Du học sinh tốt nghiệp năm 2020 nên làm gì?
Nhà sáng lập Got It hay cựu giám đốc Facebook Việt Nam cho rằng du học sinh có thể quay về Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong năm đặc biệt này.
Trong lễ tốt nghiệp trực tuyến “ Virtual Graduation 2020″ dành cho du học sinh Việt Nam tốt nghiệp năm 2020 tại Mỹ cuối tuần qua, anh Trần Việt Hùng ( Hùng Trần), nhà sáng lập Got It, cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Iowa bày tỏ đồng cảm với du học sinh Việt Nam tốt nghiệp năm nay, đặc biệt là các bạn ở Mỹ khi Covid-19 làm phá sản rất nhiều kế hoạch học tập và làm việc.
Do đại dịch, các công ty cắt giảm nhân sự, chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng nên sinh viên mới ra trường khó kiếm việc hơn. Tuy nhiên, theo anh Hùng, tình trạng này chỉ là tạm thời nên du học sinh không nên quá lo lắng mà cần vạch lại kế hoạch trong thời gian tới.
Anh Hùng cho rằng tốt nghiệp đại học chỉ là bước đầu, giúp sinh viên có nền tảng căn bản để bắt đầu công việc đầu tiên. Sau đó các bạn phải học hỏi rất nhiều để tiến xa hơn trong công việc. Hiện, các công ty chưa tuyển dụng nhưng vẫn có nhiều cơ hội để sinh viên mới ra trường làm việc hay thực tập không lương.
“Các bạn còn trẻ. Những gì liên quan đến kinh tế không phải là tất cả mà quan trọng là tích lũy được kiến thức, kỹ năng gì. Nếu có cơ hội được làm việc, thực tập, hãy đón nhận như một phương án trước mắt để học hỏi, tạo ra giá trị, tăng cơ hội thăng tiến”, anh Hùng nói.
Anh Hùng Trần chia sẻ trong lễ tốt nghiệp trực tuyến “Virtual Graduation 2020″. Ảnh chụp màn hình.
Là người khởi nghiệp thành công, anh Hùng cho rằng du học sinh tốt nghiệp giữa đại dịch cũng có thể khởi nghiệp bởi “trong nguy có cơ”. Covid-19 mở ra rất nhiều điều mới mà trước giờ chưa có như các nước đóng cửa, nhiều công ty cho 100% nhân viên làm việc ở nhà, học sinh không cần đến lớp.
Tất nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính thích nghi tạm thời nhưng cũng chỉ ra những cơ hội giúp thế giới hoạt động theo chiều hướng mới và đây là thời điểm tốt để thử cái mới. Tuy nhiên, anh Hùng cho rằng khởi nghiệp tương đối khó và không dành cho tất cả nên sinh viên cần suy tính kỹ để tạo ra đột phá.
Nhà sáng lập Got It cũng cho rằng du học sinh không nhất thiết phải tìm bằng được công việc ở Mỹ mà có thể lựa chọn về nước. Việt Nam đang phòng chống đại dịch rất tốt, đối lập hoàn toàn với hình ảnh ở Mỹ. Nhiều công ty nước ngoài nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam nên cũng chuyển dịch sang rất nhiều, ví dụ Apple. Vì vậy, quay về Việt Nam thời điểm này là lựa chọn tốt.
Đặc biệt, du học sinh Việt có nhiều lợi thế khi về nước. Thứ nhất là về khả năng ngoại ngữ. Công ty nước ngoài tìm kiếm nhân viên trước hết phải giao tiếp tốt bởi nếu không mọi việc sẽ chậm đi rất nhiều. Thứ hai, du học sinh có hiểu biết đa văn hóa nhiều hơn những bạn học tập trong nước. Anh Hùng cho rằng đây cũng là lợi thế của du học sinh bởi các công ty nước ngoài tìm kiếm người phù hợp nhất chứ không phải người giỏi nhất.
Chị Lê Diệp Kiều Trang ( Christy Le), nhà sáng lập Alabaster, cựu tổng giám đốc Go-Viet và cựu giám đốc Facebook Việt Nam, từng là thủ khoa MBA của Viện Công nghệ Massachusetts, cũng cho rằng du học sinh tốt nghiệp năm nay không tìm được việc ở Mỹ thì có thể về Việt Nam.
