Du học: Những ảo tưởng và sai lầm
Xuất phát từ nhiều yếu tố: tin ở nền giáo dục nước ngoài tiên tiến hơn, gia đình có điều kiện, bất lực trong việc giáo dục con cái… nhiều bậc cha mẹ đã tìm mọi cách ép con đi du học mà không biết con mình có khả năng hay không và phải chuẩn bị những gì. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đáng buồn…
Những nguy cơ khó lường
Với mong muốn con em mình được nâng cao kỹ năng sống, hiểu biết các nền văn hóa khác nhau để trở thành công dân thế giới, có thể sống và làm việc trong mọi môi trường nên nhiều gia đình đã coi du học là giải pháp thức thời và tối ưu. Điều đáng buồn là còn ít người hiểu rằng đôi khi du học lại khiến không ít em bị đẩy ra khỏi môi trường sống quen thuộc đến nơi có nhiều nguy cơ rình rập.
Cách đây không lâu, cái chết của một sinh viên Việt Nam du học tại Đại học Golden West Community, Mỹ đã gây xôn xao dư luận. Nạn nhân là N.M.C, sinh viên Đại học Golden West Community treo cổ tự tử tại nhà trọ ở thành phố Westminster. Trước đó, ngày 24-10-2009, tại San Jose, California, sinh viên P.H – người Việt Nam đã bị cảnh sát đánh bằng dùi cui và súng bắn điện hơn 10 lần, trong đó một lần bị đập vào đầu vì bị nghi ngờ tấn công một người bạn cùng phòng. Ngày 17-7-2009, thi thể du học sinh N.M.N đã được phát hiện trong tủ đựng quần áo tại một căn phòng của ký túc xá Queensway Singapore. N mới sang được gần hai tháng và đang học tiếng Anh tại Học viện Quản lý phát triển Singapore.
Ngọc Hà – một du học sinh tại Anh chia sẻ: “Đối với những du học sinh xa nhà, những tác động về tâm lý, tình cảm có ảnh hưởng khá sâu sắc. Khi xảy ra bất kỳ sự cố nào như kết quả học tập kém, chia tay người yêu… nếu ở Việt Nam, các cá nhân này còn có bạn bè, người thân, gia đình để chia sẻ, nương tựa. Còn ở nước ngoài, họ chỉ có một mình. Họ thường rơi vào trạng thái cô đơn, trống vắng vô cùng nên nỗi buồn theo đó mà tăng lên nhiều lần. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, chuyện tìm đến cái chết rất dễ xảy ra, đặc biệt với các bạn nam khi cảm thấy bức bối, stress kéo dài. Bên cạnh đó môi trường sống ở nước ngoài quá xa lạ so với Việt Nam, có nhiều nơi mất an toàn mà các bạn trẻ không lường hết được. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa, dân tộc giữa các du học sinh với nhau và du học sinh với người dân bản địa cũng là một rào cản không nhỏ”…
Nhiều “dân chơi” được cho đi du học để “cách ly môi trường xấu” lại tiếp tục lao vào các cuộc chơi ở xứ người
Tiền mất, tật vẫn mang
Nói về lý do cho cô con gái duy nhất đi du học tại Australia, chị Vũ Thảo Trang – nhân viên kế toán tại một công ty nước ngoài thở dài: “Tôi muốn cho con gái đi du học để mở mang tầm mắt. Trong khi các gia đình khác phải nuôi 2, 3 đứa con thì vợ chồng tôi chỉ có một con nên luôn mong nó học thành tài. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nghe con báo về Việt Nam ăn tết, vợ chồng tôi mừng đến mất ăn mất ngủ. Tuy vậy, đến ngày hẹn, con gái tôi gọi điện về báo sẽ đưa người yêu đi du lịch vài ngày ở Nha Trang rồi mới ra Hà Nội. Năm ngày sau, khi tôi ra sân bay đón con, cô con gái lại dội tiếp gáo nước lạnh: “Chúng con ở khách sạn cho thoải mái”. Trước khi đi, nó còn nói với vợ chồng tôi một câu xanh rờn: “Con sẽ lấy chồng nước ngoài rồi nhập quốc tịch và làm việc bên đó chứ không về Việt Nam… Khi nào bố mẹ về hưu, nếu thích con sẽ đón bố mẹ sang, ở bên ấy nhà dưỡng lão có điều kiện rất tốt…”.
