Du học sinh Việt tại Mỹ phải làm gì trong đại dịch?
Sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 phải cân nhắc kỹ việc về nước vì Mỹ chưa có chính sách cho nộp hồ sơ xin ở lại làm việc từ bên ngoài nước Mỹ.
Làm việc tại Khoa Sinh hóa và Sinh học Phân tử, Oklahoma State University (OSU), tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ những điều quan trọng du học sinh cần làm trong bối cảnh Covid-19 lan rộng.
Từ ngày 18/3, trường OSU chính thức thông báo chuyển sang chế độ học online cho đến hết học kỳ xuân và sẽ hủy các lễ trao giải thưởng hay tốt nghiệp cuối kỳ nếu tình hình dịch vẫn còn. Giáo viên được tập huấn online để trang bị kỹ năng dạy trực tuyến và được hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc về việc tổ chức, thiết kế dạy online thế nào cho hiệu quả. Nhà trường gửi đi các thông báo đến nhân viên, sinh viên mỗi ngày để cập nhật tình hình và hướng dẫn các vấn đề quan trọng, có số điện thoại để hỗ trợ 24h/7 khi sinh viên cần tư vấn.
1. Về ăn ở: Trường khuyến khích sinh viên không ở lại ký túc xá đông để hạn chế lây nhiễm, nhưng sẽ hỗ trợ ăn, ở cho sinh viên phải ở lại, như sinh viên quốc tế. Các bữa ăn sẽ được để trong hộp để mọi người lấy mang về phòng chứ không ngồi ăn tại chỗ như trước đây nhằm tránh lây nhiễm.
Nếu sinh viên không ở ký túc xá thì nên tự dự trữ thức ăn, nhu yếu phẩm và thuốc men đủ dùng trong ít nhất 2 tuần hay tốt nhất là 30 ngày, phòng trường hợp phải cách ly trong nhà vài tuần.
Sinh viên Đại học Boston, bang Massachusetts, thu dọn đồ đạc rời khỏi ký túc xá ngày 18/3. Ảnh: Nancy Lane/ Boston Herald.
2. Về y tế và bảo hiểm: Khi sinh viên có dấu hiệu nhiễm bệnh cần liên hệ các chuyên viên y tế hay bác sĩ qua điện thoại hoặc website trực tuyến được trường cung cấp (liveMD) để mô tả triệu chứng cụ thể, từ đó sẽ được hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 nếu cần. Bảo hiểm y tế của sinh viên sẽ chi trả hoàn toàn phí xét nghiệm nếu có yêu cầu xét nghiệm của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế. Do vậy sinh viên không tự ý làm xét nghiệm, hãy xin chỉ định của bác sĩ, tránh mất phí.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể đến các phòng khám hoặc gọi 911 nếu cần cấp cứu, bảo hiểm sẽ chi trả với mức đã ghi trong chính sách, phía bệnh nhân sẽ trả phí co-pay & deductibles được liệt kê cụ thể trong gói bảo hiểm.
3. Thư viện của trường vẫn mở cửa cho sinh viên vào truy cập Internet hoặc in ấn tài liệu học. Các trung tâm hỗ trợ việc học và thủ tục cần cho sinh viên vẫn làm việc trực tuyến để trả lời qua email hoặc điện thoại. Nhưng các trung tâm thể thao, sinh hoạt đội nhóm đều đóng cửa trong thời gian này.
4. Sinh viên đang được tài trợ làm nghiên cứu thì tùy theo sự phân công của giáo sư hướng dẫn mà có thể đến lab hoặc làm từ xa để tiếp tục đề tài, nhưng sẽ cắt giảm bớt nhân sự hoặc thay phiên nhau vào lab để giảm rủi ro lây nhiễm.
5. Nếu sinh viên quyết định về nước thì cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm quốc tế (International Center) của trường mình để tiến hành thủ tục và lấy giấy tờ cần thiết. Ở OSU, sinh viên được hướng dẫn các bước sau, hầu hết là yêu cầu chung cho phần lớn đại học Mỹ.
- Kiểm tra tất cả tài khoản cần trả tiền của mình để thanh toán xong trước khi rời khỏi Mỹ để tránh rắc rối khi làm thủ tục quay lại học.
- Thảo luận với người phụ trách học thuật của mình (Academic Advisor) về các khóa học cần hoàn tất, các tín chỉ cần đăng ký cho học kỳ sau cho đúng thời hạn. Nếu chuẩn bị tốt nghiệp thì cần đăng ký tốt nghiệp trễ nhất là đầu tháng 4.
