Dự kiến giảm môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngay sau khi được công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của dư luận xã hội.
Ngày 20/5, Bộ GD&ĐT kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (công bố ngày 12/4).
Qua tổng hợp của ban soạn thảo chương trình, các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo. Dự thảo được đánh giá có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, tiếp cận xu hướng quốc tế; xây dựng được những môn học và hoạt động giáo dục có tính tích hợp khá hợp lý; cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm.
Sau khi tổng kết những đóng góp của giới chuyên môn và dư luận xã hội, ban soạn thảo chương trình đã tiếp thu ý kiến việc điều chỉnh số môn học đã công bố trong dự thảo.
Theo đó, hệ thống môn học, hoạt động và thời lượng giáo dục trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi. Điều chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Số lượng môn, số tiết từng môn học cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm tải.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ giảm một số môn học đã công bố trong dự thảo trước đó. Ảnh cắt từ clip.
Ở cấp tiểu học, điều chỉnh thiết kế hướng tới dạy học 2 buổi/ngày. Các trường chỉ có điều kiện dạy học một buổi/ngày sẽ được thiết kế chương trình để thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi bắt buộc thống nhất trên toàn quốc.
Đối với bậc THCS, mỗi lớp học 29 tiết/tuần (lớp 8 và lớp 9 giảm được một tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4).
Video đang HOT
Cấp THPT bắt đầu thực hiện phân hóa, tự chọn môn học ngay từ lớp 10. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Giáo dục thể chất (tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn), Giáo dục Quốc phòng – An ninh và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ban soạn thảo cũng sẽ điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc tự chọn ở lớp 10, 11, 12, thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành các biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý ở cơ sở, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện được chương trình mới.
Theo Zing
Dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông: Những tâm tư ngổn ngang
Bà Trần Thúy Hằng (từng dạy tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho rằng tư duy giáo viên không mở, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khó thành công.
Trong buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn ra chiều 12/5 do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tổ chức, nhiều chuyên gia tâm huyết với giáo dục đặt ra những câu hỏi về đổi mới.
Triết lý giáo dục là gì?
Đó là câu hỏi canh cánh trong suốt hơn 20 năm qua đối với không ít người nghiên cứu về giáo dục Việt Nam. Giới chuyên gia đã không ít lần bày tỏ ý kiến, tranh luận về triết lý giáo dục. Nhưng điều đáng buồn là đến nay, nó vẫn còn rất mơ hồ.
Ông Giản Tư Trung bày tỏ quan điểm về triết lý giáo dục. Ảnh: Minh Nhật.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện IRED, đặt vấn đề liệu có nên cụ thể hóa triết lý giáo dục dưới hình thức từ ngữ hay không, và nếu có, thì nó là gì? Theo ông Trung, để hình dung về triết lý giáo dục, mỗi người phải tự trả lời 3 câu hỏi: "Thế nào là con người?", " Mình muốn trở thành con người như thế nào?" và "Làm sao để trở thành con người đó?".
Ông cũng cho rằng triết lý giáo dục chính là hiện thực hóa những hình dung, mong muốn về con người và xã hội tương lai.
Ông Trung cũng thẳng thắn thừa nhận giáo dục không thể tự vận động và thay đổi mà cần có sự thay đổi đồng bộ cùng các mặt khác của xã hội.
"Chúng ta yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Nhưng, đổi mới căn bản là đổi mới cái gì, đổi mới toàn diện ra sao? Theo tôi, đổi mới căn bản phải là đổi mới về tư tưởng, không đổi mới tư tưởng thì không có gì mới hết. Phải đổi mới tư tưởng của những người hiện thực hóa tư tưởng, đó chính là đổi mới toàn diện", Viện trưởng IRED nêu quan điểm.
Đội ngũ giáo viên chưa sẵn sàng
Giáo viên là một trong những chủ thể quan trọng của đổi mới giáo dục nhưng vai trò của người giáo viên lại không được thể hiện một cách rõ ràng trong dự thảo lần này.
Bà Trần Thúy Hằng (từng là giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Tư duy giáo viên không mở, dự thảo chắc chắn không thành công".
Bà cho rằng chính áp lực điểm số, thi cử khiến giáo viên không thể và không dám tư duy mở.
Bà Trần Thúy Hằng chia sẻ câu chuyện từ chính quá trình giảng dạy của mình. Ảnh: Minh Nhật.
Có một thực tế rằng giáo viên dạy hay nhưng học trò thi chưa chắc điểm cao. Bởi lẽ, những điều thầy cô dồn tâm huyết để chuyển tải đến các em lại không có trong đề thi. Vậy, làm sao thầy cô dám dạy mở? Giáo viên không dám đặt câu hỏi mở đồng nghĩa học sinh không thể tư duy mở.
Bà Hằng đề nghị Bộ GD&ĐT hãy để thầy cô được tự do giảng dạy, được chủ động quyết định chương trình chi tiết và phương pháp của mình. Các giáo viên như bà mong muốn được tập huấn nhiều hơn, nhưng không phải về chương trình mà là phương pháp, cách nhìn nhận, tiếp cận tư duy mở.
Bên cạnh những băn khoăn về nội dung của dự thảo, nhiều chuyên gia, giáo viên, phụ huynh cũng lo ngại về thời gian áp dụng dự kiến ban đầu của Bộ GD&ĐT là năm 2018.
Các vị phụ huynh đặt câu hỏi về lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới từ đâu mà có? Chúng ta có quá vội vàng, trong khi đến năm 2019, đội ngũ giáo viên được đào tạo để giảng dạy chương trình này mới ra trường và hiện tại cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy?
Trên cương vị là người đào tạo giáo viên, cũng vừa là phụ huynh, bà Nguyễn Thị Thu Trang (giảng viên khoa Hóa, ĐH Sư phạm TP.HCM) hoài nghi về chất lượng của đội ngũ giáo viên kế cận.
"Tôi khẳng định 100% sẽ không giáo viên nào có thể dạy học sinh cách sáng tạo. 100% học sinh sẽ không có không gian để sáng tạo nếu áp dụng chương trình đổi mới ngay từ năm 2018", nữ giảng viên nêu quan điểm.
Các ý kiến đều cho rằng nên có khoảng thời gian tương đối để xem xét thấu đáo vì giáo dục không thể thử nghiệm trên chính cuộc đời và số phận của con em chúng ta.
Theo Zing
Chương trình giáo dục phổ thông: Đừng làm kiểu bình mới rượu cũ Chương trình giáo dục phổ thông nếu chỉ thay đổi tên môn học, không khắc phục được những nhược điểm cũ thì rõ ràng không có lý do để tồn tại. Đó là nhận định của thạc sĩ Lê Minh Tiến, tốt nghiệp thủ khoa khoa Xã hội học - ĐH KHXH&NV TP.HCM, lấy bằng thạc sĩ Xã hội học tại Bỉ, hiện...