Dự kiến điểm chuẩn của một số trường Đại học, Cao đẳng 2015
Điểm chuẩn dự kiến đã được nhiều trường Đại học, Cao đẳng công bố.
Thí sinh hào hứng khi xem điểm chuẩn
Sau đây là dự kiến điểm chuẩn năm 2015 của một số trường Đại học, Cao đẳng:
1. Trường Đại học Y Hà Nội
Trường Đại học Y Hà Nội yêu cầu thí sinh xét tuyển Đại học hệ Bác sỹ (Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học Cổ truyền, Y học dự phòng) phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ tại THPT của 3 môn Toán, Hóa, Sinh 21 điểm.
Đối với hệ Cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ): Thí sinh phải có tổng điểm trung bình của 3 môn Toán, Sinh, Hóa 18 điểm ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Năm 2014, điểm chuẩn thấp nhất vào Đại học Y Hà Nội là 22 điểm, cao nhất là 26,5 điểm.
2. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Về điểm chuẩn, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường sẽ tương đương mức năm ngoái; điểm chuẩn có khả năng chỉ giao động từ 15 – 17 điểm.
Năm 2014, điểm thấp nhất để vào trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là 13,5; điểm cao nhất là 19.
3. Trường Đại học Quốc tế TP.HCM
Trong đợt xét tuyển Đại học 2015, trường Đại học Quốc tế TP.HCM sẽ tuyển 1.150 chỉ tiêu các ngành do trường này cấp bằng và 1.000 chỉ tiêu các các ngành đào tạo liên kết với các ĐH nước ngoài. Theo dự kiến, điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường sẽ cao hơn năm ngoái.
Năm 2014, điểm thấp nhất để vào Đại học Quốc tế TP.HCM là 16 điểm, cao nhất là 20,5 điểm.
4. Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển sinh trong cả nước với 3300 chỉ tiêu. Phương thức tuyển sinh Đại học 2015 được dựa vào điểm thi THPT Quốc gia và kết quả thi các môn năng khiếu do trường tổ chức để xét tuyển.
Điều kiện xét tuyển: Tốt nghiệp THPT; có hạnh kiểm các học kỳ ở bậc THPT đều đạt loại khá trở lên. Điểm xét tuyển: Xét tuyển theo ngành và tổ hợp các môn thi; các ngành có môn thi chính: điểm môn thi chính nhân hệ số 2.
Điều kiện dự thi vào các ngành thuộc khối ngành sư phạm: Không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp, thể hình: nam cao 1,55 m; nữ cao 1,50 m trở lên. Điều kiện dự thi vào ngành Giáo dục thể chất về thể hình: Nam: cao 1,65m, nặng 50 kg trở lên; Nữ: cao 1,55m, nặng 45 kg trở lên.
Môn thi năng khiếu ngành Giáo dục thể chất: Chạy cự ly ngắn, lực kế bóp tay, bật xa tại chỗ. Môn thi năng khiếu các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục đặc biệt: Đọc, kể diễn cảm và hát.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM thấp nhất là 15 điểm, cao nhất là 30,5 điểm (hệ số 2).
5. Trường Đại học Tây Bắc
Theo hiệu trưởng trường Đại học Tây Bắc Nguyễn Văn Bao thì năm nay nhà trường tuyển sinh theo đề án riêng, trong đó, căn cứ kết quả học tập tại trường THPT của học sinh để xét tuyển vào các ngành không thuộc khối ngành Sư phạm.
Các ngành thuộc khối ngành Sư phạm sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trường cũng đang tính ngưỡng điểm nộp hồ sơ và dự kiến điểm chuẩn sẽ cao hơn mọi năm.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Tây Bắc thấp nhất là 13 điểm, cao nhất là 14,5 điểm.
6. Trường Đại học Hàng Hải
Theo dự kiến sẽ có một số ngành của trường Đại học Hàng Hải có ngưỡng điểm cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Năm 2015, trường tuyển 3.200 chỉ tiêu với dụ kiến tuyển 100% nguyện vọng 1.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Hàng Hải thấp nhất là 13,5 điểm, cao nhất là 19,5 điểm.
7. Trường Đại học Thủy lợi
Trường Đại học Thủy lợi dự kiến sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng tối thiểu mà Bộ GD&ĐT quy định. Sau đó, trường sẽ xét theo độ dốc để công bố điểm trúng tuyển vào trường với 3.500 chỉ tiêu.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Thủy lợi thấp nhất là 15 điểm, cao nhất là 18 điểm.