- Cần hoàn tất tốt các khóa học online đang theo học của trường để đảm bảo điểm số tốt dễ xin visa khi quay lại.
- Đặc biệt sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 này thì phải cân nhắc kỹ việc rời khỏi Mỹ vì hiện nay Mỹ chưa có chính sách cho sinh viên nộp hồ sơ xin OPT (Optional Practical Training), loại giấy phép để xin ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, từ bên ngoài nước Mỹ. Do vậy bạn cần quay lại Mỹ kịp thời hạn để nộp hồ sơ xin OPT thì mai này mới được làm việc ở Mỹ một cách hợp pháp.
- Sinh viên cần điền form online của Trung tâm quốc tế (International Center) xin travel signature trên form I-20 để mai này có thể xin visa quay lại. Nếu phải quay về gấp không kịp chờ đến hẹn thì có thể về nước trước rồi đăng ký gửi form đó về nhà mình sau.
Video đang HOT
Để quyết định ở lại Mỹ hay quay về, du học sinh cần xem xét các chính sách hỗ trợ của trường mình và điều kiện hỗ trợ mà mình có thể nhận được, từ đó tùy theo tình hình thực tế mà cân nhắc. Nếu ở lại, các bạn tuân thủ theo hướng dẫn của trường và thành phố nơi mình ở, hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Còn nếu bạn quyết định về nước thì phải chuẩn bị đầy đủ thủ thục cần thiết hỗ trợ tốt nhất cho việc quay lại sau này khi hết dịch, và cũng hết sức cẩn thận khi đi máy bay vì khả năng phơi nhiễm trong không gian hẹp trong nhiều giờ là không thể kiểm soát được, nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn.
Đến ngày 20/3, Covid-19 đã lan ra hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 245.000 người nhiễm bệnh, hơn 10.000 người chết. Riêng Mỹ ghi nhận hơn 14.360 ca nhiễm, 217 người chết; Việt Nam ghi nhận 87 ca nhiễm, trong đó 17 người đã khỏi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất – 29.000. Ngày 19/3, Bộ đã khuyến cáo du học sinh cân nhắc kỹ các rủi ro khi quay về Việt Nam, tuyệt đối tuân thủ quy tắc phòng dịch ở nước sở tại và bám sát nội dung khuyến cáo của đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Du học sinh nên ở trong nhà và không đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết; theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập, thủ tục liên quan đến việc nhập học lại. Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn
Du học sinh nên làm gì trong đại dịch?
Về Việt Nam hay ở lại vùng dịch có nguy cơ như nhau, du học sinh nên cân nhắc thật kỹ, làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mình.
Chị Nguyễn Vũ Thanh An, thạc sĩ giáo dục học Đại học Harvard và Nguyễn Hạnh Chi, Trưởng văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp trường Olympia (Hà Nội); thành viên Hiệp hội phát triển tư vấn hướng nghiệp châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ lời khuyên với du học sinh.
Tuần qua, rất nhiều trường trên thế giới chuyển sang học online hoặc đóng cửa, một số ký túc xá cũng ngừng hoặc hạn chế hoạt động. Điều này gây ra rung động nhất định trong cộng đồng học thuật quốc tế, gần hơn nữa chính là du học sinh Việt Nam. Việc chuyển tiếp từ hình thức học truyền thống sang học online khiến một số bạn phải mất thêm thời gian làm quen. Các bạn sinh viên năm cuối có thể phải tốt nghiệp muộn hơn, hoặc thậm chí không có lễ tốt nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Chi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Qua trao đổi với một số du học sinh, chúng tôi biết hiện một số bạn cân nhắc về hoặc đã về Việt Nam. Cũng nhiều du học sinh quyết định trụ lại dù đang có dịch. Chúng tôi chia sẻ cùng các bạn rằng về Việt Nam hay ở lại vùng dịch thì nguy cơ là như nhau.
Khi WHO tuyên bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu", chúng tôi hiểu quyết định về Việt Nam hay ở lại nước sở tại (hay việc băn khoăn chưa biết quyết gì) với các bạn đều rất khó khăn. Phụ huynh thấy con em ở nơi thật xa trong một hệ thống khác Việt Nam về nhiều mặt, cũng không khỏi lo lắng.
Tuy không phải chuyên gia về y tế, việc tư vấn trường học cho chúng tôi cơ hội được hỗ trợ tiếp cận cũng như truyền tải thông tin chính thống, có số liệu và cơ sở khoa học để giúp du học sinh và gia đình đưa ra quyết định.
