Du khách mắc kẹt trên biển gần 1 tháng vì biên giới các nước đóng cửa
Ông Leesan đã chia sẻ với tờ The Star về hành trình khám phá Nam Cực và mắc kẹt trên biển trong 24 ngày do biên giới các nước đóng cửa vì dịch bệnh.
Mới đây, trang The Star đã đăng tải câu chuyện của một du khách Malaysia bị mắc kẹt 24 ngày trên biển trong chuyến hành trình khám phá Nam Cực. Ông Leesan cho biết đã cùng với những hành khách khác chung du thuyền lênh đênh trên biển khoảng 9.100 km.
“Mọi người đều muốn trở về nhà, không ai muốn tới điểm đích ban đầu nữa”, du khách Malaysia kể lại.
Tin sét đánh trong hành trình đáng mong đợi
Mọi chuyện không hay bắt đầu xảy ra khi du thuyền vừa hoàn thành 15 ngày thám hiểm Nam Cực. Theo kế hoạch ban đầu, hành trình ông Leesan tham gia sẽ từ Nam Cực đi qua Bắc Đại Tây Dương, tới châu Phi và kết thúc tại Pháp.
Sau những ngày khám phá Nam Cực, cả đoàn đang hào hứng tới điểm tiếp theo thì nhận được tin sét đánh từ thuyền trưởng. Vị này thông báo rằng toàn bộ du thuyền sẽ gặp khó khăn lúc cập bến đất liền vì dịch Covid-19 đã thay đổi cả thế giới trong 15 ngày vừa qua – thời điểm đoàn du khách đang ở Nam Cực.
“Mọi thứ đã thay đổi, thế giới 15 ngày trước chúng ta biết đã không còn nữa”, ông Leesan kể lại khoảnh khắc nhận tin dữ.
Con tàu gần cập cảng Montevideo ở Uruguay, nhưng đã bị chính quyền từ chối. Ảnh: Leesan.
Du khách Malaysia nói rằng Covid-19 đã làm xáo trộn cuộc sống, khiến cả thế giới sống trong căng thẳng. “Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, kiểm soát nghiêm việc xuất nhập cảnh, đồng nghĩa với việc du thuyền của tôi có khả năng không thể cập bến”, The Star thuật lời ông Leesan. Vị khách này cũng cho biết thêm cả du thuyền đều sững sờ, hoảng hốt khi nhận tin dữ từ thuyền trưởng.
Trong khoảnh khắc biết tin xấu sắp xảy đến, những người có mặt trên du thuyền lúc đó đều cảm thấy nhớ nhà, muốn về với gia đình nhanh nhất có thể vì họ cảm thấy thảm họa sắp xảy ra.
Những hành khách châu Âu có mặt tại du thuyền đều rên rỉ trong tuyệt vọng khi đọc tin nhiều quốc gia tại lục địa già này đóng cửa hoàn toàn biên giới, các vị khách đứng trước nguy cơ không thể về nhà.
Ông Leesan cho hay khi nhận tin dữ ông tự trấn an bản thân bằng cách nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa. Tuy nhiên, vị khách bắt đầu lo lắng khi đọc tin dịch Covid-19 đang lan rộng ở Malaysia – quê hương ông.
Video đang HOT
Theo dự tính ban đầu, sau 15 ngày ở Nam Cực, du thuyền thám hiểm sẽ cập bến Nam Mỹ. Tuy nhiên, những quốc gia tại đây cũng đang gồng mình chống chọi dịch bệnh. Ông Leesan băn khoăn liệu các nước Nam Mỹ có đóng cửa biên giới và người dân địa phương có coi du khách trên tàu là những nhân tố mang theo mầm bệnh.
Mọi chuyện càng trở nên rối ren hơn khi thuyền trưởng thông báo lần nữa với hành khách: “Đã quá muộn để cập cảng tại bất kỳ quốc gia nào”.
Mắc kẹt giữa biển
“Tôi và các bạn đồng hành chỉ vừa ghé Nam Cực được 15 ngày vậy mà mọi thứ đã đảo lộn. Mọi chuyện thật khó tin khi cả thế giới thay đổi chóng mặt chỉ trong nửa tháng”, ông Leesan nhớ lại cảm giác lo lắng khi biết tin biên giới các nước đồng loạt đóng cửa.
Trước tình hình khó khăn, những du khách trên du thuyền đều mong mỏi sẽ được vào đất liền sớm. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với họ. Ngày 13/3, khi chỉ còn cách cảng Montevideo (Uruguay) chưa đầy 2 km, chính phủ nước này thông báo lệnh đóng cửa biên giới khẩn cấp.