“Có thể lúc đầu các bạn cảm thấy tiếc nhưng rồi biết đâu các bạn lại tìm ra những cơ hội mới hay hơn ở Việt Nam. Trong khó khăn, các bạn sẽ có cơ hội đào sâu nghiên cứu vào lĩnh vực nào đó. Hãy coi học hỏi là hành trình. Các bạn sẽ cực nhưng không khổ mà sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn”, chị Trang nói.
Video đang HOT
Chị Lê Diệp Kiều Trang. Ảnh: Ban tổ chức.
Khuyên sinh viên hãy vượt qua thời điểm khó khăn này bằng cái nhìn tích cực, chị Trang chia sẻ câu chuyện cá nhân khi tốt nghiệp ở Mỹ năm 2003, lúc thế giới có đại dịch SARS, nhiều công ty công nghệ phá sản, công ty tài chính lao đao. Lúc đó, sinh viên ra trường rất thiệt thòi nhưng với chị Trang, đó cũng là may mắn bởi sự xáo trộn khiến các công ty bộc lộ mặt trái nhanh hơn.
Học xong về tài chính, chị Trang tự hào khi được làm ở ngân hàng đầu tư. Đó là thế giới rất hào nhoáng với chị mà nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính năm đó thì chị đã không nghỉ việc. “Chị đã suy nghĩ rất nhiều về một ngành nghề có thể lương thấp hơn nhưng khiến mình vui, hạnh phúc hơn và có thể đi xa hơn”, chị Trang nói và hy vọng sinh viên ra trường năm nay sẽ sớm nhận ra những khó khăn, mặt trái và tìm hướng đi phù hợp cho mình.
Không chỉ định hướng hướng đi của du học sinh Việt tốt nghiệp năm 2020, tại “Virtual Graduation 2020″, các cựu du học sinh nổi tiếng dành nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ. Anh Bùi Quang Minh (Minh Beta), người sáng lập Beta Media, tốt nghiệp MBA tại Đại học Harvard, khuyên du học sinh nên xác định cho mình mục đích sống, vượt lên trên ham muốn về tiền tài, vật chất, là mục đích phục vụ được cộng đồng, xã hội, tạo ra những giá trị tốt đẹp.
Anh Minh cho rằng du học sinh nên thử thách bản thân nhiều hơn. Dù không thành công, các thử thách cũng giúp học hỏi nhiều thứ, từ đó thay đổi bản thân.
Các bạn trẻ cũng cần theo đuổi đam mê của mình thay vì chỉ làm một công việc. “Ban đầu, tôi nghĩ mình chỉ có thể kinh doanh được thôi còn ca hát và nghệ thuật chỉ là thú vui. Nhưng khi theo đuổi tận cùng đam mê, tôi tìm được sự giao thoa giữa các lĩnh vực mình quan tâm nên tìm ra hướng đi sự nghiệp mà mình yêu thích để mỗi sáng thức dậy đều thấy nhiệt huyết với những dự án đang làm”, tác giả ca khúc “Việt Nam ơi” nói.
Anh Minh Beta, tác giả ca khúc “Việt Nam ơi”, học MBA tại Đại học Harvard (Mỹ).
Chị Đỗ Hồng Nhung (Hana’s Lexis), người sáng lập kênh Youtube chia sẻ kinh nghiệp học tiếng Anh với gần 600.000 người theo dõi, dành hai câu cho sinh viên tốt nghiệp năm nay là “This too shall pass” (Chuyện gì cũng sẽ qua thôi) và “Liều ăn nhiều”.
Chị Nhung chia sẻ để có những thành công ở tuổi 29, chị đã trải qua những năm tháng của tuổi 20 toàn thất bại như ra trường không biết làm gì, tìm được việc rồi thấy không hợp, có học bổng học tiếp nhưng bỏ giữa chừng rồi khởi nghiệp cũng thất bại. Thử và sai rất nhiều nhưng chị Nhung lại học được nhiều điều mới, đi những chỗ mới và gặp những người mới để từ đó đến gần hơn đam mê của mình.