8. Trường Đại học Nội vụ
Video đang HOT
Trường Đại học Nội vụ dự kiến lấy điểm thi từ mức sàn Bộ GD&ĐT công bố từ cao xuống thấp cho đến khi hết khi hết 2000 chỉ tiêu.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Đại học Nội vụ thấp nhất là 14 điểm, cao nhất là 17 điểm.
9. Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Phương án tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế quốc dân có yêu cầu điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ ít nhất 2 điểm.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Kinh tế quốc dân thấp nhất là 19 điểm, cao nhất là 24 điểm.
10. Học viện Tài chính
Trường Học viện Tài chính xét tuyển đầu vào theo từng ngành; điểm chuẩn của từng ngành sẽ cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo ít nhất 2 điểm.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Học viện Tài chính thấp nhất là 20,5 điểm, cao nhất là 24,5 điểm.
11. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ sơ loại thí sinh bằng hình thức yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 03 môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20 trở lên.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Đại học Bách khoa Hà Nội thấp nhất là 18 điểm, cao nhất là 23,5 điểm.
12. Trường Đại học Điện lực
Dự kiến điểm trúng tuyển vào trường Đại học Điện lực năm nay sẽ cao hơn so với năm 2014. Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Điện lực thấp nhất là 10 điểm, cao nhất là 20 điểm.
13. Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
Năm 2015, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT với 80% chỉ tiêu nguyện vọng 1; chỉ tiêu của trường là 3.000 sinh viên.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam thấp nhất là 10 điểm, cao nhất là 17,5 điểm.
14. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ loại thí sinh bằng cách yêu cầu thí sinh phải có hạnh kiểm 6 học kỳ đều đạt loại khá trở lên. Dự kiến, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay sẽ cao hơn năm 2014. Môn Toán sẽ nhân hệ số 2 ở tất cả các ngành.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội thấp nhất là 17 điểm, cao nhất là 25 điểm.
15. Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM)
Theo lãnh đạo của trường, những năm trước điểm chuẩn vào trường này thường cao hơn so với mặt bằng chung. Năm nay, đề thi dễ hơn nên điểm chuẩn cũng sẽ tăng lên. Sau ngày 1/8, trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, chuyên ngành lên trang web.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP.HCM thấp nhất là 16 điểm, cao nhất là 24 điểm.
16. Đại học Luật TP.HCM
Trường Đại học Luật TP.HCM sẽ tổ chức hậu tuyển sau khi có điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Điểm đầu vào của tân sinh viên sẽ được lấy 60% từ điểm thi THPT quốc gia, 20% điểm từ học bạ ở 3 năm học THPT và 20% từ bài khảo sát năng lực đầu vào do trường tổ chức. Điểm chuẩn của trường này cũng sẽ cao hơn năm trước.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Đại học Luật TP.HCM thấp nhất là 19 điểm, cao nhất là 22 điểm.
17. Đại học Nông lâm TP.HCM
Năm 2014, điểm chuẩn khối A, A1, D1 của trường này từ 16 đến 18, khối B từ 17 đến 21 điểm; năm nay điểm chuẩn sẽ cao hơn.
Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Nông lâm TP.HCM thấp nhất là 16 điểm, cao nhất là 21 điểm.
18. Đại học Y dược TP.HCM
Trường Đại học Y dược TP.HCM dự kiến điểm chuẩn sẽ tương đương hoặc thấp hơn các năm trước do đề thi môn Hóa, Sinh quá dài và khó.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Đại học Y dược TP.HCM thấp nhất là 18,5 điểm, cao nhất là 26 điểm.
19. Đại học Vinh
Năm 2015, trường Đại học Vinh tuyển sinh trong cả nước với 5150 chỉ tiêu Đại học hệ chính quy, trong đó có 900 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm. Trường Đại học Vinh lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia làm căn cứ xét tuyển; Điểm trúng tuyển theo ngành. Ngành Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch), ngành Công tác xã hội và các ngành Sư phạm chỉ tuyển những thí sinh có thể hình cân đối, không bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp.
Riêng các ngành đào tạo sư phạm: Ngoài kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh phải có hạnh kiểm của 3 năm học (Lớp 10,11,12 ) THPT đạt từ loại Khá trở lên. Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Vinh thấp nhất là 13,5 điểm, cao nhất là 21 điểm.
20.ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm xét tuyển 2015
ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm xét tuyển đại học chính quy năm 2015. Theo đó, điểm ngưỡng vào các trường thành viên, vào các khoa khác nhau. Đặc biệt, điểm ngưỡng xét tuyển vào Khoa Y – Dược cao nhất là 85 điểm.
