Du học sinh cần tỉnh táo khi chọn việc làm thêm
Kiếm tiền trang trải cuộc sống là nhu cầu thiết thực của du học sinh, nhưng không phải ai cũng tỉnh táo, biết cân bằng khi làm thêm để không ảnh hưởng học tập.
Từ trải nghiệm của một số du học sinh làm thêm ở nước ngoài, có thể thấy rất nhiều điều cần chú ý bên cạnh những lợi ích của việc làm thêm. Sinh viên mải mê làm việc dễ bỏ bê học hành, hoặc làm những việc nặng nhọc nguy hại đến sức khỏe, thậm chí bị… gạ tình.
Sinh viên làm thêm khi học tập tại nước ngoài. Ảnh minh họa.
Tìm hiểu kỹ, chọn việc phù hợp
Từng trải qua 8 công việc khác nhau tại Pháp, Võ Túc Ngân (Đại học Paris X) cho rằng, làm thêm là trải nghiệm rất thú vị của quãng đời du học sinh. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực khi mải mê làm việc đến mức quên học.
Cân bằng được học tập – làm thêm sẽ giúp bạn năng động hơn, xử lý được nhiều tình huống trong cuộc sống. Đó cũng là kỹ năng mềm mà sinh viên cần có. Kinh nghiệm của nữ sinh này là chọn những việc thực sự phù hợp sở thích và khả năng của bản thân.
“Chọn trông trẻ và dạy học nếu yêu trẻ con, làm nhân viên bán hàng khi thích giao tiếp với khách, tăng vốn từ vựng… Đặc biệt, bạn cần biết tổ chức thời gian, vì với sinh viên, học tập vẫn là mối quan tâm hàng đầu”, Túc Ngân chia sẻ.
Cũng từng trải qua những rắc rối về chuyện tiền lương, nữ sinh cho rằng, đây là câu chuyện cần sòng phẳng. Cô luôn bình tĩnh nhưng cũng giải quyết đến cùng.
Với trường hợp bị ông chủ gạ tình hay quấy rối, Túc Ngân nêu quan điểm, sinh viên chỉ gặp phải chuyện đó nếu đồng ý làm việc với người mà họ cảm thấy có vấn đề. “Trước khi nhận việc, bạn phải tiếp xúc và cân nhắc kỹ về người làm cùng”, nữ sinh khuyên.
Phan Hoàng Hà, sinh viên Đại học Goethe Frankfurt, Đức, cũng từng trải qua nhiều việc làm thêm khi du học như bồi bàn, bán quần áo, làm việc tại hội chợ, mở phòng thu âm… Hoàng Hà lưu ý: “Các bạn trẻ nên chọn công việc phù hợp sở thích để giảm áp lực và gắn bó lâu dài”.
Nam sinh chia việc làm thêm thành 2 loại, gồm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và làm việc trong im lặng. Công việc tiếp xúc khách hàng sẽ phù hợp với người có khả năng giao tiếp, biết nhiều ngoại ngữ và ngoại hình là một ưu thế. Công việc thường có là gia sư, phiên dịch, phục vụ quán ăn, làm ở hội chợ…
Video đang HOT
Việc làm trong im lặng thường vất vả và có phần chán hơn, vì chỉ làm theo chu trình có sẵn, không cần tương tác nhiều với ai. Công việc thường có là làm bếp, rửa chén, lau dọn, xếp quần áo…
Cân đối thời gian học và làm
Du học sinh có thể chia sẻ những câu chuyện thú vị khi đi làm thêm ở nước ngoài qua email: toasoan@zing.vn.
Theo chia sẻ của du học sinh, một số nước quy định người có visa sinh viên không được làm quá 120 ngày (full time), và 240 ngày (part time). Trung bình một tuần, các bạn chỉ có thể làm tối đa 20 tiếng.
Du học sinh nên xếp lịch học của mình trước, rồi theo đó tìm việc làm thêm. Phan Hoàng Hà cho rằng, du học sinh không nên sáng học rồi chiều đi làm luôn, sẽ rất áp lực, nên làm vào cuối tuần.