“Khi làm Youtube, bạn bè của tôi đã rất bất ngờ bởi tính tôi vốn nhút nhát nhưng vì thích nên tôi muốn thử và may mắn được nhiều người yêu quý. Nếu một năm trước không liều, có lẽ tôi không có ngày hôm nay”, chị Nhung nói và mong du học sinh tốt nghiệp năm nay không vì khó khăn trước mắt mà bớt liều bởi “cuộc đời bằng phẳng quá sẽ bớt vui”.
Năm 2020, tất cả sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Mỹ không được dự lễ tốt nghiệp tại trường do Covid-19. Vì vậy, Hội Thanh niên sinh viên các thành phố Arizona, Boston, New York, Philadelphia, Chicago và Seattle tổ chức lễ tốt nghiệp trực tuyến “Virtual Graduation 2020″ để chúc mừng du học sinh.
Trong buổi lễ tốt nghiệp, không chỉ những nhân vật thành công từng du học tại Mỹ dành lời khuyên cho sinh viên mà rất nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng tại Việt Nam cũng gửi lời chúc mừng như: ca sĩ Hòa Minzy, Chi Pu, Tóc Tiên, Rhymastic và Youtuber Benjamin Tran. Ban tổ chức hy vọng đem lại cái nhìn tích cực, lời khuyên bổ ích cho du học sinh trong thời điểm khó khăn này.
GS Trương Nguyện Thành khuyên sinh viên học cách thích nghi
GS Trương Nguyện Thành cho rằng sinh viên mới ra trường phải tiếp tục học hỏi để thích nghi, đừng để tên ngành trên tấm bằng giới hạn bản thân.
Trong lễ tốt nghiệp trực tuyến "Virtual Graduation 2020" do Hội Thanh niên sinh viên các thành phố Arizona, Boston, New York, Philadelphia, Chicago và Seattle (Mỹ) tổ chức cuối tuần qua, GS Trương Nguyện Thành đã có bài phát biểu truyền cảm hứng tới du học sinh Việt Nam tại Mỹ tốt nghiệp năm 2020.
GS Thành, 59 tuổi, quê Bình Định, có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán (Đại học Minnesota, Mỹ). Năm 1990, ông giành giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó ông học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah (Mỹ).
Dưới đây là bài phát biểu của GS Thành:
Chúc mừng các bạn tốt nghiệp năm nay. Lễ tốt nghiệp không phải để đánh dấu sự kết thúc hành trình học hỏi của mình. Covid-19 đang nhắc nhở tôi và các bạn lúc nào cũng phải học hỏi để thích nghi. Lễ ra trường là cột mốc quan trọng trong hành trình cuộc sống, đánh dấu nỗ lực học tập trong 4-5 năm qua nhưng hành trình cuộc sống còn mấy chục năm phía trước với nhiều thách thức đang chờ các bạn chinh phục. Và tôi tin rằng các bạn sẽ đón nhận thách thức ấy với đầy tự tin.
Tôi thường nói với sinh viên và trên truyền thông rằng môi trường sống của chúng ta đang thay đổi chưa từng có do cách mạng 4.0 mang lại. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến Covid-19 chỉ cần vài tháng đã thay đổi toàn bộ môi trường sống, sinh hoạt của con người trên toàn thế giới. Cuộc sống của chúng ta sẽ không trở lại bình thường như xưa nữa. Trong sự thay đổi đó, luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc những ai tồn tại. Không phải người thông minh nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất mà những người có khả năng thích nghi cao nhất sẽ tồn tại.
Nhà khoa học, chính trị gia Benjamin Franklin từng nói "Thất bại trong chuẩn bị đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị cho sự thất bại". Vậy chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để không bị đào thải bởi luật tiến hóa. Đó là học hỏi, hoàn thiện bản thân hàng ngày để thích nghi với mọi thay đổi trong cuộc sống.
Khoảng thời gian này 40 năm trước, ngày tôi vào Mỹ, đó là lần đầu tiên tôi vào phi trường, lần đầu tiên lên máy bay, ngồi xe hơi, nhìn thấy cao tốc với nhiều xe chạy như thế. Lúc đó không biết bao nhiêu cái là lần đầu tiên. Tôi như bước vào thế giới hoàn toàn xa lạ, không có nét gì giống với thế giới tôi từng biết trước đó từ ngôn ngữ, văn hóa ứng xử đến môi trường sống. Thế giới mà tôi quen thuộc có cánh đồng, con trâu, xe đạp, đèn dầu.
