Du học từ cấp ba tìm đường đến đại học danh tiếng
Chọn học cấp ba ở nước ngoài, nhiều du học sinh phải vượt qua khó khăn để sống tự lập. Không ít trong số họ trưởng thành sớm và giành học bổng đại học danh tiếng.
Học cách tự lập để trưởng thành
Rời Việt Nam từ năm 16 tuổi, Nguyễn Khánh Vân (SN 1997) bắt đầu cuộc sống của một du học sinh tại trường trung học Notre Dame (Mỹ). Buổi sáng của nữ sinh bắt đầu sớm hơn bạn bè cùng lớp vì nơi ở cách xa trường một giờ đi xe. Hàng ngày, cô cũng phải chuẩn bị đồ ăn và đồ đạc, bài vở để đi học. Chiều về Vân lại tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và làm bài tập.
Những học sinh quốc tế tại trường trung học UWC, Mỹ.
“Những lúc ốm, mình tự chăm sóc bản thân mà không báo, sợ bố mẹ và mọi người lo lắng thêm. Những việc tự giải quyết được, mình luôn cố gắng”, Vân tâm sự.
Nhận học bổng toàn phần của trường quốc tế UWC ở Singapore, Lê Hồng Nhung cũng bắt đầu cuộc sống tự lập khi chưa tốt nghiệp cấp ba. Ngoài việc học trên lớp, cô đăng ký học chương trình Tú tài quốc tế (IB) và tích cực tham gia các hoạt động của trường.
Nhung từng thành lập tổ chức “Peace for the Kids” với mong muốn nâng cao hiểu biết của học sinh UWC về chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, nữ sinh còn tự tổ chức các hoạt động bán hàng thủ công Việt Nam để gây quỹ mua đồ dùng học tập cho các em học sinh da cam ở làng Hoà BÌnh, Hà Nội.
Trong khi nhiều học sinh ở Việt Nam vẫn giữ suy nghĩ du học sau khi tốt nghiệp cấp ba, một bộ phận không nhỏ những thiếu niên mới 14 đến 16 tuổi chọn du học sớm để học cách tự lập và trưởng thành.
Bệ phóng đến đại học danh tiếng
Châu Thanh Vũ nhớ lại năm lớp 11, khi chuẩn bị nhập học tại trường quốc tế UWC ở Mỹ: “Tôi cũng không biết lựa chọn này sẽ đưa mình đến đâu. Vì gia đình nghèo nên khi tốt nghiệp UWC mà không xin được học bổng đại học thì tôi sẽ phải về nước học lại từ lớp 10″.
Hai năm học trung học ở Mỹ đã dạy cho chàng trai xứ cát Ninh Thuận rất nhiều về cách sống, văn hóa ứng xử của phương Tây, giúp cậu trưởng thành trong suy nghĩ và cách làm việc.
Tốt nghiệp UWC, Thanh Vũ nhận học bổng toàn phần của 7 trường đại học của Mỹ. Cậu chọn học ngành kinh tế của Đại học Princeton và sau đó nhận tiếp học bổng tiến sĩ của Đại học Harvard.
Video đang HOT
Trong 2 năm học cấp 3 tại Singapore, Lê Hồng Nhung đã trải qua những chuyến đi dự hội thảo lãnh đạo ở Úc, chương trình Model United Nations ở Hà Lan, và các dự án giáo dục và tình nguyện ở Đông Timor, Thái Lan. Môi trường giáo dục tiên tiến của Singapore giúp cô gặp gỡ và học hỏi từ những người bạn ở nhiều nơi trên thế giới.
Những trải nghiệm sống, học tập đó đã giúp Nhung có thêm nhiều kỹ năng trong việc làm hồ sơ nộp các trường Mỹ, và cuối cùng Đại học Wellesley – trường nữ sinh số 1 tại Mỹ đã chào đón cô với học bồng toàn phần.
Đối với Nguyễn Khánh Vân, môi trường học tập ở Mỹ khiến cô rất tâm đắc bởi cách học sinh động, có nhiều cơ hội mở mang tầm mắt qua các môn học như thí nghiệm hay đi dã ngoại, phương pháp học cũng không gò bó. Đặc biệt, học sinh phổ thông ở Mỹ không có chuyện học thêm kín lịch hay ôn thi căng thẳng để vào đại học như ở Việt Nam.
Tốt nghiệp Notre Dame, Khánh Vân vinh dự được Tổng thống Mỹ – Barack Obama – trao tặng bằng khen với danh hiệu Học sinh có thành tích học tập toàn diện tại Mỹ. Cô cũng vừa nhận được học bổng từ 7 trường đại học danh tiếng Mỹ: St.Jonh’s University, La Salle University, SUNY Old Westbury, Newbury College, Lasell College…
Giống như Khánh Vân, nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba ở nước ngoài đã giành được học bổng của các trường đại học danh tiếng. Có thể kể ra rất nhiều gương mặt như Nguyễn Hữu Cát Thư (Học viện công nghệ Massachusetts) Châu Thanh Vũ (ĐH Princeton), Ngô Di Lân (ĐH College Maastricht), Lê Hồng Nhung (ĐH Wellesley), Nguyễn Đỗ Hà Giang (ĐH Handrix), Phạm Nguyễn Đăng Trình (Đại học Fullerton bang California),…
Đến nay, nhiều người trong số họ đã học lên tiến sĩ hoặc khởi nghiệp tại Mỹ với những dự án táo bạo.