Thời gian đăng ký xét tuyển:
Đợt 1: Từ ngày 08/6/2015 đến 16h30 ngày 25/6/2015
Đợt bổ sung: Từ ngày 10/8/2015 đến 16h30 ngày 25/8/2015
Thí sinh ĐKXT theo một trong hai hình thức sau: Gửi qua đường bưu điện theo hình thức thư bảo đảm chuyển phát nhanh; Nộp trực tiếp cho Hội đồng Tuyển sinh (HĐTS) của đơn vị đào tạo có nguyện vọng học.
21. Điểm chuẩn dự kiến của Học viện Ngân hàng năm 2015
Học viện Ngân hàng vừa công bố xét tuyển 3.600 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy năm 2015 và điều kiện tuyển sinh.
Ở bậc đại học: Học viện dành 10% chỉ tiêu đối với thí sinh tuyển thẳng hàng năm (300CT). Với thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học chuyên quốc gia (một trong các môn toán, tin học, vật lý, hoá học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển (của Học viện Ngân hàng) trong 3 năm phổ thông trung học đạt từ 7,0 điểm trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.
Bậc cao đẳng: Học viện Ngân hàng dành 10% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của bậc cao đẳng (60 CT) để xét tuyển thẳng cho các thí sinh quốc tịch Việt Nam đã tốt nghiệp phổ thông trung học có điểm trung bình chung từng năm của ba năm phổ thông trung học đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Xét tuyển căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia
Bậc đại học: Học viện dành 90% chỉ tiêu hàng năm để xét tuyển đối với thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng về một trong các phương án tổ hợp, cụ thể như sau:
Môn Toán, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Môn Toán, môn Vật lý và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Môn Toán, môn Hóa học và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh);
Môn Toán, môn Vật lý và môn Hóa học.
Riêng các thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh phải có một môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển là Ngoại ngữ (tiếng Anh) thuộc các phương án tổ hợp trên.
Bậc cao đẳng: Học viện Ngân hàng xét tuyển đối với các thí sinh quốc tịch Việt Nam đáp ứng các tiêu chí như sau: Thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm xét tuyển đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng đối với trình độ cao đẳng về một trong các phương án tổ hợp như trên.
Vùng tuyển sinh: Trụ sở Hà Nội tuyển sinh trong cả nước, Phân viện Phú Yên tuyển sinh khu vực các tỉnh phía Nam (từ Quảng Trị vào).
22. Học viện Tài chính
Học viện Tài chính sẽ xét tuyển theo từng ngành, điểm trúng tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.
Năm 2014, điểm chuẩn vào Học viện Tài chính thấp nhất là 20,5 điểm, cao nhất là 24,5 điểm.
23. Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thông báo điều chỉnh điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học 2015. Thí sinh tham dự xét tuyển đại học 2015 vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần có kết quả điểm chuẩn xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm THPT đạt 6,0 trở lên; Hạnh kiểm 3 năm THPT xếp loại Khá trở lên.
Theo Nguoidiatin
Thí sinh trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển bổ sung
Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa được công bố, thí sinh sẽ được phát 4 phiếu kết quả thi. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Sau khi tiếp thu ý kiến người dân, chiều tối 26/2, Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Theo đó, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ phải xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học.
Các trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển phải xác định và công bố công khai thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.
Kết quả thi ở trường tổ chức thi riêng không được xét tuyển vào trường khác
Các trường và nhóm trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp. Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc ra đề thi, coi thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; cũng như giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.
Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác nhưng phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường.
Bộ Giáo dục quy định, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.
Muốn thay đổi khối thi phải báo trước 3 năm
Nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là phải duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước để xét tuyển.
Nếu các trường muốn thay đổi các khối thi truyền thống hoặc các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển thì phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển, các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Thí sinh mùa tuyển sinh 2014.
Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển, tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Bộ sẽ xác định ngưỡng chất lượng đầu vào
Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ Giáo dục sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước
Theo quy định của quy chế, các trường đại học, cao đẳng tổ chức nhận và trả hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh theo nguyện vọng. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được giao về trường), hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển. Có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành.
Các trường phải cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường phải công bố và gửi lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển đợt tiếp theo
Thí sinh sẽ được phát 4 phiếu kết quả thi. Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Nếu sau đợt xét tuyển 1 chưa đỗ, thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Bộ Giáo dục yêu cầu thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Và các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Xét tuyển bằng kết quả THPT, điểm trung bình không dưới 6
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).
Trường ĐH, CĐ đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ CĐ, phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ GD&ĐT chấp thuận.
Theo VNE