Không có người thân bên cạnh nương tựa, tôi nghĩ rằng muốn tồn tại được thì phải thích nghi. Thế là não bộ của tôi bật lên chế độ học hỏi và thích nghi. Tôi học mọi lúc mọi nơi như một đứa con nít. Từ học ngôn ngữ trong lớp học, coi TV, quan sát, bắt chước cách ứng xử của mọi người xung quanh và đặc biệt không để những định kiến xã hội ảnh hưởng đến việc học và thích nghi của mình. Nhờ thế, 10 năm sau kể từ khi đặt chân đến Mỹ, tôi cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ Hóa học của một trường đại học có danh tiếng và được học bổng hậu tiến sĩ của Quỹ khoa học quốc gia cho những tiến sĩ mới ra trường có tiềm năng nhất nước Mỹ.
GS Trương Nguyện Thành phát biểu trực tuyến với sinh viên Việt tốt nghiệp tại Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình.
40 năm sau, môi trường sống của tôi một lần nữa bị đảo lộn nhưng lần này do Covid-19.
Gần 30 năm kể từ ngày trở thành GS ở Đại học Utah, để cân bằng cuộc sống, tôi có nguyên tắc là không mang việc làm về nhà. Ở nhà tôi chỉ đọc sách, xem TV, giải trí, sinh hoạt với gia đình. Mấy tháng nay do cách ly xã hội, việc giảng dạy thay vì ở giảng đường thì tôi phải dạy ở nhà. Bây giờ việc mặc quần đùi dạy cho sinh viên không phải vấn đề nữa mà trở nên bình thường.
Điều đáng nói là sau khi dạy xong ở nhà, tôi không biết làm gì. Thời gian đầu, tôi thường coi TV rồi luyện vài bộ phim chưởng của Kim Dung. Nhưng tôi sớm nhận thức ra được bài học của 40 năm trước. Não bộ của tôi một lần nữa chuyển sang chế độ học hỏi và thích nghi.
Hơn một tháng nay, sau khi tập thể dục và ăn sáng, tôi học khoa học thần kinh, tâm lý học hành vi về phát triển con người, khoa học thể dục, nghệ thuật lãnh đạo, xã hội học, quản trị học và cả những nghiên cứu khoa học về chánh niệm. Những vấn đề này hoàn toàn mới mẻ với tôi, nhưng tôi đã học với mục tiêu là tìm ra phương pháp để phát triển tiềm năng con người một cách hiệu quả nhất từ trí tuệ đến thể chất. Tôi còn mang chính bản thân của tôi ra làm thí nghiệm. Nhờ đó, tôi ở trong nhà nhưng luôn cảm thấy thú vị, tinh thần tích cực và phấn khởi.
Người ta nói rất khó để dạy con chó già chơi trò chơi mới, nhưng ông già như tôi vẫn có thể bật chế độ học hỏi và thích nghi thì tôi tin các bạn trẻ có thể làm được.
Covid-19 thay đổi hoàn toàn thị trường lao động. Tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bạn đang cầm có thể thay đổi nhiều rồi. Để không bị đào thải bởi luật tiến hóa, bạn cần tìm hiểu những thay đổi trong môi trường làm việc trong ngành mình học, đánh giá những kỹ năng cá nhân cần bổ sung, học hỏi hoàn thiện bản thân hàng ngày trong tâm thế để thích nghi với môi trường mới. Điều quan trọng là thay đổi nhận thức về việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tôi từng khuyên học trò của mình khi ra trường là "Thầy không chỉ dạy em Hóa học. Thầy dùng Hóa học làm công cụ để dạy em phân tích vấn đề, tích hợp kiến thức để đưa ra giải pháp, biết làm thí nghiệm để đánh giá tính khả thi và giới hạn, thuyết phục trước hội đồng chuyên môn về giải pháp của mình". Nhờ thế học trò của tôi có đứa làm giám đốc trung tâm dữ liệu, giám đốc ngân hàng, phát triển vật liệu y tế, những ngành không dính gì tới Hóa học. Do đó, đừng để tên ngành trên tấm bằng đại học giới hạn cơ hội việc làm của mình. Đây là điều rất quan trọng ở thời điểm này.
