Du học sinh dậy từ 4h sáng học online trong khu cách ly ở TP.HCM
Thấm mệt sau hành trình dài về nước và chênh lệch múi giờ, nhiều du học sinh vẫn thức khuya dậy sớm học online trong khu cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.
Được cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Phan Toàn, du học sinh ngành Công nghệ Thông tin tại Australia, cho hay ngay khi ổn định chỗ ở, Toàn đã tìm cách kết nối mạng Internet để theo kịp bài vở online ở trường.
Toàn giải thích mỗi môn học được chia thành các phần: Lecture (bài giảng), workshop (bài giảng kèm thực hành), practice (thực hành), lab (ngành Công nghệ Thông tin có thêm giờ làm trên máy tính).
Do dịch bệnh, mọi học phần đều được chuyển thành online. Với lecture và workshop, giảng viên sẽ thu âm trước rồi đẩy lên LMS (hệ thống học trực tuyến). Với các giờ thực hành, giảng viên dùng phần mềm Zoom để trao đổi với sinh viên.
Phan Toàn nhờ sự trợ giúp từ các sinh viên từng ở ký túc xá để vào Wi-Fi, học qua mạng. Ảnh: NVCC.
“Những ngày đầu, sóng 4G ở ký túc xá yếu nên mìn phải tải hết bài giảng rồi nghe lại. Học trên Zoom thì khó hơn, giảng viên nói bị giật, hình ảnh đơ”, Toàn cho hay.
Gặp vấn đề về Wi-Fi, Toàn đã vào diễn đàn sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM để nhờ sự giúp đỡ. Nam sinh xúc động khi nhiều sinh viên sẵn sàng nhường thẻ Wi-Fi cho Toàn và hướng dẫn cách sử dụng.
Toàn cho biết trường của bạn ở Australia hỗ trợ sinh viên mùa dịch bằng cách lùi hạn ghi danh, đóng học phí (cenus date) qua giữa tháng 4. Sinh viên nào cảm thấy không học được có thể xin bảo lưu, học kỳ sau học tiếp. Những bạn học online kỳ này nhưng rớt môn hoặc điểm thấp, sẽ không bị ghi vào hệ thống và học bạ. Nhưng, sinh viên rớt môn phải đóng tiền học lại.
Với tình hình đại dịch khó lường, lo lắng việc xin bảo lưu sẽ dẫn tới visa bị hủy, rắc rối khi xin cấp mới, Toàn vẫn cố gắng theo lớp học online của trường. Múi giờ giữa Việt Nam và Australia chênh lệch 4 tiếng nên nhiều khi nam sinh này phải dậy từ 4h sáng để học qua mạng.
Cùng cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Mi Thanh, du học sinh từ Canada, cho biết do còn mệt sau chuyến bay dài, cộng thêm sinh hoạt đảo lộn do múi giờ giữa Việt Nam và Canada chênh lệch tới 11 tiếng, việc học của cô khá khó khăn.
Nữ sinh phải thức đêm hoặc dậy thật sớm để theo kịp lớp học ở Canada. Thêm vào đó, những ngày đầu ở khu cách ly, Thanh chưa biết cách mua thẻ truy cập Internet nên đã bỏ lỡ một số tiết học.
Không gian học tập của Mi Thanh và bạn cùng phòng tại khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC.
“Trường mình bắt buộc phải học online để hoàn thành khóa học nên ban đầu mình khá lo. Nhưng may là sau đó cũng đã có Wi-Fi để học, dù còn yếu do nhiều người dùng nhưng như vậy cũng đã ổn”, Thanh cho hay.
Đại diện Trung tâm quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người đang cách ly, ban quản lý đã cho phát Wi-Fi miễn phí với tốc độ trung bình. Ai có nhu cầu băng thông lớn hơn sẽ phải mua thẻ.
Tại khu cách ly Trung tâm Đào tạo nghề Thành An (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Thúy Hiền, du học sinh trở về từ Hà Lan, chia sẻ khoảng thời gian cách ly của bạn giống kỳ nghỉ. Không chỉ được phục vụ chu đáo, Hiền và các bạn du học sinh còn được đơn vị bố trí phòng để học online.
