấn, hướng nghiệp chọn trường, chọn ngành tại các trường THPT đã được làm rất kỹ, rất sát từ phía giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đến các đơn vị phối hợp. Nhiều em từ đầu đã xác định được đúng ngành học, đúng môi trường học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân nên việc điều chỉnh là không cần thiết..
Hiện nay, các trường ĐH trên cả nước đều đã công bố ngưỡng sàn xét tuyển vào các ngành, đây là một trong những cơ sở quan trọng để thí sinh cân nhắc điều chỉnh NV xét tuyển. Năm nay, trừ khối ngành sư phạm và sức khỏe, Bộ GDĐT cho phép các trường tự xác định điểm sàn. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy điểm sàn nhiều trường, nhiều ngành không gần với điểm chuẩn trúng tuyển, thậm chí thấp hơn từ 5-7 điểm nên thí sinh cần căn cứ thêm cả vào điểm chuẩn các năm trước của ngành/trường mình đăng ký để cân đối NV.
Đối với một số trường lấy điểm sàn thấp "chạm đáy", TS Phụng cho rằng việc xác định điểm sàn là thẩm quyền của các trường. Năm nay, số ngành có mức sàn thấp chiếm khoảng 9% số lượt ngành đang được các trường đào tạo nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này thường rất thấp, không đến 9% chỉ tiêu tuyển sinh. Trường chủ yếu là các trường đóng ở địa bàn xa trung tâm, không hấp dẫn đối với người học. Ở các vùng đó, mặt bằng điểm thi của thí sinh cũng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, còn có một số trường đầu ngành về chất lượng nhưng đào tạo nhóm ngành bị xã hội cho là không hấp dẫn như nông lâm, thủy lợi... nên cũng phải đặt mức điểm sàn thấp. Bộ GDĐT sẽ có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với những trường tuyển điểm sàn thấp...
Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường này khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; sẽ xử phạt thật nghiêm đối với các trường vi phạm, công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn.
Nhập học hay chờ?
Trong khi thí sinh vẫn đang thực hiện điều chỉnh NV nhưng hàng loạt trường đã công bố danh sách trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ phổ thông. Đi kèm với đó là mốc thời gian các trường yêu cầu nhập học thường rơi vào tháng 7, trong khi thời gian xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia năm nay rơi vào đầu tháng 8. Chính vì vậy, một số thí sinh băn khoăn có nên nhập học ngay hay chờ kết quả xét tuyển bằng thi THPT quốc gia?
Theo các chuyên gia, thực tế, mỗi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều NV nhưng các em chỉ được nhập học vào một ngành duy nhất. Điều này đòi hỏi các em phải thực sự cân nhắc để có lựa chọn chuẩn xác. Nếu như việc trúng tuyển bằng học bạ hay bất kỳ phương thức nào khác mà đúng ngành nghề các em đã thích, đã chọn, các em nên nhập học. Nếu các em chần chừ có thể tuột mất cơ hội vào ngành nghề mình yêu thích.
Theo quy định của Bộ GDĐT, việc thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/8 theo phương thức trực tuyến. Bộ yêu cầu các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung.
Đặc biệt, sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 8/8, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức. Tuy nhiên, mấy ngày nay, một số trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển năm 2019 bằng kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT đang yêu cầu các trường này báo cáo cụ thể sau đó sẽ có hướng xử lý vì như vậy là vi phạm quy chế tuyển sinh.
Trước đó, ĐH Luật TP HCM đã công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường, trong đó điểm chuẩn các ngành theo từng tổ hợp xét tuyển được tính theo công thức gồm: 10% điểm học bạ 60% điểm thi THPT quốc gia và 30% điểm kiểm tra năng lực do nhà trường tổ chức. Đây là một trong những trường đầu tiên trên cả nước công bố điểm chuẩn có liên quan đến điểm thi THPT quốc gia. Ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là 23 và mức điểm thấp nhất là 17.
Thu Hương
Theo daidoanket
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Nên chọn ngành nghề phù hợp với sở trường Từ ngày 22/7 - 31/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến và phiếu đăng ký xét tuyển. Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2019 được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã có những lưu...