Một kỹ năng nữa rất quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp nhưng ít khi được nhắc tới là tâm thế làm chủ. Nhiều sinh viên chia sẻ khi ra trường sẽ làm chủ doanh nghiệp. Tôi hỏi lại "Em nghĩ thế nào là làm chủ"? Đa số trả lời làm chủ là có thể làm những thứ theo ý của mình chứ không phải theo ý người khác như khi làm công. Tôi hỏi tiếp "Vậy mỗi sáng em là người quyết định dậy lúc mấy giờ đúng không? Em quyết định tập thể dục hay lướt Facebook đúng không? Bạn bè rủ đi uống cafe nhưng em là người quyết định đi gặp hay lên mạng học hỏi thêm kiến thức đúng không? Trước sự việc khiến em nổi điên thì em là người quyết định cách ứng xử của mình đúng không"?
Nhà tâm lý học Viktor Frankl từng nói "Tự do cuối cùng của con người là khả năng lựa chọn thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh không thể thay đổi được". Khi sống cách ly xã hội, tôi là người quyết định tất cả những hoạt động của mình trong ngày và tâm thế của mình trước hoàn cảnh. Cuộc sống của bạn là chuỗi lựa chọn mà bạn hoàn toàn là người quyết định. Do đó, không vì hoàn cảnh nào như đại dịch, suy thoái kinh tế mà bạn không thể làm chủ được cuộc sống của mình.
Với tâm thế làm chủ bản thân, bạn sẽ không cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh mà còn có động lực vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Nếu bạn không thể làm chủ bản thân thì bỏ ý định làm chủ doanh nghiệp đi.
Sau khi ra trường, nhiều bạn đang háo hức tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Chuỗi thành công ở Việt Nam mà tôi hay nghe là "một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh". Khi quá tập trung vào địa vị, tài sản, quyền lực, nó có thể thôi thúc bạn chọn con đường tắt để đến với thành công nhanh chóng, nhưng nó chỉ là nhất thời và không bền vững. Có nhiều người trên thế giới làm giàu bằng cách này nhưng kết quả là vào tù và táng gia bại sản.
Nhà bác học Albert Einstein từng khuyên thế hệ trẻ không nên tập trung vào mục tiêu trở thành người thành công mà hãy cố gắng sống làm người có giá trị. Sống có giá trị với bản thân là khi biết chăm sóc mình cả về tinh thần lẫn thể chất. Sống có giá trị với gia đình là khi biết cách cân bằng cuộc sống với công việc. Sống có giá trị với đồng nghiệp, tổ chức, xã hội để họ đánh giá bạn là người có giá trị và thành công tự nhiên đến với bạn.
Cuối cùng, thành công của các bạn hôm nay có sự đóng góp của rất nhiều người, không chỉ từ người thân mà còn từ thầy cô, nhân viên làm vệ sinh lớp học đến bác tài xế xe bus đưa bạn đến trường, những động viên từ bạn bè và từ nhiều người khác nữa. Với sự biết ơn, lòng trắc ẩn và ý thức xã hội, tôi hy vọng bạn sẽ sống làm người tử tế, góp phần xây dựng một môi trường bền vững, xã hội văn minh và công bằng hơn.
Dù cho hoàn cảnh nào, ngày mai mặt trời vẫn sẽ mọc nhưng ngày mai bạn sẽ thành người như thế nào lại phụ thuộc vào hành động và nhận thức của các bạn ngày hôm nay.
10X thường bị nhầm là con lai chinh phục 5 học bổng Phạm Mẫn Nhi là du học sinh trường Macquarie Sydney, Australia. Sau một năm được nhiều người biết đến, 10X đạt nhiều thành tích học tập nổi bật. Phạm Mẫn Nhi (19 tuổi) là du học sinh ngành truyền thông, trường Macquarie University, Sydney, Australia. Một năm trước, 10X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thường bị nhầm là con lai,...