Theo bà Trần Phương Hoa – Giám đốc trung tâm giáo dục Summit: Du học từ cấp ba là cơ hội cho các em bắt nhịp và hòa nhập sớm hơn với môi trường học tập quốc tế, qua đó tiếp thu tốt hơn những giá trị tốt trong học tập và xã hội ở môi trường nước ngoài, và sau này khi lên đại học hoặc đi làm sẽ tránh được nhiều bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu học sinh đã được chuẩn bị đầy đủ về sự tự lập, kỉ luật học tập, kĩ năng giao tiếp cũng như trình độ ngoại ngữ đủ tốt. Điều quan trọng nữa là các em cần đi du học cấp 3 đúng thời điểm, đủ sớm để các em có thời gian làm quen với môi trường mới trước khi vào guồng quay chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học. Nếu các bạn học sinh Việt Nam đi học cấp ba ở Mỹ nhưng đi quá muộn, ví dụ như lớp 12 mới đi học thì sẽ không có thời gian vừa làm quen môi trường mới, vừa nộp hồ sơ vào đại học, gây ra những thiệt thòi đáng tiếc.
Nhìn chung, muốn xin học bổng các trường cấp 3 ở Mỹ, học sinh quốc tế đầu tiên cần thể hiện trình độ tiếng Anh tốt, thông qua việc đạt điểm cao trog kỳ thi TOEFL, IELTS ,hoặc 1 kỳ thi riêng do trường đó xây dựng.
Bên cạnh đó, học sinh cần có kết quả học tập tốt ở những năm cấp 2 (thông thường trường xét 3 năm học gần nhất). Nhiều trường cũng yêu cầu học sinh thi SSAT, gồm các câu hỏi ngôn ngữ, văn học và toán. Các hoạt động ngoại khoá cũng quan trọng để trường đánh giá năng khiếu, sự năng động và khả năng hoà nhập của học sinh. Nhiều trường có yêu cầu phỏng vấn.
Theo Zing
Du học sinh đang sung sướng, thật khó về
"13 cháu đi du học, 12 cháu không trở về", vấn đề nhức nhối đó đặt ra và lập tức được bàn luận sôi nổi nhiều ngày. Các du học sinh lý giải vì sao họ chọn ở lại.
Với nhiều bạn du học sinh, chuyện đi du học là tiếp cận với một chân trời mới, năng động, đầy thách thức, thỏa sức trẻ đam mê.
"Không bị gò ép bởi những lớp học thêm dày kín lịch, mà có nhiều thời gian tự học, có cơ hội mở rộng mối quan hệ với nhiều nền văn hóa khác nhau từ những du học sinh các nước khác" - bạn Đào Duy Băng Thanh (ĐH Exeter, Anh) chia sẻ.
Lương Thị Thu Hằng (thứ hai từ phải qua) - du học sinh tại Đức. Ảnh: Tuổi Trẻ.
"Giáo viên sẽ dẫn dắt bạn hiểu sâu vấn đề. Những trường đại học, cao đẳng bên này đều có người phụ trách sinh viên, hướng dẫn làm bài tập. Sinh viên yếu sẽ có những sinh viên giỏi kèm cặp. Thư viện lớn để bạn tự do nghiên cứu. Đó là những gì mình ít nhận được khi học ở Việt Nam", Thảo Lâm (du học sinh tại Canada) nhận xét.
Bạn Phú Vinh (du học sinh tại Hàn Quốc) nói: "Điều kiện sống ở nước ngoài tốt hơn, dân trí cao, phúc lợi xã hội bình đẳng, an ninh xã hội tốt. Nếu được học bổng, bạn không phải lo lắng nhiều về tiền bạc".
Từ góc nhìn đó, nhiều bạn thừa nhận: "Đang sung sướng vậy thì việc về hay không về là băn khoăn có thật, nếu ai nói không băn khoăn là chưa nói thật lòng".
Nhiều du học sinh cho biết, họ đã chọn những ngành học đặc thù có thể ở lại làm việc tại nước ngoài. Bạn Lương Thị Thu Hằng (Trường Technische Universitt Darmstadt, Đức) bày tỏ: "Đa số sinh viên đi du học ở Đức thường chọn học chế tạo máy, điện - điện tử viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Việc tốt nghiệp một ngành kỹ thuật với trình độ tiếng Đức nhuần nhuyễn sẽ có cơ hội xin được việc làm ở một công ty Đức rất cao, thậm chí được làm ở những công ty nổi tiếng như Siemens, Bosch, Volkswagen, BMW... với mức lương tốt là có thể".
Bên cạnh đó, môi trường sống ở những nước phát triển như Đức rất tốt, an sinh xã hội cao, dịch vụ y tế tốt, an ninh cao... cũng là động lực để người ta đến rồi ở lại.
