Du học sinh Việt ở Mỹ tốt nghiệp mùa dịch: ‘Tiến thoái, lưỡng nan’
Tốt nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Mỹ, nhiều du học sinh không thể xin được việc để ở lại, trong khi đường bay về nước cũng không có.
Nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ gặp khó khăn khi tốt nghiệp trong giai đoạn này – HƯƠNG LY
Vào thời điểm tháng 5, 6 nhiều du học sinh năm cuối Việt Nam tại Mỹ sẽ tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra ở Mỹ, nhiều bạn cho biết rất khó xin được việc làm trong thời điểm này.
“Về không được mà ở lại cũng không xong”
Là du học sinh ngành kế toán tại trường Fisher College, Hoa Kim (22 tuổi) cho biết bắt đầu thực hiện cách ly xã hội từ đầu tháng 3, còn khoảng 2 tháng trước khi hoàn thành chương trình. Nên tất cả chương trình học cuối kỳ, thi cử hay luận án, Hoa Kim phải làm việc trực tuyến với giáo sư và làm việc ở nhà.
“Sinh viên tốt nghiệp năm nay thì sẽ thiệt thòi hơn các năm khác vì bọn em bị hoãn làm lễ tốt nghiệp tới năm sau. Nhiều trường thì họ làm lễ tốt nghiệp tượng trưng. Về ngành học của em thì Mỹ cho phép được ở lại làm việc một năm thông qua chương trình OPT. Em đã nộp đơn xin việc một số nơi nhưng tình hình có vẻ không khả quan lắm. Họ cũng nhắn em là sẽ lưu lại thông tin và có thể sẽ gọi nếu cần. Em cũng hoang mang vì nhiều nơi họ còn cắt giảm nhân sự chứ chưa nói tới việc nhận du học sinh, vì tình hình thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức khá cao”, Hoa Kim chia sẻ.
Chưa tìm được việc, để được tiếp tục ở Mỹ Hoa Kim cho biết sẽ học tiếp thạc sĩ vào mùa thu năm nay. Hiện tại em đã được trường Bentley University chấp nhận hồ sơ học tiếp với mức học bổng 30%.
“Lúc đầu tốt nghiệp xong nhưng chưa xin được việc em khá lo lắng, nhưng bây giờ em thấy rất đúng đắn khi quyết định học lên cao. Hiện các trường đang thu hút học sinh quốc tế nên có rất nhiều chương trình, lựa chọn cũng như học bổng cho các khoá học. Trường em học còn có chính sách giúp sinh viên hoàn thiện chương trình học sớm, em sẽ chỉ mất khoảng 1 năm để hoàn thành. Bây giờ chưa xin được việc vì tình hình kinh tế chưa ổn định, học thêm một năm nữa, em nghĩ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, Hoa Kim tính toán.
Tương tự, Đỗ Thị Hương Ly (22 tuổi) du học sinh ngành quảng cáo và truyền thông tại trường Ithaca College cũng cho biết tốt nghiệp trong thời điểm dịch này cô gặp khá nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Theo Ly, hiện tại tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử, cao hơn so khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008. Ngành học của Ly không phải là ngành thiết yếu trong bối cảnh kinh doanh thời Covid-19, nên từ lúc dịch bùng phát, có rất nhiều công ty đã hoãn tuyển những ngành liên quan đến marketing, cũng như cho nghỉ việc (layoff) hoặc nghỉ phép có lương (furlough). Vậy nên khi tốt nghiệp ngành này, cộng thêm khó khăn trong tìm việc (vì không có nhiều việc, vấn đề visa), Ly phải cạnh tranh với nhiều người bản xứ hơn và họ có cơ hội trúng tuyển cao hơn du học sinh.
“Trong khi không xin được việc làm sau tốt nghiệp, visa gần hết hạn mình lại bị mắc kẹt ở Mỹ vì hiện tại không có chuyến bay về nước trong thời điểm này. Vậy nên hiện tại mình đi chẳng được mà ở lại cũng không xong”, Ly tâm sự.
Để giải quyết các vấn đề của mình, Ly cho biết sẽ tiếp tục tìm việc và lập ra kế hoạch cho năm tới. Nếu không xin được việc cô sẽ nộp đơn học lên thạc sĩ. “Trong khoảng thời gian này, dù đúng là có khó khăn thật, nhưng mình có cơ hội ngồi nhìn lại, và suy nghĩ xem mình thực sự muốn làm gì trong tương lai để khi hết dịch sẽ có hướng đi rõ ràng hơn”, nữ du học sinh chia sẻ.