Phòng học online ở khu cách ly của Huyền và các bạn. Ảnh: NVCC.
“Các chú bội đội thu xếp hẳn một phòng học cho chúng mình học và lắp mạng ngay trong phòng. Bình thường là 23h đã phải đóng cửa nhưng do học online chênh lệch múi giờ, các chú mở cửa cho học thâu đêm luôn”, Thúy Hiền cho biết.
Cuộc sống ở khu cách ly tại ĐH Quốc gia TP.HCM của du học sinh Việt. “Tổ quốc vẫn luôn đón chào chúng em trở về. Dù ở nơi xứ người, em thấy Việt Nam vẫn là nhất”, chia sẻ cử du học sinh đang cách ly ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng ĐHQG TP.HCM.
Du học sinh Việt tại Mỹ phải làm gì trong đại dịch?
Sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 phải cân nhắc kỹ việc về nước vì Mỹ chưa có chính sách cho nộp hồ sơ xin ở lại làm việc từ bên ngoài nước Mỹ.
Làm việc tại Khoa Sinh hóa và Sinh học Phân tử, Oklahoma State University (OSU), tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ những điều quan trọng du học sinh cần làm trong bối cảnh Covid-19 lan rộng.
Từ ngày 18/3, trường OSU chính thức thông báo chuyển sang chế độ học online cho đến hết học kỳ xuân và sẽ hủy các lễ trao giải thưởng hay tốt nghiệp cuối kỳ nếu tình hình dịch vẫn còn. Giáo viên được tập huấn online để trang bị kỹ năng dạy trực tuyến và được hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc về việc tổ chức, thiết kế dạy online thế nào cho hiệu quả. Nhà trường gửi đi các thông báo đến nhân viên, sinh viên mỗi ngày để cập nhật tình hình và hướng dẫn các vấn đề quan trọng, có số điện thoại để hỗ trợ 24h/7 khi sinh viên cần tư vấn.
1. Về ăn ở: Trường khuyến khích sinh viên không ở lại ký túc xá đông để hạn chế lây nhiễm, nhưng sẽ hỗ trợ ăn, ở cho sinh viên phải ở lại, như sinh viên quốc tế. Các bữa ăn sẽ được để trong hộp để mọi người lấy mang về phòng chứ không ngồi ăn tại chỗ như trước đây nhằm tránh lây nhiễm.
Nếu sinh viên không ở ký túc xá thì nên tự dự trữ thức ăn, nhu yếu phẩm và thuốc men đủ dùng trong ít nhất 2 tuần hay tốt nhất là 30 ngày, phòng trường hợp phải cách ly trong nhà vài tuần.
Sinh viên Đại học Boston, bang Massachusetts, thu dọn đồ đạc rời khỏi ký túc xá ngày 18/3. Ảnh: Nancy Lane/ Boston Herald.
2. Về y tế và bảo hiểm: Khi sinh viên có dấu hiệu nhiễm bệnh cần liên hệ các chuyên viên y tế hay bác sĩ qua điện thoại hoặc website trực tuyến được trường cung cấp (liveMD) để mô tả triệu chứng cụ thể, từ đó sẽ được hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 nếu cần. Bảo hiểm y tế của sinh viên sẽ chi trả hoàn toàn phí xét nghiệm nếu có yêu cầu xét nghiệm của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế. Do vậy sinh viên không tự ý làm xét nghiệm, hãy xin chỉ định của bác sĩ, tránh mất phí.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể đến các phòng khám hoặc gọi 911 nếu cần cấp cứu, bảo hiểm sẽ chi trả với mức đã ghi trong chính sách, phía bệnh nhân sẽ trả phí co-pay & deductibles được liệt kê cụ thể trong gói bảo hiểm.
3. Thư viện của trường vẫn mở cửa cho sinh viên vào truy cập Internet hoặc in ấn tài liệu học. Các trung tâm hỗ trợ việc học và thủ tục cần cho sinh viên vẫn làm việc trực tuyến để trả lời qua email hoặc điện thoại. Nhưng các trung tâm thể thao, sinh hoạt đội nhóm đều đóng cửa trong thời gian này.