Bạn trẻ nên xác định việc học là chủ yếu, đi làm cũng chỉ kiếm thêm tiền mua đồ ăn và sinh hoạt. Nên làm ít, khoảng 2 buổi một tuần, hoặc chọn gói làm việc bán thời gian dành cho sinh viên, với mức thu nhập thấp hơn nhưng bạn sẽ có nhiều thời gian học tập.
Đến kỳ nghỉ, sinh viên có thể làm full time hoặc làm 2 việc cùng lúc để bù cho khoảng thời gian “làm ít, học nhiều” trong năm học.
Nên chọn việc gắn với ngành học
Làm thêm là một trong những nhu cầu thiết thực của du học sinh, đặc biệt những bạn đi học tự túc. Thực tế là sinh viên sang đây phải tính toán sinh hoạt phí, ra khỏi nhà là mất tiền. Thậm chí, những thành phố họ sống được biết đến là “đắt đỏ nhất thế giới”, do vậy, công việc làm thêm rất cần thiết.
Tuy nhiên, du học sinh cần cân nhắc giữa những lựa chọn. Có rất nhiều công việc không liên quan ngành học với mức lương hấp dẫn, nhưng tôi cho rằng, du học sinh nên chọn những công việc liên quan chuyên môn như trợ giảng hay trợ lý cho nhóm nghiên cứu, dù mức lương không cao. Bởi lẽ về lâu dài, mục tiêu của sinh viên vẫn là nắm vững chuyên môn ngành học.
Dĩ nhiên, không dễ để nhận được những công việc liên quan chuyên môn trong các trường đại học. Việc này đòi hỏi bạn phải có kiến thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Lê Ngọc Sơn
Nghiên cứu sinh ngành Truyền thông
Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức.
Theo Zing
Du học sinh bỏ học, bị gạ tình khi làm thêm
"Biết mình cần tiền nên ông ta săn đón bằng được, rồi hứa hẹn sẽ có thù lao và tiền bo nếu biết nghe lời", Phương Linh kể lại câu chuyện dở khóc cười khi xin việc làm thêm.
Bên cạnh những du học sinh có điều kiện kinh tế hoặc giành được học bổng toàn phần, không ít bạn trẻ ra nước ngoài học tập với nguồn tài chính eo hẹp. Vì lý do nhỏ như thiếu tiền học lại hay cần tiền đi chơi, họ sẵn sàng kiếm việc làm thêm với những rủi ro không báo trước.
Bị quấy rối khi đi xin việc
Vì không theo kịp chương trình học, Nguyễn Phương Linh, sinh viên năm ba Shanghai Dianji University (Thượng Hải, Trung Quốc) phải nộp khoản tiền lớn để học lại. Nữ sinh giấu gia đình đi tìm việc làm thêm để trang trải học phí.
Nữ sinh viên làm việc tại quán rượu ở Trung Quốc, nhiều khi phải nghe những lời khiếm nhã của khách hàng nam. Ảnh minh họa: Chinanews.
Xin làm bồi bàn hay lễ tân đều bị từ chối vì không đủ chiều cao, cuối cùng, Phương Linh được bạn bè giới thiệu đến ông chủ nhà hàng đang cần thuê người phiên dịch tiếng Việt.
Những tưởng sắp kiếm được việc đúng chuyên môn, nhưng khi đến nơi, nữ sinh mới biết ông chủ trung niên đã bỏ vợ. Mới gặp Phương Linh, nhưng ông ta nói thẳng: "Em khỏi phải làm gì, cho anh ôm một cái...".
Tá hỏa bỏ chạy về phòng, những ngày sau đó, nữ sinh vẫn nhận thêm những tin nhắn gạ gẫm từ gã đàn ông lạ. "Biết mình cần tiền nên ông ta săn đón bằng được, rồi hứa hẹn sẽ có thù lao và tiền bo nếu nghe lời", Phương Linh kể lại sự việc.