Video đang HOT
Lại có không ít gia đình khá giả nhưng thất bại trong việc quản lý, giáo dục con cái, một trong những giải pháp họ chọn là đưa con ra nước ngoài với hy vọng cách ly con mình với các mối quan hệ bất lợi. Tuy nhiên, giải pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. “Một hôm trên đường đi làm về, tôi nhìn thấy một thanh niên giống hệt con trai mình đang khoác vai một cô gái. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì con trai tôi đang du học ở Singapore nên để kiểm chứng, tôi phóng xe lên xem thử nhưng đường quá đông, tôi không theo kịp. Tôi gọi điện cho con thì thấy nó bảo “con vẫn đang trên lớp”. Bán tín bán nghi, tôi đến một văn phòng thám tử tư nhờ làm rõ thực hư. Hơn 1 tuần sau, tôi được văn phòng này thông báo, đúng là cậu con trai quý tử của tôi về Hà Nội hôm đó và đã về rất nhiều lần. Vậy là cuối cùng, quyết định ép con du học với hy vọng môi trường giáo dục nước ngoài khiến con mình sẽ thay đổi, tránh xa chuyện yêu đương nhăng nhít của vợ chồng tôi đã bị phá sản” – chị Thu Ngà ở khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm than vãn.
Ngoài những đối tượng bất trị bị ép đi du học, còn có không ít bạn trẻ do sức học yếu không thi đỗ đại học trong nước nên phải đi du học nhằm “giải quyết” sĩ diện cho bố mẹ. Có những em không thể theo nổi chương trình học ở nước ngoài nên đã chán nản, bỏ học hoặc giao du với đám bạn xấu. Trong khi đó bố mẹ ở nhà không biết con em mình học hành ra sao, chỉ lấy cái mác “con đi du học” để… sĩ diện!?
Theo bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam, với con cái, quản lý gần luôn tốt hơn quản lý từ xa. Việc bắt con đi du học không phải là một giải pháp giáo dục tốt, cũng không phải là “phép màu” để biến con hư thành con ngoan như các bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng bởi nó không xuất phát từ mong muốn và ý thức tự giác học tập của con mà chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời cho chính bản thân cha mẹ mà thôi. Sai lầm ở chỗ, khi cho con du học ngay cả bản thân họ cũng không xác định được mục tiêu của việc này là gì nên vẫn cứ ảo tưởng “cứ đi du học là sẽ thành tài và môi trường giáo dục “ngoại” nào cũng ưu việt”…
(Còn nữa)
Theo ANTĐ
Ngọt ngào tình yêu du học sinh
Những tình yêu lãng mạn như trong "Chuyện tình Havard", "Oxford thương yêu", ... hẳn là niềm mơ ước của không ít những du học sinh. Và đôi khi, ở những đất nước xa xôi, những chàng trai, cô gái Việt Nam lại gặp được một nửa yêu thương của mình.
Tình yêu nơi xứ người
Đi học xa nhà, mẹ vẫn thường xuyên gọi điện hỏi con gái: "Đã nhắm được anh nào chưa? Đã có anh nào thích chưa?" Con gái ngượng ngùng trêu lại mẹ: "Con sẽ yêu một anh ở xa tít mù tắp, cho mẹ không được bế cháu ngoại nữa". Rồi lại thủ thỉ tâm sự với mẹ về những anh chàng xung quanh. Họ nói gì với mình, họ đối xử với mình thế nào, hôm nay họ rủ mình đi đâu,... Lắm lúc mẹ cũng thấy như mình đang được trẻ lại vì có con gái đang ở tuổi yêu.
Sinh sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, việc được nghe một câu tiếng Việt thật đáng quý. Và đôi khi cũng chính điều đó đã khiến cho hai con người hoàn toàn xa lạ đến gần với nhau hơn. Mai Trang (du học sinh Singapore) đã gần như phát khóc khi trong tuần đầu tiên nhập học được nghe thấy giọng Việt Nam của một anh chàng tên Huy, cao lều nghều với cặp kính cận dày cộp.
Còn Huy lại bỗng dưng bị vướng vào một cô nàng lần đầu xa nhà, cái gì cũng ngơ ngác, cái gì cũng không biết, tính tình lanh chanh, hiếu thắng. Thế rồi nửa năm sau, không biết từ khi nào, cái dáng cao gầy của Huy đã trở thành bờ vai duy nhất cho Mai Trang, còn cái tính trẻ con, ngây thơ của Mai Trang lại dễ thương đến thế trong mắt Huy. Thế rồi họ yêu nhau lúc nào không biết. Thỉnh thoảng, hai người vẫn nhắc đến ngày đầu tiên gặp mặt như một kỉ niệm đẹp của tình yêu.
Thu Thủy (dhs Pháp) vẫn luôn vững tin vào tình yêu của mình
Học tiếng Pháp từ nhỏ, Thu Thủy (du học sinh Pháp) vẫn được nghe cô giáo mình nhắc một cách tự hào về con trai cô, hiện đang du học ở Pháp. Trước khi lên máy bay đi du học, Thu Thủy đã được cô giáo cho số điện thoại và địa chỉ của anh, và cô cũng đã nhờ con trai mình chăm sóc cho cô học trò cưng.
Thế rồi họ gặp nhau, những đồng cảm về ngôn ngữ, cách suy nghĩ, lại được sự ủng hộ hết mình của mẹ anh, tình yêu của họ đến thật dễ dàng. Đã 2 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Paris, Thu Thủy vẫn luôn vững tin rằng, đây quả thực là thành phố tình yêu.