Trong khoảnh khắc đó, ông Leesan đã có suy nghĩ: “Tại sao cả thế giới lại quay lưng với chúng tôi khi chúng tôi vô hại và đang đối mặt với tình huống nguy cấp. Dù hiểu rằng việc đống cửa biên giới là cần thiết trong bối cảnh chung nhưng khi đó chúng tôi thực sự tuyệt vọng”.
Du khách kém may mắn đã miêu tả khoảng thời gian mắc kẹt trên biển giống như một bộ phim tâm lý đan cài nhiều nút thắt nghẹt thở, hoảng loạn.
Sau hai ngày đàm phán với chính quyền Uruguay, du thuyền vẫn không được phép cập cảng ở Montevideo. Sau đó, cả đoàn được trấn an tinh thần khi có thông báo Argentina đồng ý cho cập cảnh.
Tối 16/3, thuyền trưởng ngay lập tức ra lệnh thay đổi hướng về phía bắc, đến Argentina. Các hành khách có mặt trên thuyền reo hò trong niềm vui, bắt tay, trao nhau những cái ôm vì được cứu sống. Tuy nhiên, niềm vui đến và ở lại không quá nửa giờ, Argentina đột ngột thông báo lệnh đóng cửa khẩn cấp.
Khi đang tiến đến Argentina, thuyền trưởng nhận được tin nước này tuyên bố đóng cửa khẩn cấp. Ảnh: Leesan.
Nhiều du khách đã lên kế hoạch trở về nước từ cảng Buenos Aires (Argentina) và nhận lại sự hụt hẫng, lo âu. Cùng lúc đó, Malaysia ban bố lệnh đóng cửa quốc gia, hạn chế người dân di chuyển.
Theo The Star, thời điểm đó cũng có hàng trăm tàu du lịch và các chuyến bay trên thế giới mắc kẹt tại nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia cũng đồng loạt đóng cửa để phòng dịch. Hàng nghìn du khách trong đó có những du khách trên chuyến tàu khám phá Nam Cực không thể trở về đoàn tụ cùng gia đình, chịu cảnh bơ vơ nơi đất khách, thậm chí lênh đênh nhiều ngày dài giữa biển khơi.
Được cứu ở Brazil
Niềm an ủi nhỏ nhoi duy nhất của những hành khách mắc kẹt là du thuyền vẫn đảm bảo sự an toàn cho mọi người. Du khách được cung cấp đủ thực phẩm, nước sạch, tiếp tục cuộc hành trình dọc bờ biển Đại Tây Dương của Nam Mỹ để cập cảng ở Brazil.
Trường hợp tồi tệ nhất xảy ra là Brazil từ chối cứu giúp. Du thuyền sẽ phải tiếp tục qua Đại Tây Dương đến mũi Verde (châu Phi) để tiếp tế nhu yêu phẩm, sau đó thực hiện hành trình dài 1.075 km trong 21-30 ngày tới Pháp.
Du thuyền cuối cùng cũng được cập cảng tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Leesan.
Ông Leesan cùng các hành khách khác đã lênh đênh trên biển 24 ngày liên tiếp, trải qua hành trình dài 9.100 km, tính thêm các chặng bay đầu, tổng hành trình là 28.970 km. Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần cho tình huống xấu nhất xảy ra, các hành khách đều mong mỏi sớm được trở về nhà mà không tới Pháp.
Đến ngày 24/3, nhờ sự giúp đỡ của đại sứ quán Malaysia ở Brazil, ông Leesan đã về nhà an toàn. Cũng trong ngày hôm đó, Brazil đưa ra thông báo đóng cửa biên giới.
Bích Phương
Hàng nghìn du khách mắc kẹt tại nhiều nơi ở châu Á
Biên giới các quốc gia đóng cửa, nhiều chuyến bay bị hủy là nguyên nhân khiến nhiều khách du lịch bị kẹt lại tại các điểm du lịch khắp châu Á.
Tờ Time đưa tin kỳ nghỉ ở Everest (Nepal) hay tại những bãi biển ngập nắng ở Thái Lan lại trở thành cơn ác mộng du lịch với nhiều du khách khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Ksenia Vostriakova (du khách Nga) và bạn cô đã lên kế hoạch bay từ Thái Lan về Moscow (Nga) trên chuyến bay Singapore Airlines vào ngày 3/4, nhưng chuyến bay đã bị hủy. Họ phải đặt chuyến bay khác của hãng Qatar Airways vào ngày 6/4 và tới đây hy vọng không có sự cố xảy ra lần nữa.