Du học giống một khoản đầu tư kinh doanh và cần phải sinh lời. Chính vì lẽ đó, một số du học sinh cũng mong muốn làm việc tại nước ngoài để cải thiện mức sống sau này.
"Khi học xong về nước, lương sẽ không cao như ở nước ngoài. Ví dụ, học bốn năm hết hơn 100.000 USD, chưa tính các khoản chi phí khác. Trong khi đó nếu về Việt Nam, mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng thì biết bao giờ mới gỡ vốn. Dù sao ở nước ngoài làm công việc bình thường với mức lương trung bình thì cũng đỡ hơn rất nhiều", Thảo Lâm nêu.
Bạn Đ.T.Q.B. (du học sinh tại Mỹ) băn khoăn: "Mình sợ về Việt Nam gặp phải chuyện "con ông cháu cha", muốn thăng chức thì phải có "ô dù". Trong khi đó ở nước ngoài thì lên theo năng lực, không ai ganh ghét nhau mà luôn hoạt động theo nhóm để phát triển".
Đối với Lê Thị Tố Linh, vừa tốt nghiệp chuyến du học bốn năm tại Singapore, rõ ràng môi trường tại Singapore năng động, hiệu quả và chuyên nghiệp.
"Khi về nước, làm việc chung với mọi người có thói quen "nước đến chân mới nhảy" và tất nhiên sản phẩm cuối cùng luôn không được hài lòng như mong muốn khiến tôi khó chịu", Linh chia sẻ.
Hơn nữa, theo Linh, đi du học rồi về hay ở không ảnh hưởng gì đến tình yêu đất nước vì các bạn tạo ra giá trị ở nước ngoài nhưng dùng những giá trị ấy đóng góp cho nước nhà (từ thiện, giới thiệu công ăn việc làm cho những người đồng hương có tài...) thì cũng chẳng khác những bạn ở Việt Nam làm việc.
Các nước cũng ràng buộc du học sinh
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng cấp học bổng cho học viên đi du học nước ngoài kèm nghĩa vụ quay về làm việc tại quê hương sau khi hoàn thành chương trình học.
Hội đồng Anh (British Council) và Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) từng công bố một báo cáo về các chương trình học bổng du học ở 11 nước, gồm: Việt Nam, Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Mexico, Pakistan, Nga và Saudi Arabia.
Báo cáo khảo sát phương pháp mà chính phủ các nước thực hiện để khuyến khích sinh viên nước họ đi du học, đồng thời phân tích động lực và lý do các nước làm như vậy, cũng như những tác động mang lại. Tài liệu cũng cung cấp một góc nhìn rộng hơn về chính sách, phạm vi, cơ chế, mục tiêu và tác động của các chương trình này.
Bà Laura E. Rumbley, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục đại học quốc tế của Đại học Boston (Mỹ) - một trong những đơn vị thực hiện báo cáo trên, cho biết, các chương trình học bổng và điều khoản ràng buộc cụ thể ở các nước, bao gồm cả đề án 322 và 911 của Việt Nam cũng được thực hiện.
Báo cáo cho biết, người tham gia đề án 322 có nghĩa vụ quay trở về quê hương và làm việc ở các vị trí được Nhà nước phân bổ, trong khi đó đề án 911 yêu cầu người học quay về làm việc ở vị trí trước đây ít nhất hai năm và xuất bản ít nhất một bài báo học thuật.
Tương tự, nhiều quốc gia cũng có các chương trình học bổng với điều khoản ràng buộc đối với những người được cử đi học. Cụ thể, chương trình du học khoa học Brazil Scientific Mobility Program do Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học - công nghệ và đổi mới Brazil quản lý yêu cầu học viên trở lại Brazil và ở lại trong thời gian ít nhất bằng với thời gian đi học ở nước ngoài.
Chương trình OSS-II của Pakistan quy định học viên phải có nghĩa vụ về làm việc ở nước nhà 5 năm. Các chương trình học bổng khác chủ yếu yêu cầu học viên về nước làm việc tại vị trí cũ trước khi đi học hoặc làm việc ở quê hương ít nhất hai năm. Chương trình CONACYT của Mexico buộc học viên phải trả lại học phí nếu không chịu về nước sau khi học xong.
Theo báo cáo, bản thân người nhận học bổng được hưởng nhiều quyền lợi như tiếp thu thông tin chất lượng cao, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng mới, mở rộng mạng lưới và triển vọng nghề nghiệp.
Ở cấp quốc gia, lợi ích có thể nhìn thấy được là sự phát triển về mặt nhân lực, đó là việc những người trở về có thể áp dụng các kiến thức và mạng lưới công việc họ có được trong quá trình đi học nước ngoài để cải thiện công việc ở nước mình.
Theo Vân Trúc - Diệu Nguyễn/Tuổi Trẻ
Vì sao du học sinh không về? Câu hỏi "Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?" của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) sáng 2/11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dường như không khó trả lời khi trò chuyện với chính những du học sinh từng phân vân giữa hai ngã rẽ: ở...