Cùng dắt tay nhau vinh qui bái tổ
Cùng được học bổng toàn phần du học LB Nga, đến cùng một thành phố, học cùng một trường, cùng một ngành, một lớp, ở cùng một ký túc xá, có lẽ tình yêu của hai anh chị nghiên cứu sinh Trương Xuân Nam và Nguyễn Thị Lệ Huyền đã trở thành "kim chỉ nam" cho không ít cặp đôi của các du học sinh đang theo học tại thành phố Irkutsk (LB Nga).
Tình yêu đã giúp họ cùng nhau cố gắng học tập. Những khoảng thời gian dành cho việc hẹn hò được thay thế bằng thời gian họ cùng nhau làm việc trong phòng thí nghiệm, đọc sách, học thêm,... Địa điểm đi chơi của hai người cũng là thư viện, trường học,...
Sau 3 năm yêu nhau, kết thúc khóa học ở LB Nga, năm 2009, chàng trai Trương Xuân Nam đã đón cô gái Nguyễn Thị Lệ Huyền về làm dâu thành phố Cần Thơ. Cũng vào năm đó, 2 vợ chồng đã cùng nhau quay trở lại nước Nga, nơi bắt đầu tình yêu của họ, để học tiến sĩ. Và năm nay, họ sẽ cùng nhau bảo vệ luận văn tốt nghiệp vào tháng 11 tới, cùng trở thành hai tiến sĩ khi mới 28 tuổi.
Tình yêu đã giúp 2 người cố gắng học tập, và cùng trở thành tiến sĩ khi mới 28 tuổi
Yêu Tây, nên hay không?
Trước khi đi du học, mẹ vẫn nhắc con gái:"Sang đó đừng lấy Tây con nhé". Trong suy nghĩ của người Việt, yêu "Tây", yêu người nước ngoài là một điều hết sức khác thường, nhất là đối với con gái. Những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, suy nghĩ, quan điểm sống,... thường là lí do để cho những bậc cha mẹ, và ngay cả những chàng trai, cô gái trẻ tuổi e ngại với việc yêu "Tây".
Thế nhưng, cũng có không ít những "Oxford thương yêu" ngoài đời thực. Hoàng Hà (du học sinh Anh) quen bạn trai của mình trong một câu lạc bộ tình nguyện viên. Anh là người Anh chính gốc, rất vui vẻ, hòa đồng, và đặc biệt chú ý tới cô gái châu Á nhỏ nhắn với đôi mắt màu nâu kia. Rồi lấy lí do "kèm thêm tiếng Anh", giới thiệu văn hóa, chỉ đường, những buổi gặp mặt của cả hai tăng dần lên, cho đến một ngày anh thổ lộ đã lỡ yêu cô mất rồi.
Chưa biết bố mẹ ở Việt Nam sẽ phản ứng thế nào trước tình yêu của mình, nhưng hiện giờ, Hoàng Hà vẫn đang tin tưởng và hạnh phúc với tình cảm của mình. Hóa ra, yêu "Tây" cũng không khó khăn đến thế.
Tình yêu du học sinh: thật đẹp và ngọt ngào
Chúng ta vẫn thường nghe nói về tình yêu du học như: vì cô đơn nên phải yêu, đi du học yêu xả láng, tình du học thường không bền, các nữ du học sinh dù khó tính thế nào cũng không thể không yêu, vá víu như tình du học,...Tác giả mong rằng qua bài viết này, chúng ta hãy có một cái nhìn khác, tích cực hơn về tình yêu của các du học sinh.
Sự cô đơn và trống trải nơi đất khách luôn khiến cho cũng những bạn trẻ, và đặc biệt là các bạn gái, cần một chỗ dựa, cần một điểm tựa tinh thần là sự thực. Nhưng không phải vì thế mà tình yêu du học sinh chỉ có sống chung, lợi dụng lẫn nhau, dùng tình yêu và thể xác để lấp chỗ trống,...
Những khó khăn trong cuộc sống, sự thấu hiểu lẫn nhau, hoàn cảnh sống tương tự, ... đã khiến hai trái tim tìm đến nhau. Và chính những tình yêu đó đã giúp họ cùng nhau trong học tập, vượt qua khó khăn, chống chọi được với những cô đơn nơi xứ người. Dù những chuyện tình đó có đi được tới bước cuối cùng hay không, thì tình cảm của họ cũng là chân thật, cũng ngọt ngào, lãng mạn, đẹp và đáng được trân trọng như bất cứ một tình yêu nào.
Ngân Giang
Theo dân trí
Olympia 11: Chơi vui vẻ hay 'một mất một còn'? Cùng về Hà Nội với tâm lí coi đây như "cuộc dạo chơi vui vẻ" nên Ngọc Oanh, Ngọc Huy và Bạch Nhật nói tất cả đều hoàn toàn thoải mái trước buổi thi chung kết. Còn với Bảo Lộc: "thà chiến thắng hoặc ra về không được gì". Sáng 17/6, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với 4 thí sinh xuất sắc...