Hàng trăm du khách đang chờ gia hạn visa tại cục quản lý xuất nhập cảnh ở Bangkok (Thái Lan) hôm 27/3. Ảnh: AP.
"Hiện, chúng tôi lo chuyến bay sắp tới có khả năng cao bị hủy và phải tiếp tục ở lại Thái Lan, trong khi thị thực Thái Lan của nhóm tôi sẽ hết hạn vào giữa tháng 4 này", Vostriakova bày tỏ sự lo lắng.
Chính phủ Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong tuần vừa qua để đối phó với đại dịch Covid-19. Quốc gia từng đón 39 triệu khách du lịch năm 2019, đã tuyên bố đóng cửa biên giới, hạn chế tối đa người nước ngoài nhập cảnh. Hãng hàng không Thai Airways cũng tạm dừng hầu hết chuyến bay.
Việc các hãng hàng không dừng khai thác chuyến bay diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Hội đồng sân bay quốc tế châu Á - Thái Bình Dương cho biết lưu lượng hàng không của 12 sân bay lớn trong khu vực hơn 80% trong tuần thứ hai của tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Nepal, khoảng 10.000 du khách đang mắc kẹt khi chính phủ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay và phong tỏa đường bộ để ngăn chặn dịch Covid-19, theo số liệu từ Tổng cục du lịch nước này. Hàng năm, mùa xuân là đợt cao điểm du lịch ở Nepal khi du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây tham quan.
Tại sân bay Lukla, cửa ngõ duy nhất tới Everest, khoảng 200 hành khách đang mắc kẹt, quan chức sân bay này cho biết. Nếu di chuyển theo đường cao tốc, du khách cũng phải mất ít nhất 3 ngày mới xuống chân núi. Chính phủ Nepal đang sắp xếp những chuyến bay đặc biệt để đưa du khách mắc kẹt đến thủ đô Kathmandu và tiếp tục lên phương án.
"Chúng tôi dự định về nước vào ngày 21/3, nhưng chúng tôi vẫn kẹt ở Nepal và chờ đại sứ quán can thiệp giúp đỡ", ông Lee Kuan, du Malaysia cho biết.
Hôm 27/3, chính phủ Đức đã điều một chuyến bay cứu hộ tới Nepal, đưa 305 người - chủ yếu là công dân Đức về nước. Tại Kathmandu, đường phố vắng vẻ, một số ít khách sạn, nhà hàng vẫn mở cửa để phục vụ du khách. Công dân Nepal được yêu cầu hạn chế di chuyển ngoài đường.
Trong khi đó, Sri Lanka sẵn sàng lên kế hoạch trợ giúp khoảng 18.000 du khách trở về nhà thông qua các chuyến bay đang hoạt động hoặc theo chuyến bay điều lệ trong trường hợp cần thiết.
Mặc dù được phép gia hạn visa tự động, nhiều du khách vẫn xếp hàng làm thủ tục ở văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại Bali, Indonesia. Ảnh: AP.
Tại Indonesia, hơn 2.500 khách du lịch nước ngoài đã bị mắc kẹt ở Bali. Du khách được phép đăng ký gia hạn visa trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp các văn phòng xuất nhập cảnh. "Visa của tôi sẽ hết hạn sau vài ngày nữa. Đây là một thông báo tốt với những người đang bị kẹt lại như tôi", anh Ruben Evert Ernsr, du khách Đức cho biết.
Trái lại, hàng trăm du khách ở Thái Lan phải gia hạn visa trực tiếp tại các phòng xuất nhập cảnh. Điều này làm dấy lên lo ngại lây lan virus với những du khách không thực hiện khoảng cách an toàn khi tụ tập nhóm đông làm thủ tục.
Hiện, khoảng 500.000 du khách quốc tế đang ở Thái Lan có thể rơi vào tình trạng quá hạn thị thực và không thể trở về bởi các nước châu Âu đang phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Bích Phương
Những bức ảnh không thể bỏ qua trong mùa dịch Covid-19 Trong mùa dịch Covid-19, xuất hiệu nhiều hình ảnh ấn tượng, trong đó có thông điệp về niềm hy vọng, lạc quan được chiếu sáng trên sườn núi Matterhorn, Thụy Sĩ. (Ảnh: AP) Ngọn núi Matterhorn, ở Zermatt (Thụy Sĩ), được dàn dựng bởi nghệ sĩ ánh sáng Gerry Hofstetter, người Thụy Sĩ, chuyển tải thông điệp về hy vọng, sự hỗ trợ...