4. Sinh viên đang được tài trợ làm nghiên cứu thì tùy theo sự phân công của giáo sư hướng dẫn mà có thể đến lab hoặc làm từ xa để tiếp tục đề tài, nhưng sẽ cắt giảm bớt nhân sự hoặc thay phiên nhau vào lab để giảm rủi ro lây nhiễm.
5. Nếu sinh viên quyết định về nước thì cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm quốc tế (International Center) của trường mình để tiến hành thủ tục và lấy giấy tờ cần thiết. Ở OSU, sinh viên được hướng dẫn các bước sau, hầu hết là yêu cầu chung cho phần lớn đại học Mỹ.
- Kiểm tra tất cả tài khoản cần trả tiền của mình để thanh toán xong trước khi rời khỏi Mỹ để tránh rắc rối khi làm thủ tục quay lại học.
- Thảo luận với người phụ trách học thuật của mình (Academic Advisor) về các khóa học cần hoàn tất, các tín chỉ cần đăng ký cho học kỳ sau cho đúng thời hạn. Nếu chuẩn bị tốt nghiệp thì cần đăng ký tốt nghiệp trễ nhất là đầu tháng 4.
- Cần hoàn tất tốt các khóa học online đang theo học của trường để đảm bảo điểm số tốt dễ xin visa khi quay lại.
- Đặc biệt sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 này thì phải cân nhắc kỹ việc rời khỏi Mỹ vì hiện nay Mỹ chưa có chính sách cho sinh viên nộp hồ sơ xin OPT (Optional Practical Training), loại giấy phép để xin ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, từ bên ngoài nước Mỹ. Do vậy bạn cần quay lại Mỹ kịp thời hạn để nộp hồ sơ xin OPT thì mai này mới được làm việc ở Mỹ một cách hợp pháp.
- Sinh viên cần điền form online của Trung tâm quốc tế (International Center) xin travel signature trên form I-20 để mai này có thể xin visa quay lại. Nếu phải quay về gấp không kịp chờ đến hẹn thì có thể về nước trước rồi đăng ký gửi form đó về nhà mình sau.
Để quyết định ở lại Mỹ hay quay về, du học sinh cần xem xét các chính sách hỗ trợ của trường mình và điều kiện hỗ trợ mà mình có thể nhận được, từ đó tùy theo tình hình thực tế mà cân nhắc. Nếu ở lại, các bạn tuân thủ theo hướng dẫn của trường và thành phố nơi mình ở, hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Còn nếu bạn quyết định về nước thì phải chuẩn bị đầy đủ thủ thục cần thiết hỗ trợ tốt nhất cho việc quay lại sau này khi hết dịch, và cũng hết sức cẩn thận khi đi máy bay vì khả năng phơi nhiễm trong không gian hẹp trong nhiều giờ là không thể kiểm soát được, nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn.
Đến ngày 20/3, Covid-19 đã lan ra hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 245.000 người nhiễm bệnh, hơn 10.000 người chết. Riêng Mỹ ghi nhận hơn 14.360 ca nhiễm, 217 người chết; Việt Nam ghi nhận 87 ca nhiễm, trong đó 17 người đã khỏi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất - 29.000. Ngày 19/3, Bộ đã khuyến cáo du học sinh cân nhắc kỹ các rủi ro khi quay về Việt Nam, tuyệt đối tuân thủ quy tắc phòng dịch ở nước sở tại và bám sát nội dung khuyến cáo của đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Du học sinh nên ở trong nhà và không đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết; theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập, thủ tục liên quan đến việc nhập học lại. Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn
Dịch Covid-19 phức tạp, nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ được chuyển sang học online Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Mỹ, các du học sinh Việt Nam cùng sinh viên các trường ĐH ở nước này sẽ chuyển sang học online trong thời gian này. Thông báo chuyển qua học online của ĐH Harvard - Ảnh chụp màn hình Tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ đang diễn biến phức tạp nên rất...