- Về Covid-19: Đây là dịch bệnh gây ra bởi virus chủng mới trong họ corona. Người nhiễm bệnh có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ tấn công phổi. Những người lớn tuổi, có bệnh lý nền là nhóm dễ bị ảnh hưởng nặng nhất. Lứa tuổi thanh thiếu niên có tỷ lệ tử vong khá thấp 0,2%, theo số liệu từ Worldometers.
- Tại sao các trường học đóng cửa? Đóng cửa trường học là chiến lược làm chậm đi sự lây lan của dịch bệnh vì điều này làm giảm việc tiếp xúc giữa học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường, làm giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng nói chung bằng cách tăng khoảng cách xã hội.
- Tại sao chúng ta cảm thấy căng thẳng? Vì chúng ta đều là con người, có rất nhiều thứ chưa biết về chủng virus mới này. Tâm lý con người tránh những thứ không chắc chắn, đôi khi là suy diễn thêm chuyện để giải thích những hiện tượng chưa rõ ràng. Nói cách khác, chúng ta thà thấy sợ còn hơn chấp nhận sự bấp bênh. Cùng với sự bùng nổ thông tin của thời đại số, chúng ta càng cảm thấy dịch bệnh như đã đến tận cửa nhà mình rồi.
- Vì sao du học sinh hoặc gia đình muốn ở lại? Đầu tiên, các bạn sợ khi về sẽ ảnh hưởng tới việc quay lại học những năm tiếp theo hoặc xin visa. Một số bạn có giấy tờ đi thực tập, đi làm cần được giải quyết, cũng có thể vì hiện tại khu của bạn chưa có dịch nên nghĩ về là không cần thiết.
Có bạn thì sợ về nguy hiểm hơn việc bám trụ ở lại do có thể bị lây trên đường, rồi lan ra mọi người xung quanh. Khi lựa chọn ở lại, các bạn cũng sẵn sàng đối mặt với việc sẽ hạn chế ra ngoài đường, phải tự chuẩn bị rất nhiều đồ ăn và nhu yếu phẩm. Có nhiều bạn chia sẻ vì công việc, học tập mà ở lại và chấp nhận cảm giác thiếu an toàn. Vì việc chữa trị cho người ngoại quốc không phải đơn giản.
- Vì sao một số bạn và gia đình chọn về Việt Nam? Các bạn tin tưởng vào những phương pháp phòng chống dịch hiện tại của Việt Nam. Ngộ nhỡ có vấn đề gì, các bạn sẽ được đồng bào hỗ trợ, được người thân ở bên, không phải sống trong sợ hãi ở xứ người.
Hơn nữa, một số nơi đã phong tỏa, hay dừng các chuyến bay về Việt Nam. Các bạn sợ khi dịch bùng lên, có lẽ sẽ quá muộn để về. Cũng có lẽ nhiều người nghĩ du học sinh thì hãy ở yên bên đó đi, đừng về mang dịch về. Chúng tôi lại nghĩ rằng những giá trị hướng về cộng đồng mới có thể giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh này. Chúng ta có thể hỗ trợ khách ngoại quốc, sao lại xua đuổi đồng bào?
Các bạn nếu về từ vùng dịch, chắc chắn sẽ được hướng dẫn cách ly cũng như bảo vệ cộng đồng một cách tốt nhất. Như trường hợp "bệnh nhân 18", sau khi về từ vùng dịch Hàn Quốc và cách ly theo chỉ dẫn, dù có nhiễm bệnh, bạn không lây lan, đến sáng 15/3 đã có xét nghiệm âm tính.
Quyết định đi hay ở là do các bạn và gia đình, tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi cá nhân.
Lời khuyên cho các bạn chọn ở lại:
- Bạn có thể liên hệ với Đại sứ Quán Việt Nam tại nước sở tại nếu cần hỗ trợ.
- Làm việc với các văn phòng nhà trường: Văn phòng hỗ trợ học sinh quốc tế liên quan đến visa, giấy tờ; văn phòng hỗ trợ học thuật, các giáo sư, cố vấn...
- Với các bạn ở ký túc xá, hãy liên hệ với văn phòng Quản lý ký túc xá. Trường hợp ký túc xá đóng cửa, hãy liên hệ với trường, văn phòng Hỗ trợ vinh viên quốc tế, hội Cựu sinh viên cũng như những gia đình cộng đồng để được hỗ trợ.