“Chỉ là khó khăn tạm thời”
Chia sẻ trong buổi lễ tốt nghiệp trực tuyến “Virtual Graduation 2020″ dành cho du học sinh Việt Nam tốt nghiệp năm 2020 tại Mỹ mới đây, chị Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le), nhà sáng lập Alabaster, cựu tổng giám đốc Go-Viet và cựu CEO Facebook Việt Nam đã chia sẻ và gửi lời chúc đến những bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ tốt nghiệp trong thời điểm này.
Kiều Trang cho biết bản thân cô tốt nghiệp vào năm 2003, cũng là năm thế giới phải đối diện với dịch SARS, do vậy cũng chịu ảnh hưởng rất lớn, mọi thứ bị xáo trộn. “Thị trường lao động lúc đó rất lao đao, vì trước đó nước Mỹ và nhiều nước khác đã chịu ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều công ty công nghệ phá sản, thị trường tài chính thì lao dốc. Nên sinh viên ra trường lúc đó rất khó kiếm việc”, Kiều Trang chia sẻ.
Theo chị Kiều Trang, trong thời điểm này du học sinh có thể học lên cao học để tiếp tục ở lại Mỹ hoặc có thể quay về Việt Nam. Vì nền kinh tế của Việt Nam ít chịu tác động hơn từ dịch Covid-19, du học sinh sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Anh Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It, một startup trị giá triệu đô ở thung lũng silicon (Mỹ) cũng đồng cảm với du học sinh Việt Nam tốt nghiệp năm nay, đặc biệt là các bạn ở Mỹ khi Covid-19 làm phá sản rất nhiều kế hoạch học tập và làm việc.
Đại dịch khiến mọi thứ thay đổi, các công ty bắt đầu cắt giảm nhân sự và chuyển vào chế độ “thắt lưng buộc bụng” nên cơ hội kiếm việc làm sẽ khó hơn. Tuy nhiên theo anh Việt Hùng đây chỉ là khó khăn tạm thời.
Anh Hùng cho rằng tốt nghiệp đại học chỉ là bước đầu, giúp sinh viên có nền tảng căn bản để bắt đầu công việc đầu tiên. Sau đó các bạn phải học hỏi rất nhiều để tiến xa hơn trong công việc. Hiện, các công ty chưa tuyển dụng nhưng vẫn có nhiều cơ hội để sinh viên mới ra trường làm việc hay thực tập không lương.
“Thời điểm này, nếu không xin được việc bạn có thể học những thứ mà bản thân mình đang thiếu, để chuẩn bị nền tảng, khi cơ hội tới mình sẽ nắm bắt tốt hơn”, anh Việt Hùng chia sẻ với sinh viên.
Cũng theo anh Việt Hùng, du học sinh Việt Nam có thể trở về nước lập nghiệp trong thời gian này. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh giúp Việt Nam “ghi điểm” với quốc tế, rất nhiều công ty nước ngoài, tập đoàn nước ngoài có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam nên cơ hội việc làm cao hơn.
Kinh nghiệm xin việc làm ở nước ngoài cho du học sinh Việt
Lê Lê Vy - cựu sinh viên du học theo học bổng toàn phần Irish Aid (Ireland) đã chia sẻ kinh nghiệm xin việc làm cho du học sinh Việt.
Lê Lê Vy - cựu sinh viên du học theo học bổng toàn phần Irish Aid.
Lê Lê Vycho biết, cuối tháng 5 là thời điểm rất nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp bắt đầu xin việc làm. Cô gái trẻ này đã ra trường, sau nhiều lần nộp hồ sơ và trúng tuyển, Vy đã chia sẻ kinh nghiệm để xin được việc làm ở Ireland dành cho các bạn trẻ.
Theo Vy, cần áp dụng 5 chiến lược cơ bản cho các vòng gửi hồ sơ để được chấp nhận:
Làm CV tươm tất về hình thức
CV chính là hình ảnh đại diện cho bạn để bạn có thể cạnh tranh với hàng trăm ứng viên cho vài cơ hội ít ỏi. Nếu bạn giỏi mà CV của bạn không "đẹp", không thể hiện được bạn giỏi đến đâu thì nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua bạn ngay lập tức.