Qua tìm hiểu, đây không phải du học sinh duy nhất lọt vào mắt những kẻ "chăn gà" tại Trung Quốc. Trong những ngày bỡ ngỡ tìm việc làm thêm ở xứ người, Hà Anh (Đại học Y Quảng Tây) cũng gặp phải ông chủ thích... thân mật cùng nhân viên.
Cô kể lại: "Ông ấy dẫn mình ra biển chơi đến tối muộn rồi lấy cớ không kịp về nhà để dựng lều ngủ ngoài biển". Đang ngủ, có bàn tay luồn vào hông, Hà Anh hoảng sợ vùng chạy rồi gọi điện nhờ bạn bè đến cứu.
Điểm chung của những trường hợp trên là nữ sinh thường gặp phải kẻ xấu từ chính những lời giới thiệu của người thân quen. Thậm chí, trong trường hợp của Hà Anh, ông chủ còn là người quen được gia đình cô giới thiệu.
Bỏ học vì mải làm thêm
Nguyễn Long, sinh viên Đại học Paris VIII, Pháp, kể, một số người bạn cùng phòng làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt phí, từ bưng bê ở quán đồ ăn nhanh, đến làm thuê trong nhà hàng. Gần kỳ thi, họ không biết sắp xếp thời gian học và làm hợp lý, dẫn tới kết quả kém, có nguy cơ không được học tiếp.
Còn Lê Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide (Australia), chia sẻ, từng có du học sinh Việt làm thêm đủ nghề ở xứ chuột túi. Có chút tiền, họ đua đòi đi bar, bỏ bê học hành và không qua được các kỳ thi, phải về nước.
Theo Phạm Nguyễn Đăng Trình, sinh viên Đại học Fullerton (bang California, Mỹ), du học sinh làm thêm chểnh mảng việc học là câu chuyện xảy ra nhiều ở Mỹ.
"Có những bạn tìm cơ hội đi làm bên ngoài (không hợp pháp theo Luật di trú) và xem nhẹ học hành. Lý do có thể là hoàn cảnh kinh tế gia đình, hoặc do đua đòi theo những nhóm bạn bè xấu", Đăng Trình chia sẻ.
Ở Mỹ, có hai loại việc làm bất hợp pháp nhưng nhiều du học sinh làm là bồi bàn trong nhà hàng, và làm nail (vẽ móng tay). Những công việc này thường được trả bằng tiền mặt nhưng không hợp pháp theo Luật di trú của Mỹ.
Sinh viên được làm việc bán thời gian trong trường dưới 20 tiếng một tuần. Tuy nhiên, với một số bạn trẻ, công việc này không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, dẫn đến việc làm "chui" ở ngoài trường.
"Theo mình, làm thêm trong lúc đi học là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta chọn những công việc phù hợp với lĩnh vực đang học, vì nó sẽ là bước đệm xây dựng kinh nghiệm cho tương lai".
Đăng Trình cho biết, những việc lương cao cũng có thể là cái bẫy với du học sinh. Nam sinh đã chứng kiến nhiều bạn bè đồng hương vì mải làm thêm ở nhà hàng, tiệm nail mà không cân bằng được việc học. Tệ hơn, họ còn tự đánh mất những hoài bão, dự định to lớn của bản thân vì cái lợi nhỏ trước mắt.
9X từng phát biểu trước hàng trăm nghị sĩ Mỹ này khuyên, để tránh rủi ro, du học sinh nên đến các trung tâm tư vấn nghề nghiệp để nhờ những người có kinh nghiệm hướng dẫn, cũng như học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.
Theo Zing
Du học sinh hái nho, làm thợ xây nơi xứ người Hái nho trong cái nắng 40 độ C, ôm thùng hàng chạy dưới tuyết lạnh âm 30 độ C, hay vác vật liệu nặng 50 kg lên mái nhà..., nhiều du học sinh không ngại vất vả kiếm thêm thu nhập. Sang Nga với học bổng toàn phần, học chuyên ngành Công nghệ thông tin, chàng sinh viên Nguyễn Bá Hiệp năng nổ...