- Nên chuẩn bị nguồn cung cấp thức ăn và nhu yếu phẩm ổn định và có phương án dự trù nếu như có thay đổi với nguồn mua đồ hiện tại. Nên đặt đồ online thay vì đi chợ/siêu thị. Trường hợp trường đóng cửa và bạn gặp khó khăn nhận đồ, hãy liên hệ với văn phòng phụ trách của trường để đàm phán quyền lợi. Sau đó, bạn có thể gọi cho bưu điện gần nhất để được hỗ trợ nhận hàng.
- Hợp tác chặt chẽ với trường học của bạn vì hiện tại một số trường hỗ trợ sinh viên tối đa. Và hãy chủ động, sáng tạo vì có thể kế hoạch hiện tại của trường bạn sẽ thay đổi.
- Nếu có kế hoạch liên quan tới việc làm hoặc đang cần hoàn thành chương trình thực tập, hãy ngay lập tức thông báo với người cố vấn hỗ trợ để tìm giải pháp thay thế tạm thời. Đừng ngần ngại đưa ra giải pháp của riêng bạn vì Covid-19 là tình hình mới mà chúng ta đều đang học cách thích nghi.
- Hiểu rõ về quy định y tế cũng như bảo hiểm của bản thân; gọi trực tiếp và hỏi công ty bảo hiểm/cơ sở y tế địa phương nếu chưa rõ.
- Có danh sách trang tin chính thống để cập nhật tin tức từ nước sở tại và của địa phương đang sinh sống.
Thạc sĩ Nguyễn Vũ Thanh An. Ảnh: Lại Phúc.
Lời khuyên cho các bạn quyết định về:
- Liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để cập nhật quy định hiện tại của Việt Nam cũng như những bước cần thiết để đảm bảo tính pháp lý khi bạn quay lại.
- Làm việc với văn phòng nhà trường: Văn phòng hỗ trợ học sinh quốc tế liên quan đến visa, giấy tờ; văn phòng hỗ trợ học thuật, văn phòng tài chính (nếu có học bổng, hỗ trợ tài chính). Các bạn cần hiểu rõ quy định về học phí, visa, cũng như chương trình học thuật của bản thân. Bạn nên lịch sự thông báo với thầy cô đang giảng dạy mình và giáo sư cố vấn.
- Xử lý hợp đồng nhà và chi trả những khoản cần thiết. Các bạn ở ký túc xá có thể liên hệ với văn phòng quản lý ký túc xá, đọc lại thỏa thuận của hai bên để hiểu rõ quyền lợi của mình.
- Liên hệ với ngân hàng, các tài khoản đã đăng ký và theo dõi để tìm cách quản lý chúng khi ở Việt Nam hoặc tạm thời đóng các tài khoản đó. Bạn cũng nên ngắt sim điện thoại để giảm chi phí các tháng tới.
- Nếu không mang được toàn bộ đồ đạc về, hãy sắp xếp một nơi an toàn và tin tưởng để có thể gửi. Các bạn cũng có thể ủng hộ những đồ không còn dùng đến.
- Tham khảo các cách di chuyển giảm thiểu rủi ro trong mùa dịch từ nguồn chính thống như WHO.
- Hiểu rõ về quy định bảo hiểm khi di chuyển và có những biện pháp bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.
- Theo dõi để cập nhật tin tức cả ở nước sở tại và Việt Nam vì tình hình có thể thay đổi theo giờ.
- Hiểu rõ quy trình cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế Việt Nam để hợp tác một cách hiệu quả nhất.
- Với những bạn ở vùng dịch về, các bạn cần chuẩn bị tâm lý đi cách ly tập trung. Trường hợp này, hãy báo với những người quản lý rằng bạn vẫn cần học và thi online để quá trình học tập được thông suốt.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 18/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh, có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay. Các chuyên gia y tế nêu rõ việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển.
Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. Trường hợp thực sự phải về nước, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho mọi người một cách tốt nhất có thể.
Đến sáng 19/3, 173 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 218.380 người nhiễm bệnh và 8.930 người chết. Việt Nam ghi nhận 76 ca nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, kế đó là Canada 21.000, Australia và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Italy và Trung Quốc mỗi nước khoảng 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500.
Dương Tâm ( ghi)
Theo vnexpress.net
Dịch Covid-19 phức tạp, nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ được chuyển sang học online Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Mỹ, các du học sinh Việt Nam cùng sinh viên các trường ĐH ở nước này sẽ chuyển sang học online trong thời gian này. Thông báo chuyển qua học online của ĐH Harvard - Ảnh chụp màn hình Tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ đang diễn biến phức tạp nên rất...