Khi làm CV, bạn hãy chú ý đến độ dài của CV. Để CV chuyên nghiệp dành cho người mới ra trường để 1 trang là tối ưu. Theo nhiều nghiên cứu, người ta chỉ dành ra 19 giây để "ngó" vào CV của bạn, chính vì vậy đừng quá rườm rà, hãy tập trung nhất có thể để người đọc thấy được bạn giỏi, ấn tượng, nhất là kinh nghiệm và thành tích học tập. CV với độ dài 1 trang giấy thể hiện sự vừa vặn và chuyên nghiệp của bạn.
Đồng thời, bố cục của CV cũng cần khoa học, chặt chẽ. Nhiều bạn sẽ lên mạng tìm mẫu sẵn và điền thông tin cá nhân vào. Tuy nhiên, rất nhiều người cũng sẽ làm như vậy, nên chuyện "thay ruột" trong CV khiến người tuyển dụng cảm thấy "nhàm chán". CV thể hiện sự chuyên nghiệp nhưng cũng cần sáng tạo, có tính cá nhân trong đó để tạo ấn tượng cho người khác. Sau khi tham khảo mẫu trên mạng, hãy tự thiết kế CV của mình một cách độc đáo nhất.
Chiến lược làm nội dung CV
Sau hình thức chính là nội dung của CV. Không có CV nào mà để xin cho tất cả các vị trí. Cần đọc kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng để tìm ra từ khóa rồi bê từ khóa đó vào CV của mình. Đó chính là dẫn chứng thuyết phục để họ thấy bạn đang phù hợp với vị trí được tuyển dụng. Cần có con số cụ thể, hành động cụ thể thay vì những từ sáo rỗng.
Quan trọng hơn nữa là lỗi chính tả. CV của bạn chỉ có 1 trang vì vậy hãy đọc kỹ từng dòng, từng câu, nhờ bạn bè hoặc người bản địa đọc để soát lỗi cho bạn khi tự tin gửi hồ sơ đi.
Cần có chiến lược trong việc chứng tỏ kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi thì hãy ghi ra những công việc mà bạn từng làm ở trường có liên quan đến vị trí tuyển dụng. Đây chính là việc bù đắp cho kinh nghiệm ít ỏi mà bạn có. Ngoài ra bạn còn đưa ra thêm bằng cấp thay cho kinh nghiệm làm việc, có thể là bằng hay chứng chỉ học ngắn hạn ở các đơn vị nào đó. Điều này khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người ham học hỏi và năng động, thích tìm tòi.
Chau chuốt hồ sơ
Để hồ sơ có dẫn chứng cao, hãy xin lại ý kiến của những nơi mà bạn từng làm việc nhận xét về bạn. Điều này sẽ được thêm điểm cộng đối với người tuyển dụng. Hoặc bạn có thể thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm của bạn về công việc, học tập để nhiều người biết đến, họ sẽ cảm nhận bạn là người có thế mạnh về nhiều lĩnh vực khác nhau. Những chi tiết nhỏ này nếu được bạn chau chuốt kỹ sẽ là những điểm cộng dành cho bạn.
Tận dụng các kênh tìm kiếm việc làm
Thông thường, ở nước ngoài thường có phần giới thiệu của những nhân viên trong công ty dành cho một đối tượng khác. Khi được giới thiệu từ nhân viên hay những người làm trong công ty sẽ được đánh giá cao hơn. Vì vậy, cần mở rộng mối quan hệ của bạn với bạn bè để tăng thêm cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Khi bạn được ai đó giới thiệu, hồ sơ của bạn sẽ được cộng điểm so với những đối thủ khác vì độ tin cậy cao hơn.
Chủ động tìm kiếm việc làm
Hãy trực tiếp tìm đến những người tuyển dụng. Thông thường, nhiều đơn vị có thể không tuyển dụng trực tiếp bạn nhưng họ sẽ giới thiệu bạn cho các đơn vị khách hàng của họ, bạn bè của họ. Hãy nói cho nhà tuyển dụng biết bạn đang mong muốn gì, mức lương bao nhiêu, thích ứng với công việc gì. Vì vậy, chủ động chính là tăng cơ hội để bạn tìm được công việc ở nước ngoài.
Nhà nghèo có du học Nga được không? Hạ Trâm, nickname Lianya Tran - du học sinh Việt tại Nga, thành viên của "Du học Y khoa Nga". Cô cũng là thành viên Hội sinh viên Việt Nam tại châu Âu đã chia sẻ kinh nghiệm du học dành cho "con nhà nghèo". Lianya Tran cho biết: "Có cơ hội đi du học là niềm vinh hạnh và may mắn đối...